Thánh Giuse là một “người công chính” (Mt 1:19). Nhưng làm gì để được gọi là công chính? Và đây là điều đã gây nhiều ngạc nhiên cũng như thắc mắc mỗi khi suy nghĩ đến nhân vật thứ 1 trong gia đình Nazareth.
Dưới ánh mắt tâm linh, thì trong gia đình Nazareth Giêsu phải được coi là cao trọng, và đặc biệt nhất vì Ngài là Thiên Chúa, và là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Thứ đến là Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại. Sau cùng mới đến Giuse, dưỡng phụ củƯa Chúa Giêsu, và chồng đồng trinh của Maria.
Tuy nhiên, vì gia đình Nazareth là một thể chế của xã hội, mang tính chất xã hội, nên vai trò của Giuse vẫn phải được tôn trọng ở vị trí nhất. Và trong chỗ đứng đặc biệt ấy, sự im lặng mà Thánh Kinh dành cho ngài lại càng khiến chúng ta phải để tâm suy nghĩ và học hỏi.
Thật vậy, trong Tin Mừng Nhất Lãm cũng như Tin Mừng của Thánh Gioan, các Thánh Ký không ghi lại một lời nói nào của con người đặc biệt ấy. Từ trình thuật về biến cố Truyền Tin, biến cố Giáng Sinh Ngôi Lời Nhập Thể, biến cố dâng tiến Giêsu trong Ðền Thờ Giêrusalem, Ba Nhà Ðạo Sỹ thăm viếng, và nhất là biến cố di tản qua Ai Cập và từ Ai Cập trở lại quê hương, cũng như sau này khi cùng với gia đình trẩy hội Giêrusalem, không thấy ghi lại một lời nào của Giuse. Ngược lại, các Thánh Ký chỉ ghi lại những gì Giuse đã làm. Thí dụ, đón nhận Ðức Maria, vâng lệnh hoàng đế Augustô đem Maria về Belem ghi danh, đem Ðức Maria tạm trú trong một chuồng chiên bò. Rồi cắt bì và đặt tên cho Giêsu, cùng với gia đình trốn qua Ai Cập, hồi hương, và xuất hiện lần sau cùng trong biến cố lạc mất trẻ Giêsu.
Là một gia trưởng, một người chồng, một người cha, trong sinh hoạt thường ngày đối với vợ con, đối với xóm làng; đặc biệt, trong lãnh vực nghề nghiệp, chắc chắn Thánh Giuse đã nói và phải nói. Hẳn là ngài cũng đã có những câu nói chơi, khôi hài với Ðức Maria và trẻ Giêsu. Cũng sai bảo, chỉ vẽ, và tâm sự với Ðức Maria, và với Giêsu chuyện này chuyện khác. Và trong cái hiện tại rất nhân bản ấy, rất tình người ấy nếu con người ngày nay có được một dụng cụ thu lại được những lời nói ấy, chắc chắn chúng ta sẽ có được một tài liệu vô cùng phong phú và quí giá về những gì mà Thánh Giuse đã nói trong gia đình Nazareth.
Riêng về Ðức Maria, người mà Tổng Thần Gabirel đã phải cúi mình chào kính: “Hãy vui lên, trinh nữ đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ. Trinh nữ có phúc hơn mọi phụ nữ” (Luc 1:28), cũng chỉ được các Thánh Ký ghi lại vài câu nói: “Này con? Sao con làm như vậy cho cha và mẹ. Này! Cha con và mẹ đang đau khổ tìm con “Luc 2:48), và “Ngài bảo gì hãy làm như vậy” (Gio 2:5). Những quan trọng hơn là lời mà Mẹ với lòng biết ơn Thiên Chúa, ca lên trọng ca khúc Ngợi Khen “Magnificat” trong lúc đến thăm chị họ Isave (xem Luc 1: 46-55). Nhưng về phần Thánh Giuse thì hoàn toàn im lặng!!! Như vậy sự im lặng mà Thánh Kinh dành cho Thánh Giuse phải có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, và ý nghĩa ấy còng mang một thông điệp cứu rỗi nữa.
Giuse không phải là một ngôn sứ:
Thánh Giuse rõ ràng là một vai chính trong vở tuồng Cứu Ðộ mà Thiên Chúa đã mời gọi và đặt định. Ngài mời gọi Giuse chứ không phải Giuse tự ý nhận vai trò này. Thánh Kinh đã nhắc đến điều này khi diễn lại cảnh ngài bối rối và lo lắng. Ngài thật sự không biết phải xử trí ra sao trước những gì mà ngài đang thấy: Người hôn thê của mình đã có thai?! Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp và đã tuyển chọn Giuse vào vai trò mà Ngài đã muốn sắm sẵn. Và Thánh Kinh đã ghi nhận: “Giuse chỗi dậy làm như lời sứ thần đã truyền và đón nhận Maria về nhà làm vợ mình ” (Mat 1:24). Như vậy là Thánh Giuse đã chấp nhận, và tự ý đón nhận vai trò mà Chúa đã muốn ngài đóng.
Nhưng vai trò ấy không phải là ngôn sứ hay rao giảng. Không giống như Gioan Tiền Hô, hay bất cứ một ngôn sứ nào. Và cũng không giống như Trinh Nữ Maria, vai trò của Thánh Giuse chỉ duy nhất là gia trưởng, là chồng, và là cha. Do đó, không cần phải xuất hiện nhiều nơi quần chúng và cũng không cần phải nói nhiều. Ngôn sứ trong Mầu Nhiệm Cứu Ðộ chính là Chúa Giêsu, vừa là Cứu Chúa, vừa là Ngôn Sứ. Lời Ngài cần phải được đón nghe và thực hành, bởi vì tất cả những lời ấy là “lời hằng sống”, như Phêrô đã tuyên nhận: “Thầy có những lời ban sự sống đời đời” (Gio 6:68).
Vì thế, nếu Giuse nói nhiều, và những lời ngài được ghi lại e rằng những lời ấy sẽ làm lu mờ hoặc ảnh hưởng đến những lời ban sự sống là chính Chúa Giêsu và của Chúa Giêsu.
Giuse ít nói làm nhiều:
Và như vậy, Thánh Giuse đã hoàn tất sứ mạng và ơn gọi mình một cách tuyệt vời như lời Thánh Kinh đã ghi nhận: “Giuse là kẻ công chính” (Mat 1:19). Công chính trong lời ăn tiếng nói. Công chính trong việc chu toàn trách nhiệm được trao phó.
Chúng ta thử hỏi, nếu Thánh Giuse nhiều lời, hoặc như những người làm chồng, làm cha khác, hẳn là Thiên Chúa đã không giao phó Ðức Mẹ và Chúa Giêsu cho ngài coi sóc. Và nếu Thánh Giuse không nghiêm chỉnh trong lời an, tiếng nói. Không phải là người biết kìm hãm miệng lưỡi, chắc chắn trong những giao tế thường ngày trong gia đình cũng như trong nghề nghiệp, ngài đã gặp những phản ứng tiêu cực liền. Hơn thế nữa, những lời nói và hành động của ngài còn ảnh hưởng đến cả công cuộc Cứu Chuộc của Chúa Giêsu sau này. Chính vì Thánh Giuse biết tự kìm hãm miệng lưỡi, biết nói những lời tốt lành mà người Do Thái đương thời muốn bới móc về gia thế của Chúa Giêsu cũng không tìm ra được khuyết điểm nào, ngoại trừ nói ngài là con ông thợ mộc: “Ðây chẳng phải là con bác phó mộc sao?” (Mat 13:55).
Giá trị sự im lặng của Thánh Giuse:
Ðọc kỹ Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng trong cái im lặng của Thánh Giuse mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Vì nó không phải là sự im lặng miễn cưỡng, tiêu cực, nhưng đó là một sự im lặng gắn liền trong suy nguyện và tìm hiểu để sống lời Thiên Chúa. Chúng ta có thể khẳng định điều này, là con người, Chúa Giêsu hẳn đã ảnh hưởng nhiều ở cha mẹ Ngài, và những lời Ngài nói ra phần nào phảng phất những gì mà Ngài đã nghe thấy và đã cảm nhận nơi cha mẹ của mình. Bởi vì Chúa Giêsu đã sống trong nhà Nazareth đến 30 tuổi. Một thời gian dài để cho một em bé, một trẻ vị thành niên và một thanh niên lớn lên và trưởng thành. Và trong cái trưởng thành ấÔy, Chúa Giêsu đã học được và bắt chước cha đồng trinh của mình.
Nhân đức “im lặng” của Thánh Giuse quả thật không dễ bắt chước, và càng không dễ thực hành. Nó phải được tập luyện, và phát triển từ từ theo trình độ công chính của ngài. Chúng ta thấy Thánh Ký ghi nhận sự im lặng ấy bị thử thách một cách từ từ, có lẽ theo mức độ trưởng thành và công chính của Thánh Giuse.
Thật vậy, chúng ta không biết nhiều về Giuse ở tuổi niên thiếu, nhưng khi bước vào đời sống gia đình thì sự im lặng của ngài bị thử thách ngay ở biến cố Truyền Tin. Im lặng. Suy nghĩ. Và tìm hiểu Thánh Ý Thiên Chúa. Ðây là một sự im lặng mà có lẽ hầu hết những người đàn ông, những hôn phu đã không thể thực hiện cách thánh thiện như Thánh Giuse, nếu bị đặt mình vào hoàn cảnh như ngài.
Tiếp đến là biến cố Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế. Một hoàn cảnh nghiệt ngã không lời giải thích cho vai trò gia trưởng và vai trò làm chồng của Thánh Cả. Ai có thể hiểu nổi cái nhục nhã, cái bất lực và nhất là sự giằn vặt trong tâm tư của Thánh Giuse khi nhìn thấy bạn mình, vợ mình, và đứa con đầu lòng được sinh ra trong hoàn cảnh như thế. Ở đây nhân đức im lặng của Thánh Giuse đang từ từ tiến tới công chính hơn, thánh thiện hơn. Nhưng có lẽ nhân đức này đạt tới mức tuyệt vời là khi Thánh Giuse đưa Mẹ Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập, cũng như sau này từ Ai Cập trở về quê hương. Tuyệt vời! Một sự im lặng rất tuyệt vời. Nó tuyệt vời ở chỗ tuy không nói, không nhiều lời nhưng công việc được trao phó, được đòi hỏi đã được chu toàn một cách trọn vẹ. Và sau cùng hào quang sáng chói của nhân đức im lặng được chiếu tỏa khi biến cố Lạc Mất và Tìm Thấy trẻ Giêsu trong Ðền Thờ. Tuyệt vời! Quá sức tuyệt vời! Một sự tuyệt vời mà con người phàm trần không mấy ai đạt tới. Và cũng từ đó, hình ảnh Giuse đã từ từ biến mất khi Chúa Giêsu công khai rao giảng và thừa hành sứ vụ Cứu Chuộc của Ngài.
Lạy Thánh Giuse, xin cho con biết noi gương ngài, nói ít và làm nhiều. Chỉ nói những điều cần phải nói. Và chỉ nói trong suy nguyện, và tìm hiểu Thánh Ý Thiên Chúa như ngài. Chớ gì những lời nói của chúng con đem lại bằng an, hạnh phúc và tin yêu cho vợ con, cho gia đình, cho bạn hữu, và cho tất cả những người chúng con hằng ngày vẫn hằng giao tiếp và gặp gỡ.
“Người cha dù có tắt thở nhưng ông vẫn không chết. Vì ông đã để lại người con giống như mình” (Huấn Ca 30:4). Lời của sách Huấn Ca chỉ đúng một cách tuyệt vời riêng cho trường hợp của Giuse, người cha đồng trinh của Chúa Giêsu.
Views: 0