Uncategorized

Thân này ví xẻ làm ba

Hiện nay trên thế giới còn xót lại rất ít một số quốc gia vẫn duy trì chế độ đa thê, mà những quốc gia này hầu hết là những quốc gia bé nhỏ, có một nền văn minh lạc hậu hoặc chậm tiến, vì nghèo đói hoặc vì một tín ngưỡng tôn giáo.

Hiện nay trên thế giới còn xót lại rất ít một số quốc gia vẫn duy trì chế độ đa thê, mà những quốc gia này hầu hết là những quốc gia bé nhỏ, có một nền văn minh lạc hậu hoặc chậm tiến, vì nghèo đói hoặc vì một tín ngưỡng tôn giáo. Trong số những quốc gia được coi là một quốc gia văn minh vào bậc nhất trên thế giới, như Hoa Kỳ chẳng hạn, tuyệt đối ngăn cấm chế độ đa thê, bằng những điều luật nghiêm khắc đối với những ai vi phạm luật này.

 

Riêng cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đôi khi người ta thấy có một vài trường hợp đa thê xẩy ra tại đây. Đó là Một Ông Hai Bà hoặc Một Bà Hai Ông. Hiện tượng này xẩy ra, có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt đau thương xẩy đến cho dân tôc Việt Nam chúng ta, nào là Bố Mẹ phải lìa xa con cái, vợ chồng phải xa nhau và anh chị em ruột thịt cũng phải xa nhau, không biết tới ngày nào mới có thể được đoàn tụ lại với nhau. Tất cả người Việt Nam đang sinh sống ở hải ngoại, sẽ không bao giờ có thể quên được những hình ảnh đau thương, đứt từng khúc ruột, để nhớ lại ngày cộng sản xâm chiếm Miền Nam Nước Việt Nam vào cuối tháng tư năm 1975, hàng vạn người, gồm già trẻ lớn bé phải tìm mọi cách để rời bỏ quê hương Miền Nam yêu dấu, vượt biên hàng ngàn dặm, trên những con thuyền mỏng manh nhỏ bé, lênh đênh ngày đêm trong nhiều ngày ngoài biển cả, để đi tìm tự do tạm bợ tại một số quốc gia lân cận, như Thailand, Indonesia, Malaysia, Philippines v.v.. và đã có hàng mấy trăm ngàn ngàn người, từ trẻ sơ sinh cho đến các cụ già bà lão, chưa kịp đặt chân lên được bến bờ tự do, để xin tạm trú tỵ nạn cộng sản tại những quốc gia này, thì đã phải chôn vùi thân xác dưới lòng đại dương bởi những cơn bão tố, sóng thần oan nghiệt hoặc đàn bà con gái bị hãm hiếp, xong rồi bị quăng xuống biển, bởi những tên cướp biển tàn bạo man rợ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

 

Trong các quốc gia sẵn sàng mở rộng vòng tay bác ái, để đón nhận những người Việt Nam đang tạm trú ở các trại tỵ nạn, được phép nhập cảnh Hoa Kỳ, thì chúng ta phải kể đến quốc gia Hoa Kỳ, là nơi đón nhận những người Việt tỵ nạn cộng sản đông nhất trên thế giới và cũng tại nơi đây, pháp luật Hoa Kỳ triệt để ngăn cấm vấn đề đa thê, như chúng tôi mới đề cập ở phần trên, nhưng người ta vẫn thấy có một vài trường hợp một ông có 2 vợ hoặc một bà có 2 chồng, mà chúng tôi xin cống hiến cùng quí đọc giả những chi tiết về 2 trường hợp đa thê hiếm có này như sau:

 

Trường hợp thứ nhất: Người chồng vượt biên một mình sang Hoa Kỳ, để lại vợ với 2 đứa con nhỏ ở lại Việt Nam, vì không có đủ tiền đóng cho chủ tàu, để vợ và các con được đi vưọt biên cùng một lúc với ông.

 

Ông sang đây được 6 năm, gần như ông chịu hết nổi cảnh sống đơn chiếc, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác và năm này sang năm khác, lúc nào soi gương cũng chỉ nhìn thấy một thân một mình, trong khi ông lại là một loại người lịch thiệp, thích xã giao, khéo ăn khéo nói, nên có nhiều bà goá chồng cũng như những bà đang sống trong tình trạng tạm thời độc thân tại chỗ, vì chồng mình còn đang bị kẹt lại Việt Nam, chưa biết đến bao giờ mới được đoàn tụ gia đinh, đều rất thương mến ông.

 

Vào một ngày đẹp trời, để thực thi câu nói "Ðàn Ông Ở Một Mình Không Tốt", và không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi lâu thêm nữa, ông tức tốc dẫn một cô gái trẻ đẹp, ông mới quen đưọc vài tháng nay, kém ông tới 10 tuổi, đi lập hôn thú với ông tại toà án. Rồi vài năm sau chung sống với bà vợ hai này, nhờ tài ăn nói ngọt ngào, hoạt bát và có tài chinh phục đàn bà con gái của ông, nên sau khi bà hai này đã sanh cho ông 2 mụn con, thì ông liền thuyết phục bà vợ hai bằng lòng cho ông nạp đơn bảo trợ cho bà vợ cả và 2 đứa con của ông ở Việt Nam sang đây đoàn tụ với ông. Ông cho biết, trước khi ông nạp đơn bảo trợ vợ và các con với sở di trú, ông phải ra toà tạm thời nạp đơn xin ly dị người vợ hai này, để cho đúng với những lời khai báo của ông ở trong trại tị nạn trước kia, là ông có vợ và 2 con còn kẹt lại Việt Nam.

 

Ngay khi bà vợ cả cùng 2 đứa con còn nhỏ tuổi sang tới Hoa Kỳ, bà cả và bà hai cộng thêm mỗi bà có 2 đứa con, tổng cộng là 4 đứa con, đều sống chung trong một nhà với ông. Mỗi lần đi chợ hay đi shopping, cả hai bà đều đi chung với nhau và tỏ ra rất tương đắc, thương mến nhau như chị em ruột. Ông cho biết hai bà vợ cùng các con và ông đều ngồi ăn cơm chung một bàn với ông, nhưng tối đến, mỗi bà ngủ một phòng riêng, làm ông phải chia thời khoá biểu, tối nay ông ngủ phòng bà cả, thì tối mai ông ngủ phòng bà hai và cứ thế lần lượt xoay tua đều đặn. Ðược biết cuộc sống của 2 bà vợ cùng chia sẻ một ông chồng với nhau rất là hạnh phúc, hai bà sống chung với nhau hoà thuận như tình chị em, đã được gần 15 năm nay rồi, nhưng chưa hề có một điều gì xích mích đáng tiếc xẩy ra trong bộ ba tình ái này.

 

Người ta thường có câu nói là Tình Chị Duyên Em hoặc Tình Em Duyên Chị. Nhưng trong trường hợp khác thường này, lại là Tình Chị cùng với Tình Em, hai chị em ta cùng yêu thương chung một ông chồng, ngọt bùi cùng chia sẻ với nhau, nhất là ông chồng của hai bà vẫn còn tràn đầy nhựa sống, lại biết cách san sẻ tình yêu đồng đều cho hai bà. Chính vì cái ưu điểm của nhu cầu tối thượng này, nên chưa gì, mới đoàn tụ với chồng chưa đầy một năm, mà bà cả đã sốt sắng sanh thêm một tí nhau nữa, là đứa con thứ 3 cho ông, rồi chỉ cách không đầy một tháng, sau khi bà cả đã sanh, bà hai cũng chạy đua theo kịp bà cả, liền cho ra đời thêm một tí nhau công chúa xinh đẹp, là vừa chẵn 3 đứa con cho ông, nâng tổng số con của bà hai ngang bằng tổng số con của bà cả. Những ai quen biết bộ ba tình ái này, đều phải chắp hai tay bái phục ông chồng này sát đất, không những thán phục bí quyết xử thế của ông, là làm cách nào mà ông lại có thể san sẻ tình yêu của ông một cách đồng đều cho 2 bà vợ ở chung cùng một nhà với nhau được, để hai bà không ganh tị hiềm khích nhau, là kẻ được yêu thương nhiều, kẻ được yêu thương ít, mà còn phải thán phục sức mạnh phi thường, cộng với tiềm năng chịu đựng dẻo dai thể xác của ông, chả thế mà chưa đầy một năm, ông đã trực tiếp góp công sáng tạo cho hai bà vợ, mỗi bà có thêm một tí nhau, ông chẳng khác nào giống như những bậc siêu nhân (Supermen), đóng trong những phim khoa học giả tưởng, mà chúng ta thường xem thấy trên các màn ảnh vô tuyến truyền hình hàng ngày.

 

Ðặc biệt hơn nữa, bà cả tình nguyện xin nghỉ việc làm ở hãng, để có nhiều thì giờ ở nhà nấu cơm cho chồng con ăn và săn sóc con mới sanh của mình và con mới sanh của bà hai. Nhờ vậy, bà hai vẫn tiếp tục đi làm việc ban ngày, không cần phải mang con đi gửi người ngoài, tiết kiệm được một số tiền khá lớn cho ngân quỹ gia đình, để có đủ tài chánh nuôi dưỡng 6 đứa con còn nhỏ dại, trong khi chỉ vẻn vẹn có 2 người đi làm, đem lợi tức hàng tháng về cho hai gia đình, gia đình bà cả và gia đình bà hai.

 

Quả thật khó kiếm thấy một hiện tượng hiếm quí xẩy ra lạ lùng như thế này trên trần gian. Nếu chúng tôi không nhìn thấy cảnh tượng có một không hai này tận mắt, mà chỉ được nghe kể lại thôi, thì chắc chắn hoàn toàn chúng tôi không bao giờ có thể tin đó là sự thật, nhất là sự thật này lại xẩy ra ở Hoa Kỳ, được coi là một quốc gia văn minh nhất thế giới. Bởi vì khi còn ở quê nhà, chúng tôi thường được nghe kể lại về những trường hợp một ông chồng có đến hai vợ, nhưng bà vợ cả không có bằng cớ để tin rằng chồng mình có vợ hai, vì bà hai ở cách xa bà cả hàng trăm cây số, có bắn súng thần nông cũng không tới.

 

Nói tóm lại trong trường hợp như vậy, tất cả những ông chồng có 2 vợ, đều sống trong tình trạng lén lút, bất hợp pháp với bà vợ hai, vì luật pháp Việt Nam vào thời bấy giờ, cũng giống như luật pháp ở Hoa Kỳ ngày nay, là không cho phép bất cứ ai được quyền lấy 2 vợ, cũng như không được quyền lấy 2 chồng, nên những ông chồng nào lỡ có 2 vợ, thì phải đem giấu bà vợ hai ở một nơi thật kín đáo như mèo giấu…… Còn bà vợ nào lấy 2 chồng, thì cá nhân chúng tôi chưa hề thấy xẩy ra ở Việt Nam.

 

Trường hợp thứ hai: Ông Thuỳ đi tù cải tạo gần 8 năm sau mới được cộng sản thả cho về nhà nhưng vẫn bị đặt trong tình trạng quản chế tại gia thêm 6 năm nữa. Trong khi ông đang ở tù, ở nhà vợ ông gửi 2 đứa con còn nhỏ tuổi, đi vượt biên theo gia đinh của cô em gái vợ, nhưng tất cả đều bị chết trên biển cả, vì gặp cơn bão tố đánh chìm con tầu xuống lòng đại dương, nên không còn một ai trên con tầu này sống sót. Sau khi đi tù cải tạo về nhà được 1 năm, ông nạp đơn xin đi Hoa Kỳ tỵ nạn chính trị, theo diện nhân đaọ HO của chính phủ Hoa Kỳ ban hành. Hai vợ chồng sang tới Hoa Kỳ, tuổi ông cũng hơi khá cao, hơn vợ ông tới 12 tuổi (cả 1 con giáp), sức khoẻ của ông càng ngày càng yếu kém, vì trước khi ra khỏi tù, ông phải đi lao động hàng ngày vô cùng vất vả bằng chân tay, trong suốt 8 năm bị tù đầy trong các trại tù cải tạo. Do đó, sau khi sang tới đây, không có cơ sở nào thâu nhận ông vào làm việc, vì nhìn thấy ông yếu ớt, nên ông đành phải ở nhà lo cơm nuớc, quét dọn nhà cửa, giặt quần áo cho vợ như một bà nội trợ, tiếng Mỹ gọi là Mr. Mom và chỉ có một mình vợ ông đi làm mà thôi.

 

Hai vợ chồng ông Thuỳ sống như thế được hơn 1 năm, thì ông được người ta cho biết vợ ông có bồ nhí, cùng làm chung một hãng với vợ của ông. Anh bồ nhí này trẻ tuổi hơn vợ ông rất nhiều. Với bản chất hiền lành của ông từ xưa tới nay, cộng thêm tính cả nể vợ của ông, rồi không hiểu vợ ông khôn khéo dỗ dành ông thế nào, mà chỉ ít lâu sau, ông tình nguyện dọn xuống ở căn phòng trong garage đằng sau nhà, có đầy đủ điện nước, cầu tiêu, nhà tắm, để nhường lại cả căn nhà có 3 phòng ngủ ngoài mặt tiền, để cho vợ ông công khai đón rước chú em bồ nhí về sống chung với vợ ông, nghiễm nhiên chú bồ nhí này được trở thành người chồng thứ hai của vợ ông một cách công khai. Ai đọc đến đoạn này, có lẽ cứ tưởng như đang đọc hai câu chuyện tiểu thuyết xã hội tình cảm giả tưởng, không ai có thể tin được hai câu chuyện này lại là chuyện thật, xẩy ra ở xứ Hoa Kỳ, là một quốc gia pháp trị, mà mọi công dân đều phải tuân hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh.

 

Thế là anh chồng bồ nhí này dọn về ở chung với vợ ông chưa đầy 6 tháng sau, thì bà xã ông đã phải vào nằm nhà thương đập bầu, tặng cho ông một hoàng tử mặt mũi khôi ngô kháu khỉnh, trông giống hệt như anh chồng bồ nhí của bà xã ông, chẳng khác nào như hai giọt nước.

 

Người ta nhận xét thấy có một điều hoàn toàn khác biệt giữa 2 câu chuyện vừa được kể trên đây. Câu chuyện thứ nhất nói về một ông có hai bà vợ và mỗi lần đi đâu ra ngoài đường phố, người ta nhìn thấy ông đi chung với hai bà vợ, hoặc hai bà vợ đi chung với nhau, nói chuyện vui vẻ như đôi chim hót. Trái lại câu chuyện thứ hai, về một bà vợ có hai ông chồng, người ta chỉ nhìn thấy bà đi ra ngoài phố với một ông chồng, có lúc đi với anh chồng bồ nhí trẻ tuổi, có lúc lại đi với ông chồng lớn tuổi, nhưng chưa bao giờ người ta thấy bà đi chung cùng một lúc với hai ông chồng, hoặc hai ông chồng không thấy đi chung với nhau bao giờ. Còn về ban đêm, không ai biết được bà vợ này có phải chia thời khoá biểu, giống như thời khoá biểu của ông chồng có 2 bà vợ trong câu chuyện vừa kể trên đây không? Có nghĩa là đêm nay bà phải hội ngộ với ông chồng lớn tuổi ở nhà dưới, để bầy tỏ nỗi lòng thông cảm và an ủi ông về một thời oanh liệt xưa kia của ông nay đã mất, rồi đêm mai bà lại phải quay trở lại với anh chồng bồ nhí trẻ tuổi ở nhà trên, để tiếp tục trao cho anh những lời âu yếm, hứa hẹn đôi ta sẽ vui hưởng hạnh phúc mãi mãi bên nhau như đêm nay.

 

Tuy có một điều khác thường là thỉnh thoảng người ta nhìn thấy rõ ràng ông chồng lớn tuổi bế con của anh chồng bồ nhí vợ mình trên cánh tay ông, đi ra ngoài đường phố với vợ ông. Quả thật ông này đúng là một người giàu lòng bác ái tột đỉnh, yêu thương trẻ thơ hết lòng, dù biết đứa bé này không phải là con ruột của mình, mà là do kết quả của sự ái ân mặn nồng giữa vợ ông với anh chồng bồ nhí của vợ ông, do chính vợ ông rước voi về nhà.

 

Trong trường hợp này, nếu không phải chồng của bà là ông Thuỳ, mà chồng của bà là một người đàn ông khác, thì có lẽ bà và người chồng bồ nhí của bà, mỗi người đã đụợc tặng cho một viên kẹo đồng, gọi là một chút quà kỷ niệm trên đời, để ghi nhớ mối tình bất chánh của hai kẻ yêu nhau mù quáng, bất chấp luân thường đạo lý làm người, nên cả hai đều được tiễn đưa xuống thuyền đài, để trình diện Diêm Vương xét xử.

 

Một trong hai người bạn thân nhất của ông, còn cho chúng tôi biết thêm một điều đặc biệt khác nữa về ông, là mặc dầu tuổi tác của ông đã khá cao, nhưng ông có tài đàn hát rất hay và ông thường chỉ hát thuộc lòng một bản nhạc duy nhất, có tựa đề là Lầm của nhạc sĩ Lam Phương, mà trong ca khúc này có câu: Tôi Đã Lầm Đưa Em Sang Đây. Chắc có lẽ ca khúc này nói lên nỗi niềm tâm tư riêng của ông, nên mỗi lần bạn bè yêu cầu ông vừa đàn vừa hát cho họ nghe, thì ông chỉ hát thuộc lòng độc nhất ca khúc này, với giọng thiên phú trầm ấm, truyền cảm, làm cho những ai đã từng nghe ông hát đều phải mủi lòng muốn rơi lệ.

 

Chúng ta cũng đều biết rằng luật lệ của mỗi tiểu bang khác biệt nhau, không khác nhiều thì cũng phải khác ít. Tuy nhiên, theo Bộ Luật Gia Ðình của tiểu bang Oklahoma mang số 21, điều khoản 881, định nghĩa thế nào bị coi là hành động vi phạm tội có hai vợ hay hai chồng (Bigamy) cùng một lúc như sau:

 

Bất cứ người nào đã có vợ hoặc có chồng, hiện đang ăn ở với nhau, mà lại đi lấy thêm một người khác nữa, đều bị coi là vi phạm tội lấy 2 vợ hay lấy 2 chồng, như 2 câu chuyện vừa mới được kể trên, ngoại trừ những trường hợp được miễn truy tố trước pháp luật về tội danh lấy 2 vợ hay lấy 2 chồng theo điều khoản 882 được qui định như sau:

 

1. Bất cứ người vợ hay người chồng nào đã kết hôn với nhau trước đây, nhưng đã 5 năm trôi qua cho tới nay, người vợ hay người chồng không biết vợ mình hay chồng mình đang ở đâu.

 

2. Bất cứ người vợ hay người chồng, đã kết hôn với nhau trước đây, nhưng sống xa cách nhau liên tục 5 năm qua cho tới hiện tại, một trong hai người không cư ngụ tại Hoa Kỳ.

 

3. Bất cứ người vợ hay người chồng, đã kết hôn với nhau trước đây, nhưng đã được Toà tuyên án tiêu huỷ hôn ước của 2 người hoặc hôn ước của hai người không còn giá trị về mặt pháp lý nữa.

 

4. Bất cứ người vợ hay người chồng, đã kết hôn với nhau trước đây, nhưng cho đến hiện tại, một trong hai người vợ hay chồng bị lãnh bản án tù chung thân.

 

Theo điều khoản 883 trong Bộ Luật Gia Ðình của tiểu bang Oklahoma, mang số 21, qui định rõ nếu bất cứ ai lấy 2 vợ hay 2 chồng, là vi phạm vào tội hình sự, có thể bi phạt tù ở trong trại tù (Prison) không quá 5 năm. Tiếp theo điều khoản 883 là điều khoản 884, qui định rõ thêm là bất cứ ai biết rõ người đó đã có vợ hay đã có chồng rồi, mà vẫn cứ nhào đầu vô lấy người đó về làm vợ mình hay làm chồng mình, thì cũng vi phạm tội hình sự và có thể bị phạt tù ở trong trại tù không quá 5 năm hoặc bị tạm giam trong trại tạm giam thuộc quận hạt (County Jail) không quá 1 năm, hoặc bị phạt tiền không quá $500, hoặc vừa bị phạt cả tiền lẫn ở tù.

 

Tuy nhiên câu chuyện Một Ông Hai Bà được kể lại trên đây, họ đã chung sống bên nhau trên thuận dưới hoà, đã được gần hai chục năm qua, tình nghĩa vợ chồng của bộ ba tình ái này lúc nào cũng đằm thắm, chan hoà hạnh phúc, chẳng khác gì những đôi tình nhân mới biết yêu nhau lần đầu, nên bộ ba tình ái này cảm thấy lúc nào cũng bình an trong tâm hồn, không sợ bị ai tố giác họ trước pháp luật về tội có 2 vợ. Vì họ nghĩ rằng đời sống tình ái riêng tư gia đình của họ, đâu có làm phiền hà gì đến ai hay làm thiệt hại gì đến quyền lợi của những người chung quanh quen biết họ đâu, đúng như câu nói đèn nhà ai nhà ấy sáng, ngoại trừ vì một lý do gì bất khả kháng xẩy ra bất ngờ nào đó, chẳng hạn như cơm không lành canh không ngọt trong nội bộ gia đình của họ, mà họ tự đi tố cáo nhau trước pháp luật, thì lúc đó tuổi đời của nhân vật chính trong câu chuyện Một Ông Hai Bà này, cũng vừa tới thời gian gần đất xa trời rồi, hơi sức đâu ông phải bận tâm lo lắng vấn đề pháp luật ngay bây giờ làm gì, cho tổn thương đến tình yêu của ông dành cho 2 bà đang trong thời kỳ lên ngôi, nghĩa là ngày mai mặc kệ ngày mai, ai biết ra sao ngày mai, miễn sao cả 3 người vẫn tiếp tục được yêu nhau trọn vẹn từ bao nhiêu năm qua có sao đâu.

 

Riêng trường hợp Một Bà Hai Ông thì chưa biết ra sao ngày sau, vì trong tương lai, sức chịu đựng của con người có hạn, tới lúc cơn tam bành của ông chồng lớn tuổi bùng nổ, khí thế giết giặc ngoài chiến trường hồi xưa sống lại trong lòng ông, là thà chết anh hùng chứ không chịu thua nhục nhã, thì phải có một kẻ phải ra đi hoặc 2 kẻ phải ra đi, bằng không cả 3 kẻ phải ra đi, chứ chẳng nhẽ cứ kéo dài cuộc sống tay ba, kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng như thế này mãi sao và tới lúc đó, ông tự thầm hỏi giòng máu chiến sĩ oai hùng của ông, đã từng anh dũng chiến đấu trăm trận trăm thắng ngoài chiến trường, trên khắp 4 vùng chiến thuật trước năm 1975 tại quê nhà, thì nay ông để giòng máu chiến sĩ oai hùng này ở đâu rồi hay ông đã bỏ nó lại ở quê nhà mất rồi?

 

Phó Tế Nguyễn Mạnh San

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.