Tâm Lý Chậm Phát Triển (Mental Retardation) cũng như Tâm Thần vẫn thường bị nhận xét sai lạc đối với một số đông các phụ huynh, và ngay cả sự chẩn đoán lẫn lộn trong giới chuyên môn.
Lý do vì từ tâm lý qua tâm thần có nhiều nguyên nhân gần giống nhau hoặc liên lạc với nhau nên rất khó phân biệt. Nói chung, phần đông phụ huynh khi nghĩ tới tâm lý chậm phát triển là nghĩ tới tâm thần hay tâm bệnh. Hậu quả là có nhiều trường hợp bệnh nhân thay vì được chữa trị đúng mức, được hưởng những quyền lợi, và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng lại bị bỏ qua, hoặc khi khám phá ra thì đã quá muộn.
CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ CHẬM PHÁT TRIỂN
Chỉ số thông minh:
Vậy Tâm Lý Chậm Phát Triển là gì? Đó là một từ được dùng để chỉ chung những ai mà chỉ số thông minh (Intelligence Quotient) cũng được viết tắt là IQ dưới 70. Số 70 là con số tiêu chuẩn để xác định khả năng trí tuệ của một người. Có ít nhất 4 mức độ chậm phát triển được xác định tùy theo chỉ số thông minh:
Mild (nhẹ): 50-69
Moderate (vừa phải): 35-49
Severe (nặng): 20-34
Profound (trầm trọng): dưới 20
Để có những chỉ số này, các nhà tâm lý chuyên nghiệp phải áp dụng những nguyên tắc khảo cứu và dựa vào những trắc nghiệm tâm lý có hệ thống.
Một em hay một người với chỉ số thông minh dưới 20 thường là không xử dụng được trí khôn mình. Sinh hoạt thường ngày như một đứa trẻ nít. Cứ thế nâng lên, một em bé hay một người với chỉ số thông minh dươi 70 tức là từ 50-69 là những bệnh nhân với hội chứng Tâm Lý Chậm Phát Triển. Ngày nay, một số người không hài lòng với từ “Mental Retardation” nên đòi đổi thành “Intellectual Disability”, vì nghĩ rằng chữ “Mental” dễ làm cho người ta lầm tưởng là “Mental Illness” tức tâm bệnh.
Nhưng dù là Intellectual Disability hay Mental Retardation thì những bệnh nhân này không dính dấp gì đến tâm thần. Có thể một bệnh nhân tâm thần có những đòi hỏi và sự săn sóc cần thiết như một bệnh nhân tâm lý, trong trường hợp này bệnh nhân ấy vừa mang các hội chứng tâm thần vừa được săn sóc như một bệnh nhân tâm lý chậm phát triển. Nhưng người mang hội chứng tâm lý chậm phát triển suy nghĩ hành động không giống và liên quan đến thần kinh hay tâm thần.
Giới hạn tuổi tác:
Để biết rõ hơn về hai tình trạng này, điều cần thiết mà phụ huynh hay người thân phải biết, đó là tất cả những nguyên nhân gây ra trạng thái tâm lý chậm phát triển chỉ xảy ra dưới 18 tuổi. Lý do tại sao các nhà tâm lý dùng tuổi 18 làm tiêu chuẩn, vì phần lớn khả năng trí tuệ của các bệnh nhân này sau đó có khảo cứu lại đi nữa vẫn giữ cùng một chỉ số thông minh, hoặc nếu có thay đổi một đôi chút thì do ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh chứ không do sự tiến bộ về trí tuệ. Ngược lại, những bệnh nhân tâm thần thường phát hiện sau 18 tuổi, ở trong hoàn cảnh mà trí tuệ đã được mở mang và phát triển bình thường. Do đó, không gọi là tâm lý chậm phát triển mà những hội chứng này ảnh hưởng tới suy nghĩ, trí não và thần kinh nên gọi là tâm thần. Những hội chứng tâm thần như hoang tưởng, ảo tưởng, ảo giác, bối rối, lo lắng và bị thôi thúc từ trong tiềm thức khiến bệnh nhân không làm chủ được mình, làm chủ được suy nghĩ và phán đoán của mình. Đó cũng là lý do tại sao nhiều phụ huynh thường khó chịu, bất mãn với các cơ quan y tế khi không chấp nhận, chữa trị hay giúp đỡ cho con họ vì họ nghĩ rằng con họ bị tâm thần, nhưng thực ra chỉ là tâm lý chậm phát triển hay ngược lại.
Nguyên nhân chậm phát triển:
Tâm Lý Chậm Phát Triển đến từ nhiều nguyên nhân. Thông thường nhất là do chứng Down Syndrome hay còn gọi là Down. Bình thường khả năng trí tuệ của một người mang chứng này nếu được huấn luyện và hướng dẫn đầy đủ có thể đạt đến trình độ một em học lớp 6. Có nghĩa là thuộc tình trạng Mild Mental Retardation hay chậm phát triển nhẹ. Những người này có thể tự mình sống và sinh hoạt dưới sự giám sát của người thân hay một nhân viên xã hội.
Cũng có những em nhỏ sau khi bị một cơn sốt nặng đưa đến phong dật (seizure). Ảnh hưởng của nó làm chấn động hoặc hư hao một phần não bộ dẫn đến tình trạng tâm trí bị ảnh hưởng.
Hoặc cũng có những trường hợp các em vị thành niên bị tai nạn làm chấn thương sọ não hay não bộ khiến khả năng trí tuệ ngừng lại ngay ở điểm mà bệnh nhân đã có, hoặc sa sút theo vết thương mà sau đó không thể phục hồi và tiến bộ thêm. Đây là những bệnh nhân được săn sóc hoặc có nhu cầu như một bệnh nhân tâm lý chậm phát triển mà thực chất trước đó không phải như vậy.
Vậy ảnh hưởng của Tâm Lý Chậm Phát Triển trên đời sống của một người sẽ như thế nào?
Những tiêu chuẩn giới hạn:
Để được công nhận hay chẩn đoán một bệnh nhân Tâm Lý Chậm Phát Triển, bệnh nhân phải có ít nhất ba trong những tiêu chuẩn giới hạn tùy vào từng lứa tuổi như sau:
Mobility (Di chuyển): Khả năng di chuyển và đi đứng. Bệnh nhân không có khả năng di chuyển. Thí dụ, bị bại liệt phải ngồi xe lăn. Thông thường tiêu chuẩn này được dùng để thẩm định các hội chứng liên quan đến thể lý hơn là tâm lý.
Self-Care (Tự săn sóc): Khả năng cần thiết để một người có thể tự mình làm được những việc liên quan đến các sinh hoạt bình thường hằng ngày. Thí dụ, không thể tự mình tắm rửa, gội đầu, đánh răng, rửa mặt, mặc áo quần hoặc vệ sinh cá nhân. Không thể tự mình mua được một món đồ dùng. Không biết giá trị của tiền bạc. Và không biết tự lo việc ăn uống như luộc quả trứng, bó rau, hay quét nhà, và rửa chén bát.
Receptive/Expressive Language (nghe và diễn tả ngôn ngữ): Không có khả năng ngôn ngữ gồm việc nói, nghe, và hiểu. Không thể dùng những từ riêng lẻ, những mệnh đề đơn giản hay nguyên câu để trao đổi và diễn tả những ước muốn, suy nghĩ. Không có khả năng hiểu, khả năng diễn tả những ý nghĩ trìu tượng liên quan đến cảm xúc và ước muốn. Không có khả năng hiểu, kể truyện, tổng hợp một vấn đề. Và không có khả năng làm theo những hướng dẫn hoặc đòi hỏi những công việc thường ngày.
Cognitive / Learning (Trí tuệ): Không có khả năng trí tuệ và sử dụng trí tuệ bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ. Không nhận thức được về con số, chữ viết, và hình dạng. Không làm toán như cộng, trừ, nhân, chia, phân số hay phần trăm. Toán có số nhớ hay không có số nhớ, một con số hay nhiều con số.
Không có khả năng đọc, hiểu và viết. Không có nhận xét và phán đoán về không gian và thời gian, ngày, tháng. Không biết dùng điện thoại, đồng hồ.
Self-Direction (Tâm tính): Không có khả năng diễn tả và tiếp xúc với những người chung quanh. Không có bạn bè, cô đơn và, hay sinh hoạt một mình. Không có khả điều khiển và tự chế những bản năng, cảm xúc, và tính tình. Hay giận hờn, bẳn gắt. Hay nóng nẩy và khó tính, khó nết. Khó ăn và kén ăn.
Capacity for Independent Living (Khả năng sống tự lập): Không có khả năng tự sinh tồn trong một môi trường thiên nhiên hay trong môi trường gia đình. Không có khả năng tự lập trong những điều kiện thông thường, đơn giản và tối thiểu. Không thể tự mình lo lắng sức khoẻ thể lý và tâm lý. Thí dụ, uống thuốc khi đau ốm. Không có khả năng kiếm sống và sống tự lập một mình nhưng phải hoàn toàn lệ thuộc vào người khác, vào cha mẹ hay anh chị em.
Ở một đứa trẻ 15 tuổi trở lên, khả năng sống tự lập là một trong những điều kiện để nhận định tình trạng chậm phát triển.
Economic Self-Sufficiency (Tự lập kinh tế): Không có khả năng tự mình kiếm sống. Không có khả năng tự làm một việc gì để mưu sinh. Và không thể tự mình độc lập được về phương diện tài chánh.
Khả năng tự lập kinh tế, thông thường được áp dụng cho những bệnh nhân trước 18 tuổi hay sau 18 tuổi gặp phải những tai nạn khiến mất trí nhớ hoặc không dùng được khả năng trí tuệ để mưu sinh.
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
Tóm lại, Tâm Lý Chậm Phát Triển là các em hay những người lớn có sức khỏe bình thường về thể lý. Những người không sống trong ảo tưởng, ảo giác, hay hoang tưởng, nhưng sống trong một giới hạn về trí tuệ và vì thế ảnh hưởng đến tâm tính và tình cảm. Những bệnh nhân này trong hệ thống săn sóc và giáo dục của Hoa Kỳ được tham dự vào những chương trình giáo dục đặc biệt, cũng như huấn nghệ và công việc đặc biệt tùy theo từng trình độ.
Về phương diện tâm lý, đây là các bệnh nhân thích hợp với các văn phòng tâm lý và các bác sĩ tâm lý.
Tại Hoa Kỳ hệ thống chăm sóc những bệnh nhân Tâm Lý Chậm Phát Tiển có khắp các tiểu bang với những tên gọi khác nhau. Tại bang California có 21 trung tâm rải rác khắp quận hạt phục vụ và cung cấp những dịch vụ cho các bệnh nhân này và những chứng bệnh khác như Tự Kỷ (Autism), Bại Liệt (Cerebral Palsy), Kinh Phong (Epilepsy), Down Syndrome, hoặc những bệnh nhân đòi hỏi các dịch vụ liên quan đến tình trạng chậm phát triển từ 3 tuổi trở lên. Những trung tâm có tên gọi là Regional Center. Riêng ở Orange County, một trung tâm vùng với đầy đủ các nhân viên nói tiếng Việt gọi là Regional Center Of Orange County (RCOC). Muốn biết thêm chi tiết về các điều kiện, dịch vụ cho con em hay người thân, độc giả có thể liên lạc với số điện thoại 714-796-5100.
(Bài đã được đăng trên Nhật Báo Viễn Đông, Thứ Bảy, ngày 21 tháng 4 năm 2012)
Views: 0