Cánh Thiệp Tâm Tình kính gửi đến quí độc giả bài viết của Mặc Trầm Cung trong khóa học TÌNH YÊU HÔN NHÂN TRONG CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO qua bài viết: “THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC” do linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn phụ trách.
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC
Ngày 29/11/2009 sau Thánh lễ chúa nhật thứ I Mùa Vọng khởi đầu cho năm phụng vụ mới, các học viên tiếp tục buổi học thứ tư với chủ đề Thần Học về Thân Xác.
Liên quan đến chủ đề Thân Xác Con Người và Hôn Nhân Gia Đình nhằm để củng cố gia đình thoát khỏi những ảnh hưởng xấu xa đang làm băng hoại giá trị gia đình, những mối nguy hiểm đang rình rập các gia đình và xã hội như tình trạng sống chung không hôn phối chỉ quan tâm đến mặt dân sự mà không quan tâm đến vấn đề tôn giáo, những gia đình chỉ có mẹ và con hoặc cha và con, những gia đình tái hôn và có con riêng, vì thiếu hiểu biết giá trị của hôn nhân tình trạng ly hôn mỗi ngày một gia tăng đã tạo lên một sự khủng hoảng, hỗn độn trong gia đình và xã hội. Số phận gia đình sẽ đi về đâu? Tương lai nhân loại sẽ đi về đâu? Vì tương lai nhân loại sẽ đi qua gia đình… Đó chính là nỗi ưu tư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II và Ngài đã nói: “Linh đạo của hôn nhân hệ tại ở việc tham dự vào đời sống và tình yêu của Thiên Chúa và từ đó chia sẻ cho thế giới. Ơn gọi này thật cao trọng nhưng không nằm xa vời trên chín tầng trời mà phải chạm thấy được……Học hỏi thần học về thân xác là điều cốt yếu của linh đạo hôn nhân. Học để sống, không phải để trở nên thiêng liêng hơn mà chính là để trở nên nhập thể hơn nữa, làm sao để cho Thần Khí Chúa thấm nhập sự sống thần linh vào thân xác chúng ta”.
Trong Tin Mừng (Mt 19, 3tt và Mc 10, 2tt) có đề cập đến cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu với mấy người Pharisiêu về việc hôn nhân bất khả phân ly. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “ Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thưở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’ và Người đã phán: ‘Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng dạ chai đá nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thưở ban đầu không có thế đâu”.
Như thế những lời của Chúa Giêsu trong đoạn này Người đã xác nhận luật vĩnh cửu của hôn nhân đã được Thiên Chúa hình thành và thiết lập trong ý định từ “thưở ban đầu” khi tạo dựng con người, con người được sống và chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Nhưng từ khi con người bất tuân lệnh của Thiên Chúa, con người đã phá vỡ Giao ước của Thiên Chúa, con người không còn được sống trong tình trạng nguyên thủy từ “thưở ban đầu” thành ngữ này được Chúa Giêsu lập lại hai lần Người đã làm nổi bật mầu nhiệm sáng tạo con người, cụ thể có “nam và nữ”. Đến ngày nay Môsê chấp nhận cấp giấy ly dị là vì lòng dạ con người ngày nay đã trở nên chai đá.
ĐỊNH NGHĨA KHÁCH QUAN VỀ CON NGƯỜI
“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26)
Con người là một tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của mình, Người tạo nên họ có nam (Zaka, giống đực) có nữ (uneqehah, giống cái), nhấn mạnh sự khác biệt yếu tố giới tính là nên tảng của sự kết hợp, phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa, tính dục và hấp lực của nó là tiền đề tự nhiên là cơ sở sinh học từ đó dẫn đến khát vọng nên một trong tình yêu, xét về khách quan Bí tích hôn phối đã được hàm chứa ngay từ thưở ban đầu khi tạo dựng con người.
Việc tạo dựng con người ẩn chứa trong đó một nội dung đậm chất siêu hình, có bản chất thần học, trong kinh thánh không nói đến con người giống phần còn lại của thọ tạo mà chỉ nói con người giống Thiên Chúa. Điều đó đã được bộc lộ rõ nơi việc định nghĩa con người trên cơ sở tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Như thế con người không thể được hiểu và giải thích cách thấu đáo bằng những phạm trù “trần thế” nghĩa là từ những gì thấy được nơi thân xác. Mặc dù trong trình thuật có những diễn tả chi tiết con người được định nghĩa trước hết trong các chiều kích hữu thể và hiện sinh, mà con người còn được định nghĩa theo kiểu siêu hình hơn là vật lý. Chính trong bối cảnh siêu hình ấy được mô tả trong sách Sáng Thế, ta cần phải hiểu về cái thiện hảo, tức là khía cạnh giá trị của con người. Con người được tạo dựng cùng với thế giới hữu hình, trong nhịp độ bảy ngày tạo dựng thế giới, sau khi tạo dựng con người việc tạo thành đã đạt tới đỉnh điểm: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31). Bởi thế ta có thể nói một cách chắc chắn rằng việc tạo dựng con người là cơ sở vững chắc cho một siêu hình học, cho cả một nhân học và đạo đức học, theo đó các hữu thể và sự thiện hảo là có thể hoán đổi cho nhau.
ĐỊNH NGHĨA CHỦ QUAN VỀ CON NGƯỜI
Con người được dựng lên từ bùn đất, Thiên Chúa thổi hơi tạo sự sống cho con người, Thiên Chúa gọi con người đầu tiên này là Adam (nghĩa là: “con người”). Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người, như thế người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng cùng một chất liệu. Adam cảm thấy vui mừng, một sự sung mãn tràn đầy và nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 22), con người là một cặp cả nam và nữ, lúc đó con người là mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, mầu nhiệm hiệp thông, con người lúc ấy sống trong sự ngây thơ, tinh tuyền và hạnh phúc nguyên thủy: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không thấy xấu hổ trước mặt nhau” (St 2, 25).
Sau khi con người phạm tội con người không còn khả năng hiệp thông để phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do để được lớn lên trong sự phong phú của mình, nhưng chính sự tự do này con người có nguy cơ sa ngã. Thiên Chúa chấp nhận con người tuân phục hay bất tuân. Từ khi con người phạm tội, con người mới cảm thấy xấu hổ vì nhận ra mình trần truồng, phản ứng của con người là sợ hãi, cảm giác mất tình yêu thương, mất sự che chở bảo bọc của Thiên Chúa, con người trở thành hình ảnh Thiên Chúa méo mó nơi chính mình.
Sự kiện cây biết thiện biết ác là ranh giới ngăn cách hai tình trạng nguyên thủy mà sách Sáng Thế đã đề cập tới.
Thứ nhất là tình trạng ngây thơ, trong trắng, vô tội nguyên thủy của con người, nam cũng như nữ, khi ấy họ ở ngoài tầm hiểu biết điều thiện điều ác, tình trạng ấy kéo dài cho tới khi họ vi phạm luật cấm của Đấng Tạo Hóa là ăn trái cấm.
Tình trạng thứ hai là tình trạng khi con người đã phạm tội do sự xúi giục của thần dữ biểu trưng bởi con rắn và khi ấy con người đã biết thiện biết ác.
Hoàn cảnh thứ hai này xác định tình trạng con người phạm tội đối nghịch với tình trạng nguyên thủy.
Như thế khi Chúa Giêsu dùng chữ “thưở ban đầu” để trả lời cho những kẻ chất vấn Người, thì một phương diện nào đó, Người bảo họ phải vượt qua ranh giới giữa tình trạng thứ nhất và tình trạng thứ hai của con người mà sách Sáng Thế kể lại. Người không tán thành việc Môsê cho phép ly dị “vì lòng họ chai đá”, mà nhắc lại những lời của trật tự thưở ban đầu Thiên Chúa đã định. Như thế có nghĩa là trật tự này không mất đi sức mạnh của nó, mặc dù con người đã đánh mất sự ngây thơ vô tội ban đầu của mình.
Người ta có thể nói rằng đó là một chiều sâu có bản chất chủ quan và theo một nghĩa nào đó, mang tính chất tâm lý.
Con người đã phạm tội, tội lỗi đã đi vào thế gian, sự chết đã đi vào thế gian, con cái của con người cũng chịu chung cảnh ngộ này. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu, đã yêu thương đến cùng không để con người sống dưới quyền sự chết. Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đạp nát đầu mi và mi sẽ tìm cắn gót chân người”(St 3, 15)….
Adam mới là Đức Giêsu Kitô cứu con người trở về cùng Thiên Chúa, con người muốn tìm lại mình phải đi theo con đường mà Đức Giêsu Kitô đã đi là vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, con người phải vượt qua bóng tối tội lỗi, vượt qua những khó khăn, những thử thách để giữ gìn sự hiệp nhất, nhưng sức con người thì có hạn mà thử thách thì quá nhiều, con người cần ân sủng của Thiên Chúa để giúp con người vươn lên.
SỰ LIÊN HỆ GIỮA TÌNH TRẠNG VÔ TỘI NGUYÊN THỦY VÀ TÌNH TRẠNG ĐƯỢC CỨU CHUỘC NHỜ ĐỨC KITÔ
Cây biết thiện biết ác vừa diển tả vừa là biểu tượng của Giao ước đã bị đổ vỡ trong tâm hồn con người, cây phân cách hai hoàn cảnh và hai tình trạng hoàn toàn đối nghịch nhau, đó là tình trạng trong trắng nguyên thủy và tình trạng tội nguyên tổ.
Con người sống trong tình trạng tội lỗi, mất ân thánh sủng do phạm tội, con người đã phá hủy giao ước ban đầu, con người đã đánh mất sự sống siêu nhiên mà Thiên Chúa ban tặng, hệ lụy này ảnh hưởng đến cả con cái, di sản mà Adam và Eva để lại, người ta có thể qui chiếu này là sự “đồng thừa kế” về tội, tội này nơi mỗi con người trong lịch sử là tình trạng đánh mất ân sủng của Thiên Chúa, đánh mất tình trạng vô tội nguyên thủy từ thưở ban đầu.
Sau khi con người phá vỡ Giao ước nguyên thủy với Đấng Tạo Hóa của mình, con người cũng đã nhận được lời hứa cứu chuộc đầu tiên. Lời hứa này được ghi trong St 3,15 và được gọi là Tiền Tin Mừng. Từ đó, con người sống trong viễn tượng cứu chuộc. Như thế, con người trong “lịch sử” được tham gia vào viễn tượng này.
Vì vậy, con người không chỉ bị khép lại trước tình trạng vô tội nguyên thủy do tội lỗi mình, nhưng đồng thời lại được khai mở lối vào mầu nhiệm cứu chuộc được hoàn thành trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
Phép Rửa Tội thánh hóa con người, trả lại cho con người ơn thánh sủng từ thưở ban đầu, tuy xu hướng tội lỗi vẫn còn, nó thúc đẩy con người về đàng tội lỗi, nhưng nhờ ơn cứu chuộc, áo công chính của Chúa Kitô phủ lên hình ảnh méo mó của con người làm cho con người có kinh nghiệm và khả năng đấu tranh chống lại sự thúc đẩy phạm tội, con người được hít thở lại bầu khí sự sống của Thiên Chúa nhờ đó con người đã có khả năng yêu thương, khả năng hiệp nhất do ân sủng của Đức Kitô mang lại.
Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐƠN ĐỘC NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI
“Thiên Chúa đã lấy đất nặn ra mọi thứ dã thú, mọi chim trời và dẫn đến với con người, để xem con người gọi chúng là gì” (St 2, 19). Như vậy ý nghĩa đầu tiên của sự cô đơn nguyên thủy được xác định trên cơ sở một trắc nghiệm hay khảo hạch con người trước mặt Thiên Chúa. Nhờ trắc nghiệm đó con người mới ý thức được sự ưu việt của mình, nghĩa là con người không thể để mình ngang bằng với bất kì một loài sinh vật nào khác trên trái đất.
Con người cảm thấy cô đơn vì nhận thấy mình vừa khác Thiên Chúa vừa khác muôn loài, không ai giống mình, không ai hiểu mình, không ai ngang tầm với mình, Thiên Chúa thì cao quá, xa quá, mọi sinh vật mà con người đã đặt tên thì khác biệt chúng. Thân phận con người luôn luôn còn đó nỗi cô đơn. Con người không chỉ đơn độc tại yếu tính mà còn tại chủ thể.
Vậy tại sao Thiên Chúa lại để con người trong tình trạng cô đơn?
Xét theo phương diện tích cực, con người nhận thức được về bản thân mình về sự khác biệt giữa mình với muôn loài, con người mới cảm thấy khao khát đi tìm cho mình một “đối tác” để tìm cách thoát khỏi tình trạng đơn độc. Cho dù là linh mục, tu sĩ, độc thân, góa vợ, góa chồng thì vẫn còn đó nỗi khao khát thoát khỏi tình trạng cô đơn. Con người luôn luôn khao khát đi tìm cho mình cái tuyệt hảo, cái vô biên.
Nếu ta đặt con người vào những phạm trù trần gian như địa vị, của cải, quyền lực cuối cùng con người sẽ đi đến chỗ tuyệt vọng, khi con người còn sống trong phạm trù sở hữu thì còn thất vọng, lòng tham của con người chỉ muốn thêm và nhiều hơn nữa, ta gọi đó là logic của lòng tham. Điều quý giá nhất như lời Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau”, “Hãy dùng tiền bạc mà mua bạn bè”. Nhưng ta thì ngược lại, sự cám đỗ của rắn già thúc đẩy ta đi tìm cái mau qua với thời gian.
Con người thì không ai hoàn hảo, không ai hoàn toàn tuyệt đối 100%, vợ chồng khi sống chung mới khám phá ra cái bất toàn nơi nhau, cảm thấy thất vọng, không chấp nhận nhau, đưa đến đổ vỡ, ly dị… và con người mang trong lòng nỗi khát vọng vô biên, đi tìm đối tượng phải là Chân – Thiện – Mỹ. Chỉ có Thiên Chúa mới hoàn toàn tuyệt hảo, mới đáp ứng được khát vọng vô biên của con người. Đời sống vợ chồng vẫn mãi còn ở trong ngục tù gia đình nếu không cùng nhau khám phá ra nỗi khát vọng vô biên đó.
ĐƠN ĐỘC Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT NHÂN VỊ
“Con người ở một mình không tốt . Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18)
Thân xác làm cho con người được tham dự vào thế giới thụ tạo hữu hình và đồng thời cũng khiến con người biết mình “đơn độc”, điều đó có nghĩa là, qua nhân tính của mình, qua những gì làm cho con người là người, con người được đặt trong tương quan với chính Thiên Chúa, một tương quan duy nhất, độc đáo, vô song. Nhờ thân xác ấy, con người khác biệt và “tách biệt” khỏi thế giới động vật và cũng nhờ thân xác ấy mà con người là một nhân vị, cũng chính thân xác ấy, ẩn chứa ý nghĩa sự cô đơn nguyên thủy của nó, là nhân tố chuyển thông cách rõ ràng cho con người chủ thể tính siêu việt và ngã vị.
Chính vì thế con người cần đi ra khỏi mình, đi ra khỏi cái “tôi”, đi ra khỏi cả gia đình trong tương quan với tha nhân vì bản chất của hôn nhân gia đình có chiều kích xã hội. Có đi ra khỏi mình, ta mới thấy sự phong phú nơi mình, ta mới hiểu ta hơn, khám phá ra rằng mình có giá trị, anh em có giá trị, đó chính là nhân phẩm của con người. Nếu con người sống ích kỷ, sống khép kín đời sống con người đang đi vào ngõ cụt và dẫn đến sự chết.
Con người là thụ tạo của Thiên Chúa từ khi phạm tội con người xa rời Thiên Chúa, vì thế, không bao giờ tìm được người phối ngẫu hoàn hảo, mà luôn thấy sự hữu hạn nơi người bạn đời, chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng được nỗi khát vọng hoàn hảo ấy.
Nơi con người, xác hồn là một thể thống nhất. Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, chịu những dấu đinh xuyên qua, qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô thân xác con người đã được cứu chuộc, do ân sủng của Thiên Chúa biến thân xác ta thành Đền thờ của Chúa Thánh Thần, dù thân xác ta tội lỗi Thiên Chúa sẽ làm cho nó biến đổi đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn thân xác để cứu chuộc, thể hiện tình yêu của Ngài nơi thân xác, làm phát triển nhân vị và làm cho ta bớt cô đơn.
Sau buổi học một số học viên đưa ra các câu hỏi như:
1. Khát vọng có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, có được thụ tinh trong ống nghiệm không?
2. Muốn hạn chế sinh sản: Có được dùng bao cao su hoặc điều hòa kinh nguyệt không? Dùng bao cao su và điều hòa kinh nguyệt tội nào nặng hơn?
3. Những vấn đề liên quan đến phá thai.
Cha Louis đã giải thích thỏa đáng những câu hỏi được đưa ra.
A.P Mặc Trầm Cung.
Views: 0