Hình như không khí đón Xuân của người Việt Nam dù ở nơi đâu cũng khởi đầu bằng âm nhạc qua các bài hát Xuân. Và một trong những bài hát Xuân nổi tiếng và phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi là bài "Ly rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cứ nghe điệu nhạc thân quen của bài hát này trỗi lên là trong lòng ai cũng có thể thì thầm hát theo và biết là Tết đã gần kề:
"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công dân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui" .
Không biết từ lúc nào "Ly rượu mừng" đã trở thành bài hát biểu tượng cho việc đón Tết của người Việt Nam khắp nơi. Gần như không có chương trình văn nghệ đón Xuân nào mà lại thiếu bài hát này, vì nội dung nó hàm chứa đầy đủ những ý tốt lành mà người Việt Nam thường chúc nhau vào dịp Tết đến! Ấy vậy mà nó đã bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm phổ biến trong nước ? trong khi bài hát chẳng nói gì đến chống cộng mới lạ! Hay là tại vì lời của bài hát nhắc đến Tự Do "Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do" ( 2 chữ kỵ húy của nhà cầm quyền cộng sản?). Không muốn đất nước Tự Do, chả lẽ họ muốn bị lệ thuộc ngoại bang (Trung Quốc)?. Nếu không tại sao ngày Xuân chúc nhau những điều tốt lành mà lại bị cấm ?. Thực tế tuy bị cấm nhưng ngày Tết ở Việt Nam vẫn nghe bài hát này vang lên đó đây vì nó quá hay và ý nghĩa!
Bây giờ sau 40 năm cấm đoán, năm nay nhà nước đã cho bài hát này được chính thức lưu hành trong cả nước, nghĩa là bài hát được ra CD để phổ biến, được trình diễn trong các chương trình ca nhạc ở các sân khấu và trên ti vi. Cuối cùng thì lẽ phải và Tự Do cũng đã chiến thắng, giới chức cầm quyền đã bắt đầu ngộ ra "những việc cần phải làm", như vụ Bộ Trưởng Đinh La Thăng đã dám mạnh dạn quyết định cách chức tổng giám đốc hỏa xa Hà nội vì đã ký hợp đồng nhập những xe lửa thải ra (rác công nghiệp) của Trung Quốc. Trong những ngày giáp Tết, có thể xem đây là những tin vui, vì giới chức cầm quyền bắt đầu cựa mình để vươn về phía chân lý.
Nói đến những bài hát Xuân thời trước 75 thì có quá nhiều bài hay: Xuân đã về, Cánh thiệp đầu Xuân, Đồn vắng chiều Xuân, Xuân Ca, Xuân này con không về, Anh cho em mùa Xuân, Xuân xưa…nhưng bài tôi thấy dễ thương và có cảm tình nhất vẫn là bài "Đám cưới đầu Xuân" của Trần Thiện Thanh kể chuyện con nít thich chơi trò làm đám cưới:
"Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời.
Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu.
Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu."
Đúng là "Đón Xuân này nhớ Xuân xưa…": Tôi nhớ hồi nhỏ 2 chị em tôi Tết thích chơi trò nấu ăn nên hái lá, hoa chưng Tết rơi rụng đem làm bếp, nấu nhiều đồ ăn quá mới nghĩ tới chuyện làm đám cưới để đãi nhiều khách, rồi lấy hoa xâu lại gắn lên đầu làm cô dâu, mà thuở đó còn "ngây thơ" thiệt! nên dặn má: "Mai mốt tụi con lớn, má nhớ cho tụi con làm đám cưới thiệt nha!". Thấy má lắc đầu mà lòng ấm ức không biết tại sao? Rồi ngày Tết đến con nít thích nhất là được "lì xì", tôi nhớ ngày xưa khi nào gần Tết là tôi phải tỏ ra ngoan ngoản, học giỏi, biết nghe lời thì sẽ được Ba cho đi theo thăm chúc Tết bà con và thế nào cũng được thêm tiền lì xì "mừng tuổi" cho "mau ăn chóng lớn". Xưa có lẽ nhờ nhận được nhiều những lời chúc đó mà tôi sau này "mau ăn chóng lớn" thấy rõ, nhưng có lẽ chưa bằng BB, cháu ngoại tôi. Tết năm ngoái, cô nàng đứng chưa vững, mặc áo dài mà bế chụp hình thì "quê" quá, nên phải thả xuống đứng để chụp hình. Người chụp hình phải bấm thật lẹ, và chung quanh cô nàng là 2 – 4 bàn tay vây quanh, để nàng có lảo đảo sắp té bên nào thì cũng đều chụp kịp. Vậy mà Tết năm nay cô nàng chạy lon ton khắp nơi, khi nhận được bao mừng tuổi biết khoanh tay, cúi đầu " Cám ơn Ngại", rồi còn biết nghiêng đầu "làm duyên" cho Ngoại chụp hình. Nghe mẹ khen BB hiểu và nói tiếng Việt giỏi, để Ngoại "test" thử coi: "Con có thương Ngoại hông?" – gật đầu : "Xương". "Con có ghét Ngoại hông?" – lắc đầu: "Hông!". "Hun Ngoại cái coi!", nàng chạy à lại "chụt, chụt" vô 2 má Ngoại! Chao ôi vậy là "cục cưng" của Ngoại hiểu và nói tiếng việt rành quá rồi, không lo sau này bị mất "gốc mít"!
Ngày xưa lì xì chỉ dành cho con nít, bây giờ thì người lớn con nít đều có lì xì, nên học sinh và các thầy cô dạy các trung tâm Việt Ngữ, tết đều được lì xì hết! Lúc trước chúng ta hay gọi "lì xì", bây giờ "thoát Trung" không nên gọi lì xì nữa mà nên gọi "Mừng tuổi". Nhân nói đến vụ này tôi thấy cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã có bước tiến bộ rất đáng khen: Mở đầu với việc Viện Việt Học (Nam CA) cách đây mấy năm đã mở đầu phong trào cổ động người Việt dùng "phong bao mừng tuổi" của nguời Việt, với những mẫu mã in ấn rất đẹp và ý nghĩa như hình Trống Đồng Việt Nam, hình Tiên Rồng…với hàng chữ "Chúc Mừng Năm Mới". Chúng ta không dùng bao đỏ lì xì của Trung Quốc với những hàng chữ Tàu, đọc không hiểu gì hết, hay hình con nít Tàu tóc quả đào mặc quần áo Tàu…Thật là một điều vô lý hết sức khi từ việc nhỏ "mừng tuổi" năm mới cho con nít, người Việt từ bao năm cứ "vô tư" dùng bao lì xì đỏ của Tàu, làm giàu thêm cho business của Tàu khựa xâm lăng! Cám ơn Viện Việt Học đã khởi đầu 1 công việc hết sức ý nghĩa và ngày nay kết quả thật tốt đẹp. Bây giờ ở CA tôi thấy ngoài những phong bì mừng tuổi của Viện Việt Hoc, càng ngày càng xuất hiện những mẫu mã bao bì rất đẹp với hình ảnh Hoa Mai, Hoa Đào, bụi Trúc mang đầy hình ảnh thân thương quê nhà với chũ "TẾT" thật to, ( nó giúp người xa quê đón Tết nhìn thấy ấm lòng). Phía sau phong bao là những câu đối thuần Việt "Phúc Đầy Nhà Năm Thêm Giàu Có" đối với "Đức Ngập Tràn Ngày Một Vinh Hoa". Có phong bao màu vàng rực rỡ với chữ nỗi "May Mắn" thật to ở giữa và câu thơ chúc ở trên:
" Tân niên hạnh phúc, bình an tiến
Xuân nhật, vinh hoa, phú quý lai."
Ngoài ra tôi còn thấy có phong bao hình con khỉ với dòng chữ "Chúc Mừng Xuân Bính Thân", hoặc hình 2 đứa trẻ Việt Nam mặc áo dài khăn đóng khiêng giỏ quà đi chúc Tết dưới cành đào hồng, rồi hình chợ Bến thành với cặp bánh chưng xanh…Thật là tuyệt vời ! các phong bao mừng tuổi với nhiều hình thức vô cùng phong phú, vì người Việt chúng ta vốn dĩ thông minh và nhiều sáng kiến!. Không những chỉ có ở hải ngoại mà trong nước cũng bắt đầu "tiếp bước", khi tháng rồi về Việt Nam, một hôm bất ngờ tôi nhận được 1 bao thư màu hồng dày cộm của "Du Lịch Việt" gửi đến qua bưu điện. Trong đó có 1 thiệp chúc Tết "Cung Chúc Tân Xuân" với 1 bên là hình con khỉ và dòng chữ nhỏ Xuân Bính Thân 2016, 1 bên là hình Hoa Mai, kèm theo là 10 phong bì Mừng Tuổi với mẫu mã, in ấn quá đẹp cùng hàng chữ "Chúc Mừng Năm Mới'" . Tất cả được làm nền trên màu Hồng đậm đà, duyên dáng mang đầy tính chất Việt Nam, thay vì màu đỏ lòe loẹt, chói chang của bao lì xì Tàu, phía dưới là dòng chữ nhỏ www.dulichviet.com.vn . Đây là món quà tôi yêu thích nhất trong chuyến về Việt Nam lần này. Rất tiếc là tôi không còn thời gian, nếu không tôi đã rủ bạn làm thêm 1 chuyến du lịch với "Du Lịch Việt". Cách đây 2 năm tôi đã đi 1 tour với họ rất tốt, và bây giờ họ gửi thiệp chúc Tết Cám ơn và tặng quà phong bao "Mừng Tuổi". Đúng là phong cách văn minh, xứng đáng cho khách hàng quay lại, chỉ nội cái việc họ có sáng kiến làm ra thiệp chúc Tết và phong bao Mừng Tuổi thuần chất Việt, thể hiện tinh thần yêu Văn Hóa Việt là họ cũng đã đáng để cho chúng ta ủng hộ họ rồi. Trong khi Tết sắp đến nhiều "gian thương" chỉ vì lợi nhuận đã tiếp tay tuồn hàng Trung quốc độc hại vô thị trường trong nước, để người nghèo ham rẻ mua ăn vô là rước bệnh vô người. Thật là đáng lên án! Mỗi người Việt chúng ta trong cương vị của mình hãy làm những việc dù nhỏ bé để bảo tồn Văn Hóa Việt Nam, bảo vệ đất nước, dân tộc mình. Xin làm ơn đừng thờ ơ, đừng làm ngơ!
Một trong những thú vui Xuân của người Việt là sắm hoa Tết, vì mùa Xuân là mùa của nhiều loại hoa đua nở. Người Việt mở ra "Chợ Hoa" để mọi người đến đó du Xuân, ngắm Hoa rồi rước Hoa về nhà. Trước 75 ở miền Nam hoa tượng trưng cho ngày Tết là Hoa Mai (vì chữ Mai đọc trại coi như là May mắn) Sau này có thêm Hoa Đào từ Hà nội vào, nhưng sao tôi vẫn yêu Hoa Mai hơn, có lẽ vì nó là hình ảnh thân thương của "Hoa Mai vàng" trên huy hiệu trường nữ trung học Gia Long của tôi ngày xưa. Không phải chỉ riêng tôi mà theo nhận xét của giới báo chí "Mai vàng vẫn là loài hoa được nhiều người dân Sài Gòn ưa chuộng" Có thể đó là sự "chung tình" của người dân Saigon không "thấy mới nới cũ". Ở đây ai yêu hoa Mai quá thì đành xài hoa Mai giả, nhà thờ tôi chưng những gốc Mai già cổi to đùng, nom cũng đẹp như hoa thật! Mỗi lần đi chợ Hoa là thấy lòng rộn ràng niềm vui, vì được ngắm nhiều hoa đẹp, nhiều cây cảnh bonsai uốn tỉa rất công phu, lại được hòa cùng dòng người Việt đang rộn ràng đón Xuân về:
Hoa Mai, Đào khoe sắc
Hương xuân tràn ngây ngất
Ta nghe trong lòng rộn ràng rất vui
Chợ Hoa ở Saigon thì chỉ khai mạc trước Tết 1 tuần, nhưng ở Little Saigon (NamCA) thì chợ Hoa khai mạc từ 3 tuần lễ trước Tết, để người dân Việt có thêm thời gian thong thả sắp xếp để đi ngắm hoa, mua hoa, sau những giờ làm việc (đâu có được nghỉ Tết lu bù như ở Việt Nam) Có những người ở thật xa thậm chí ở tiểu bang khác về đây du Xuân, ngắm hoa Tết và mua hoa. Thôi thì chợ Hoa có đủ loại hoa, đủ màu sắc, có cả Thủy tiên nữa, hoa Mai ở đây không hạp khí hậu nên hơi hiếm chỉ có Mai rừng. Đa số dân Việt Nam ở Mỹ thích chơi hoa Cúc Vàng, vì nó có nét vàng rực rỡ, trong nhà có cặp chậu Cúc đại đóa là nhà tươi sáng hẳn lên. Có nhiều người thích chơi Hoa Lan vì hạp với khí hậu lạnh và chơi được lâu, có khi cả tháng. Đáp ứng nhu cầu mua hoa của dân Việt ở đây, Costco trong những năm gần đây đã nhạy bén với thị trường nên cũng mang về cả rừng hoa Cúc, hoa Lan phục vụ khách hàng. Năm nay Trời chiều lòng người nên khí hậu Nam CA trong tuần lễ Tết đều từ 80 độ F trở lên, tha hồ ấm áp để người người du Xuân, rủ nhau đi Chùa, đi Nhà Thờ, thăm viếng nhau, đi mấy hội chợ Tết và để " Hoa cười cùng tia nắng vàng son" như ở quê nhà. Ngoài ra ở đây còn nhiều sinh họat khác để chào đón Tết như "Thi nấu bánh Chưng, bánh Tét và bày mâm Ngũ Quả", Thi "Áo Dài Truyền Thống", Thi "Áo dài Mẹ và Con gái". Tôi nói đùa với con gái: "Khi nào thi " 3 thế hệ mặc áo dài" thì cả nhà mình sẽ kéo nhau đi thi, biết đâu "Chó ngáp phải ruồi" nhà mình đoạt giải thì lại có thêm chút tiền đi làm từ thiện!
Đón Tết còn 1 phong tục nữa mà tôi rất thich, đó là đốt pháo, Tết mà thiếu pháo thì như "Kỳ vô phong" (Cờ không có gió). Tiếng pháo nổ ròn rả như xua đuổi tà ma, như rộn ràng chào đón năm mới, như tràng pháo tay ròn rả "Welcome New Year" Riêng khoản này thì Tết ở hải ngoại "ăn đứt" Tết ở Việt Nam, nên nhiều người Việt Nam khắp nơi thích bay qua đây ăn Tết để được nghe pháo nổ cho "đã lổ tai". Riêng ở khu Little Saigon có 2 địa điểm tổ chức đón giao thừa rầm rộ và đông người tham dự nhất là chùa Huệ Quang và chùa Điều Ngự. Năm nào giao thừa tôi cũng rủ bạn đến nghe đốt pháo đón giao thừa ở chùa HQ. Một năm, 1 lần tôi muốn đến đây để được hòa đồng niềm vui đón Xuân cùng với nhiều người Việt xa quê khác, cùng hòa chung cảm xúc với "đồng bào" mình khi đón giờ phút giao mùa, để sống lại chút hơi ấm tình người Việt Nam tha hương. Ở đây dù đông đúc, chật chội, nhưng không có cảnh xô đẩy, làm bậy. Mọi người đều tử tế, lịch sự với nhau, vì tất cả đang có cùng nổi lòng nhớ về tập tục, cội nguồn Việt Nam trong giờ phút thiêng liêng. Ai mê nghe đốt pháo tết xin mời đến đây, nghe đã đời luôn, cả ngắm pháo bông! Từ 10 giờ tối trở đi là pháo nổ rền rĩ ngay giữa lòng đường trước chùa, phải gọi là đốt pháo tập thể, mọi người mua pháo đến đây đốt vui chung để cùng chào đón giao thừa với nhau. Tiếng tụng kinh, tiếng ca sĩ hát ở sân khấu lộ thiên dù cường độ âm thanh mở to tới cỡ nào cũng đều bị át đi bởi tiếng pháo Hình như đa số đến đây là để cùng đốt pháo và nghe pháo nổ đón giao thừa! Bởi 1 lần đốt là 1 khoanh pháo quấn tròn to cỡ gần bằng "bánh xe", cứ thế vừa đốt, vừa tuôn ra nơi lòng đường. Chỗ này nổ chưa xong là chỗ khác đã "lên tiếng" cứ thế mà rền rỉ, ầm ỉ "tạch tạch, đùng, đùng" liên miên. Bạn tôi nói" Nghe pháo nổ triền miên kiểu này, chắc mỗi năm đón giao thừa xong, thính giác mình sẽ bị giảm 10%, chẳng mấy năm nữa mà bị điếc luôn " – "Bạn quên chưa kể vụ khói ô nhiễm ngộp thở, bụi bay tá lã, xác pháo rơi tả tơi sẽ làm tổn thương da mặt trầm trọng…" – "Thì phải chấp nhận thôi, vì muốn enjoy pháo giao thừa mà" – " Cái này đúng là "Thú đau thương" – "Hãy nhớ những nơi khác người ta thèm được như mình mà không được đó!". Người tuôn như nước chảy, ai ai cũng rộn ràng vui vẻ, rất nhiều cô mặc áo dài kể cả quý ông và các em bé…Các cặp vợ chồng trẻ hay tình nhân thì tha hồ chụp hình "selfie" Do đó có lẽ không đâu đón giao thừa vui và nghe pháo nổ tưng bừng như ở khu Little Saigon, ngay cả so với Việt Nam trước 75.
Ngày trước thì pháo chỉ nổ vào lúc giao thừa ở các chùa, bây giờ thì các nhà thờ cũng đốt pháo tưng bừng sau các thánh lễ cuối năm, và đầu năm mới, rồi có mừng tuổi. Trước thánh lễ có chiêng trống và nghi lễ "bái tổ tiên", đoàn dâng hương mặc quốc phục, đội nón cánh chuồn, chân mang hài xưa, tiến dâng hương theo lối cổ truyền rất long trọng. Điều này chúng tỏ người Việt dù có xa xứ vẫn một lòng tha thiết với nguồn cội, với quê hương mến yêu, nhất là trong những phút thiêng liêng giao mùa. Tối 30 và ngày mồng 1 tết ở khu Bolsa đi đâu cũng nghe pháo nổ tưng bừng, khiến lòng người cũng hân hoan đón tết theo từng tràng pháo nổ râm ran đó đây! Năm nay là năm con Khỉ, tiếng pháo nổ nhắc nhớ đến Tết Mậu Thân năm xưa, khi VC lợi dụng hưu chiến nhân dịp Tết để tấn công vào các thành phố miền Nam, làm người dân nghe tiếng súng mà cứ ngở là tiếng pháo. Tết Mậu Thân có lẽ là Tết nhớ đời của người dân miền Nam với bao thảm cảnh tang thương xảy ra, nhất là cuộc thảm sát người dân vô tội quá đau lòng ở Huế mà TCS đã từng ghi lại: "Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu …" (Bài ca dành cho những xác người). Rất tiếc là những sự thật đau lòng đó đã bị lịch sủ trong nước sửa lại hoàn toàn khác hẳn!
Nhân tết con Khỉ tôi nhớ lại 1 kỷ niệm sâu sắc với Khỉ nhân dịp Tết. Năm đó tôi được ba cho đi theo chúc tết bà con, má diện cho tôi 1 áo đầm mới, rồi còn gắn trên tóc tôi 1 cái nơ kim tuyến lấp lánh, nên tôi rất thích. Khi ba nói chuyện với chủ nhân, tôi bèn ra trước sân chơi và phát hiện có 1 con khỉ bị cột ở dưới gầm bộ ván phía trước. Tò mò tôi bèn ngồi xuống, cúi đầu vô bên trong nhìn con khỉ, ai dè bất chợt nó chụp đầu tôi 1 cái, tôi sợ quá khóc ré lên!. Mọi người vội chạy ra xem "may quá không sao cả", nhưng đối với tôi đã là "một mất mát trầm trọng" vì con khỉ đã lấy mất cái nơ kim tuyến mà tôi rất thích. Ôi cái nơ thiệt là đẹp! mà tôi mới chỉ đeo lần đầu có chút xíu, hỏi sao không tiếc cho được?. Tôi khóc giơ tay đòi lại nó đã không trả mà còn cười "khẹt khẹt", rồi xé cái nơ ra mà bỏ vô miệng nhai ngon lành mới ức chớ. Từ đó tôi không có cảm tình với khỉ chút nào! Dù nghe nói số 9 là số hên, cũng là số thứ tự của con khỉ trong 12 con giáp. Mấy hôm nay gió Santa Ana bắt đầu thổi dữ dội, hú từng hồi và thổi phần phật khắp nơi đưa nhiệt độ lên cao, nên người ta gọi "Đúng là năm "Khỉ gió"!"
Thôi hãy trở về với chuyện vui Xuân của chúng ta, nói đến Tết mà không nói đến Ăn là 1 thiếu sót lớn. Tôi nhớ lại tuần rồi trong buổi liên hoan Tết và "Đố vui có thưởng" ở trường Việt Ngữ. Câu hỏi được đặt ra "Người Việt Nam ăn Tết với những loại bánh tên gì?" – "Bánh Chưng, bánh Tét" – "Bánh Chưng có hình gì?" – "Square". "Con hãy kể vài tên vài loại mứt ngày Tết" – "Mứt gừng, mứt dừa, mứt mãng cầu…". Qua những câu hỏi và câu trả lời của các em, tôi thấy những món ăn truyền thống đó vẫn còn đang tiếp tục được nhiều người mua qua các gian hàng chợ Tết khắp nơi,( kể cả ở chùa và nhà thờ để gây quỹ). Các em, có em biết ăn, có em lắc đầu, không biết cánh đàn ông ra sao? chứ cánh phụ nữ thì đa số lắc đầu vì bánh chưng, bánh tét nhiều nếp, ăn vô lên cân dễ như chơi! rồi đường lên nữa! Mứt cũng vậy, cái nào cũng tối kỵ! Có lẽ ngày xưa dân ta ít được ăn no, nên ngày Tết muốn cho mau no thì ăn nếp là no dai nhất, ăn mứt vì thiếu chất đường trong cuộc sống hằng ngày. Đây không phải chỉ là ý kiến của cánh phụ nữ ở nước ngoài đâu, vì 1 lần khi xem phóng sự làm bánh Tét ở nhà quê, tôi thấy 1 bà già trả lời thiệt thà : "Làm thì làm ngon vậy, nhưng để bán hoặc tụi nhỏ ăn, chứ tui không ăn đâu. Ăn vô rồi ra tá lã bệnh hết sao? tui đang bị tiểu đường và dư cân đây…" Vậy là bà già này cũng có kiến thức về y tế & sức khỏe đó, hay là do bác sĩ dặn. Tôi nhớ ngày xưa có 1 lần ở nhà gói bánh chưng, tui xin vô làm "thợ vịn" để được quyền tự gói 1 cái bánh chưng nhỏ cho riêng mình, Tui tham lam muốn gói nhưn cho nhiều, nên bỏ nhưn cho cố, tới hồi gói lại bị bể, nhưn lòi ra tùm lum. Vậy là bị "mất việc", bị đuổi ra ngoài đứng ấm ức khóc vì cái tội tham lam, không chịu nghe lời. Hồi nhỏ mỗi lần ăn bánh chưng, tui chỉ thich ăn "miếng chính giữa" vì có nhiều nhưn mà ít nếp, may là ba tôi khoái nếp, nên ba thầu ăn mấy miếng phía ngoài, nên tui không bị má la! Tôi thấy giữa bánh tét và bánh chưng, bánh tét dễ ăn hơn vì cắt từng khoanh đều nhau, có nhưn giống nhau và ít nếp hơn bánh chưng. Bây giờ thì bánh tét, bánh chưng gì cũng sợ hết! Hôm trước ăn liên hoan ở các lóp ESL và quốc tịch, có bánh tét thiệt ngon, nếp có chút xíu bọc quanh còn nhưn thịt quá nhiều, nhưng nhìn thịt nhiều cũng thấy sợ! Có lẽ "vì già rồi", các học viên phản đối "Cô đâu có già!", chắc có lẽ họ chưa đọc bài viết mới đây của BS Hồ Ngọc Minh:" Tôi đoán chừng các "bô lão" của hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chắc khoảng độ 40 tuổi là nhiều…Nghiên cứu mới đây cho thấy sự lão hóa bắt đầu sau tuổi dậy thì, đàn ông cũng như đàn bà sau 35 tuổi hiện tượng lão hóa tăng dần tốc độ như xe tuột dốc. Và một khi tuột dốc, tốc độ ngày càng tăng. Sau 45 tuổi, mỗi một năm người ta già đi 14 tháng, chứ không phài 12 tháng, và cứ thế mà…già nhanh hơn". Như vậy thì tôi đã "già từ thuở nào" rồi chứ đâu phải bây giờ mới già! Ủa mà già thì già có sao đâu mà phải sợ, miễn tâm hồn mình vẫn trẻ là được rồi! Hay theo tinh thần "lạc quan tếu" như BS ĐHN đã viết: " Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!". Luật tạo hóa: Con người ai sinh ra cũng đều phải trãi qua "Sinh lảo, bệnh tử". Mỗi tuổi đều có những nét đẹp riêng của nó, đừng nên luyến tiếc quá khứ. Tuổi trẻ có nét đẹp của tuổi trẻ, tuổi già có nét đẹp của tuổi già. Ở tuổi già người ta " bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua… biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình " (ĐHN)
Ngày Xuân chúng ta chỉ lo đi tìm cái đẹp, cái hay bên ngoài "Hoa rồi tàn, Tết rồi hết". Sao ta không đi tìm những nét đẹp cao quý ở bên dưới, ở bên trong những đời thường, đôi khi nó ẩn mình che dấu dưới những cử chỉ đơn sơ, mộc mạc, như việc biết tìm niềm vui hay chia sẻ với những ai khó khăn hơn mình. " Tôi học được cách cho đi chẳng phải vì tôi có quá nhiều" bởi "Tôn giáo của tôi rất đơn giản, nó là sự tử tế " – (ĐLLM) Như câu chuyện kể: Cuối năm chàng thanh niên sau 1 ngày làm việc mệt nhọc, bước vào nhà hàng, gọi cho mình 1 dĩa cơm sườn. Khi dĩa cơm được bưng ra, anh chợt phát hiện có 2 đứa bé nghèo khổ đứng bên ngoài nhìn dĩa cơm qua khung cửa sồ với đầy vẽ thèm thuồng. Anh bèn gọi chúng vào và kêu thêm 1 dĩa nữa cho 2 anh em ăn, ngồi nhìn chúng hau háu ăn với tất cả sự sung sướng và mãn nguyện, anh cảm thấy ấm lòng. Sau khi 2 anh em ăn xong và rời quán, anh mới gọi 1 dĩa khác cho mình và thưởng thức nó với niềm vui đã giúp được 2 đúa bé no lòng tối nay. Ăn xong anh yêu cầu được tính tiền và đi rửa tay. Khi quay lại bàn của mình để nhận hóa đơn. Thật bất ngờ khi anh nhìn vào tờ hóa đơn chỉ thấy dòng chữ làm anh cảm động:" Chúng tôi không có máy để tính toán được giá trị của con người. Mong mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với anh!”. Có ai đó đã thanh toán tiền cho cả 3 dĩa cơm, anh hỏi nhân viên tính tiền, nhưng cũng không nhận được thông tin gì.
Qua câu chuyện câu chuyện đậm tình người như trên đã chứng minh rằng thế giới này của chúng ta cần nhiều hơn nữa tình yêu thương con người. Đó mới là nét đẹp bền lâu, hơn nữa sau khi bạn làm việc thiện, việc tốt, bạn cũng sẽ vô tình hướng người khác đến với việc hành thiện!
Một mùa Xuân thật đẹp và vui đang đón chờ những ai có tấm lòng. Tôi tin như vậy các bạn à!
Xuân Bính Thân
Phượng Vũ
Views: 0