Uncategorized

Tấm hình người không có mắt trong đời sống hôn nhân

Một người bạn đã forward cho tôi một bài viết trên internet, và câu chuyện thật cảm động và đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Càng suy nghĩ, tôi thấy nó càng đúng trong sinh hoạt hôn nhân, gia đình, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa và xã hội hiện nay khi người ta ly thân, ly dị và bỏ nhau một cách quá dễ dàng, bằng những lý do nhiều khi rất vô nghĩa.

Một người bạn đã forward cho tôi một bài viết trên internet, và câu chuyện thật cảm động và đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Càng suy nghĩ, tôi thấy nó càng đúng trong sinh hoạt hôn nhân, gia đình, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa và xã hội hiện nay khi người ta ly thân, ly dị và bỏ nhau một cách quá dễ dàng, bằng những lý do nhiều khi rất vô nghĩa. Nó cũng phù hợp với kinh nghiệm nghề nghiệp mà hàng ngày tôi vẫn thường gặp phải. Người này, người kia bỏ nhau vì tiền, vì tình, hoặc vì danh không một chút xót thương, không một chút ngượng ngùng và ân hận. Họ cũng không cần biết cái hậu quả ấy sẽ rơi vào ai, và ai là nạn nhân của những hành động này.

 

Câu chuyện trên internet kể rằng một người đàn bà hết lòng thương yêu chồng con. Có lần bà đã đưa người bà ra đỡ cho con bà tránh khỏi một tai nạn. Rồi khi chồng bà bệnh nặng, đau ốm nhiều ngày, bà đã ngày đêm bên gường bệnh săn sóc cho chồng từng miếng cơm, giọt nước, tắm rửa, thay áo quần, lau lọt vệ sinh… Tóm lại, bà đã chia sẻ một cách tận cùng những đớn đau của chồng bằng chính sự săn sóc trìu mến, chu đáo, và đầy tình nghĩa của bà. Nhưng rồi sau khi đã khỏe mạnh lại, một ngày kia chồng bà không một lời giải thích đã bỏ bà và đứa con duy nhất của hai người ra đi theo tiếng gọi tình yêu mới. Bà và con bà rất đau đớn. Con bà đã hỏi bố nó: “Bố khen mẹ tốt sao bố bỏ mẹ?” …

 

Tuy bố em không có lời giải thích, nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã đúng, đã có lý khi từ giã mẹ con em. Câu hỏi ấy đã xoáy vào tâm trí em, và nó đã lớn dần theo thời gian với những thao thức nhiều đêm. Mẹ em đẹp và tốt như vậy, sao bố em lại bỏ đi?!!!

 

Những suy nghĩ ấy đã âm ỷ, gậm nhấm tâm hồn người họa sỹ trẻ lúc này, và đã được anh diễn tả qua một họa phẩm. Anh đã vẽ một bức tranh về một người đàn ông tuyệt đẹp, rạng rỡ, có vẻ rất trí thức nhưng không có hai con mắt. Bức tranh đã làm cho nhiều người thưởng ngoạn phải thắc mắc. Không ai hiểu được dụng ý của tác giả, và cũng không ai đoán nổi tác giả muốn nói gì với họ qua bước tranh này. 

 

Thực ra, bức tranh mà anh vẽ đó là vẽ bố anh. Bố anh đẹp, trí thức, và hiểu biết. Nhưng bố anh đã không có đôi mắt khi ông đã bỏ mẹ con anh để đi theo một cuộc tình mới. Theo anh, một người đàn bà đẹp và đức hạnh, thương chồng, thương con như mẹ anh mà bố anh không nhìn ra thì đúng là ông ta không có mắt!

 

Nhưng theo tôi, qua kinh nghiệm làm việc trong lãnh vực hôn nhân, gia đình, có lẽ ngày nay không những nhiều người đàn ông đã không có mắt mà kể cả nhiều phụ nữ cũng không có mắt, hoặc có mắt mà không nhìn, không thấy.

 

Câu chuyện cũng chỉ xẩy ra mới đây. Một đôi vợ chồng trẻ nọ thành công trong công ăn việc làm. Có con cái khỏe mạnh và học hành giỏi giang. Có nhiều bạn hữu quí mến. Nhưng dường như cặp mắt của hai vợ chồng này có vấn đề, và họ không nhìn ra những vẻ đẹp của nhau, ngược lại, luôn xoi mói nhau ở những khía cạnh tiêu cực và khuyết điểm. Sau nhiều cãi lẫy, giận hờn đã đi đến chỗ đòi ly dị. Tại văn phòng luật sư, cặp mắt của người chồng vì còn nhìn đến hai con, nhìn về tương lai của chúng, tương lai của gia đình nên đã không đồng ý ký giấy ly dị, nhưng người vợ thì nhất định ký. Tưởng rằng đó chỉ là hành động nông nổi do nóng giận nhất thời, nhưng sau ngày ký giấy ly di, tình trạng gia đình này càng ngày càng thêm rắc rối, căng thẳng. Người vợ như cầu mong “ngày ấy” đến cho sớm, ngược lại, người chồng thì đau khổ và không ngừng tìm cơ hội hàn gắn. Một hôm, có lẽ vì lương tâm cắn rứt, hay vì muốn chuẩn bị tư tưởng trước cho hai con, người mẹ đã hỏi đứa con trai út:

 

-Nếu mai đây ba má ly dị và không sống với nhau nữa, con muốn ở với ai? Con ở với ba hay ở với má?

 

Đứa con tuy còn bé nhưng đã trả lời mẹ một câu mà có lẽ rất nhiều người đã lớn tuổi, và cả mẹ em cũng không biết, và không bao giờ nghĩ tới. Nó nhìn thẳng vào mặt mẹ nó và nói:

 

-Con không muốn ở với ai cả. Con không muốn ở với ba, và con cũng không muốn ở với má. Con muốn ở với cả ba lẫn má. Vì gia đình là phải có cả ba lẫn má. Má đừng bao giờ hỏi con câu hỏi đó nữa.

 

Nếu bức tranh của người họa sỹ trả làm tôi suy nghĩ, thì câu trả lời của em nhỏ này càng làm tôi suy nghĩ hơn nữa. Cả hai đều mang cùng một tín hiệu, một ý nghĩa. Bức tranh của người họa sỹ đã diễn tả đúng về tầm nhìn của tình yêu, của hôn nhân. Người ta không thể vì một hình ảnh trước mắt, mà quên đi ân tình và sự chung thủy trong tình yêu.

 

Và câu trả lời của em bé đã nói lên ý nghĩa và thực trạng của đời sống gia đình. Hôn nhân là sự kết hợp của vợ chồng, và gia đình là sự kết hợp của cha mẹ và con cái. Em bé này tuy nhỏ nhưng đã có một cái nhìn rất đúng về hôn nhân, về gia đình. Em đã nhìn gia đình bằng một hình ảnh rất thực tế và đầy đủ, một hình ảnh bao gồm ba và má. Một hình ảnh trong đó có vợ chồng và con cái. Thử hỏi, nếu người mẹ này quyết tâm đi đến ly dị, quyết tâm bỏ chồng, bỏ con vì một mối lợi nào đó, tình, tiền hoặc cả hai thì liệu những người con của gia đình này, đặc biệt, em nhỏ này sẽ nghĩ thế nào. Chắc là đau khổ lắm. Và nếu như em biết vẽ và muốn vẽ một tấm hình của gia đình em, chắc trong tấm hình ấy sẽ có hai khoảng trống, một để vẽ hình mẹ em, và một để vẽ hình bố. Và nếu em muốn vẽ chân dung của riêng mẹ em, chắc chắn em cũng sẽ vẽ một người đàn bà mà không có mắt.

 

Có mắt mà như không có mắt không phải là căn bệnh thể lý, mà là căn bệnh tâm lý và xã hội. Hội chứng của nó không gây mù lòa thể lý, không đưa đến cận thị, viễn thị hay loạn thị nhưng đem lại sự tăm tối tâm linh. Nó làm cho người mắc bệnh nhìn người và nhìn đời với cái nhìn ảo tưởng, ảo giác, và sống trong hoang tưởng, mơ màng. Bệnh nhân của căn bệnh này luôn luôn nghĩ đến một cái gì đó làm cho thỏa mãn trí tưởng tượng, khiến ngủ mê trong giấc mơ tự mãn mà không hề nghĩ rằng đàng sau những giấc mơ kia là một thực tại phũ phàng và một tương lai trống không. Kinh nghiệm này được chứng minh bằng những cuộc tình đổ vỡ sau ly dị. Nhiều thiếu nữ, nhiều bà, nhiều cô cũng như nhiều ông, nhiều anh sau khi đã bị đá văng ra khỏi cái u mê, lầm lẫn, chợt tỉnh giấc, mở mắt ra mới biết mình “mù lòa”, và đã phải ngậm đắng, nuốt cay để rồi hận đời, hận người và hận mình. Hận đời vì đời dối trá, điêu ngoa, hận người vì người thay trắng đổi đen, và hận mình vì mình đã không có mắt, đã tin nhầm, và nhìn nhầm người. Tuy không như một ly nước đã đổ xuống nền nhà không mong lấy lại được, hậu quả của các cuộc tình lầm lẫn như vậy tuy có thể hàn gắn trở lại, nhưng dầu sao đó cũng chỉ là một chiếc gương đã vỡ, và một chiếc bình đã vỡ nay được hàn gắn. Nét đẹp trinh nguyên. Nét đẹp nguyên thủy của nó dù muốn hay không cũng đã không còn nữa.

 

Có bố, có mẹ mà như không có bố có mẹ cũng là một biến thái của căn bệnh mù lòa tâm linh.  Một căn bệnh tâm lý và xã hội mãn tính, rất dễ lây lan và hậu quả thật khốc liệt. Hậu quả ấy không chỉ xẩy đến cho nạn nhân mà còn kéo theo cả con cháu những nạn nhân của nó. Hiện tượng con cái hư hỏng, bỏ học, bỏ nhà đi hoang, liên lụy đến các tội ác xã hội là những kết quả thực tế, trước mắt của căn bệnh mù lòa tâm linh của phụ huynh. 

 

Làm thế nào để chữa trị căn bệnh này? Thực ra không bệnh nào lại không có thuốc chữa, nhưng điều quan trọng là người bệnh có muốn được chữa lành hay không? Thông thường, những bệnh nhân tâm lý này không bao giờ nhận mình có vấn đề, và do đó, không cần đến thuốc chữa và thầy thuốc. Và do đó, cách trị liệu tốt nhất là phòng bệnh.

 
Bằng cách mỗi ngày hãy dành ra ít phút, trong cái tĩnh lặng của nội tâm để nhìn vào mình và để hỏi lòng mình rằng, chừng ấy những gì tôi đang có nơi người vợ hay người chồng đã đủ cho tôi chưa? Nếu chưa thì tại sao? Tại tôi tham lam quá, hay tại tôi vô tình quá đối với người chồng hoặc người vợ của mình?! Hoặc tại những suy nghĩ của tôi đã bị lệch lạc do những phán đoán và ảnh hưởng không thực tế bên ngoài xã hội kia? Trả lời được những câu hỏi ấy mỗi ngày, và cố gắng sửa lại tầm nhìn mỗi ngày, cặp mắt tâm linh của mình sẽ được trong sáng. Và ta sẽ nhìn ra người vợ, người chồng, và những đứa con đáng yêu, đáng mến quanh ta ngày càng làm cho ta say đắm hơn, hạnh phúc hơn.

 

Ngoài ra, trong ứng dụng thực hành, mỗi lần nhìn vào tấm hình chân dung treo trong phòng làm việc, phòng khách hay phòng ăn, hoặc mỗi lần nhìn mình trong tấm gương soi mặt, ta nên dừng lại vài giây suy nghĩ về chuyện bức vẽ người cha không có mắt. Thực hành này sẽ giúp giữ được con mắt phải hay con mắt trái, hoặc cả hai con mắt tiếp tục còn đói trên khuôn mặt rất thân yêu của chính mình.  

 

(Bài đã được đăng trên Việt Tide, phát hành ngày 3 tháng 10 năm 2014. Tác giả và Việt Tide giữ bản quyền) .

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.