Uncategorized

Thần học trong thư gửi giáo đoàn Philipphê

Hiệp nhất trong phụng vụ sống động ấy thánh Phaolô và tín hữu Philiphê cũng phải có cùng tâm tình như nhau. Và thánh nhân muốn chia sẻ niềm vui của Ngài với họ và tham dự vào niềm vui của họ. Chính tâm tình này khiến cho cái chết vì Tin Mừng không phải là nỗi buồn mà là niềm vui chan chứa.
 

 

Chương IV

Thần học trong thư gửi giáo đoàn Philipphê
 

Hiệp nhất trong phụng vụ sống động ấy thánh Phaolô và tín hữu Philiphê cũng phải có cùng tâm tình như nhau. Và thánh nhân muốn chia sẻ niềm vui của Ngài với họ và tham dự vào niềm vui của họ. Chính tâm tình này khiến cho cái chết vì Tin Mừng không phải là nỗi buồn mà là niềm vui chan chứa.
 

 

Chương IV

Thần học trong thư gửi giáo đoàn Philipphê
 

 

LÒNG TIN VÀO CHÚA KITÔ VÀ THÁI ĐỘ SỐNG TƯƠNG XƯNG VỚI LÒNG TIN

Để trả lời cho vấn nạn do tín hữu Giáo Hội thời khai sinh nêu lên liên quan tới liên hệ giữa nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu, một tác giả vô danh đã sáng tác bài thánh ca kitô học được thánh Phaolô lấy lại và lồng khung trong chương 2,6-11 thư gửi giáo đoàn Philiphê. Tác giả bài thánh ca đã đưa ra câu trả lời như sau: Đúng, Đức Giêsu là một người, nhưng không phải như bất cứ con người nào khác. Sự đặc thù nằm ở chỗ nhân tính vẹn toàn của Ngài được hiện thực toàn vẹn trong thái độ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha. Nghĩa là Đức Giêsu đã là người không phản bội chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh rạng ngời của Ngài và cho con người được quyền tham dự vào sự bất tử của Ngài.

Khi trích lại bài thánh ca này thánh Phaolô nhắc cho tín hữu giáo đoàn Philiphê biết rằng lịch sử cuộc đời Chúa Cứu Thế là lịch sử của sự tự ý lựa chọn sống khiêm hạ, và là lịch sử cứu độ mà họ cũng được chia sẻ. Tín hữu được tháp vào lịch sử và cuộc sống mới đó trong ”Đức Giêsu Kitô”. Chính vì thế không thể chấp nhận được sự kiện họ lại để cho mình bị kích thích sống kiêu căng, tự mãn, khoe khoang, trái nghịch với thái độ sống khiêm hạ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, hơn là một kiểu mẫu luân lý phải noi theo, Đức Giêsu là hiện thân của thứ luận lý đảo ngược trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thứ luận lý ấy cũng phải là thứ luận lý điều khiển toàn cuộc sống của tín hữu trong cộng đoàn kitô, hiệp nhất với Đức Giêsu, là Đấng đã tự hạ mình sống kiếp phàm nhân và vâng lời cho tới chết hổ nhục trên thập giá. Cái chết hổ nhục trên thập giá ấy tiêu diệt tận gốc rễ mọi lý do kiêu căng của con người và khước từ mọi thái độ khoe khoang của kitô hữu.

 

Đơn vị văn chương cuối cùng trong phần khuyến dụ là chương 2,12-18. Trong hình thái, đơn vị bắt đầu với một câu nhập đề mới: ”Anh chị em thân mến” và kết thúc với các tin tức liên quan tới tình trạng tù đầy và cái chết tử đạo có thể xảy ra với thánh Phaolô (cc.16.18). Nội dung của nó gồm các lời kêu gọi tổng quát. Trước hết thánh Phaolô nhắc lại thái độ sống vâng lời của tín hữu Philiphê như ngài đã từng có dịp chứng kiến trong qúa khứ. Thánh nhân khuyên họ tiếp tục sống vâng phục hơn, nhất là trong lúc này khi không có ngài bên cạnh. Đây không phải là chuyện vâng lời thánh nhân, nhưng là sự vâng phục và tin tưởng gắn bó của lòng tin mà nền thần học của thánh Phaolô thích định nghĩa là thái độ vâng phục lời loan báo Tin Mừng (x. Rm 1,5; 10,16; 15,18). Chính khi liên tục sống thái độ vâng phục tin tưởng đó mà tín hữu có thể bảo đảm ơn cứu rỗi của họ. Giữa ơn cứu độ là đích tới của lòng tin và con đường dấn thân theo Chúa Giêsu và hiện thực các giá trị Tin Mừng, là thái độ trung thành diễn tả lòng run rẩy khiếp sợ tín thác nơi Đấng đã khai mào công trình ơn thánh cứu độ nơi họ (x. 1,6). Tuy nhiên, đây không phải là thái độ tự lực tự cường xây dựng số phận đời mình mà không nhờ tới Thiên Chúa. Thánh Phaolô có thể khích lệ tín hữu hoạt động cho ơn cứu rỗi của họ, bởi vì Thiên Chúa hoạt động nơi họ. Vì lòng nhân từ Thiên Chúa tác động, thúc đẩy ý chí và hỗ trợ nỗ lực của họ (x. 13). Kiểu khẳng định mâu thuẫn ”Anh chị em hãy hoạt động vì có Chúa tác động giữa anh chị em” diễn tả đúng tương quan đặc thù trong nền thần học của thánh Phaolô, giữa thể chỉ định khẳng định biến cố ơn thánh và thể sai khiến đề cao dấn thân luân lý tương xứng với tác động ơn thánh của Chúa. Chính vì có ơn thánh Chúa tác động nên tín hữu có thể dấn thân sống lòng tin. Nói cách khác chúng ta có thể lật ngược kiểu nói thông thường :”Bạn hãy tự giúp mình rồi trời giúp bạn” thành ”Vì có trời giúp bạn, nên hãy ra tay hoạt động”.

Chúng ta không biết rõ lời khuyên ”Anh chị em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca tranh luận” ám chỉ các tương quan khó khăn trong nội bộ cộng đoàn hay diễn tả một thái độ tôn giáo. Xem ra nó ám chỉ các liên hệ khó khăn giữa lòng cộng đoàn, vì chúng ta biết rằng trong giáo đoàn Philiphê đã có các chống đối và chia rẽ giữa tín hữu (x. 2,14; 4,2-4). Thánh Phaolô khuyên tín hữu chấm dứt tình trạng xung khắc đó. Không được để cho cuộc sống giáo đoàn bị sứt mẻ vì các kêu ca lẩm bẩm và các chỉ trích phê bình tiêu cực cũng như các tranh cãi thù hằn nhau. Nhưng mọi sự đều phải hướng tới chỗ xây dựng một cuộc sống luân lý toàn vẹn không thể chê trách vào đâu được (x. 1,10), nghĩa là cuộc sống là con cái của Thiên Chúa, không bị tiêm nhiễm bởi môi trường sống thối nát chung quanh. Ở đây câu 15 trích lại một kiểu nói trong chương 32,5 sách Đệ nhị luật ”giữa một thế hệ gian tà sa đọa”. Tiếp đến tương quan giữa Giáo Hội và trần gian được xác định bằng hình ảnh ánh sáng rạng ngời trong bóng tối: ”Giữa thế hệ này anh chị em phải rạng ngời như ánh sáng”. Đó đã là lời Chúa Giêsu nời gọi các môn đệ như ghi trong chương 5,14 Phúc âm thánh Matthêu: ”Các con hãy là ánh sáng thế gian”. Hình ảnh và giáo huấn của cả hai lời nhắn nhủ đều giống nhau: tín hữu được mời gọi chiếu soi thế giới này với ánh sáng cuộc sống và cung cách hành xử thánh thiện và can đảm không khiếp sợ. Nếu phải đề cập tới nhiệm vụ truyền giáo của tín hữu thì đây là cách rao truyền Tin Mừng bằng cuộc sống chứng tá của mình. Bối cảnh của văn bản và lời thánh Phaolô nhắn nhủ rõ ràng minh chứng cho điều này: ”bằng cách sống kiên vững theo lời sự sống”. Nghĩa là chính khi tín hữu trung thành chăm chỉ thực hành giáo huấn của Tin Mừng, họ trở thành nguồn mạch trao ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người (Rm 1,16) và khiến cho Giáo Hội trở thành chứng tá giá trị đáng tin cậy trên thế giới. Nói cách khác mỗi khi sống phản chứng, mỗi khi có cung cách hành xử trái nghịch với các giá trị Phúc Âm là kitô hữu gây tổn thương cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng và tàn phá Giáo Hội.

Đề tài cuộc sống toàn vẹn không thể chê trách có bối cảnh của cuộc phán xét ngày sau hết đã được thánh Phaolô nhắc tới trong chương 1,10. Ở đây ngài nhắc lại một lần nữa một cách rõ ràng hơn, và xin tín hữu sống làm sao để cho ngài được hãnh diện (= káukhêma) trong ngày tận thế, khi Chúa Kitô quang lâm phán xử trần gian (c.16), và để cho mọi lao nhọc tông đồ (= kopiáô) ngài phải chịu vì rao truyền Tin Mừng và dậy dỗ họ khỏi phải ra uổng công vô ích. Hay nếu diễn tả theo từ ngữ thể thao là để cho cuộc chạy đua vất vả của thánh nhân không trở thành hư không. Như thế, kết qủa chung cục cuộc đời tông đồ của thánh nhân tùy thuộc nơi cung cách sống lòng tin của tín hữu giáo đoàn. Nếu họ sống tốt lành thánh thiện thì kết qủa công tác truyền giáo của thánh Phaolô cũng tốt đẹp, tích cực. Tương quan giữa thánh Phaolô và tín hữu các cộng đoàn do ngài thành lập luôn luôn là tương quan hai chiều rất chặt chẽ. Chẳng hạn ngài viết trong chương 1,13-14 thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: ”Tôi hy vọng anh chị em hiểu được một cách trọn vẹn rằng… chúng tôi là niềm hãnh diện ( káukhêma) của anh chị em cũng như anh chị em là niềm vinh dự của chúng tôi trong ngày của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Trong cùng thư thánh nhân cũng xác định rằng tín hữu chỉ có thể tự hào về Chúa Kitô và hoa trái hoạt động của ơn thánh mà thôi (2 Cr 10,17. x.1 Cr 1,29.31). Thật ra, đối với thánh Phaolô hãnh diện về cộng đoàn của mình có nghĩa là hãnh diện về hoạt động hữu hiệu của Chúa Kitô trong công tác tông đồ của ngài. Đó là điều thánh nhân nói rõ trong chương 15,17-19 thư gửi giáo đoàn Roma: ”Vậy trong Đức Giêsu Kitô, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa. Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Giêsu Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Và như thế, đi từ Giêrusalem, nới rộng hoạt động cho tới miền Illiria tôi đã hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô”.

Hai câu 17-18 chương 2 cũng tiếp tục đề tài tương quan giữa thánh Phaolô và giáo đoàn Philiphê. Thánh nhân có thể chết trước khi ngày phán xét ló rạng, vì vụ án đang tiến hành có thể kết thúc với bản án tử hình. Nhưng viễn tượng tử đạo không khiến cho thánh Phaolô lo sợ, trái lại nó còn khiến cho con tim của ngài tràn ngập niềm vui. Cái chết của ngài sẽ kết hiệp với lễ tế cuộc đời tín hữu: ”Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra làm của lễ (= spéndomai) hợp làm một với phụng vụ hy lễ (= leiturgía e thysía) mà anh chị em lấy đức tin dâng lên Thiên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh chị em”. Từ ngữ thánh Phaolô dùng ở đây hiển nhiên là từ ngữ phụng vụ, cũng như kiểu chuyển tiếp từ bình diện hiến tế sang bình diện cuộc sống cụ thể thường ngày. Cuộc sống lòng tin của tín hữu Philiphê cũng như cái chết tử đạo của thánh Phaolô đều là việc phụng tự mà không có lễ nghi. Nghĩa là thánh Phaolô coi việc kitô hữu sống lòng tin cũng như công tác tông đồ trong cuộc sống thường ngày, trong thái độ vâng theo Tin Mừng và tận hiến vì Tin Mừng là phụng tự mà dân riêng mới của Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha (x. Rm 12,1-2). Kiểu giải thích này của thánh Phaolô thật rất táo bạo, độc đáo và sâu sắc. Đức tin khiến cho từng giây phút cuộc đời tín hữu trở thành lễ nghi phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa.

 

Hiệp nhất trong phụng vụ sống động ấy thánh Phaolô và tín hữu Philiphê cũng phải có cùng tâm tình như nhau. Và thánh nhân muốn chia sẻ niềm vui của Ngài với họ và tham dự vào niềm vui của họ. Chính tâm tình này khiến cho cái chết vì Tin Mừng không phải là nỗi buồn mà là niềm vui chan chứa. Đối với thánh Phaolô cũng như đối với tín hữu thắng vượt được cái chết hay phải chết đều là suối nguồn trao ban niềm vui.

 

Đức Ông Linh-Tiến-Khải

TRONG SỐ TỚI:

TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH PHAOLÔ VÀ CÁC CỘNG Sự VIÊN TRONG CÔNG TÁC RAO TRUYỀN TIN MỪNG

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.