1- Do Thái giáo thuở xưa và Công giáo Việt Nam hôm nay
Có những nét tương đồng về mặt tôn giáo và chính trị thời kỳ Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse ở Nazareth với Giáo hội và đất nước Việt Nam hiện nay.Cho nên, để hiểu thánh Giuse và sống mẫu gương của ngài, chúng tôi điểm qua tình hình tôn giáo và chính trị thời kỳ gia đình Thánh Gia ở Nazareth và Giáo hội Việt Nam trong bối cảnh của đất nước Việt Nam hiện nay.
Chúa Giêsu bị Hêrôđê truy sát, nên thánh Giuse nghe lời thiên sứ báo phải mang Giêsu và Mẹ của Người sang Ai cập lánh nạn một thời gian.
Đối với Việt Nam, những người lãnh đạo đất nước cũng từng có những hành động kỳ thị, vu cáo và cầm tù Giám mục, Linh mục và giáo dân. Có vị đã không trở về với Giáo hội mà phải bỏ xác nơi trại tù.Có vị phải ra nước ngoài .
Có khác biệt giữa Hêrôđê và những người cầm quyền ở Việt Nam. Với Hêrôđê, Chúa Giêsu, “Vua Israel” là một con người đe dọa đến ngai vàng của ông, nên ông hạ lệnh truy sát Người. Nhưng, Hêrôđê đã không giết chết được Hài Nhi Giêsu, thì dân Israel lại không nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là đấng Mêssia. Ngay tại quê nhà của mình, Chúa Giêsu còn bị những người đồng hương xua đuổi. Họ đem Người lên đỉnh núi để xô Người xuống vực (Lc 4, 29).Còn đối với Cộng sản VN, Giáo hội Công giáo là một đối thủ đáng sợ nhất. Có bao nhiêu Giám mục, bao nhiêu Linh mục và bao nhiêu giáo dân là có bấy nhiêu nỗi lo sợ, giết được người này lại nảy ra một ông khác. Cho nên họ phải dùng thủ thuật tinh vi, trăm mưu ngàn kế để “nắm” được các Giám mục. Các Giám mục và Linh mục chỉ có thể “thắng” các kế độc của Cộng sản một khi các ngài tâm niệm hằng ngày rằng :từ ngày tôi bước lên bàn thánh tế lễ là kể từ đây tôi đã “chết” cho Chúa. Nếu không được như vậy, thì xin làm một người chân thật :
-Con ơi
-Trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật
-Mẹ ơi, chân thật là gì ?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
(Trich bài thơ “ Lời mẹ dặn”của Phùng Quán, trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Tủ sách Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa xb, Sàigòn 1959, tr 120)
Cách đây đã khá lâu, trên tờ CGvDT, một linh mục có tầm cỡ về tri thức và cấp bậc cao trong một dòng tu, viết bài : “Linh mục cũng là người”, để dư luận trong giáo dân bớt hoặc không nên bàn tán đến linh mục này linh mục kia mất phẩm chất của mình. Lý luận cách nào, cao siêu đến mấy đi nữa thì chỉ đọc cái tên bài, người ta cũng thấy tác giả không còn nhớ gì đến những điều kiện làm môn đệ của Chúa :(x Mt 10, 37-39; 17, 24-26). Chúa Giêsu rất đơn sơ, giản dị và dễ gần, trong khi một số lớn Giám mục và Linh mục thí quá cầu kỳ, làm cho vấn đề theo Chúa trở nên phức tạp, rắc rối, khó khăn.
Về mặt tôn giáo, thời kỳ Chúa Giêsu ở Nazareth, có mấy nhóm người xuất hiện trong sách Tin Mừng. Đó là nhóm Sa-đốc, gồm hàng giáo phẩm cao cấp tại Giêrusalem và những địa chủ giàu có. Họ bảo thủ về tôn giáo và bắt tay với đế quốc để bảo vệ quyền lợi. Nhóm thứ hai là Biệt phái (còn gọi là Pharisêu). Nhóm này cùng với nhóm luật sĩ Do Thái làm thành nhóm “đạo đức”. Họ tin vào sự sống lại và sống cuộc đời đạo đức phức tạp, bị coi là đạo đức giả.. Ba là nhóm Thu thuế, gồm cac nhân viên hành chánh và thuế quan người bản xứ trong bộ máy cai trị của Đế quốc La Mã. Bốn là nhóm Esséniens, sống chung như các tu sĩ, xa lánh và khinh bỉ nhóm Biệt phái và nhóm Sa-đốc Riêng nhóm thứ bốn này không thấy nói đến trong các sách Tin Mừng.(x. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, của Tiến sĩ Trần Thái Đỉnh, Cơ sở Văn Hóa Hy Vọng xuất bản, năm 2000, tr.12).
Còn Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay, nếu tính cả những cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở hải ngọai, người ta sẽ thấy sự phân hóa, mâu thuẫn rất nặng nề. Nó xảy ra từ nội bộ các Giám mục, Linh mục và giáo dân. Nặng nề và hầu như không thể giải quyết là từ lập trường chính trị. Có người theo Nhà nước Cộng sản, có người thỏa hiệp tham gia Mặt trận Tổ quốc, tham gia UBĐKCG, nhằm có chỗ dựa, mà điều này thì rõ ràng Tòa thánh có ngăn cấm từ lâu rồi .Nhưng một số người vẫn không tôn trọng. Còn lại đa số không theo các xu hướng trên, nhưng lại theo lập trường trung dung, nghĩa là “thích ứng” để dễ sống với “xã hội”. Chẳng có bao nhiêu cho Thầy Giêsu Nazareth ! Còn giáo dân, cũng một phần ngả theo khuynh hướng của Giám mục này, Linh mục nọ rất tự nhiên. Còn lại bao nhiêu phần trăm, chúng tôi đã nói đến một cách sơ lược trong bài trước đây. Đó là “những mái đầu xanh trong thánh đường”. Cũng may là họ còn niềm tin vào Chúa..Họ không phải là số ít. Họ bỏ ngoài tai các vấn đề đang gây nhức nhối trong Giáo hội, như Giáo hội với Nhà nước, Nhà nước với các cộng đoàn tu trì, liên quan đến các cơ sở bị chiếm đoạt.Đấy là chuyện bên ngoài giáo xứ, không can dự, không ảnh hưởng đến đời sống đạo của họ. Mà ngay chuyện xảy ra tại giáo xứ của họ giữa Linh mục chính xứ và một số thành viên trong HĐMVGX, (hầu như giáo xứ nào cũng có tình trạng này, mâu thuẫn lớn hay nhỏ mà thôi) họ cũng không quan tâm. Họ thinh lặng hoàn toàn như không hề xảy ra chuyện gì hết, tuy rằng các việc đạo đức hay các sinh họat trong giáo xứ, phục vụ nhà thờ, họ vẫn tích cực tham gia.Việc đạo thì thế, còn các việc thuộc về bổn phận công dân, như chuyện bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu nhân dân các cấp địa phương v.v…,họ cũng dửng dưng. Hết sức dửng dưng đến vô cảm như nhiều cây bút từng phục vụ chế độ nhận xét về lối sống hiện nay của người dân Việt Nam nói chung.Đấy là lối sống thu nhỏ con người của mình lại, có mặt mà như không có mặt.Người ta bảo đấy là hậu quả của chính sách cai trị của Đảng CSVN từ nhiều thập niên qua, người dân không còn tiếng nói, không còn quyền tự chủ. Người Công giáo Việt Nam cũng không ngọai lệ.Nói cách chung chung thì như vậy, song có những chuyện xảy ra trong Giáo hội, giáo xứ và đất nước phức tạp quá, đau xót quá. Mà lên tiếng thì nói với ai ! Người nào phát biểu thì bị gán cho là “người nhiều chuyện”. Mặt xã hội thì bị khủng bố, vào “sổ đen”.Ở Tân Bình, có hai cha xứ bị “kẻ lạ” vào phòng “hỏi thăm”, rồi dí súng vào người cha, bắt nộp tiền. Hẳn là chúng biết các ngài có tiền. Mà chúng là ai ? Cả hai vị đều tham gia vào chính trị. Một vị là Đại biểu Hội đồng Nhân dân địa phương, còn vị kia là cán bộ MTTQ quận.
Cái nhìn của chúng tôi trên đây có vẻ bi quan và tiêu cực, trong khi về mặt thực tế Giáo hội đã và đang có những chương trình lớn, từ việc huấn luyện, đào tạo nhân sự cho Giáo hội, như Linh mục, Tu sĩ mà còn cả giáo dân, những người họat động trong các Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.Họ sẽ được học hỏi thêm về văn hóa, thần học, tu đức, Kinh thánh và cách quản trị giáo xứ… Việc gửi tu sĩ ra ngoài phục vụ cho công việc truyền giáo, từ Mông Cổ, Lào, Campuchia tới các nước Châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh v.v… cũng đang được thực hiện từ các Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng. Đây chỉ là một vài chương trình họat động của Giáo hội chúng tôi biết được, chắc chắn sẽ còn những dự kiến trong việc loan báo Tin Mừng không chỉ trong phạm vi đất nước Việt Nam, gồm cả các dân tộc thiểu số ở các vùng cao mà còn các nước trong khu vực. Việc xây dựng lại Trung tâm Công giáo có 8 tầng lầu ở đường Trần Quốc Toản, quận 3,với một kinh phí khoảng 60 tỷ đồng là một chứng minh cho một chương trình hành động rất lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong tương lai gần.
Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ phát triển, sẽ lớn mạnh vì được ưu đãi trong thời kỳ Cộng sản, sau chiến tranh 1955-1975 và sau 20 năm đất nước đi vào thị trường tự do, theo xu hướng tòan cầu hóa ! Hãy vui mừng và hy vọng, nhưng cũng hảy ưu sầu !
Để thực hiện được những chương trình như trên, hàng Giáo phẩm Việt Nam đã phải “mất” đi cái gì, phải thỏa hiệp những gì ?! Chúng tôi nghe nói từ một trung gian quyền thế giữa Giáo hội với Nhà nước, Đức Hồng Y Tổng giáo phận Sàigòn mấy năm trước đã nói về lá cờ vàng ba sọc đỏ hàm ý lọai bỏ, sau đó Tiểu chủng viện Sàigòn được trả lại. Đó là cách “trao đổi” ? Nhưng trả lại cơ sở này mà những gã “Chí Phèo” ở Tp. HCM còn để lại một khúc xương, ném cho Tòa TGM giải quyết, đó là hơn 50 gia đình cán bộ còn ở lại, phía đường Nguyễn Du, chiếm một diện tích cả mấy ngàn mét vuông đất. Có thỏa hiệp là có cái để “được”, nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ “thua” hay “mất” rất lớn. Mất về phương diện tinh thần và lịch sử. Công giáo Việt Nam lại một lần nữa làm cớ cho những người viết sử sau này phê phán. Lần thứ nhất là với người Pháp, đến nay vẫn chưa giải tỏa được bao nhiêu nỗi hàm oan này với đồng bào ngoài đạo.
2- Thánh Giuse sống Lời Chúa và sống Thinh lặng
Sách Tin Mừng không ghi một lời nói nào của Giuse.Ngài hoàn toàn thinh lặng, ngay cả trong lúc cấp bách và khó xử nhất, như khi thiên sứ báo mộng cho ông : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 2, 20-21) Rồi sau khi Hài Nhi Giêsu chào đời, thiên sứ lại báo mộng cho Giuse lần thứ hai, một cách khẩn trương : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.”(Mt 2, 13-14).
Hai đoạn văn này rất hay về cách dùng từ, rõ ràng và cụ thể, dẫn Giuse từ bước đầu có thể là sửng sốt hay ngỡ ngàng, khi thiên sứ báo mộng, cho đến lúc ông làm chủ bản thân, nhận ra lời thiên sứ là một lệnh truyền của Thiên Chúa và rồi ông lặng lẽ thi hành Vì chắc chắn Giuse cũng đã đọc và suy gẫm lời tiên tri Isaia : “Hỡi nhà Đavít, hãy nghe đây : Thiên Chúa sẽ cho các ngươi một dấu chỉ :một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai. Tên của Người sẽ là Emmanuel”.(Is 7, 13-14). Lần thứ hai là việc kiểm tra dân số lần đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. “Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazareth, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.” (Lc 2, 2- 4).
Cho nên, Giuse đã sớm nhận ra sứ mạng làm “chồng” của cô Maria và sứ mạng làm người cha nuôi Chúa Giêsu. Nhận thức này đã khiến Giuse mau mắn thi hành lời của Thiên Chúa qua sứ giả của Chúa. Vì vậy, Maria và Giuse là hai con người duy nhất trong nhân lọai được Thiên Chúa tuyển chọn để đóng góp một cách tích cực và vâng lời tuyệt đối vào công trình cứu chuộc loài người và thực thi giao ước trong vai trò làm mẹ và làm cha đấng Cứu thế.
Francoise Dolto : Nhà Phân tâm học Công giáo, người Pháp (1909-1988), dùng phương pháp phân tâm học để đọc Tin Mừng. Bà đã viết về Đức Maria và thánh Giuse dưới hình thức đối thọai, khi thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ sẽ thụ thai và hạ sinh đấng Cứu thế. Còn Giuse thì thiên sứ báo mộng trong hai trường hợp : đón Maria về nhà mình và mang Hài Nhi Giêsu và mẹ Người qua Ai-cập. Bà viết :
Gérard Sévérin : “ Đức Maria và thánh Giuse đối với chúng ta vừa là những con người bằng xương bằng thịt, vừa là những biểu tượng, tôi muốn nói là những mẫu gương.
Fr. Dolto : “Chính xác. Đức Maria là biểu tượng cho sự tiếp nhận hoàn toàn đối với Thiên Chúa, ở trong tình trạng thức tỉnh. Và Giuse là biểu tượng của sự tiếp nhận hoàn toàn đối với Thiên Chúa ở tình trạng ngái ngủ…Có lẽ đây là một ví dụ liên quan đến sự sẵn sàng ý thức và vô thức, không lời, nhưng lắng nghe Thiên Chúa.
Giuse là một gương mẫu lạ lùng, vì ông chấp nhận nuôi đứa con ấy, ngay cả trong cái vô thức của mình.” (x. Gia đình trong Tin Mừng của Francoise Dolto, Du Seuil xuất bản. Bản Việt ngữ tr.31. Không ghi dịch giả.).
Chúng tôi không có bản Pháp ngữ cuốn sách trên, nguyên tác là: “L’Evangile au risque de la psychanalyse”, nên không đối chiếu giữa bản Pháp ngữ và Việt ngữ liên quan đến từ mà dịch giả nào đó đã dùng, với Mẹ Maria là “thức tỉnh”,(có lẽ người dịch muốn nói đến việc lúc Thiên sứ đến truyền tin thì Đức Mẹ đang trong tình trạng thức, chứ không ngủ). Còn với thánh Giuse thì dùng “ngái ngủ” (ý của người dịch là Giuse đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê).Chúng tôi muốn nói đến cách tiếp nhận lời Chúa qua thiên sứ của Mẹ Maria và thánh Giuse, không phải là “thức tỉnh” đối với Mẹ Maria và cũng không phải là “ngái ngủ” đối với Giuse.Vì điều này làm giảm thiểu tính cách tiền định của Mẹ Maria và thánh Giuse. Hai từ này xét về mặt ngôn ngữ phân tâm học, theo chúng tôi, cũng không chuẩn lắm. Cả Mẹ Maria và thánh Giuse, hoàn toàn ý thức vai trò làm mẹ và làm cha của Chúa Giêsu. Bởi vì, tất cả đều đã được nói đến trong Cựu ước.Mà trinh nữ Maria cũng như Giuse, người sống cuộc đời công chính, chắc chắn cũng đã đọc và suy gẫm những đọan kinh thánh này. Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một người nữ làm mẹ đấng Cứu thế và một người nam làm cha nuôi.Thiên Chúa nói với Giuse trong giấc ngủ chỉ là một cách hành động của Chúa, khác với cách hành động của loài người. Nhưng không vì thế mà giảm trừ tính cách tiền định của thánh Giuse trong đáp trả vâng phục.
Thánh Giuse đã “hành động vô ngôn”. Ngài sống và thi hành lời Chúa trong thinh lặng tuyệt đối, ngay cả trong dịp lên Đền thờ.Khi nhận ra Chúa Giêsu không có mặt trong hàng ngũ thân thích họ hàng trở về từ Đền thờ, hai ông bà quay trở lại Đền thờ tìm, và khi tìm thấy Chúa Giêsu, thì chỉ có Mẹ Maria nói với Người mà thôi.Thánh Giuse vẫn một mực im lặng. Ngài biết Chúa Giêsu là ai và bản thân ngài là ai chứ, để mà có cách hành xử như vậy. Đó là một mẫu gương sáng ngời về lòng tin và lòng tôn kính của một thụ tạo đối với Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Khải Triều
(Ngày 28/3/2011)
Views: 0