Uncategorized

Thánh Giá, Dấu ấn Tình Yêu khải hoàn

Vào buổi sáng thứ Năm, công an Ôn Châu cưa cây thánh giá ở nhà thờ Cứu Chuộc, các nhân chứng cho biết, họ đã dẹp đoàn biểu tình giáo dân xung quanh nhà thờ. Ngày 21. 7. 2014, hàng trăm công an đã thất bại khi gỡ bỏ thánh giá trong cuộc đối đầu với giáo dân khiến hơn 50 người bị thương.

Vào buổi sáng thứ Năm, công an Ôn Châu cưa cây thánh giá ở nhà thờ Cứu Chuộc, các nhân chứng cho biết, họ đã dẹp đoàn biểu tình giáo dân xung quanh nhà thờ. Ngày 21. 7. 2014, hàng trăm công an đã thất bại khi gỡ bỏ thánh giá trong cuộc đối đầu với giáo dân khiến hơn 50 người bị thương. Hôm thứ Ba, công an ở thành phố Hàng Châu đã hạ cây thánh giá ở nhà thờ Hangzhou, theo một nhân viên quản lý nhà thờ cho biết.

 

Sau khi vụ đụng độ ở nhà thờ Cứu Chuộc vào tháng Bảy, giáo dân đã thay phiên nhau canh gác nhà thờ. Nhưng sau khi lãnh đạo nhà thờ, Zhang Zhengchuang, đạt được thỏa thuận với chính quyền địa phương thì các cơ quan chức năng lấy các chìa khóa nhà thờ và phong tỏa khu vực.

 

Hôm thứ Năm, không giống như trong cuộc đối đầu đẫm máu hồi tháng Bảy, nhân viên an ninh gần 200 người, bao gồm cả công an mặc thường phục, không mang vũ khí khi họ bao vây nhà thờ.

 

“Chúng tôi không thể đi vào nhà thờ, vì họ giữ chìa khóa,” một giáo dân chứng kiến ​​sự việc họ gỡ bỏ thánh giá cho biết. “Vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung bên ngoài, hát thánh ca và cầu nguyện.”

 

Một người giáo dân không giám nêu tên vì sợ chính quyền trả thù nói rằng hơn 200 Kitô hữu đã tụ tập bên ngoài nhà thờ Cứu Chuộc vào sáng thứ Năm.

 

Từ đầu năm nay, chính quyền tỉnh Chiết Giang đã thực hiện chiến dịch chống lại các công trình kiến trúc của nhà thờ. Tuy nhiên, theo một tài liệu nội bộ của chính phủ, chiến dịch được nhắm đặc biệt đến các tòa nhà và các biểu tượng Kitô giáo, trong đó có thánh giá. Nhiều nhà thờ đã nhận được lệnh sẽ bị phá hủy hoặc thông báo để gỡ bỏ thánh giá, không chỉ các nhà thờ thuộc “giáo hội thầm lặng” từ chối sự kiểm soát của chính quyền.

 

Trong tháng Tư, nhà thờ Sanjiang ở Ôn Châu đã bị phá bỏ, bất chấp sự phản đối từ các Kitô hữu địa phương. Trong tháng Sáu, Nhà thờ Cứu Chuộc cùng với hai chục nhà thờ Tin Lành khác ở Ôn Châu cũng đã nhận được thông báo từ chính quyền địa phương là phải gỡ bỏ thánh giá.

 

“Lòng tôi thực sự rất buồn khi chứng kiến cảnh này”, một Kitô hữu cũng tên là Zhang, người đi trong đoàn và canh thức qua đêm tại nhà thờ nói. Tại nơi đó, một Kitô hữu khác cũng cho biết: “Nhiều người đã khóc và cầu nguyện khi họ nhìn thấy thánh giá bị đưa xuống.” (Kiki Zhao, Sinosphere, Ucan)

 

Cây thập tự kết hợp vuông góc hai trục tung và hoành, dọc và ngang, chiều cao và chiều rộng. Đồng thời cây thập tự hội tụ hai chiều kích khác nhau của cuộc đời. Qua cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh, Đức Giêsu thánh hóa cây thập tự trở nên Thánh Giá, biểu tượng cao quý vô ngần của Kitô giáo. Cây Thánh Giá hàm chứa biết bao ý nghĩa sâu sắc, đã trường tồn hơn hai ngàn năm và sẽ còn tiếp tục được tôn kính mãi mãi, dù đã và đang trải qua bao thách đố, bị phá hoại, trừ khử, chống báng và xúc phạm.

 

Giao hòa

 

Trục tung, chiều dọc của Thánh giá từ dưới đất hướng thẳng lên trời cao, giúp Kitô hữu luôn ý thức công cuộc cứu độ của Đức Giêsu đã từ trời cao xuống thế làm người, chịu nạn và đã Phục Sinh về trời : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời mà xuống.” (Ga 3, 13)

 

Với Giao Ước Mới bằng mầu nhiệm Thánh Giá, Người tái thiết lại mối tương quan, giao hòa, liên kết giữa Thiên Chúa và con người, mà từ ngàn xưa Adam và Eva đã phá vỡ, chia cách, xa lìa. Thánh Phaolô hân hoan ngợi khen: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6, 14)

 

Bằng chính máu của mình với thập giá, Đức Giêsu đã tái lập Giao Ước mới vĩnh cửu cho con người được đoàn tụ về với cội nguồn, là Thiên Chúa: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh mẽ hơn cả máu Abel.” (Dt 12, 24)

 

Chí ái

 

Với trục hoành, chiều ngang, Đức Giêsu giang hai cánh tay ôm lấy toàn thể nhân loại, không phân biệt xấu tốt, lành dữ, thân hay thù. Người chí ái, chí nhân, ôm lấy tất cả niềm vui lẫn đau khổ của kiếp nhân sinh, lẫn hy vọng và thất vọng. “Khi nào tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi” (Ga 12, 32).

 

Còn tình yêu nào quý giá hơn chết cho người mình yêu, như Đức  Giêsu đã toàn tâm hiến thân: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

 

Để có thể đón nhận tình yêu tuyệt vời ấy, hồng ân cứu độ, cuộc sống viên mãn, mọi người cần phải ngước mắt nhìn lên, phó thác, đặt hẳn niềm trông cậy vào Đức Giêsu.“Như ông Môi-sen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3, 14-15)

 

Tin vào Người, đồng nghĩa thoát khỏi sự kềm tỏa của xác thịt, thế gian và ma quỷ, người Kitô hữu tích cực thể hiện niềm tin sống động qua việc bỏ mình, vác thập giá cùng đồng hành, chịu đóng đinh thân xác với Người.“Chúng ta biết rằng, con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa.” (Rm 6, 6)

 

Chiến thắng

 

In hoc signo vinces, (IHS) với dấu chỉ này con sẽ chiến thắng. Khẩu hiệu của Hoàng Đế Constantine Cả đã nhận, khi ông thị kiến trên trời, vẫn là sự thật vĩnh cửu, mà không có ai bác bỏ được. Thánh Giá Đức Giêsu là chiến thắng vĩ đại vô song, chiến thắng xác thịt, chiến thắng cám dỗ ma quỷ và sự chết, vì Người khiêm tốn, trung kiên vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha, chịu chết thay cho nhân loại. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8- 9).

 

Người chiến thắng vẻ vang, khi gánh tội trần gian, chịu chết khổ nhục cho con người, để con người được trở nên công chính, hưởng ơn cứu độ, như Thánh Phêrô xác quyết:“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.” (1Pr 2, 24)

 

Hội Thánh được sinh ra trên Thánh Giá. Hội Thánh lớn lên bằng tiếp tục sự thương khó Chúa Giêsu đến tận thế. Con lầm lạc, nếu tin vào tiền bạc, ngoại giao, quyền thế, vận động.”(Đường Hy Vọng, số 258)

 

Lạy Chúa Giêsu, Người đã khải hoàn phục sinh từ cõi chết, kính xin Người thương xót, ban hồng ân cho chúng con can đảm bước theo đường Thánh Giá hàng ngày, hoàn toàn bỏ mình, đóng đinh tính xác thịt và chịu chết, hầu được phục sinh với Người mãi mãi.

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã can trường đồng hành với Con Mẹ trên Via Dolorosa, Đường Thánh Giá. Khấn xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con trên đường hy vọng. Amen.

 

AM Trần Bình An
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.