Các bạn thân mến, “Thảm kịch ở Grand Prairie” không phải là tiêu đề của một truyện trinh thám nào đó của Edgar Poe, Alfred Hitchcock, Agatha Christie, Sir Arthur Conan Doyle hay Sidney Sheldon với những án mạng giết người bởi những hung thủ gian manh, quỷ quyệt và với những tình tiết li kỳ hồi hộp mà các nhân vật phá án thần kỳ như Dupin, Poirot hay Sherlock Homes đem lại cho chúng ta trong kho tàng văn chương nhân loại. “Thảm kịch ở Grand Prairie” là câu chuyện có thực về bạo lực gia đình dẫn đến thảm án giết chết 6 mạng người và 4 người bị thương. Một câu chuyện không cần những nhân vật phá án thần kỳ xuất hiện bởi vì hung thủ đã tự sát tại chỗ để lại sự mất mát cha mẹ của 2 con thơ 11 tuổi và 3 tuổi ở lại và sự thương tổn của hai bên nội ngoại nói riêng và của cộng đồng Việt Nam nói chung.
Các bạn cũng như tôi, là người Kitô hữu với những bức xúc sâu sắc về bạo lực gia đình trong xã hội đương đại ngày nay mà dóng lên hồi chuông cảnh báo sự suy đồi về nền tảng đức tin và tình yêu trên thế giới.
Các bạn thân mến, tôi xin tóm tắt tấn thảm kịch xảy ra để mọi người rộng đường dư luận như sau :
Đỗ Tân 35 tuổi, đã xả súng bắn chết vợ là chị Trini Tạ 29 tuổi, 2 người em gái của chị là: Lynn Tạ 16 tuổi; Michelle Tạ 28 tuổi và người em trai là Hiền Tạ 21 tuổi; người em dâu của chị Trini Đỗ là Nguyễn Thúy Vi 25 tuổi, mới từ Việt Nam qua được hơn năm và đang có thai. Đỗ Tân còn bắn bị thương cha mẹ vợ và thêm 2 người khác bị thương nữa trong bữa tiệc sinh nhật của con trai 11 tuổi của anh và chị Trini Đỗ được tổ chức tại Forum Roller World tại Grand Prairie, cách thành phố Dallas khoảng 20 dặm về phía tây. Cháu trai 11 tuổi và em gái 3 tuổi được bình an sau thảm kịch bạo lực gia đình.
Dư luận cho rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ sự đối xử thiếu công bằng của hai gia đình nội-ngoại. Con rể bác sĩ được coi trọng hơn con rể thi sĩ; con dâu nha sĩ được coi trọng hơn con dâu làm nail… Cái lỗi nhìn gần thì thật có nhiều bậc cha mẹ đã đối xử như thế với dâu-rể thật, chứ không phải không có. Từ ấm ức nhỏ nhưng tích lũy trong quan hệ lâu dài của một gia đình sẽ thành hận thù và khi lòng hận thù đủ sức biến thành hành động thì kể gì tính người…
Lại có dư luận cho rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ lối sống qui về một mối của người Việt ở hải ngoại. Con cái trưởng thành, đã lập gia đình nhưng cha mẹ vẫn thích họ về sống chung dưới một mái nhà để ông bà vui cháu. Trong đời sống Mỹ của một gia đình có những tự do không thể có cha mẹ già lom lom xoi mói vào đời tư người trẻ. Sự can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái đã trưởng thành là nguyên nhân dẫn tới bất mãn; theo thời gian thành hận thù; dẫn tới bạo lực, án mạng…
Dư luận bình dân nhưng rất thực này đi đến kết luận khá thú vị: "Vợ chồng chung lo cho con cái là chuyện nước chảy xuôi… nhưng khi chúng đã lập gia đình thì mình cho được gì cho; nói được lời nào vun xới cho con cái thì nói. Bằng không, có nhiêu, còn nhiêu… vợ chồng già liệu cơm gắp mắm mà sống, riêng một góc trời-hai trái tim khô. Sống ở Mỹ thì bắt chước Mỹ, chừng nào con cái, cháu chắt mời ông bà đến dự sinh nhật nó thì hãy đến, Đừng đứng ra tổ chức sinh nhật cho thằng cháu ngoại sinh ở Mỹ bằng nồi bún mắm. Nhìn lại bữa tiệc toàn bạn bè của ông bà xì xụp; mấy đứa bé kia tay bịt mũi tay ăn pizza… Biết đâu con dâu hay con rể để bụng không ưng, lâu ngày, nhiều chuyện… thành chuyện.
Dư luận lại cho rằng, bạo lực gia đình cũng xuất phát từ cái hội nhập “nữa nạc, nữa mỡ” của đàn bà Việt nam qua Mỹ đòi bình đẳng nhưng họ đâu có bình đẳng gì đâu! Các bạn có thấy bà Việt nam nào đẩy máy cắt cỏ ngoài sân, rửa xe ngoài driveway; nhưng anh thấy… (chính anh không chừng), cũng là người đàn ông Việt nam đứng ở ở chỗ cái bồn rửa chén với một đống chén dĩa thấy ớn. Trong khi vợ chồng Mỹ thì khác, phụ nữ Mỹ làm công việc cắt cỏ, rửa xe… như đàn ông. Nên người chồng Mỹ không thấy ấm ức như người chồng Việt nam rửa xe, cắt cỏ xong thì vô rửa chén. Tính ra, phụ nữ Việt nam hội nhập một nửa có lợi cho họ thôi; tên chồng thì nhịn tới lúc chịu hết nổi. Bùm.
Dư luận lại nói một nguyên nhân nữa dẫn đến bạo lực gia đình, đó là người vợ dùng chuyện sex như một món quà thưởng cho anh chồng, sau khi anh ta làm vui lòng người vợ về một chuyện chẳng ăn nhập gì đến chuyện phòng the của hai vợ chồng. Từ tâm lý bị ép dẫn tới coi thường vợ, ra ngoài giải quyết sinh lý đâu có bao nhiêu tiền, lại được xem trọng. Hậu quả thì không phân biệt ai lỗi ai phải khi đôi bên cùng không đúng. Hậu quả nhẹ là mạ lị nhau, căm thù nhau, ly dị, và dẫn đến nặng nề khó biết trước…
Một dư luận khác cho rằng bạo lực gia đình trong cộng đồng người Việt cũng xuất phát từ một yếu tố khá phổ biến khác là người Việt được giáo dục đùm bọc anh chị em ruột theo tinh thần "anh em như thể tay chân" . Nhưng khác với người Mỹ là vợ ngồi xuống nói chuyện với chồng về việc giúp đỡ người em cô ta khởi nghiệp bằng tấm check bao nhiêu là bao nhiêu… một lần duy nhất hay có lần sau… quan trọng là vợ chồng cùng biết và đồng ý chung thì không bực bội. Khác với người Việt là anh chồng đi cày mờ mắt; những lúc hé mắt ra được chút thì thấy cậu em, cô em vợ phây phây ăn chơi với nguồn kinh phí được thấm thúi từ vợ mình. Những bực dọc nhỏ đó sẽ lớn dần lớn lên và dẫn tới bi kịch…
Các bạn thân mến, câu nói cuối cùng mà người cha máu lạnh được nghe của con gái bé bỏng mình nói là: “con thương cha, đừng bắn mẹ con.” Tình yêu thương mà con cái học từ cha mẹ chưa bao giờ đuợc thử thách như hiện nay cho con cái các bạn và cho con cái của tôi. Thảm kịch một gia đình để lại trên đời hai cháu bé không bao giờ còn nghe tiếng nói yêu thương của cha mẹ và sự tổn thương một niềm tin vào xã hội với tình yêu và tình người làm chuẩn mực về đạo đức và cách xử thế. Thảm kịch này để lại trong lòng mỗi người chúng ta những băn khoăn tự hỏi về việc mình có thật sự tin có Thượng Đế hay Thiên Chúa không ? Mình thật sự tin có tình yêu tồn tại không ?
Những người vô thần, những kẻ sống trong tư lợi và chủ nghĩa cá nhân đã đẩy xã hội con người xa rời niềm tin vào Thiên Chúa, và những gì tốt đẹp đến từ tình yêu của ngài mà con người theo đuổi học hỏi. Niềm tin đó đuợc thay đổi bằng những vầng quang của danh vọng, quyền lực, tiền bạc, các siêu sao hay những tình yêu đam mê đơn giản. Thật tiếc thay, con người sẽ sụp đổ ngay niềm tin đó khi những danh vọng và tiền bạc mất đi, rồi những cá nhân siêu sao hay các tình yêu đam mê trở nên phủ phàng và trần tục. Bạo lực sẽ nổ ra trong gia đình, xã hội khi niềm tin và tình yêu tạm bợ đã xa rời họ. bạo lực đó là những cách mà họ cố níu kéo, bám víu và gìn giữ nó như những mơ ước của họ. Nhưng hởi ơi, bạo động trong gia đình, xã hội đó nó lại tạo thêm những oan nghiệt, những tổn thương và những điều đáng tiếc thương tâm và tội nghiệp cho các thế hệ sau này.
Các bạn thân mến, hãy đổi lối nhìn và suy nghĩ đi để xây dựng nền tảng đức tin và tình yêu trong gia đình. Hãy tin vào Thiên Chúa của tình yêu vì các bạn sẽ không mất gì cả khi niềm tin của các bạn đặt trọn vào ở ngài, đấng “thấu suốt mọi bí ẩn”.
Này nhé nếu chúng ta phân vân không biết Thiên Chúa có thật không và để phân rõ nặng nhẹ, chúng ta thử làm phép toán bài bạc như sau:
Thứ nhất, nếu thật sự có Thiên Chúa, các bạn theo ngài là đã thắng keo đầu rồi. Còn nếu các bạn không tin có Thiên Chúa, các bạn đã thua sạch và thua đậm.
Thứ hai, nếu thật sự không có Thượng Đế, các bạn theo ngài có làm hại ai đâu còn tốt cho mình, cho gia đình và xã hội… nói tóm lại các bạn vẫn thắng. Còn nếu các bạn không tin có Thiên Chúa, các bạn vẫn là các bạn và đánh huề mà thôi.
Nói tóm lại các bạn vẫn thắng lớn khi các bạn xác tín một niềm tin như các nhà bác học sau đã từng xác tín:
Nhà bác học Pasteur nói: "Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Đức Chúa Trời".
Nhà bác học Becquerel nói: "Nhờ nghiên cứu khoa học, đã dẫn tôi đến Thượng Đế và tôi có đức tin".
Nhà bác học Newton nói: "Tôi đã thấy Thượng Đế qua viễn vọng kính".
Platon nói: "Những ai có một chút trí khôn, đều phải kêu cầu Đức Chúa Trời trước khi bắt đầu công việc của họ, dù việc lớn hay việc nhỏ".
Nhà bác học Edison đã ghi vào sổ lưu niệm khi ông đến viếng tháp Eiffel: "Edison hết sức khâm phục và ca ngợi tất cả các kỹ sư, trong đó gồm cả Đức Chúa Trời".
Thế đấy các bạn, niềm tin làm cho ta sự kính sợ Thiên Chúa và sợ làm điều tội ác và vô hình trung lại làm cho nhân tính nhân loại được nâng cao. Còn tình yêu học từ ngài là sự cho đi và chết vì người mình thương sẽ đưa chúng ta đến hạnh phúc chứ không phải hủy diệt như “Thảm kịch ở Grand Prairie.”
Vậy dưới mắt nhìn của nguời Kitô hữu, nếu đức tin và tình yêu được lên ngôi trong sự tôi luyện và cầu nguyện thì :
Thứ nhất, dư luận cho rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ sự đối xử thiếu công bằng của hai gia đình nội-ngoại, thì đây chỉ là thử thách cho tình nghĩa vợ chồng gắn bó đối với nguời Kitô hữu.
Thứ hai, dư luận cho rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ lối sống qui về một mối của người Việt ở hải ngoại, thì chỉ là thử thách về sự hy sinh trong tình yêu đối với người Kitô.
Thứ ba, dư luận lại cho rằng, bạo lực gia đình cũng xuất phát từ cái hội nhập “nữa nạc, nữa mỡ” của đàn bà Việt nam qua Mỹ đòi bình đẳng và đó chỉ là cám dỗ cần được vuợt qua đối với nguời Kitô hữu.
Thứ bốn, dư luận lại nói một nguyên nhân nữa dẫn đến bạo lực gia đình, đó là người vợ dùng chuyện sex như một món quà trao đổi, và đây chỉ là sự thử thách cửa tình yêu và hy sinh cho nhau đối với nguời Kitô hữu.
Các bạn thân mến, cả tôi và các bạn phải đối diện với bao trăn trở của cuộc sống và những khó khăn không thể tránh hiện nay khi đối diện với sự khủng hoảng niềm tin và tình yêu chân chính. Tôi xin các bạn hãy cùng tôi cầu nguyện liên lũy xin “lòng thương xót chúa” giúp chúng ta vượt thắng mọi đam mê cám dỗ cùng mọi sự dữ để chúng ta sống sao cho đáng sống:
Xin dùng một bài thơ thay cho lời kết, luôn chúc các bạn là người hạnh phúc như bài thơ:
Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo nhịp sống ban mai
Sống chung hoà với những người chung sống
Sống là động nhưng trong lòng chẳng biết động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Orange County tháng Tám ngày 16 năm 2011
Ngoan Nguyễn
Views: 0