Trong phần đầu chương 7 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô đã giải đáp thắc mắc liên quan tới sự tốt lành khách quan của lề luật.
Từ câu 14 trở đi thánh nhân khai triển đề tài ”cuộc chiến nội tâm như điều kiện sống của con người, một cuộc sống bị Tội Lỗi thống trị”. Ngài nhập đề với khẳng định: ”Vậy, như chúng ta biết đó, Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm nô lệ cho Tội Lỗi”. Luật lệ do Thiên Chúa ban, dĩ nhiên là thuộc môi trường thiên linh. Nhưng con người của tín hữu trước khi tin nhận Chúa Giêsu, cái thằng tôi chưa tin đó lại thuộc thế giới cũ, thế giới còn nằm dưới ách thống trị của Tội Lỗi Sự Dữ và Cái Chết.
Để diễn tả tình trạng tha hóa đó của con người và giải thích kiểu nói là ”xác thịt bị bán làm nô lệ cho Tội Lỗi”, thánh Phaolô trưng dẫn một kinh nghiệm đớn đau của cuộc sống, kinh nghiệm mà ai cũng đã từng một lần trải qua trong đời. Đó là kinh nghiệm bị Sự Dữ khống chế và sai khiến. Ngài viết: ”Thật vậy, tôi làm gì, tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi lại không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại làm”. Nghĩa là có khoảng cách xa vời, có sự gẫy đổ hoàn toàn giữa ước muốn làm điều tốt lành, giữa chí hướng đáp trả lại ngưỡng vọng sâu xa đích thực của con người và kiểu hành xử bên ngoài của nó. Con người hành động trái nghịch lại với ý muốn của mình. Nó làm điều mà nội tâm nó khước từ, ghét bỏ. Và thảm cảnh khốn khổ này gây ra hai loại kết qủa trái nghịch nhau. Một đàng cái tôi của tín hữu hiện thực được rằng Lề Luật do Thiên Chúa ban là tốt lành (c. 16). Bởi nếu nó không tốt lành, Thiên Chúa đã chẳng ban cho loài người làm gì. Đồng thời cái tôi đó cũng nhận ra ý muốn làm điều lành và hướng thiện của nó (cc. 18.19.21). Nghĩa là nó đồng điệu với điều mà Lề Luật muốn, do đó khẳng định sự tốt lành của Lề Luật. Nhưng đàng khác thánh Phaolô cũng ghi nhận việc làm trái nghịch của cái tôi: nó ”làm điều dữ mà nó không muốn” (c. 19). Con người như bị xé làm đôi giữa ý hướng làm việc thiện trong nội tâm và hành động độc ác bên ngoài của mình. Qua nó con người tỏ ra là một sinh vật không ý chí và hoàn toàn bất lực, không thể hiện ra ngoài được các khát vọng tích cực của mình: ”muốn điều thiện nhưng lại không làm điều thiện” (c. 18. 21). Tắt một lời, trước khi tin nhận Chúa Giêsu, cái tôi của tín hữu hoàn toàn bị tha hóa. Nó trở thành xa lạ với chính nó và không biết mình là ai nữa. Từ chủ thể nó đã trở thành vật thể. Bởi vì các hành động nó làm thực sự không còn là của nó nữa. Cái tôi của tín hữu bị khống chế. Qua đó thánh Phaolô có thể diễn tả hiển nhiên hơn hậu qủa thứ hai của tình trạng tha hóa này: ”Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không phải là chính tôi làm điều đó, mà là Tội lỗi vẫn ở trong tôi” (c. 16.19. 20). Con người sống dưới ách thống trị của một chủ nhân ông hoàn toàn xa lạ nhưng lại độc đoán áp đặt mọi sự, và đuổi địch thủ ra ngoài: ”Tôi biết sự thiện không sống trong người tôi, nghĩa là trong thực tại xác thịt của tôi”.
Các câu 21-23 lập lại lần thứ ba đề tài của sự mâu thuẫn này trong cái tôi của con người: ”Như vậy, tôi khám phá ra luật này: đó là khi tôi muốn làm sự thiện thì sự ác lại ở trong tầm tay”. Nhưng ở đây thánh Phaolô diễn tả sự đổ bể nội tại đó bằng cách trình bầy hai luật đối kháng giằng co với nhau trong thứ ngôn ngữ triết học của thời đó. Thứ ngôn ngữ này đối chọi trí tuệ (nous) hay con người nội tại (hô ésô anthropos) với các chi thể con người (mélê). Thánh Phaolô viết: ”Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của Tội Lỗi là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi”. Chính thực tại xâu xé này gây ra cuộc chiến nội tâm khiến cho thánh Phaolô nhận chân được tất cả thảm cảnh của cuộc sống con người. Như thế, chúng ta thấy thánh nhân cố gắng diễn tả trực giác đức tin của ngài: việc chấp nhận Đức Giêsu Kitô như Đấng cứu độ đại đồng duy nhất cũng dẫn đưa thánh nhân tới chỗ lượng định trở lại điều kiện sống thê thảm của người hoàn toàn nằm ngoài lãnh vực ơn cứu độ. Các hình ảnh được dùng để diễn tả thực tại này rất linh động: Tội Lỗi như chủ nhân ông tuyệt đối, độc đoán và con người như tên nô lệ hoặc tù nhân yếu đuối, bất lực. Đó là chưa kể tới hình ảnh Tội Lỗi sống trong cái thằng tôi diễn tả hiện tượng con người bị qủy ám. Việc trình bầy thực tại cái tôi bị tha hóa ba lần với một vài yếu tố khác biệt cũng rất ý nghĩa (cc. 15-17; 18-20; 21-23).
Ngoài ra cũng nên ghi nhận từ luật lệ (nómos) được dùng trong các nghĩa khác nhau để ám chỉ: thứ nhất, điều Thiên Chúa đòi buộc, tức lề luật của Chúa; rồi để diễn tả văn bản Lề Luật Môshê (ho nómos) và sau cùng để ám chỉ luật lệ trong nghĩa tổng quát. Sau cùng, bên cạnh quan điểm nhân chủng học như đã đề cập trên đây là đề tài luân lý tổng quát liên quan tới thiện, ác. Điều này có nghĩa là thực tại thánh Phaolô nói tới ở đây vượt qúa mọi ý niệm, nên không thể bị đóng khung trong các lược đồ lý trí cứng nhắc, không thể diễn tả nó một cách trung thực. Nếu muốn dùng thứ ngôn ngữ của khoa phân tâm học, chúng ta có thể nói rằng sự kiện cái tôi siêu nhân khống chế cái tôi làm nảy sinh ra tình trạng tha hóa trên đây trong cuộc sống con người, vì cái tôi siêu nhân đè nén các ước vọng sâu thẳm nhất của cái tôi. Tuy nhiên, kiểu giải thích này chỉ hợp lý, khi nó không yêu sách diễn tả tất cả cái phong phú của văn bản, một sự phong phú vượt xa lãnh vực tâm lý và luân lý. Thật thế, bởi vì bối cảnh của văn bản, thảm cảnh cuộc chiến nội tâm mà thánh Phaolô trình bầy ở đây, liên quan tới chiều kích lịch sử cứu độ. Như đã nói ở trên, thánh Phaolô muốn trình bầy hình ảnh con người bị tha hóa xa lạ với hoạt động cứu độ của Chúa Kitô, dù họ là người do thái hay không do thái. Ở đây thánh Phaolô khẳng định rõ ràng rằng yếu tố gây ra sự hư mất của con người là hoạt động của quyền lực của Tội Lỗi được nhân cách hóa, mạnh mẽ tới độ có thể xử dụng cả lề luật được Thiên Chúa ban cho dân Do thái tại núi Sinai và được tỏ hiện cho trí tuệ con người biết, để ám hại con người. Nói cách khác, thánh Phaolô truy tầm lý do sự hư mất của con người nơi cơ cấu gian ác phát xuất từ thái độ của con người khước từ Thiên Chúa, khước từ thực tại là thụ tạo của mình, để tự tôn mình làm Thiên Chúa. Cơ cấu này hiện hữu và hoạt động trong lịch sử cũng như trong cuộc sống con người. Thánh nhân không chỉ cho thấy sức soi sáng thiếu sót của luật lệ hay tiếng nói lương tâm, mà còn cho thấy chúng bị lèo lái một cách tiêu cực nữa. Nơi con người bị cơ cấu tội lỗi đó thống trị, thì luật Chúa dậy: ”Chớ thèm muốn” kích thích con người phản ứng ngược lại. Phản ứng đó thể hiện ra ngoài bằng thái độ vừa khước từ luật Chúa vừa dùng việc tuân giữ luật đó để tự khẳng định chính mình. Vì thế người giữ luật cũng như kẻ không giữ luật chỉ có thể thoát ra khỏi cơ cấu tồi bại này nhờ sức mạnh giải thoát của Chúa Kitô.
Trong viễn tượng này, các phạm trù liên quan tới thiện ác không thể chỉ được hiểu trong nghĩa luân lý. Trong tình trạng bị Tội Lỗi hoàn toàn thống trị và khống chế, cái tôi không thể tự xây dựng con đường cuộc sống dẫn đưa nó tới cuộc đời vĩnh cửu, ngay cả khi con người có tuân giữ luật lệ tỉ mỉ đi nữa. Bởi vì như là con người ”xác thịt”, nó diễn tả cái thèm muốn tôn thờ chính mình. Thật ra, con người xác thịt xử dụng lề luật để tự khẳng định chính mình, để khước từ Thiên Chúa trong lãnh vực tôn giáo và luân lý. Và khi sống như thế, con người tự coi mình là Thiên Chúa của đời mình và đặt mình ra ngoài ơn cứu độ, là ơn nghĩa của đức tin. Đây là lý do giải thích tại sao tín hữu tuân giữ tỉ mỉ luật Chúa lại có thể sống và hành xử như người vô thần.
Văn bản trình bầy thảm cảnh cuộc chiến nội tâm kết thúc với tiếng thét tuyệt vọng của thánh Phaolô, là người đã từng sống kinh nghiệm bất lực đó ngay trong lúc thánh nhân tuân giữ lề luật của Chúa một cách hăng hái và cuồng tín nhất: ”Ôi khốn nạn thân tôi! Ai có thể giải thoát tôi khỏi thân xác bị kết án tử này?”. Cái tôi của con người nhận ra thảm cảnh sống tuyệt vọng của mình: bị Tội Lỗi thống trị và giam cầm trong tội ác, con người thấy mình hoàn toàn thất bại trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới bao quanh. Nhưng thánh Phaolô và mọi tín hữu đều biết rằng có một giải đáp cho tình trạng tuyệt vọng ấy. Đây cũng đã là kinh nghiệm của chính thánh nhân. Do đó ngài sung sướng kêu lên: Ơn cứu độ đến từ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết để giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, Sữ Dữ và Cái Chết. Vì thế nên ”Xin tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Con đường duyệt xét cuộc sống qúa khứ của tín hữu giờ đây kết thúc với lời cảm tạ Thiên Chúa vì ơn cứu độ và giải thoát Ngài ban cho họ qua niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô. Cái tôi gào thét lên nỗi bất hạnh và tuyệt vọng của mình cũng là cái tôi cất cao lời ca chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Tuy nhiên, nỗ lực duyệt xét con đường lòng tin ấy cũng vén mở cho tín hữu thấy nguy cơ đánh mất đức tin trong cuộc sống. Vì thế thánh Phaolô tha thiết mời gọi tín hữu hãy luôn tỉnh thức và liên lỉ dấn thân. Đây là đề tài đã được đề cập tới trong chương 6 và đặc biệt trong chương 8. Đây có thể là lý do giải thích tại sao thánh Phaolô lại viết thêm trong phần 2 của câu 25: ”Như vậy nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ lề luật của Thiên Chúa, nhưng theo xác thịt thì tôi làm nô lệ của Tội Lỗi”. Nó vừa tóm tắt chương 7 vừa chuyến ý sang chương 8. Ơn giải thoát không phải là một cái gì tự động được Chúa Giêsu Kitô trao ban một lần cho luôn mãi, mà là một tình trạng sống mà kitô hữu phải hết sức cố gắng vun trồng và duy trì, đồng thời với đức tin. Bởi vì khi mất đức tin, tín hữu cũng mất ơn cứu độ, vì lại rơi trở vào ách thống tri của Tội Lỗi, Sự Dữ và Cái Chết.
LINH TIẾN KHẢI
Views: 0