Uncategorized

Tâm lý hôn nhân: Cái tôi trong tương quan vợ chồng

Không cần phải là một nhà tâm lý, một nhà phân tâm học, hay một nhà giáo dục tài ba mới hiểu được chân lý này, nhưng ai ai cũng hiểu, cũng biết mà có khi còn hiểu và biết rất rõ ràng rằng “cái tôi” chiếm một phần rất quan trọng trong tương quan vợ chồng.

 

Không cần phải là một nhà tâm lý, một nhà phân tâm học, hay một nhà giáo dục tài ba mới hiểu được chân lý này, nhưng ai ai cũng hiểu, cũng biết mà có khi còn hiểu và biết rất rõ ràng rằng “cái tôi” chiếm một phần rất quan trọng trong tương quan vợ chồng.

 

Những giây phút vợ chồng hạnh phúc bên nhau, cũng như những lúc vợ chồng tranh cãi với nhau, tất cả đều do “cái tôi” mà ra. Chính cái tôi đã đem họ xích lại gần nhau, và cũng chính cái tôi đã đẩy vợ chồng xa nhau, khiến họ không thể đến gần được với nhau, không hiểu nhau, không chấp nhận nhau.

 

Phần đông những khó khăn, những ngãng trở, những thách đố trong đời sống hôn nhân đều do trở ngại với cái tôi. Kinh nghiệm cho thấy nó là một trở ngại lớn nhất, mạnh mẽ nhất, khó vượt qua nhất. Nhưng khi vượt qua chướng ngại này, thì như người leo núi, họ sẽ lên được đỉnh núi và từ đó họ sẽ nhìn thấy chân trời rộng mở hơn, cảnh vật thiên nhiên đang hiện ra dưới chân họ đáng yêu hơn. Họ nhìn rõ hơn con đường mà họ đã trải qua có những chỗ nào khó khăn, khó đi và nguy hiểm. Phần thưởng tinh thần lớn nhất của giây phút ấy chính là họ đã thắng được con người của mình, và điều ấy đã đem lại cho họ bình an, thư thái và hạnh phúc.

 

Bây giờ chúng ta hãy bàn đến “cái tôi” của mỗi người xem coi tại sao nó lại lớn đến độ “cái tôi” của đối phương không hy vọng và sẽ không vượt qua được, dù đó là cái tôi của người chồng, người vợ mà mình đã rất mực yêu thương, đã bằng mọi giá để chiếm hữu, để hy vọng được sống hạnh phúc với nhau.

 

Khởi đi ngay từ khi sức sống của người cha kết hợp với mầm sống trong lòng mẹ, ta được thành hình và mang trọn vẹn những di sản vật chất cũng như tinh thần mà mình đã lãnh nhận của cha mẹ. Vốn liếng di truyền này cũng là “cái tôi” của mỗi người. Rồi 9 tháng 10 ngày trong lòng thai mẫu, ta từ từ lớn lên với tất cả những gì mình lãnh hội từ trong cái thế giới nhỏ bé nhưng rất căn bản và quan trọng ấy. Miếng cơm, manh áo, ly nước mẹ có cũng chia sẻ với ta. Nụ cười, nước mắt, những lao nhọc và niềm hạnh phúc mẹ ta hưởng ta cũng chung hưởng. Mà mẹ ta không chỉ hưởng, chỉ chịu một mình nhưng với sự có mặt trực tiếp hay gián tiếp của cha ta. Lớn lên trong lòng thai mẫu khoảng 6 tháng tuổi, ta đã cảm nhận được điều này. Những lần cha mẹ cãi lẫy, chửi bới nhau, ta đều nghe và cảm nhận. Mặc dù lúc đó ta không nói được, nhưng ta đã bắt đầu biết cười với nụ cười của mẹ của cha. Ta đã biết khóc với những giọt nước mắt và nỗi xót xa của mẹ, của cha mình. Người đời tưởng ta chỉ là một cục thịt vô tri, nhưng không phải thế, ta đang sống, đang cảm, và đang chuẩn bị đi vào dòng đời với thế giới bên ngoài kia đầy những phức tạp, thử thách đang chờ đón ta.

 

Sau khi chào đời cho đến thời gian ta có thể dùng lời nói, dùng những ngôn từ diễn tả được cảm xúc mình phần nào như ở độ tuổi lên hai, lên ba của. Lúc này, ta đã chứng kiến, đã ghi nhận rất nhiều những hoạt cảnh gia đình – thế giới nhỏ quanh ta – để hiểu thế nào là vui, là buồn, là tức bực, là hạnh phúc, là tha thứ, là giận hờn. Rồi lớn lên vào đời, ảnh hưởng bạn bè, ảnh hưởng học đường, ảnh hưởng xã hội đã biến ta thành một con người với cái tôi hoàn toàn cá biệt, hoàn toàn độc lập. Đó là chưa kể đến cái tôi của một người đàn ông và một người đàn bàn, của một người con trai và một người con gái.

 

Vậy bạn thử đi nếu đem cái tôi của mình và cái tôi của người vợ hay người chồng mình để lại gần nhau thì kết quả sẽ như thế nào? Hiển nhiên là có sự khác biệt. Nói đúng ra là có rất nhiều sự khác biệt. Những khác biệt mà ta sẽ không giờ san bằng được do bởi căn tính di truyền, nền giáo dục gia đình, ảnh hưởng thời thơ ấu, nhà trường, bạn bè, môi trường xã hội, và bởi niềm tin tôn giáo. Đó là những lý do khiến cho cái tôi của một người trở thành phức tạp, trở thành cá biệt, và trở thành của riêng một ai đó. Nó duy nhất và không giống bất cứ một ai.

 

“Vita communis est mea maxima penitentia”, là cảm nhận thực tế về đời người, về cuộc sống chung của vị thánh dòng Tên là Gioan Berchmans qua đời lúc còn rất trẻ. Thực tế đã chứng minh nhận xét này là đúng. Càng đúng hơn trong đời sống vợ chồng, vì còn gì khó khăn hơn, vất vả hơn, và dĩ nhiên là cay đắng hơn khi hai người trước đây chưa bao giờ quen nhau, nay bỗng trở thành thân thiết, sống với nhau, chấp nhận nhau. Nhiều cuộc tình mà hai người chưa biết tâm tính, tình cảm, khả năng, xu hướng, và ý muốn nhau đã đành, lại còn chưa hiểu về quá khứ, về cuộc đời và về gia cảnh của nhau trước đó thử hỏi làm sao có thể hòa hợp và chấp nhận nhau được. Chính vì vậy mà ngoài tình yêu ra, sẽ chẳng có lý do gì và sức mạnh nào để có thể trói buộc hai người lại với nhau và để cùng nhau sống hạnh phúc. Do đó, khi đề cập đến cái tôi trong đời sống chung, trong tương quan vợ chồng là nói đến cái dị biệt, cái khác nhau, cái làm nên mỗi con người của riêng nhau. Và cũng nói đến giá trị của sự hy sinh và chấp nhận. Bởi vì đỉnh cao nhất của tình yêu là sự hy sinh. Thiếu yếu tố quan trọng này, không có tình yêu nào tồn tại, và cũng không có cuộc hôn nhân nào mang đúng cái ý nghĩa của hôn nhân, của vợ chồng.

 

Vậy ta sẽ làm gì với cái tôi của mình và của nhau trong đời sống hôn nhân? Không lẽ tôi phải nhận chìm cái tôi của mình để cái tôi của người khác được nổi lên? Như vậy có phải là vô lý, là bất công đối với tôi, và ích kỷ cho người tự mình coi trọng cái tôi của họ. Cuộc sống như vậy nếu kết thúc bằng cãi vã, bằng ẩu đả, bằng lục đục, và bằng đổ bể cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, khi đã bước vào tình yêu, khi đã trở thành vợ chồng không ai lại muốn cuộc tình của mình kết thúc bằng đau thương, đổ vỡ. 

 

Để duy trì và phát triển được hạnh phúc hôn nhân, dĩ nhiên ta không thể tự hủy và triệt tiêu cái tôi của mình, bởi lẽ nó là chính ta. Và ta cũng không thể đè bẹp, xóa bỏ cái tôi của chồng hay vợ mình vì nó là chính con người ấy. Do đó, cách duy nhất vợ chồng có thể sống chung được với nhau giữa cái nhà theo Gioan Berchmans đang làm mình phải day dứt, hối hận là biết ý thức được cái tôi của mình, biết vị trí và giá trị của nó; đồng thời cũng nhận ra cái tôi của người phối ngẫu mình để tôn trọng và đồng hành với nó trong mối tương quan vợ chồng. Xin lưu ý ở đây, là ta “đồng hành” chứ không phải “đồng hóa” hay để mình “bị đồng hóa” với cái tôi của vợ hoặc của chồng.

 

Làm như vậy ta được hay thua gì? Có phải vì thế mà ta trở nên hèn kém, yếu thế, hoặc mất giá trị không? Thưa không? Napoleon đã nói: “Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”. Khi nhận ra điều này ta sẽ không thấy mặc cảm thua thiệt hoặc hèn yếu khi phải bỏ đi phần nào “cái tôi đáng ghét” tức là cái tôi thiếu trưởng thành, thiếu hiểu biết, và thiếu tế nhị của mình. Bù lại, ta sẽ cảm thấy mình tự tin hơn, trưởng thành hơn, và khách quan hơn. Dĩ nhiên là vợ hoặc chồng ta cũng hiểu được điều này, và như vậy họ cũng phải điều chỉnh lại cái tôi của họ. Không những thế, họ sẽ cảm thấy tôn trọng ta hơn, yêu quí ta hơn vì trước mắt họ lúc ấy ta là người chiến thắng.

 

Tóm lại, trong tương quan vợ chồng và trong đời sống hôn nhân, hạnh phúc nằm trong suy nghĩ của ta, trong cách thức hành động của ta, và gần ngay trong tầm tay của ta. Hạnh phúc ấy không ở đâu xa, cũng không đòi hỏi nhiều tiền bạc để mua sắm, khó khăn để tìm kiếm. Hạnh phúc ấy là ta có biết nhận ra cái tôi của mình để tự kiềm chế, và cái tôi của người vợ, người chồng của mình để tôn trọng và đồng hành với họ hay không?! Đây là một trong những nguyên tắc căn bản, hữu hiệu và cần thiết nhất cho việc duy trì và phát triển đời sống hôn nhân, qua đó, cái xót xa nhất, cái hối hận nhất của đời sống chung vợ chồng kia sẽ trở thành yếu tố hạnh phúc làm cho tình yêu của ta được triển nở, đâm bông và kết trái.    

 

(Bài viết đã được đăng trên Việt Tide, số phát hành 27 tháng 12 năm 2013)
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.