Thời gian mới qua Hoa Kỳ, tôi phải cố gắng lắm để làm quen với một nền văn hóa có quá nhiều đổi mới và tiến bộ từ văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, khoa học, kinh tế, y tế và đạo đức.
Có rất nhiều điều tôi đã được nghe, được học hỏi từ Việt Nam nhưng khi qua đất nước này vẫn thấy như không đúng, hoặc đúng một phần rất ít. Thí dụ, quan niệm và lối hành xử “Tiên học lễ, hậu học văn”, quan niệm “quân, sư, phụ”, quan niệm “tam tòng tứ đức”, quan niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, hoặc quan niệm “tiền dâm hậu thú”.
Giờ sau gần 40 năm sống trên đất nước này, dường như những thay đổi ấy còn mạnh mẽ, sâu đậm hơn nữa. Con người ngày nay phải quay cuồng với những trào lưu tư tưởng và những tiến bộ của khoa học đến chóng mặt. Tôi mới mua chiếc máy chục hình 2 năm trước nay đã lỗi thời, và chiếc máy quay phim của tôi mới đây bây giờ đã vào việc bảo tàng. Con cái tôi đứa thì loại phone này, đứa loại phone khác. Đứa theo chương trình này, đứa theo chương trình khác. Chỉ cần ngồi nghe chúng nó ý kiến, cố vấn cho về các loại phone cũng đủ thấy mình “lạc hậu”. Không biết với đà tiến bộ như hiện nay tương lai nhân loại sẽ đi về đâu?
Nhưng có một vài tiến bộ mà tôi cho rằng không phù hợp với những gì tôi vẫn cho là đúng, cái đúng theo nghĩa đạo đức và luân lý, đó là quan niệm và lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính. Quan niệm và lối sống tiền dâm hậu thú, trai gái sống chung với nhau mà không cần hôn thú. Quan niệm phá thai, giết chết con ngay trong bụng mẹ. Những quan niệm và lối sống mà người ta cho là bình quyền, bảo vệ quyền tự do chọn lựa của người phụ nữ. Những quan niệm và lối sống ấy quả thật đã đi quá xa với bản chất tốt lành tự nó vẫn tồn tại trong lương tâm con người, trong cái nhìn về đạo đức, luân lý, và về lẽ sống tự nhiên. Một trong những quan niệm ấy là “yêu” và “thích” trong hôn nhân.
Ngay từ lúc mới đặt chân đến Mỹ vào năm 1975, lúc đó tôi còn là một sinh viên đang theo học về triết học tại một học viện thuộc dòng tu cổ kính Benedict. Thời gian ấy, tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi đọc và thấy người Hoa Kỳ dùng từ “love” một cách xem như không đúng nơi, đúng lúc, và đúng với chữ nghĩa. Thí dụ, “love” mẹ, love cha, love anh, love em, love bạn trai, love bạn gái, rồi cũng love luôn con chó hay con mèo của mình. Phương diện chữ nghĩa là thế, trong thực hành, tôi cũng đã thấy người ta “hôn” cha, hôn mẹ, hôn anh, chị, em, người yêu, và rồi cũng “hôn” luôn cả chó, mèo nữa. Văn minh hay là một sự lạm dụng? Tôi bị choáng váng bởi những gì tôi đọc và tôi thấy.
Lần lần tôi lại thấy người ta công khai phổ biến trên mọi phương tiện truyền thông những tư tưởng, lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính. Người ta cũng bắt đầu công khai, hợp thức hóa việc ly dị, phá thai. Tình yêu thực sự, tình yêu hôn nhân, và những giá trị nền tảng của hôn nhân bị tấn công, bị lung lay, và sụp đổ. Kết quả là con người ngày nay đã không tìm được một định nghiã, một cái nhìn rõ ràng, một phán đoán trung thực thế nào là yêu, thế nào là thích. Họ bước vào hôn nhân không vì yêu mà vì thích, hoặc lẫn lộn giữa yêu và thích.
“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”.
(Xuân Diệu)
Căn cứ vào những lối diễn tả về tình yêu như thế, rõ ràng yêu không phải là thích. Tình yêu vẫn được hiểu như là một sự quyến luyến, lãng mạn, tình cảm, hạnh phúc, và đau khổ. Một chút thánh thiện xen lẫn một chút phàm tục giữa những cao cả của tình yêu và giữa những gì xem như nặng nề của đam mê dục vọng mà một người con trai hoặc một người con gái dành hay lãnh nhận từ nhau. Giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nhưng điều có lẽ những ai đang có một quan niệm đứng đắn về tình yêu và hôn nhân đều nhìn thấy rằng, vì để cho tư tưởng, ý nghĩ và hành động của mình đi quá xa vượt khỏi tầm kiểm soát của lý trí và đạo đức, nên yêu và thính của con người đời nay như lẫn lộn, khó phân biệt, và trong rất nhiều trường hợp yêu và thích đã trở thành giống nhau và như nhau.
Dĩ nhiên, ở một góc nhìn nào đó, ta có thể giải thích và quan niệm một cách lẫn lộn giữa yêu và thích mà không gây nhiều phức tạp, nhiều hệ quả. Thí dụ, ta có thể thích con chó của mình,và nhiều lúc ta cũng có thể nói mình thấy thương nó, thấy cảm tình với nó vì nó trung thành, vì nó dễ thương. Nhưng không thể dùng chữ “yêu” đối với nó. Bởi vì tự nó, con chó không ý thức được tình yêu, dù là tình yêu người chủ dành cho nó. Con chó chỉ sống bằng bản năng, cùng lắm là một vài tập quán do con người thuần hóa. Tự bản chất, chó vẫn là chó. Người vẫn là người. Chó không thể nói cho người nghe cảm nghĩ, suy tư của nó. Và người cũng không thể nói cho chó hiểu mình quí nó, thương nó như thế nào. Nhưng có lẽ do những quan niệm lẫn lộn giữa yêu và thích như vậy, nên khi ứng dụng vào đời sống hôn nhân hiện nay, ta thấy cuộc sống hôn nhân, giá trị hôn nhân, và hạnh phúc hôn nhân của nhiều gia đình thời nay đổ vỡ một cách quá dễ dàng. Lý do, bất quá anh, em cũng như một con chó thôi. Tôi thích thì tôi cưng, tôi chiều. Tôi không thích nữa thì tôi bỏ, tôi mua con khác.
Những phụ huynh có con em ở tuổi mới lớn khi chúng bước vào tình yêu không lạ lùng gì thấy chúng thay đổi bạn trai, bạn gái như thay đổi áo quần. Chúng quan niệm về tình yêu và cách thức chúng biểu lộ tình yêu cũng rất lạ. Có những cuộc tình, người tình mà với kinh nghiệm phụ huynh đã hết lời can ngăn, nhưng con cái vẫn không chịu nghe; mà vì không chịu nghe theo lời khuyên bảo, kinh nghiệm của cha mẹ nên đã đưa đến kết quả hết sức đau khổ. Đó là những chuỗi ngày gây gỗ, chửi bới, cãi vã, và sau cùng là ly dị. Đó là những đứa trẻ bơ vơ, lạc lõng trong cái thế giới hỗn độn của cha mẹ.
Thánh Augustine đã nói một câu rất chí lý: “Thiên Chúa đã tạo dựng cho tôi một trái tim. Nó không ngừng thao thức cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”. Điều này có nghĩa tình yêu là một món quà rất quí, cực kỳ hiếm quí mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Ngài còn quảng đại để con người san sẻ và trao tặng cho nhau. Do dó, không thể thích hay không thích trong tình yêu. Bởi yêu theo Thánh Augustine có nghĩa là một sự thao thức khôn nguôi của con tim tìm về với chủ của mình. Và cũng theo Ngài, đó là một sự san sẻ mà Thiên Chúa muốn trao lại cho con người. Nó thuộc tầm siêu hình, trên cao, trong khi thích là một cảm giác, một bản năng của thân xác, và nó thuộc về tầm nhìn của trái đất. Dĩ nhiên, trong tình yêu con người không chỉ sống, chỉ suy tưởng, và tìm tòi cái siêu hình, nhưng để cho thực tế vật chất điều khiển và lôi cuốn, con người sẽ không thể yêu một cách cao thượng, yêu chân tình, yêu say đắm, yêu đến chết vì người mình yêu được.
Trong một buổi học về Thánh Kinh, linh mục giảng thuyết đã kể lại một câu truyện mà có lẽ nó rất gần gũi với hai chữ “yêu” và “thích” trong hôn nhân. Yêu và thích không nhất thiết phải là bạn thân với nhau, không nhất thiết thích mới yêu, và không nhất thiết hễ yêu là phải thích. Ngài kể, đại khái:
Ba má tôi đã sống với nhau trên 50 năm. Tôi không nhìn thấy mặt phải hay mặt trái tình yêu mà ông bà dành cho nhau, điều này khiến tôi lấy làm lạ là tại sao ông bà lại có thể sống với nhau trong một thời gian dài như vậy. Ngoại trừ một vài sóng gió lớn, còn lại toàn là những chuỗi ngày rất bình thường. Những cái đó khiến tôi luôn luôn tự hỏi: “Không biết má tôi và ba tôi có yêu nhau không?” Vì xem như hai người không hợp, không thích nhau. Ba tôi ăn nói trịch thượng, gia trưởng và ra lệnh. Má tôi lại ưa ngọt ngào, nhỏ nhẹ. Chính vì vậy hễ hai người nói chuyện với nhau chưa đầy một hay hai phút là gây gỗ, khó chịu.
Bằng một cái nhìn mặt nổi ấy, chắc mọi người sẽ nói rằng ba má tôi không thương nhau, không yêu nhau. Và cả chính tôi nhiều lúc cũng nghĩ như vậy. Nhưng rồi tôi khám phá ra một sự thật hết sức ngạc nhiên, đó là má tôi không những yêu, thương ba tôi, mà còn yêu và thương hơn cả chính mình bà nữa. Tôi biết điều này, là khi ba tôi qua đời tại nhà thương, trong khi xác đang đưa về nhà, không một ai báo cho má tôi biết vì sợ bà đau khổ, ấy vậy mà linh tính báo cho bà, và bà đã buồn bã, đã ngất lịm rồi liệt giường suốt gần một tuần lễ! Thì ra, tình yêu đã thẩm thấu vào má tôi và ba tôi. Nó đã làm cho hai người nên một và cứ nghĩ rằng mình nghĩ, mình nói là chồng hay vợ mình nghĩ và nói. Tầm nhìn siêu hình này có lẽ chính ba má tôi cũng không biết, mà chỉ có thể phơi bày cảm tình mình qua những gì mình thích hay không thích, ưa hay không ưa.
Tình yêu phải được thanh luyện và lớn lên trong thử thách. Chính trong những đau khổ tuyệt cùng của má tôi, tình yêu đã thực sự lên ngôi. Thực sự chiếu sáng.
Yêu và thích trong hôn nhân, điều mà những ai đã, đang và sẽ bước vào đời sống hôn nhân cần phải lưu ý và phân biệt. Không phải hễ điều gì người yêu, người chồng, người vợ làm mình vui, mình thích mới là yêu. Và không phải mình chỉ thương, chỉ yêu chồng hay vợ mình, hoặc người yêu khi mình cảm thấy thích thú, thấy vui vẻ vì người ấy đem lại cho mình những điều mình ưa thích. Tình yêu phải vượt qua những ý nghĩ và cảm tình dựa trên những điều mình thích. Chỉ khi nào chúng ta vượt qua và vượt lên trên bức tường ngăn cách ấy, lúc đó chúng ta mới khám phá ra vẻ đẹp vô song, sự cao cả tuyệt vời của tình yêu, đó chính là sự hy sinh. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu” (Gioan 15:13).
Views: 0