[…] Việc trao giải chắc chắn có thể đem đến cơ hội cho chúng ta tập trung một khoảng thời gian vào vấn đề căn bản về “thần học” thực sự là cái gì.
Truyền thống bảo chúng ta : Thần học là một khoa học về Đức Tin. Nhưng ở đây lập tức câu hỏi được đặt ra: Điều đó có thực sự có thể được chăng? Hay tự nó là một sự mâu thuẫn? Khoa học chẳng phải là trái ngược với Đức tin đó sao? Đức tin chẳng phải hết còn là đức tin khi nó trở thành khoa học sao? Và khoa học chẳng phải hết còn là khoa học khi nó bị sắp xếp theo và lệ thuộc vào đức tin ư?
Những câu hỏi nầy vốn dĩ đã nói lên một vấn nạn nghiêm trọng đối với thần học thời trung cổ, trở nên – cùng với khái niệm hiện đại về khoa học – còn cấp bách hơn và thoạt nhìn tưởng như không lời giải. Do vậy người tìm hiểu vì sao ở thời buổi hiện đại này, thần học trong nhiều môi trường bị giới hạn trước hết ở lãnh vực lịch sử, hầu chứng minh tính chất khoa học nghiêm túc của nó. Phải công nhận với lòng biết ơn những công trình đồ sộ đã được thực hiện và thông điệp Kitô giáo đã đón nhận được một ánh sáng mới, có khả năng làm cho mọi người nhìn thấy được sự phong phú riêng tư sâu sắc của nó.
Tuy nhiên, nếu thần học rút lui toàn bộ vào quá khứ, thì ngày nay nó để đức tin vào bóng tối. Trong một giai đoạn hai, kế đó người ta tập trung vào thực hành, để chứng minh rằng thần học – tương quan với tâm lý học và xã hội học – là một khoa học hữu ích cho ta những chỉ dẫn cụ thể cho cuộc sống. Điều đó cũng quan trọng, song nều nền tảng của thần học – đức tin – không trở nên cùng lúc đối tượng của tư duy, nếu thực hành này chỉ quy chiếu về đức tin hoặc nữa, nếu nó sống duy nhất nhờ những đóng góp của các khoa học nhân văn, thì lúc đó thực hành này trở nên trống rỗng và thiếu nền móng. Những con đường này vì thế không đủ. Mặc dầu chúng không hữu ích và quan trọng, chúng có thể trở thành những luận điệu lẫn tránh nếu như câu hỏi thật sự vẫn không có câu trả lời. Câu trả lời là : điều gì chúng ta tin có đúng hay là không? Trong thần học câu hỏi về những gì liên quan đến chân lý vào cuộc. Chân lý này là nền móng tối thiểu và chính yếu của nó.
Một câu nói của Tertullien ở đây có thể giúp chúng ta tiến một bước về phía trước. Ngài viết rằng Chúa Kitô đã không nói : Ta là thói quen, như là : Ta là sự thật [non consuetudo sed veritas]” (Virg 1,1). Christian Gnika đã cho thấy rằng khái niệm “consuetudo” có thể nói về các tôn giáo bên ngoại mà, theo bản chất của chúng, không phải là đức tin, mà là “thói quen”: người ta làm những gì người ta vẫn luôn làm; người ta tuân giữ các hình thức thờ cúng truyền thống và người ta hy vọng vẫn như thế trong tương quan đúng đắn với lãnh vực huyền bí của sự thiêng liêng. Khía cạnh cách mạng của Kitô giáo trong thời thượng cổ chính là sự đoạn tuyệt với ‘thói quen” bằng tình yêu chân lý. Ở đây Tertullien trước hết nói trên nền tảng Phúc Âm Thánh Gioan, trong đó cũng tìm thấy cách giải thích căn bản khác về đức tin Kitô giáo, được diễn tả trong cách gọi tước hiệu Chúa Kitô như Logos. Nếu Chúa Kitô là Logos, chân lý, thì con người phải tương ứng với Người bằng chính logos của riêng mình, bằng lý trí của mình. Để tới được với Chúa Kitô, con người phải ở trên con đường chân lý. Con người phải mở ra với Logos, với Lý Trí tạo dựng, từ nơi đó lý trí của con người phát xuất và là nơi mà lý trí sẽ đưa con người về lại. Từ đó người ta hiểu rằng đức tin Kitô giáo – do tại chính bản chất của nó – phải gợi lên thần học, phải tự vấn về cái thiện được đặt nền tảng trên đức tin ngay cả nếu khái niệm lý trí và khái niệm khoa học mặc lấy nhiều chiều kích và do vậy, bản chất cụ thể của sợi dây liên kết giữa đức tin và lý trí đã phải và luôn phải được đào sâu lại. Ngay cả nếu trong Kitô giáo, sợi dây liên kết căn bản giữa Logos, chân lý và đức tin, biểu thị rõ ràng, thì hình thức cụ thể của mối liên kết này cũng đã gợi ra và đang luôn gợi ra những câu hỏi mới. Đã rõ rằng lúc này, câu hỏi này, vốn đã và sẽ làm bận tâm tất cả mọi thế hệ, không thể được giải quyết chi tiết, cũng không thể được giải quyết trong các nét chính của nó. Tôi những muốn duy nhất thử đưa ra một nhận xét rất nhỏ.
Thánh Bonaventura, trong lời nói đầu cuốn “Bình Luận về Các Câu” (Commentaire sur les Sentences), đã nói về một việc sử dụng kép lý trí – một cách sử dụng vốn không thể dung hoà được với bản chất của đức tin và một cách sử dụng khác vốn ngược lại, thuộc về bản chất của đức tin. Theo như người ta hay nói, có “violentia rationis”, sự chuyên quyền của lý trí, tự đặt mình là quan toà tối cao và tối thượng của mọi sự. Loại cách sử dụng này của lý trí chắc chắn không thể có được trong khuôn khổ đức tin. Thánh Bonaventura muốn nói gì qua điều đó? Một câu trong thánh vịnh 95: 9 có thể cho chúng ta thấy muốn nói gì. Ở đây, Thiên Chúa nói với dân Người : “Trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thử thách ta, cám dỗ Ta, dù chúng đã thấy việc Ta làm!”. Người ta gợi lên ở đây cuộc gặp gỡ kép với Thiên Chúa : Chúng “đã thấy”. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Chúng thử thách Thiên Chúa. Chúng muốn bắt Thiên Chúa phải trải qua kinh nghiệm. Thiên Chúa – có thể nói như vậy – chịu một cuộc hỏi cung và phải chịu một quy trình thử nghiệm. Mô thức sử dụng này của lý trí, ở thời hiện đại, đã đạt đến đỉnh cao phát triển trong lãnh vực các khoa học tự nhiên. Lý trí thực nghiệm ngày nay tỏ ra như là hình thức độc nhất của lý tính (rationality) được nhìn nhận là có tính khoa học. Những gì không thể chứng thực hoặc phủ định một cách khoa học, thì nằm ở bên ngoài khuôn khổ khoa học. Trên nền tảng này nhiều công trình đồ sộ đã được thực hiện, như chúng ta đã biết. Không ai muốn nghiêm túc đi nghi ngờ rằng lý trí thực nghiệm là chính đáng và cần thiết trong lãnh vực nhận thức thiên nhiên và các luật lệ của nó. Dù vậy vẫn có một giới hạn cho việc sử dụng lý trí này : Thiên Chúa không phải là đối tượng cho con người thí nghiệm. Người là chủ thể và tỏ mình ra duy nhất trong tương quan giữa người với người : điều đó là thành phần của bản thể con người.
Trong viễn cảnh này, Bonaventura gợi lên một cách sử dụng lý trí thứ hai, giá trị cho lãnh vực của “cá thể”, cho những vấn đề lớn lao về thân phận con người. Tình yêu muốn biết rõ hơn người mình yêu thương. Tình yêu, tình yêu đích thực, không làm cho mù quáng, nhưng làm cho sáng suốt. Sự khát khao huểu biết, một sự hiểu biết đích thực về người khac là một phần của tình yêu. Vì thế các Giáo Phụ đã tìm được những tiền thân và những tổ tiên của Kitô giáo – bên ngoài thế giới mạc khải của Israel – không phải trong lãnh vực tôn giáo quen thuộc, nhưng là nơi những con người kiếm tìm Thiên Chúa, kiếm tìm chân lý, nơi các “triết gia”: nơi những con người khát khao chân lý và do đó trên đường tiến về Thiên Chúa. Khi không có cách sử dụng lý trí này, bấy giờ những vấn đề lớn của nhân loại kết thúc bên ngoài lãnh vực lý trí và bị bỏ mặc cho chủ nghĩa phi lý tính (irrationalism).
Vì vậy một thần học đích thực quan trọng biết bao. Đức tin chính đáng dẫn lý trí đến chỗ mở ra cho thiêng liêng, để cho lý trí, được tình yêu vì chân lý hướng dẫn, có thể biết Thiên Chúa gần hơn. Sáng kiến con đường này được tìm thấy nơi Thiên Chúa, Đấng đã đặt vào lòng con người sự kiếm tìm Long Nhan Người. Do vậy làm thành phần của thần học gồm có một bên là sự khiêm nhường để mặc Thiên Chúa “chạm” đến và một bên là kỷ luật liên kết với trật tự lý trí, giữ cho tình yêu khỏi sự mù quáng và giúp phát triển sức mạnh thị giác.
Tôi rất ý thức rằng tất cả những điều đó đã không mang đến câu trả lời cho câu hỏi liên quan đến khả năng và bổn phận của thần học chân chính, nhưng [ý hức rõ] rằng chỉ được đem ra ánh sáng sự vĩ đại của thách đố ghi khắc trong bản chất của thần học. Tuy vậy, chính thách đố này mà con người cần đến, bởi vì nó thúc đẩy chúng ta mở lý trí chúng ta bằng việc chúng ta tự vấn về chính chân lý, về Long Nhan Thiên Chúa […]. Lý trí, khi bước đi trên con đường do đức tin vạch ra, không phải là một lý trí bị giam hãm, mà là lý trí đáp lại ơn gọi rất cao xa của nó.
( www.chiesa web 27/07/2012)
Views: 0