Uncategorized

Tại sao vua chúa Việt đã bách hại Kitô Giáo

Vì là ‘đạo dòng’, các vị không thể cảm nhận hết nỗi khổ tâm của một người ‘mới theo Đạo’.

 

1. TỔNG QUAN

 

1.1 Bách hại Công Giáo, thế kỷ 16-19.

 

Vì là ‘đạo dòng’, các vị không thể cảm nhận hết nỗi khổ tâm của một người ‘mới theo Đạo’.

 

1. TỔNG QUAN

 

1.1 Bách hại Công Giáo, thế kỷ 16-19.

 

Đạo Công Giáo vào Việt Nam từ thế kỷ 15 dl. Tài liệu chính thức lại là chỉ dụ cấm giảng đạo Công Giáo vào năm 1533 dl. Việc cấm cản trồi trụt cho tới cuối thế kỷ 19.
Việc bách hại Đạo Công Giáo, nhánh gốc của Kitô Giáo, là một hiện tượng kỳ lạ trong văn hóa và xã hội Việt. Trong suốt mấy ngàn năm trước đó, Đại Việt luôn tỏ ra khoan hòa với mọi luồng tư tưởng và tôn giáo.

 

1.2 Cái nhìn tổng quan.

 

Đề cập tới vấn đề tôn giáo là đụng chạm tới tâm hồn, tới phần sâu thẳm nhất của con người.

 

Điểm gay go và cần ghi nhớ là vấn đề Bách Hại Kitô Giáo tại Việt Nam không phải là một sự kiện thoáng qua, mà kéo dài từ đầu thế kỷ 16 tới cuối thế kỷ 19. Vấn đề cũng không phải chỉ liên hệ đến vài người, mà trực tiếp là nhiều triều vua, nhiều triều đình, nhiều cấp quan lại Việt Nam, cũng như nhiều nhà truyền giáo, và nhiều triều đại giáo hoàng Kitô giáo; gián tiếp lại là toàn bộ lịch sử của Kitô giáo, cũng như toàn bộ nền văn hóa, và nhiều thế hệ dân Việt.

 

Với nhiều thời gian và nhiều thành phần trực tiếp và gián tiếp liên hệ như thế, chỉ có những cái nhìn tổng quan mới có thể bao quát toàn bộ. Bất cứ một vài trường hợp lẻ loi nào, dầu là tiêu biểu cách mấy, cũng có thể gây ngộ nhận.

 

 

2. LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH

 

2.1 Truyền đạo và Cấm đạo.

 

Trong cùng một sự kiện lịch sử, ta có hai phía khác nhau, với những quan điểm khác nhau : một bên truyền Đạo, một bên cấm Đạo.

 

Vì vậy, điểm quan trọng cần nhấn mạnh là dầu các Vị Tử Đạo đã chết vì Niềm Tin Tuyệt Đối của mình, thì lý do bắt đạo, ở tại Việt Nam, cũng còn có nhiều yếu tố văn hóa và chính trị.

 

Ngay trong khi bách hại Kitô Giáo, tuyệt đại đa số các vua quan Việt đã không phải là tín đồ thuần thành của một tôn giáo khác. Ngoài ra, việc bách hại không có tính cách khẳng định tuyệt đối của tôn giáo, mà thay đổi tùy liên hệ ngoại giao và quân sự giữa triều đình Việt với các quốc gia đem các nhà truyền giáo vào đất Việt.

 

Tuy nhiên, ở đây chỉ chú trọng tới yếu tố văn hóa, theo nghĩa những khác biệt gây hiểu lầm về quan niệm tôn giáo, về cách cư xử, kể cả việc xử dụng ngôn ngữ, và một số vấn đề liên hệ.

 

 

2.2 Tôn giáo và Thực tế.

 

Việc Truyền giáo lại cần phân biệt hai phương diện : Tôn giáo thuần túy và thực tế đương thời.

 

Trên phương diện tôn giáo thuần túy, việc truyền đạo không bao giờ cố tình kéo theo việc xâm lăng, dầu là xâm lăng chính trị, quân sự, kinh tế hay văn hóa. Nhiều văn kiện chỉ đạo chính thức đã nhấn mạnh nhiều lần về nền tảng việc truyền giáo, cũng như nêu rõ những nguy hại khi để việc trần tục vướng vào.

 

Dầu vậy, trên phương diện thực tế thời cuộc, đã có sự kết hợp thực dụng, ít nhất trên phương tiện di chuyển, giữa các nhà truyền giáo với các đoàn thương thuyền, các đoàn quân xâm lược. [Tàu thuyền phương Tây thời trước luôn có Giáo sĩ Tuyên úy. Các giáo sĩ nầy lợi dụng tàu cập bến để truyền bá đạo giáo cho dân địa phương].

 

 

3. GÁNH NẶNG VĂN HÓA TÂY PHƯƠNG TRÊN KITÔ GIÁO

 

3.1 Ảnh hưởng tai hại của Văn hóa phương Tây.

 

Tôn giáo nào cũng được thành hình và phát triển trong một môi trường văn hóa. Vì vậy, dầu phần lý thuyết căn bản của tôn giáo là chân lý, cách diễn giải và thực hành cũng mang ảnh hưởng của địa phương và của giai đoạn đương thời.

 

Vì vậy, tuy tôn giáo có thể cải hóa nhiều điểm khiếm khuyết của các văn hóa, nhưng chính nếp sống thực tiễn của tín đồ lại cũng ảnh hưởng tới cách diễn tả và ứng dụng của tôn giáo.

Ở đây không bàn về toàn bộ vấn đề, nhưng chỉ nhìn vào ảnh hưởng tai hại của văn hóa phương Tây trên Kitô giáo.

 

 

3.2 Văn hóa Mạnh được Yếu thua.

Truyền thống văn hóa phương Tây là Chiếm Hữu. Nền tảng cuộc sống xã hội phương Tây là Mạnh được Yếu thua. Họ giải quyết tranh chấp bằng đấu kiếm, đấu súng, Ai Thắng Thì Có Công Lý. Có thời, dùng sức giết chết một người khác, được coi là phương thức biểu lộ công lý nơi tôn giáo.

Nếp sống nầy không những là nền tảng của mọi chủ thuyết phương Tây, mà cũng trở thành định chế ngàn năm và được ứng dụng ngay cả trong thời hiện tại. Nó được tận dụng phổ cập không chỉ giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, mà còn trong cuộc sống hằng ngày. [Thấy 2 người đánh nhau, mọi người cổ võ, chờ hoan hô người thắng… không ai bận tâm can gián, tìm hiểu tình lý, ai đúng ai sai, hoặc binh vực người yếu…].

Vì vậy, không những tín đồ phương Tây thực hành quan niệm đó một cách vô ý thức, mà cách diễn đạt tôn giáo của phương Tây cũng không thoát khỏi ảnh hưởng.

 

3.3 Lịch sử Cướp phá.

Đang khi Giáo Chủ kêu gào thương yêu kẻ thù, lấy tình thương làm dấu chỉ của Kitô Giáo, thì lịch sử tôn giáo phương Tây là lịch sử của những cuộc tàn sát.

Với chiêu bài bảo vệ tôn giáo, nền văn hóa phương Tây không những đã tạo ra những đạo quân đi cướp phá những vùng dân khác đạo, mà còn có những tổ chức giết hại chính những người cùng một tôn giáo với mình… mà thuộc giáo phái khác.

 

3.4 Tâm lý Chiếm đoạt.

Dầu căn bản của Kitô Giáo là Chúa bỏ trời làm người, Chúa tới với con người, ‘Chúa ở cùng anh chị em’, Emmanuel… nhưng cách trình bày của văn hóa phương Tây là đem dân ngoại về cho Chúa (theo cách tây), chứ không đem Chúa tới cho người bản thổ.

Ngay cả trong hiện tại, nhiều giáo phái Kitô phương Tây, – do cùng một Giáo Chủ Giêsu, – vẫn còn nguyên vẹn quan niệm chiếm đoạt, và đang áp dụng nhiều phương thức đê tiện để tranh giành, chê bai, chống đối… những giáo phái khác. Mục đích của họ là cướp giựt các linh hồn ở các giáo phái khác về cho Chúa, cho cùng một Chúa chung của tất cả các giáo phái !

Thực là hẹp hòi, trái ngược với đặc tính phổ quát của tôn giáo, và lòng khoan hòa của giáo chủ.

 

IV. GÁNH NẶNG VĂN HÓA TÂY PHƯƠNG
      TRONG VIỆC TRUYỀN BÁ KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM

Vì không phân biệt rõ ràng giữa Chân lý của Tôn giáo với quan niệm và phong tục của nền Văn hóa phương Tây, vì không nhận ra những dị biệt giữa 2 nền Văn hóa Tây – Đông, cách trình bày Kitô giáo của các Nhà Truyền Giáo phương Tây đã phạm những sai lầm tai hại.

4.1 Quan niệm Dị biệt về Nền tảng Đời sống Tâm Linh.

a. Dị biệt về Lòng Thành và Nghi Thức.

Nơi dân Việt, Lòng Thành là nền tảng của Đời sống Tâm Linh. Nghi thức chỉ là để bộc lộ lòng thành.

Vì vậy, cùng một nghi thức, nhưng Lòng Thành có thể khác biệt tùy đối tượng. Cùng một nghi thức tế, nhưng lòng thành khác nhau khi nghi thức được dùng để tế Thần, hoặc tế mừng thọ Cha Mẹ… Cùng là bái lạy, cùng là nhang đèn, cùng là Bàn thờ, cùng dùng chữ ‘thờ’… nhưng để thờ Trời thì khác với thờ Tổ Tiên, và không ai coi Tổ Tiên bằng Ông Trời.

Đang khi đó, phương Tây trọng hình thức. Họ có đủ mọi luật lệ chi tiết cho từng đối tượng, từng từ ngữ, từng lời kinh, từng cử chỉ, từng màu áo… cùng với mọi chi tiết thuộc phong tục địa phương, của phương Tây… và được coi là không thể thay đổi.

 

b. Vấn đề Thờ kính Tổ Tiên.

Đối với dân Việt, Thờ Kính Tổ Tiên là niềm tin nền tảng của Đạo sống Làm Người, và Thờ kính Tổ Tiên không bao giờ được quan niệm là một tôn giáo. [Thời trước, chỉ có Tam Giáo Lão Khổng Phật].

Thực ra, ở thời kỳ đầu của việc truyền giáo, các giáo sĩ Dòng Tên đã xác nhận việc Thờ kính Tổ Tiên không trái với đức tin Công Giáo. Nhưng sau, vì lý do tranh chấp thế lực, khuynh hướng chống đối việc Thờ Kính Tổ Tiên đã thắng thế.

[Chủ trương chỉ có Kitô giáo là phương tiện ‘cứu chuộc duy nhất’, đã trở thành hòa hoãn hơn từ Công Đồng Vaticanô II, (1962-1965)].

 

4.2 Dị biệt về Quan niệm Tôn giáo.

Quan niệm của dân Việt về tôn giáo rất phóng khoáng và hòa đồng, chú trọng tới lợi ích cho con người, hơn là những cao siêu. Vì vậy, không có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các lý thuyết tôn giáo. Đạo nào cũng tốt.

Đang khi đó, quan niệm phương Tây đòi hỏi một sự dứt khoát tuyệt đối, kể cả những chi tiết huyền nhiệm (vượt quá nhận thức của con người), không chỉ giữa các tôn giáo, mà còn giữa các hệ phái trong một tôn giáo.

 

4.3 Dị biệt về Hình thức Tổ chức.

Hình thức tổ chức Tôn giáo của phương Tây cũng khác hẳn quan niệm của dân Việt.

Tôn giáo của dân Việt, qua Tam Giáo thời trước, không có tổ chức phẩm trật chặt chẽ. Theo dân Việt, tôn giáo không có Hoàng đế, không có quyền chỉ đạo tối thượng, không có cưỡng bách độc quyền. Đối với dân Việt, những ý niệm đó chỉ có tính cách chính trị.

Đang khi đó, trong ngôn từ nguyên thủy cũng như được phiên dịch, tôn giáo phương Tây có Hoàng đế, (Giáo Hoàng), có Chúa, (Chúa Dêu, Chúa trên hết các Chúa), có sắc lệnh, có án lệnh (dứt phép thông công)… có cả Nước riêng, (Vương quốc, Nước Trời), và có các phẩm trật triều đình (Vương gia Hồng y Giáo chủ [Prince], Lãnh chúa Giám mục [Lord]…).

Ngay cả hiện tại, sau gần 500 năm, đa số dân Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa đặc biệt tôn giáo của các từ ngữ trên. Người Việt thời trước hiểu được bao nhiêu ?

 

4.4. Dị biệt về Hình thức Sống Đạo.

Những dị biệt giữa hai nền văn hóa, và giữa hai quan niệm tổ chức tôn giáo đã quá trầm trọng. Tuy vậy, trong thực tế, những hình thức diễn đạt thiển cận lại càng tác hại hơn.

Dầu nhiều văn kiện chính thức của nhiều Giáo Hoàng đã nhiều lần phân định rõ ràng giữa niềm tin và phong tục, thì chủ trương ưu thắng nơi các nhà truyền giáo, vẫn là áp đặt phong tục và tập quán phương Tây như là giáo luật.

Họ đã xem những khác biệt phong tục và tập quán như là những đối nghịch tôn giáo. Họ cấm dùng nhang, chỉ được dùng hương; cấm dùng nến màu đỏ, chỉ được dùng nến màu trắng; cấm dùng quả, chỉ được dùng hoa; cấm dùng thức ăn nấu nướng, chỉ được dùng bánh khô (bánh lễ); cấm mặc áo thụng dài, chỉ được choàng mảnh vải vuông [của dân Rôma]; cấm lạy, chỉ được quì một gối… Và họ đã giải thích đó là sự khác biệt giữa ma quỉ và Chúa. (!)

Họ đã xem kiến trúc dân tộc (nhà mái cong, được đúc trên trống đồng từ 3000 năm trước), là kiến trúc ‘ngoại đạo’, và áp đặt kiến trúc phương tây.

Chính vì những tập tục phương Tây nầy, mà Công giáo bị coi là ‘Đạo Tây’, và không thích đáng cho người Việt.

 

4.5 Dị biệt về Quan niệm Chính trị.

Văn hóa Việt không quan niệm tôn giáo tách rời khỏi cuộc sống thực tại của con người, và như vậy, không hoàn toàn tách rời khỏi đời sống chính trị.

Trong đời sống dân Việt, Tam giáo Lão Khổng Phật không những hòa đồng, mà còn được vua quan Việt làm đề tài cho các cuộc thi để chọn người trị dân. [Năm 1247 dl còn có khoa thi với danh xưng Khoa Tam Giáo].

Vì vậy, với những ngôn từ Giáo hoàng, Chúa, Nước… với những luật lệ khác lạ, với những cưỡng bách đoạn tuyệt nếp sống và phong tục truyền thống, với những cưỡng bách trung thành tuyệt đối với những nhân vật khác nòi giống ở tận phương Tây… cùng với các đoàn thương nhân trục lợi, với các đoàn tàu nhả đạn, với các toán quân tàn ác… thì, trong tâm thức dân Việt, làm sao các nhà truyền giáo phương Tây có thể thuyết phục vua quan, và toàn dân Việt, về tính cách phi chính trị của mình ?

Những áp đặt phương Tây nầy, cùng với cao trào thực dân đương thời, đã khiến dân Việt nhìn Kitô giáo qua lăng kính ‘thực dân cướp nước’.

 

4.6 Gánh nặng Thời cuộc : Truyền giáo và Xâm lăng.

Những gánh trên đã quá nặng đối với vấn đề truyền bá Kitô giáo tại Việt Nam. Nhưng thời cuộc của những thế kỷ 16-19 dl lại càng làm cho nặng nề thêm.

Phía Truyền Đạo, dầu có quan niệm mình hành xử y hệt như quá trình hơn ngàn năm… thì vẫn bị liên lụy với tình thế đương thời, với phong trào thực dân đang triệt để áp đặt chính sách xâm lăng và bóc lột bất cứ nơi nào họ đặt chân tới.

Đang khi đó, Phía Bắt Đạo bị bắt buộc phải đầu hàng súng đạn mà chấm dứt bắt bớ và chấp nhận việc truyền giáo. Việc chấm dứt, và chấp nhận, không phải vì vấn đề đã được giải quyết, mà vì áp lực của bạo quyền, càng làm cho lòng người thêm nung nấu.

 

Cũng vì vậy, việc truyền giáo bị coi là một hình thức xâm lăng của phương Tây.

 

4.7 Gánh nặng Con Người nơi các Nhà Truyền Giáo.

a. Bản thân các Nhà Truyền Giáo.

Mặc cảm tự hào về sự ưu vượt của dòng giống da trắng, nơi các nhà truyền giáo, cũng góp phần gây ra hiểu lầm nơi đương sự và nơi những người khác.

Diện mạo cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ, và dáng cách thô bạo, vụt chạc, rộn ràng… đã tình cờ ứng hợp với giống bạch quỷ dạ xoa trong cổ tích phương Đông… càng dễ gây thêm ngộ nhận cho mọi phía.

 

b. Phương tiện và Áp lực.

Chính bản thân của nhà truyền giáo phát xuất, nương nhờ và nhận sự bảo vệ nơi các đoàn quân có tàu lớn súng mạnh và chuyên cướp của chiếm đất.

Dầu các nhà truyền giáo có quyết chí thành tâm bất vụ lợi, sự nương tựa đó, cùng với lòng yêu nước của họ, đã kéo theo những nể nang, nhường nhịn, và nhiều khi đồng lõa… với những kẻ trợ cấp phương tiện đang đánh chiếm, tàn sát.

 

c. Thiểu số bất xứng.

Dầu tuyệt đại đa số các Nhà Truyền Giáo có thành tâm và thiện ý, nhưng không thiếu vài kẻ xu thời làm bậy.

Dầu tuyệt đại đa số là chân tu và thuần thành, nhưng hành động của những kẻ bất xứng đã gây nhiều hậu quả tai hại.
Âu cũng là thực tế phũ phàng của con người. Đức Giêsu có tông đồ Giuđa bán Chúa. Đức Thích Ca có đệ tử và thân thích Devadatta xuyên tạc và mưu sát Phật.

 

 

V. BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA

Tuy ở trung học, tôi có cảm tình với thầy cô Có Đạo, tuy cũng vài lần theo bạn vào Nhà Thờ, nhưng khi bắt đầu Học Đạo, bước chân vô ngưỡng cửa Nhà Thờ, tôi bỗng hoảng hốt. Hoảng hốt vì xa lạ. Càng nhìn quanh, càng xa lạ.

Trước đó, có người trong gia đình nhắc tới hai chữ ‘Đạo Tây’, càng làm cho Nhà Thờ xa lạ hơn. Tôi có cảm giác lạc vô một lâu đài, một pháo đài ở trời Âu.

Cũng từ đó, thái độ e dè của những người trong gia đình, dòng họ… càng nhắc nhớ mình ‘theo Đạo Tây’. Mà chính tôi, tôi cũng thấy mình đang tập sống theo cách ‘Tây’.

Dầu chưa được Rửa Tội, bước chân vào Từ Đường (nơi thờ kính Tổ Tiên), đã gây cảm giác mình ‘bỏ Ông bỏ Bà’. Hình như Ông Bà cũng ruồng bỏ tôi. Tôi mất niềm hãnh diện về dòng họ tôi. Tôi như đứa con đi hoang.

Ngày được Rửa Tội là một ngày vui. Nhưng khi ở nhà, càng thêm lạc lõng.

Dầu không bỏ lễ Chúa Nhật ngày nào, và dầu sống giữa những người có đạo, cảm giác lạc lõng vẫn theo tôi suốt cả đời. Tôi không an tâm. Càng sống nếp sống có đạo, tôi càng xa lạ với chính mình. Tôi theo Đạo Chúa, nhưng sao việc giữ đạo cứ nhắc tôi nhớ là tôi theo ‘Đạo Tây’.

Mỗi lần nghe dạy : Chúa bỏ trời xuống làm người, Chúa tới với chúng ta, Chúa ở cùng anh chị em… tôi vẫn thầm mong : trước khi Tôi bước qua ngưỡng cửa Nhà Thờ, xin các Vị giảng đạo Bước Qua Ngưỡng Cửa Nhà tôi. Như một người bạn, một người Việt Nam, chứ không như người ‘đạo dòng’.

Vì là ‘đạo dòng’, các vị không thể cảm nhận hết nỗi khổ tâm của một người ‘mới theo Đạo’.

                                                                                                    Nguyễn Đức Sách 10.3.2014.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.