Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 tại làng Long Ðại, đất Gò Công, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc quận Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh.
Lê Văn Gẫm còn có tên là Lê Văn Bôi, sinh trưởng trong một gia đình 6 người con, ông là con đầu lòng, cha mẹ là người Công giáo sốt sắng, mẹ ông sống tới 90 tuổi, đã là nhân chứng cho cuộc điều tra phong Chân Phước cho con (tháng 5, 1900, Ðức Lêô XIII).
Khi còn nhỏ siêng năng đi học kinh với chúng bạn và được bầu làm trưởng đoàn, ở nhà thì giúp cha mẹ, bốn em trai và em gái. Khi lên 15 tuổi, ngài vào Chủng Viện Lái Thiêu, nhưng vì hoàn cảnh cha mẹ già yếu, em nhỏ không có người săn sóc nên buộc lòng phải rời bỏ Chủng viện để phụ giúp gia đình. Ít năm sau, Cha mẹ lo đôi bạn cho ông với người Công giáo đạo hạnh. Sau khi thành hôn, ông về sống bên quê vợ tại họ Thành cũng thuộc Long Ðiền. Vợ chồng thương yêu nhau và sinh được 4 người con đều giữ đạo đàng hoàng mà hai trong số này cũng sẽ được lãnh phúc tử đạo: con đầu lòng chết bệnh; con thứ hai bị chém lúc quân vô đạo kéo tới đốt nhà thờ Cầu Ngang; con thứ ba bị bắt vì đạo, bị thích chữ “Tả Ðạo” vào mặt rồi bị thiêu trong khám đường Bà Rịa năm 1862.
Ông Lê Văn Gẫm rất hiếu thảo với cha mẹ, luôn thăm viếng giúp đỡ cha mẹ trong tuổi già. Nhưng ông cũng không thoát khỏi sự yếu đuối của xác thịt. Ðã một lần ông sa ngã, thất tín với vợ, nhưng rồi sớm tỉnh ngộ, ăn năn hối cải và tìm cách đền tội lập công. Sau đó, ông đã tự nguyện giúp vào việc nhà chung và săn sóc các linh mục như việc đền bù lỗi lầm mình phạm.
Vốn là một thương gia (thời đó gọi là lái buôn) quen việc tàu thuyền hàng hải, lại lòng đầy nhiệt huyết phục vụ việc đạo. Cha Lợi coi xứ Bà Rịa thấy ông Gẫm khỏe mạnh, thông thạo buôn bán và việc đi biển, liền cậy nhờ ông lo việc cho cả địa phận nữa.
Theo lệnh bề trên, Cha Lợi xuất tiền đóng tầu nhờ ông Gẫm chỉ huy sang Singapore để đón các thừa sai và các chú học ở trường Penang. Chuyến đầu ông đi trót lọt, nhưng sau đó tiếng đồn ông sang Singapore lan rộng. Vì Cha Lợi ép nhiều lần nên ông đánh liều nhận lời đi nữa. Ông liền về nhà chào từ giã cha mẹ như là lần cuối, riêng với mẹ già ông Gẫm đã nói rõ những khó khăn và ý chí sắt son phục vụ giáo hội Chúa: "Con nghĩ chuyến này không tránh khỏi nạn vì thiên hạ đồn Lái Gẫm đi Hạ Châu. Có lẽ con phải chết song không hề chi, con sẵn lòng chịu chết vì Chúa".
Ngày 23-5-1846, thuyền nhổ neo rời Singapore chở Ðức Cha Lefèbvre và cha Duclos cùng ba chủng sinh về Sài Gòn. Ngày 6-6, thuyền tới cửa Cần Giờ và theo dự tính sẽ có thuyền tam bản ra đón các đấng. Vì thuyền về trễ, mất liên lạc, nên tối hôm sau, ngài đã đánh liều kéo buồm đưa thuyền vào bờ. Việc bị bại lộ, quân tuần tiễu ập tới khám xét và tất cả cùng bị bắt, riêng ngài bị đóng gông và bị tống ngục.
Bị tra tấn khảo của và dụ dỗ bỏ đạo, nhưng ông can đảm tuyên xưng đức tin Công giáo, thà chết chứ không bỏ đạo.
"Ðạo tôi là đạo ông cha truyền lại tôi không thể bỏ được, tôi sợ phạm tội bất hiếu".
Ông Gẫm vui vẻ vì được chịu đòn và nói với các bạn cùng bị bắt: "Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban thêm sức để được vững lòng chịu mọi sự khó. Dầu cho quan có hạch hỏi thế nào, đừng có ai nói lời gì mà làm khốn khổ đến kẻ khác. Hễ mũi dại thì lái chịu đòn, bất cứ điều gì anh em cứ đổ tội cho tôi là xong."
Ông bị đòn đau quá thì nói với quan:
"Quan lớn cho đánh tôi đau như thế này sợ rằng đau quá tôi phải khai là tôi chở mấy thừa sai về đây cho các quan đó".
Nghe vậy quan càng giận hơn nữa nên ra lệnh đánh đập ông cho hả cơn tức. Sau đó quan lại dụ dỗ ông bước qua thập giá lính vừa vẽ xuống đất:
"Ông quá khóa đi rồi tôi làm án nhẹ cho".
"Tôi không bao giờ chịu bỏ đạo".
Bị tra tấn dữ dằn, lại phải khổ sở mang gông cùm, ông Gẫm không ca thán mà vẫn vui lòng luôn. Ông thường nói:
"Chúa định như vậy, xin vâng theo ý Chúa".
Với các bạn cùng bị bắt ông khuyên họ:
"Anh em đừng có năn nỉ điều gì. Dầu sống dầu chết thì cũng là vì Chúa, nếu chết vì đạo là phần tốt nhất".
Một lần Cha Phan Văn Minh đi qua Sài Gòn ghé vào nhà tù thăm ông, và khuyên ông đừng lo chi đến vợ con, đã có địa phận lo. Ông Gẫm cười nói:
"Thưa cha, con sẵn lòng chịu mọi sự khó theo ý Chúa. Con không lo lắng về vợ con hay cửa nhà gì cả…."
Ít lâu sau bà mẹ cũng lẻn trốn xuống thăm con vừa khuyên vừa khóc lóc. Ông Gẫm nói với mẹ:
"Mẹ đừng có khóc làm gì, được chịu chết vì đạo con lấy làm vui sướng lắm. Con không dám bỏ đạo đâu. Mẹ cũng đừng lo điều gì cho con, chỉ xin mẹ cầu nguyện. Còn con thơ con sẽ xin giáo hội giúp đỡ. Trước sau cũng chết, chẳng lẽ con cứ lột xác sống mãi ở đời này ru? Con chịu chết vì đạo là ơn phúc trọng vô cùng".
Sau này chính bà mẹ đã trả lời cho linh mục điều tra án phong thánh như sau: "Hai vợ chồng chúng con nghe con chịu chết thì không có phàn nàn, trái lại vui mừng nữa vì con chết như vậy được làm thánh".
Có lần ông ký lục Ngạn cũng vào tù thăm ông Gẫm, thấy ông vui vẻ thì nói: "Ông Gẫm này, ông bị kết án mà sao vẫn vui vẻ làm vậy, không sợ gì sao?"
Ông Gẫm cười nói:
"Cám ơn quan, tôi có phải là trộm cướp gì mà sợ mà buồn. Tôi được chết vì đạo là một phước lớn".
Bản án dành cho ông như sau: “Lê Văn Bôi – tức lái Gẫm – đã lỗi luật nước vì theo tả đạo, vì buôn bán với người ngoại quốc, và đem Tây Dương Ðạo Trưởng vào nước, nó không chịu quá khóa (bước qua Thánh Giá), nó không chịu hối cải, vì vậy qua sang năm, nó sẽ bị xử trảm, chiếu theo đạo dụ của Hoàng đế”.
Các quan tỉnh Gia Ðịnh được lệnh, liền ấn định ngày đem xử. Mấy ngày trước khi chịu xử, ông Gẫm lo buồn vì tội xưa của ông, ông than thở với Chúa: "Lạy Chúa, hình phạt con phải chịu đây vẫn chưa đủ để đền tội lỗi của con". Ông cũng viết thơ cho Thừa Sai Miche, sau làm giám mục, như sau:
“Từ ngày bị bắt con chẳng trông mong gì hơn vì đời này chóng qua mà ở trên trời mới được sung sướng đời đời, nên con chỉ ước ao một sự mà thôi là làm cho sáng danh Chúa. Những ngày còn ở trong tù thật là những ngày vui mừng. Con không buồn rầu lo lắng gì vợ con, cha mẹ hay anh em. Ý Chúa đã định làm vậy thì con vui lòng cúi đầu tuân phục, ngõ hầu được xứng đáng làm con cái thảo hiền của Chúa. Phải chiến thắng trận dưới đất này thì mới được phần thưởng vô cùng trên thiên đàng.”
Vua Triệu Trị đã phê án tử hình cho ngài, nên ngày 11-5-1847, ngài đã hiên ngang tới pháp trường gần chợ “Da Còm”, thuộc khu vực Chợ Ðũi để chịu xử trảm, lãnh nhận triều thiên tử đạo và vinh quang của chúa phục sinh. Mặc dù ở trong tù ông đã xưng tội nhiều lần, nhưng thấy có linh mục lẩn trong đám đông dân chúng đứng xem. Ngài cúi đầu làm dấu, lãnh phép giải tội lần cuối cùng. Tại chỗ pháp trường, quan cố dụ dỗ Ngài lần chót, Ngài dõng dạt tâu thưa: “Tôi là người có đạo Gia Tô. Tôi đã giữ đạo này từ hồi còn thơ ấu, tôi không bao giờ bỏ đạo được, dù tôi phải chết cũng không sợ. Xin quan cứ đem tôi đi xử!”
Nói đoạn, Ngài quỳ gối xuống cầu nguyện và giơ cổ ra. Tiếng chiêng trống vừa dứt, đông đảo người đi xem xúc động òa khóc, viên đao phủ dường như mất bình tĩnh, nên đã vung dao chém đến ba nhát, đầu vị tử đạo mới rời khỏi cổ.
Xác vị anh hùng tử đạo được đưa về họ Chợ Quán.
Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng Chân phước ngày 27-5-1900.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.
Ðức Cha Lefebvre là người được ông Gẫm sang đón về đã viết tường thuật về cuộc sống đạo của của Lái Gẫm như sau:
"Matthêô Gẫm, 34 tuổi, cha mẹ theo đạo Công Giáo, ở tỉnh Biên Hòa. Ông có đời sống gương mẫu và trong hai năm dấn thân làm việc cho giáo hội, lòng nhiệt thành của ông tăng gấp bội".
Thế mới biết Thánh nhân cực tốt dường bao.
Views: 0