Nhân giúp cháu nội đang học lớp 3 soạn bài tập tôi đã được đọc một chuyện ngắn lý thú của tác giả Miska Miles với tựa đề Annie And The Old One.
Nhớ lại ngày xưa khi đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư có những câu chuyện mà đến khi trưởng thành tôi mới thấu hiểu triết lý sâu sắc của tác giả, điển hình là chuyện người đi đôi giày mới mà lâu ngày tôi đã quên mất tựa đề. Tôi chỉ nhớ chuyện rằng: Một người kia có đôi giày mới. Lúc đầu anh ta rón rén từng bước vì trời mưa sợ hư đôi giày. Chẳng may anh ta trượt chân dẵm phải vũng bùn làm dơ đôi giày mới. Từ đó anh ta bước bừa bãi, không còn gìn giữ nữa.
Câu chuyện thật giản dị và hồi nhỏ tôi cũng chỉ hiểu đơn sơ có thế thôi. Lớn lên thấy những người tay trót nhúng chàm thì liều lĩnh buông xuôi như trường hợp những kẻ lỡ một lần phạm pháp, những phụ nữ đáng thương bị hải tặc xâm phạm tiết hạnh trên đường tị nạn, tôi mới thấm thía triết lý của bài đọc ngày xưa.
Trở lại câu chuyện của Miska Miles, chuyện kể như sau:
Em bé thổ dân Da Ðỏ tên Annie sống với cha mẹ và bà nội trong khu định cư của bộ lạc Navajos tại một vùng sa mạc xa xôi. Một buổi tối khi vạn vật đều thinh lặng ngoại trừ tiếng chó sói tru ở xa xa, khi cả gia đình ngồi quây quần bên đống lửa thì bà nội bình tĩnh và chậm rải nói:
"Các con ạ, khi tấm thảm được dệt xong là lúc ta trở về với lòng đất. Ðây là những di vật của ta, các con chia nhau theo ý thích". Nói rồi Bà trao cho mọi người những vật dụng thường ngày của bà. Annie đã chọn cái thoi dệt thảm và suốt đêm đó em ôm cái thoi trên ngực, trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau, nhìn tấm thảm mẹ đang dệt treo trên khung cửi đã cao gần tới đầu gối, em buồn rầu hỏi mẹ:
"Mẹ ơi! Tại sao mẹ không ngưng dệt tấm thảm này? Mẹ không nghe bà nội nói gì sao?"
Mẹ em thở dài, không trả lời và tiếp tục dệt. Annie bỏ chạy ra xa úp mặt vào gốc cây mà khóc. Em suy nghĩ rồi ngưng khóc, tự nhủ: Bà nội sẽ về với Ðất khi tấm thảm được dệt xong và tháo khỏi khung cửi. Vậy tấm thảm sẽ không bao giờ xong, mẹ không thể dệt tiếp được nữa. Em phải tìm cách ngăn cản mẹ. Em sẽ …..
Tới trường, trong giờ thể thao, em giấu một chiếc giày của cô giáo mong cô sẽ gọi mẹ em lên để khiển trách và mẹ sẽ mất đi một ngày làm việc. Nhưng một lát sau đứa bạn em đã tìm lại chiếc giầy cho cô giáo, cô chỉ mỉm cười bỏ qua vì cho là em đùa nghịch.
Ðêm hôm sau em lén bò ra ngoài lều, mở cửa chuồng thả một con dê trong bầy, với hy vọng ngày mai mẹ phải ngưng dệt để đi tìm. Nhưng sáng sớm hôm sau tiếng dê kêu trong bụi rậm khiến bà nội đã tìm thấy dễ dàng và đưa dê trở lại bầy. Không ai nghi ngờ gì về hành động của em.
Ngày lại ngày, tấm thảm cứ tiếp tục cao dần và nay đã gần tới thắt lưng. Annie hoảng hốt cố tìm mưu kế. Sau một đêm trằn trọc khi trời chưa sáng em lén ra nơi dựng khung cửi tháo bớt khúc thảm mẹ đã dệt ngày hôm trước. Mọi người đều ngạc nhiên nhưng không ai tìm hiểu lý do. Annie mừng thầm và đêm sau em lại tiếp tục hành động của mình. Nhưng ngày thứ ba, khi em vừa tháo xong một khúc thảm và hớn hở quay về lều thì bà nội đã đứng ở sau lưng. Bà chậm rải dắt Annie lên đồi, chỉ về phía xa xa, nơi trời và đất gặp nhau, rồi nhẹ nhàng nói với em rằng:
"Cháu ơi, ta không thể tìm cách ngăn chận được thời gian. Mặt trời mọc từ bờ trái đất bên này vào buổi sáng, rồi trở lại bờ trái đất bên kia vào buổi chiều. Cháu phải nhớ rằng Ðất là nơi cuối cùng mà mọi sinh vật phải trở về, không chừa một ai, kể cả bà và cháu ".
Annie bốc một nắm cát vò trong lòng bàn tay, suy nghĩ, và từ từ để cát rơi lả tả xuống đất. Em bắt đầu hiểu. Mặt trời mọc rồi lặn về đất. Hoa xương rồng nở rồi tàn, các cánh hoa cũng lại rơi xuống đất. Em đã hiểu rằng em cũng là một phần của đất như mẹ, như bà nội, như mọi vật từ xưa và mãi mãi. Cúi đầu nhìn xuống những hạt cát em đi dưới ngón chân, ngửng mặt nhìn lên ánh mặt trời bắt đầu ló dạng, Annie lẳng lặng kéo tay bà trở về bên khung cửi và, với con thoi di vật của bà, em bình thản tiếp tục dệt thảm thay mẹ.
Câu chuyện chỉ có thế, giản dị mà cảm động. Có lẽ cháu tôi và những đứa trẻ cùng lứa tuổi cũng chỉ hiểu đại khái như tôi đã hiểu những bài đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư hơn nửa thế kỷ trước, nhưng bài tập đọc của đứa trẻ 8 tuổi này đã làm thay đổi quan niệm về cuộc sống của tôi.
Tôi vốn là người lắm cảm xúc, nhiều suy tư. Hiểu như vậy cho nên lúc sinh thời, biết rõ bệnh trạng của mình chồng tôi đã khuyến khích tôi tập chống chọi với mọi đổi thay đột ngột. Anh khuyên tôi phải sẵn sàng để đương đầu với những biến cố, vì một ngày nào đó có thể là một đứa con chúng tôi chết, một đứa cháu chúng tôi chết, có thể là anh chết ….. và anh bảo tôi phải biết lúc đó mình sẽ làm gì.
Khi biết chồng bị bệnh nay y, lúc đầu cũng như bé Annie tôi đã cố chối bỏ sự thật, vẫn hy vọng một sự đổi thay, một điều kỳ diệu. Nhưng rồi dần dần tôi tỉnh ngộ vì biết rằng vô phương giải quyết và tôi bình tĩnh chấp nhận sự kiện sinh ký tử quy, cát bụi lại trở về cát bụi. Nhìn các con ngày một trưởng thành, các cháu nội ngoại ngày một khôn lớn tôi đã quan niệm rằng kiếp sống của con người chỉ là một chu kỳ, tre già măng mọc, mà thôi và từ đó tôi TẬP LÀM GÓA PHỤ"
Tôi đã nhận xét, học hỏi để đảm nhận tất cả những công việc của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội, từ vấn đề giao dịch và quyết định về tài chánh, thuế má, bảo hiểm v.v. cho đến các việc chi thu, nhà cửa, xe cộ, kể cả việc sửa chữa vặt vãnh trong nhà và cả … đổ xăng. Những việc đó không khó nhưng lâu nay tôi đã lơ là và ỷ lại. Tôi hiểu rằng tôi phải sẵn sàng để khỏi ngỡ ngàng khi sống đơn độc. Dĩ nhiên là tôi không tránh khỏi nhưng hớ hênh và sai lầm lúc ban đầu. Nhìn thấy gương một số phụ nữ sau khi chồng chết bỗng chới với và hụt hẫng, phải nhờ vả và lệ thuộc vào con cái, họ hàng hoặc người ngoài, rồi bị người lợi dụng hay phải lợi dụng người nên mặc dù may mắn có một bầy con hiếu thảo, tôi cũng đã cố gắng tập sống tự lập. Tôi hiểu rằng lối sống "tứ đại đồng đường" ngày nay không có nữa, quan niệm "bé cậy cha già cậy con" bây giờ không đúng nữa, nhất là ở xã hội Hoa kỳ này con cái đều có đời sống riêng tư mà đôi khi cha mẹ là một chướng ngại hoặc là nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc của chúng.
Rồi khi chồng tôi vĩnh viễn ra đi tuy có đau đớn nhưng tôi bình tĩnh vì biết rằng việc phải đến đã đến và tôi tin rằng tôi sẽ vững vàng sống nốt quãng đời còn lại của mình. Tôi cố gắng trấn tĩnh và tự nhủ tại sao phải rũ rượi tỏ ra sầu khổ? Ðể làm gì? Có lợi gì? Tôi không muốn than khóc để làm các con tôi thêm đau khổ, tôi càng không muốn rền rĩ để cầu mong sự thương hại của bạn bè, vì chẳng ai giải quyết được những khó khăn của tôi, nếu có. Tôi đã học được bài học từ "La mort du loup" của Aifred de Vigny mà tôi đã học đọc từ hồi Tiểu học :
Gémir, pleurer, prier est également lâche
Fais energiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le Sort a voulu t’appeler,
Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler
Tôi cố gắng ngẩng đầu cao mà sống để mai kia khi đến lượt tôi trở về với lòng đất, như quan niệm của Bà nội Annie, tôi sẽ an bình ra đi trong sự kính yêu của con cái và lòng quý mến của bạn bè.
Mong rằng như vậy.
Nguyễn thị Nhung
Views: 0