Uncategorized

Tâm sự của người đi giúp khóa

“Te tò te, đây là ban kèn  hơi … tò tò tò tò te có anh nào muốn chơi …”.

“Te tò te, đây là ban kèn  hơi … tò tò tò tò te có anh nào muốn chơi …”.

Bài hát cứ vương vẩn trong đầu tôi trên đường lái xe về, sau một ngày thứ Sáu  làm việc …hình như  từ ngày rời Seattle đến giờ, đến hôm nay đã 4 hôm rồi mà như mới hôm qua, lúc nào đầu óc cũng còn tơ  tưởng đến khóa, đến từng khuôn mặt của các khóa viên, và những sự vội vã chạy lên, chạy xuống, và sự làm việc thật cần mẫn của các anh chị giúp khóa .

Phải công nhận rằng chuyến đi Seattle giúp khóa kỳ này đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp … những giọng cười nắc nẻ qua những câu chuyện vui “thanh thanh tục tục “ của Chị Thi, Chị Lan, Anh Mừng mỗi ngày trên đường đi lên khóa, hoặc mỗi đêm về sau  một buổi giúp khóa … Những mẫu chuyện vớ vẫn góp nhặt được thay phiên nhau kể lúc 0 giờ, mặc dù đã rất là mệt mỏi sau một ngày dài, đã làm tôi cười muốn bể bụng.  Những lời nói vô tình của bất cứ ai trong ngày, được thu lại và kể lại và được đem ra mổ xẻ và biến chế thành câu chuyện vui …  cứ vậy được tiếp diễn mỗi đêm  trong căn phòng giải trí của nhà Thầy Sáu Mậu được biến thành barrack với 5 chiếc giường nổi  (airbed)… làm tôi cứ mường tượng đến những ngày tháng còn ở trại tỵ nạn …

Những kỷ niệm đẹp này đã được bắt đầu như thế này:  Tối Thứ Năm, ‘phái đoàn’  từ Orange County đi lên giúp khóa gồm 9 người: Cô/Chú Nhuệ & Nhi, A/C Hòa & Thi, A/C Mừng & Lan, Anh Duyêt (đi một mình) và hai đứa chúng tôi.  Cha Danh đi chuyến máy bay khác nên đến sau. Đến phi trường SEATAC hơi trễ .  Chưa kịp định hướng như thế nào thì anh Duyệt có vẻ hốt hoảng, đưa cho tôi cái điện thoại của anh, và phán:

– “Anh gọi cho Thày Sáu Mậu, P. nói chuyện đi …”

Tôi nhận điện thoại từ anh:

–  “Hello …”  Tiếng Thày Sáu Mậu  từ đâu giây bên kia.

– “Hello.. dạ em P. đây, chúng em vừa mới đáp … đang đi lấy hành lý ..”

– “À, tôi cũng đang ở phi trường …”

Tiêng Thày Sáu, nhưng lần này nghe sao giống như thầy đang đứng ở kế bên tôi … Bỗng tôi nghe nhiều tiếng của Cô/Chú và các anh/chị khác …

– “Ủa, Ủa … Thầy Sáu …”…

– “Ủa  Ủa … Phái Đoàn Orange Couty…”

Thì ra Thày Sáu đang đứng ngay kế bên chúng tôi và đang dõi mắt kiếm mọi người xa quá nên không nhìn thấy mọi người đang đứng ngay kế bên thầy …. Thế là mọi người nhanh nhẩu theo Thày ra khỏi phi trường và trực chỉ đi về nhà Thày. Đến nhà, Cô Cúc đã dọn sẵn một mâm lẩu hải sản. Thế là mọi người được ăn một bữa no nê. Phải công nhận món lẩu của Cô Cúc ngon chưa từng thấy.  Đi làm việc tông đồ mà được đãi ăn như thế này thì còn ơn ích gì nữa, sung sướng quá sức chẳng thấy hy sinh đâu nữa .

Sau bữa ăn, mọi người tắm rửa, thay quần áo đi ngủ vì đã quá 12 giờ đêm … Lúc này tôi mới để ý đến Anh Duyệt.  Anh mặc một bộ Pajamas màu HỒNG, tôi nghĩ có lẽ anh đi một mình nhớ vợ nên đem quần áo của chị đi mặc cho đỡ nhớ. Giả vờ vô tình, tôi thả cho anh  một câu:

– “Ủa, bộ Tiến Sĩ tính đổi hệ hay sao mà mặc màu hồng vậy.  Bộ này giống như của các bà các cô rồi anh Duyệt ơi …”

Anh có vẻ ngượng ngùng, chống chế …

– “Không có đâu. Cô nói tầm bậy … bộ này cháu của Anh ở Việt Nam may cho anh đấy …”.

Tôi cố tình làm cho anh đỏ mặt thêm:

– “Không có đâu anh ơi … anh đem lộn bộ  đồ của chị rồi anh còn chống chế gì … rõ ràng là đồ ngủ của các bà …

– “Ai nói tầm bậy tầm bạ, anh về anh mách vợ anh cho coi”. Anh giả bộ pha trò chống chế khiến mọi người càng cười vui vẻ…

Kể đến giờ ngủ mà không kể đến chuyện tranh giành phòng tắm thì cũng hơi thiếu xót.  Số là phòng ‘barrack’ này chỉ có 1 phòng tắm đứng và 2 toilets, cho 9 người.  Cứ tối về, và sáng sớm ra là chuyện  dành phòng tắm xảy ra thật đều đặn (nhưng đầy sự tế nhị’), tức là hễ cứ người ra, là ngay lập tức có người khác đi vào, lần lượt như đi khám bác sĩ vậy.   Có buổi sáng tôi ráng để đồng hồ báo thức lúc 5:45AM để được dùng nhà tắm trước, vậy mà vừa mò ra khỏi ‘giường ‘ thì đã thấy có ngài đã nhanh chân hơn tôi và đã đi trước dành chỗ trong đó rồi, tôi đành trở lại giường, cuộn chăn mền lại và ngủ tiếp.  Bởi vậy cứ lúc nào tôi thấy phòng tắm không có người, cửa mở là giống như thấy vàng, không mắc ‘đi’ thì cũng cố gắng ‘đi’ … cho đỡ phí ‘của giời’.  Có những lúc chờ đợi hơi lâu, tôi đã ngẫm nghĩ và so sánh với kinh nghiệm ở trại tỵ nạn xa xưa. Có lẽ ở trại tỵ nạn có phần khá hơn vì có nhiều chỗ để ‘đi’, ‘đi’ ở đâu cũng được, nhà vệ sinh ở khắp mọi nơi trong khi ở đây thì chỉ có 2 chỗ!

Qua được ngày Thứ Năm, đến thứ Sáu, vì mọi việc các Anh/Chị Seattle trao cho cũng tạm xong,  chúng tôi, ‘bọn trẻ’ rủ nhau đi lên Seattle đi tour.  Qua sáng kiến của chị Thi/anh Hòa, chúng tôi đã quyết định chọn Sea and Land Duck tour.  Nếu có chưa biết về Chị Lan (Chị gia trưởng) nhanh nhẩu như thế nào,  xin đọc tiếp .  Số là tôi lấy vé cho 7 người đi tour.  Nhưng giờ phút chót, Cô Nhi đã tự hy sinh rút lui vì còn một ít việc phải làm.  Vì tour guide không nhận trả lại, thế là chúng tôi dư ra một vé . Vì tiếc của, Chị Lan nẩy ra sáng kiến là đem đi “bán chợ đen.” Thế là rất nhanh nhẩu chị bắt đầu cầm vé đi bán rong. Rao mãi bán không được, chị xuống giá. Xuống giá mãi cũng chẳng ai mua thế rồi chị Thi đề nghị cho free. Nhưng có một vé dư mà lại đi theo chuyến và vé có ghế ngồi đã định sẵn, nên cho cũng chẳng ai dùng được, thế là chúng tôi đành ôm vé đi luôn.   Cũng nhờ kinh nghiệm này, cho thấy, các chị Lan và chị Thi có lẽ có rất nhiều tài nhưng tài buôn bán, em nghĩ nên để dành cho người khác … hehe.

Sau tour ở Seattle, chúng tôi trở lại nhà Thày Sáu Mậu để chuẩn bị đi lên Khóa.  Vừa đến nơi,  chúng tôi tưởng mình đến sớm nhất nhưng không ngờ các anh/chị trong BTC đã đến từ lâu và trung tâm tổ chức khóa đã được trưng bày thật đẹp mắt, và rực rỡ. Những cành hoa tươi hái từ nhà Thày Sáu Mậu được cắm thành những bình hoa đầy mỹ thuật, và lạ mắt .  Nếu chưa có ai nói là bình hoa từ cây nhà lá vườn, tôi đã thầm nghĩ là “Dân Seattle chơi sang thiệt, tiêu tiền xả láng cho những món hàng trang sức” .  Thật là khẩu phục tâm phục! Chưa thỏa mãn được sự tò mò về những bình hoa thật lộng lẫy thì các khóa viên đã bắt đầu kéo đến ghi danh.  Tôi nhìn đồng hồ, mới chưa 5 giờ chiều, lòng tôi tự nhiên cảm thấy được một làn hơi ấm áp, đang lan tràn.  Các khóa viên sốt sắng quá. Tôi ngồi bàn ghi danh và nghe lóm tóm được vài mẫu đối thoại của các khóa viên và các anh/chi trong ban tổ chức … đa số là những người có hoạt động nhiều năm trong nhà thờ, dạy giáo lý cũng có, trưởng ca đoàn cũng có, dạy Việt Ngữ cũng có, dân chuyên môn bán hoặc tổ chức hội chợ cũng có, tự nhiên tôi cảm thấy mình ‘hơi khô khan’, thiếu xứng đáng. Tôi thì thầm vài lời cầu nguyện: Xin Chúa cho con được bắt chước họ …  Tối hôm nay, không hiểu sao, tôi dễ bị nhạy cảm, các câu chuyện đổi chác qua loa của những người bạn lâu rồi mới gặp nhau, mà tôi được nghe ‘lóm’,  cũng làm cho tôi chạnh lòng.  Có lẽ Chúa Thánh Thần đang làm việc trong tôi.  Mang tiếng là ‘đi giúp khóa’ nhưng hình như là Khóa đang giúp cho tôi thì đúng hơn . 

Thế là ngày Thứ Sáu qua đi.  Chúng tôi trở lại căn phòng ‘Barrack’ để chuẩn bị cho một ngày thật bận rộn cho ngày mai.  Hôm nay kinh nghiệm, chúng tôi đã chia ra để một số đi tắm tối trước .  Số còn lại, sẽ tắm vào ngày mai.  Tạ ơn Chúa, nước nóng vẫn còn khi đến phiên tôi.  Và tôi để ý, Anh Duyệt không mặc lại bồ đồ màu Hồng đi ngủ nữa .  Hôm nay anh mặc bộ màu xanh . “Gớm ghiếc, điệu thế . Đi có mấy ngày mà đem nhiều đồ thay thế”, tôi thầm nghĩ nhưng không dám nói vì thấy anh đang có vẻ mếu máo . Có lẽ đang tủi thân vì ai cũng có cặp chỉ có mình anh lủi thủi một mình.  Lại bị dồn nằm ở một góc nhà.  Có lẽ anh biết thân biết phận vị tài ngáy to của anh.  Thế vậy mà có ai để yên cho anh đâu .  Ngày hôm sau, chị Thi cho nghe lại nguyên đoản khúc của anh qua cái iPhone của chị. …  Tưởng một ngày dài mệt đừ, có lẽ chị sẽ lăn đùng ra ngủ, không ngờ chị cũng có giờ, chờ mọi người ngủ hết, rồi đi thu băng lén bài hòa tấu của Anh Duyệt . 

Nói đến ngáy mà không nói đến anh Gia Trưởng Mừng là cả một sự thiếu sót. Chẳng những anh ngáy to, mà nghe chừng như anh ngáy đua với Anh Duyệt. Đã vậy một vài phút sau, đoạn trường khúc của hai anh được du dương hòa theo phần soprano của chị Lan, thế là dàn symphony đã giúp mau mắn đưa tôi đi vào giấc ngủ tuyệt vời mỗi đêm, trước khi dàn loa của các ngài được phóng lớn hơn. … Tôi nói điều này là nói có sách mách có chứng, không tin thì hỏi chị Thi cho nghe bài chị đã thu băng được dàn nhạc du dương có một không hai này .

 

Sang sáng thứ bảy, chúng tôi đã rời khỏi nhà Thày Sáu Mậu và đến trung tâm Khóa III đúng giờ giấc. Hôm nay là cao điểm.   Mỗi phiên họp nhóm nhỏ, sau 3 hoặc 4 đề tài, sự chia sẻ lại kéo dài hơn, thổn thức hơn, và chân tình hơn.  Nhóm của tôi là nhóm 4, màu nâu, gồm 5 cặp khóa viên và hai cặp điều khiển nhóm.  Nhưng hình như không có phiên họp nhóm nhỏ nào chúng tôi kết thúc được đúng giờ, lúc nào cũng như thiếu giờ .  Các khóa viên đã tận dụng tất cả thì giờ, theo thời khóa biểu, để chia sẽ kinh nghiệm và biểu lộ những thổn thức kèm theo những niềm hãnh diện về người chồng, người vợ của mình .  Những thiếu xót tự kiểm và những quyết tâm thay đổi.  Tôi cảm động quá!  Những lời nói thật vô tư và chân tình của khóa viên cũng đã làm tôi cảm xúc, nhơm nhớm nước mắt.  Bình thường tôi nghĩ tôi rất cứng rắn nhưng hôm nay thật là một ngoại lệ . Tôi cũng không hiểu sao.  Các khóa viên ở đây đánh động tôi nhiều. Đúng là lúc này tôi không đi giúp khóa nữa mà thật sự là khóa giúp tôi.  Hôm này,  lúc Tâm Tình Bên Giòng Suối Thánh Thể, tội thật sự ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi khóa viên đã đứng lên và mau mắn xếp hàng để được đi lên chiễm ngưỡng Thánh Thể Chúa, và tuyên hứa lời quyết tâm.  Tạ ơn Chúa vì Ngài đã tác động trên tất cả anh chị em khóa viện.  Ngay cả Cô Cúc đã rất đon đả, nằng nặc đòi Thày Sáu Mậu đưa lên trên bàn Thánh để dâng lời quyết tâm cũng như lời cảm tạ Chúa .  Và chính Thày Cô đã kết thúc giờ tâm tình này .  Thật là tuyệt vời, thật là hoàn mỹ .  Tạ ơn Chúa.

Tưởng cũng nên nhắc thêm, cả ngày hôm nay, khi có dịp, tôi đi vòng vòng xuống bếp .  Phòng ăn lúc nào cũng trưng bày như các ‘All-Inclusive Hotel’.  Thật đẹp mắt với các bình hoa tươi .  Bàn ăn lúc nào cũng đầy dẫy các loại trái cây, bánh nướng, chè, thạch lạnh, bánh ít, bắp luộc .  Đủ các loại nước uống.  Các anh chị giúp khóa thật là nhiệt tình .  Không những chỉ có các Anh chị không, mà có nhiều cặp đem cả con, cháu và bố mẹ đến giúp .  Có lẽ những hình ảnh này đã làm cho lòng tôi mềm đi, và tạo cho tôi sự cảm xúc nhạy cảm khi trở lại làm việc với các khóa viên.

Tối thứ bảy chúng tôi về cũng tương đối sớm hơn thứ Sáu. Có cả thảy 9 chúng tôi nhưng không hiểu ai đếm lộn, đem về có 8 cái bánh bao để lót dạ.   Nhưng nhờ thế mà không ngờ tôi đã nhận ra được tình huynh đệ rất cao trong các anh chị em chúng tôi .  Vì cả nể, người này nhường cho người kia, thế là rốt cuộc có người nhịn đói để nhường nhưng không dám nói ra, nên kết quả là chúng tôi còn lại 3 cái bánh bao.  Chắc chắn tối nay có người đi ngủ mà bụng đánh cào cào .  Cũng không hiểu sao, có lẽ tại có nhiều ơn Chúa Thánh Thần tác động, cả ‘Barrack’ hôm nay nói rất nhiều, nói đủ thứ chuyên vu vơ, chuyện cười, chuyện vui, chuyện hồi xưa… cũng đem ra kể . Mọi người hôm nay tuy mệt, nhưng vui, vì thành quả thật tốt đẹp, trông thấy rõ qua lòng xốt xắng của các khóa viên .  Tạ ơn Chúa .

 

Sáng Chúa Nhật, hôm nay đỡ hơn vì có lẽ mọi người đã quen với thời tiết và lịch trình dùng nhà tắm của tất cả mọi người .  Chúng tôi dậy sớm và còn có giờ ghé Starbuck coffee nữa .  Qua Seattle mà không uống Starbuck coffee, hoặc Seattle’s Best coffee, thì thà không nên đi.  Có lẽ nhờ vậy mà mọi người đã có đủ năng lực để hoạt động , nên nhìn mọi người có vẻ sảng khoái hơn.   Trọn ngày hôm nay khóa dành các đề tài về con cái.  Hình như ai cũng có những ưu tư, hòa lẫn với niềm hãnh diện về con cái.  Nhưng tất cả đều là Quà Của Chúa .  Chúng tôi đã mổ xẻ đề tài này với những sự chia sẽ thật suất sắc của các anh chị khóa viên .  Cảm động quá, cảm động quá.  Đã vậy đến giờ ăn trưa, có hai em Thiếu Nhi trình diễn một màn kịch thật suất sắc về sự mâu thuẫn, và khác biệt, giữa hai thế hệ và hai văn hóa.  Một màn kịch thật nhiều ý nghĩa .  Tôi ngồi coi và thầm ao ước, phải chi con của mình có ở đây để coi được màn kịch thật hay và nhiều lời nhắn nhủ ẩn ý này, mà lại do hai em sinh và trưởng ở bên đây trình bày .  Thật là hay.  Bravo! Bravo!  Màn múa: Trái trứng (sống thì mềm, nhưng chín thì cứng), củ cà rốt (sống thì cứng nhưng chín thì mềm), và hột cà phê (thêm hương vị đậm đà) cũng được trình bày như một lời nhắn nhủ đến các khóa viên.  Những màn văn nghệ có thật nhiều chiều sâu.  Nói đến đây, tôi phải dừng lại để có vài lời bái phục đến các anh chị em trong BTC.  Cô Cúc, vợ thày Sáu Mậu, có thật là nhiều nghề: Chief Cook, Giảng Viên khi chia sẻ bài với Thày cho các khóa viên, Dancer qua bài múa: trái trứng, củ cà rốt, hột cà phê và bài Ban Kèn Tây.  Mặc dù có Thày Sáu đứng đằng “trước” nhắc tuồng, nhưng Cô đã trình diễn một cách đầy tự tin như một người đã luyện tập lâu năm.  Đã vậy, đêm đêm, khi về đến nhà, khi đám Cali chúng tôi lo tắm rửa xả hơi để lên giường thì Cô ở bên nhà, vẫn còn thức, lăng xăng nấu thêm nồi chè hoặc nướng thêm mấy khay bánh bò để ngày mai cho các khóa viên có các món ăn thay đổi .  Thật là cả một sự hy sinh. 

 

Nói đến hy sinh, thì không thể nào kể hết: nào là các anh chị trong ban tổ chức đã lo cả mấy tháng trước kêu gọi các khóa viên, lo xe chở đưa đón các khóa viên từ khách sạn đến trung tâm mỗi ngày, các anh chị đã ở lại sau khi mọi người đã về hết mỗi đêm để nhặt rác, đem rác ra thùng đổ, chỉnh đốn lại các bình hoa, các bàn ghế phòng ăn .  Ở bếp thì lo rửa rau, làm nước mắm, nấu nướng soạn sẵn cho ngày hôm sau .  Ngay cả vấn đề điều chỉnh máy lạnh cho vừa đủ để đừng quá lạnh hoặc quá nóng cũng là cả một vấn đề .  Rồi chén dĩa ly, lĩnh kĩnh cả trăm thứ .  Rồi văn nghệ, quần áo, kèn trống thật là công phu .  Bày ra rồi thì lại phải thu vào, dọn dẹp .  Cả một công trình mà sự cố gắng và hy sinh của các anh/chi/em thật là cao độ .  Âm thầm làm việc .

 

Cảm tạ Chúa đã cho con được góp một phần rất nhỏ cho khóa .  Nói là đi giúp khóa nhưng thật sự đây là khóa đã giúp con. Giúp con biết mềm mỏng hơn, để ý và chăm lo đến những người chung quanh hơn, bớt tính tự cao tự đại.   Xin Chúa trả công rất bội hậu cho các anh chị em làm việc cho Chúa qua việc mục vụ cho các Gia Đình .

 

California ngày 11 tháng 8 năm 2012.   
          

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.