Alexis Carrel chào đời tại Lyon, Pháp, trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Alexis mồ côi Cha năm lên 4 tuổi và được Mẹ giáo dục trong niềm kính sợ THIÊN CHÚA. Nhưng khi lớn lên và trở thành sinh viên xuất sắc, Alexis bỗng đánh mất Đức Tin Công Giáo đơn sơ trong tuổi thơ của mình. Việc Alexis mất Đức Tin một phần do ảnh hưởng chủ thuyết duy vật vô thần rất thịnh hành trong xã hội Âu Châu vào những thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Năm 30 tuổi, Alexis Carrel trở thành bác sĩ và là giáo sư giải phẫu học nổi tiếng của khoa y dược đại học Lyon. Một ngày trong năm 1903, giáo phận Lyon tổ chức cuộc hành hương Lộ Đức dành riêng cho các bệnh nhân.
Vì bị ngăn trở vào phút chót, một bác sĩ bạn nhờ bác sĩ Carrel thay mình tháp tùng các bệnh nhân. Bác sĩ Carrel miễn cưỡng nhận lời, nhưng tận thâm tâm ông vui mừng vì được dịp nhạo cười và chỉ trích tại chỗ những chuyện gọi là ”phép lạ Lộ Đức.”
Trong chuyến hành hương, bác sĩ Carrel được giao nhiệm vụ chăm sóc cách riêng một nữ bệnh nhân tên Marie Ferrand, 24 tuổi. Cô bị bệnh lao phổi ở thời kỳ chót và mắc thêm chứng bệnh sưng màng bụng đau đớn. Các bác sĩ bó tay và cô nằm chờ chết. Nhưng cô có nguyện vọng sau cùng là hành hương Lộ Đức. Lời van nài của cô được chấp thuận. Chuyến đi càng làm cho bệnh tình cô nặng thêm. Khi đến Lộ Đức thì hầu như cô chỉ còn thoi thóp thở. Bác sĩ Carrel đặc biệt chăm sóc cô và ông thấy rõ cô có thể tắt thở bất cứ lúc nào. Người ta định mang cô Marie Ferrand xuống hồ tắm, nhưng vì bệnh tình quá trầm trọng, người ta chỉ dùng nước suối Lộ Đức thoa rửa trên người cô. Bác sĩ Carrel luôn luôn đứng bên cạnh cô. Ông thầm thì: “Ôi ước gì con được giống như những tín hữu Công Giáo đáng thương, biết tin tưởng vào quyền lực chữa trị của nước suối Đức Mẹ! Xin Mẹ chữa lành thanh nữ này vì cô quá đau đớn. Xin Mẹ cho cô sống thêm thời gian nữa và xin cho con có được Đức Tin!
Bỗng chốc, bác sĩ Alexis Carrel trông thấy rõ ràng bệnh nhân hồi sinh. Gương mặt cô gái từ từ trở nên hồng hào. Nhịp mạch, nhịp tim đập trở nên bình thường. Cái bụng phình to tướng đang từ từ xẹp xuống. Hiện tượng lạ lùng đó diễn ra trong vòng 20 phút. Đúng 3 giờ chiều, cô Marie Ferrand nói lớn tiếng: “Con đã được khỏi bệnh!” Người ta mang đến cho cô một ly sữa, cô cầm lấy và uống như một người bình thường. Trước sự kiện hiển nhiên đó, bác sĩ Alexis Carrel đành chấp nhận: “Một hiện tượng bất ngờ, không thể nào xảy ra, đã thực sự xảy ra! Đây chính là một phép lạ!”
Sinh thời, Bác sĩ Alexis Carrel đã tiến cao trên đài danh vọng, đã lãnh giải thưởng Nobel y khoa năm 1912. Nhưng khi chết, năm 1944, ông đã tắt thở trong Đức Tin đơn sơ của một đứa trẻ. (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, AlbertBessières,Le Voyageur de Lourdes: Alexis Carrel)
Dấu lạ đã xảy ra vì niềm tin sắt son của cô Marie Ferrand, qua sự bầu cử của Đức Mẹ Lộ Đức. Dấu lạ cũng đã chuyển hoá Bác sĩ Alexis Carrel hoàn toàn trở lại niềm tin. Trong Tin Mừng Thánh Máccô hôm nay, Chúa Giêsu trao sứ vụ cuối cùng cho các Tông Đồ trước khi về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhắm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (Mc 16, 15 -18)
Ra đi
Chúa Giêsu mời gọi các Tông Đồ can đảm cất bước ra đi, không chỉ đi rao giảng ở thủ đô Giêrusalem, miền Giuđê, Samaria, mà còn đến tận cùng trái đất. Nhưng tiên vàn, các ngài phải thoát ra khỏi cái khuôn khổ thân xác hạn hẹp, phải “bỏ mình” như Chúa đòi hỏi, mặc lấy tâm hồn mới, tinh thần Chúa Kitô Phục Sinh. Cũng như thoát ra khỏi môi trường quen thuộc, dễ dãi và tiện nghi, để lên đường phiêu lưu, thực hiện sứ vụ trọng đại.
Muốn đi ra thì đương nhiên phải sống cho Chúa, chứ không còn sống theo bản năng, theo cái tôi vị kỷ nhỏ mọn, thấp hèn và mau hư nát. Thánh Phaolô đã nêu ra lý do vì sao người Kitô hữu phải theo nếp sống mới: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5, 15).
Ra đi dứt khoát và quyết liệt như dân Do Thái, gấp gáp rời bỏ miền đất nô lệ Ai Cập. Ra đi can đảm như ngôn sứ Gioan Tẩy Giả trẩy vào sa mạc. Ra đi phó thác như Đức Giêsu vào hoang địa. Ra đi lập tức theo tiếng Chúa gọi, như các môn đệ Simon, Gioan và Giacôbê khi còn đang bận rộn việc chài lưới.
“Chúa “dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái.” Đường ấy là “đường hy vọng,” vì chan chứa hy vọng, vì đẹp như hy vọng. Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Đức Chúa Cha?” (Đường Hy Vọng, số 1)
Rao giảng
Một khi thoát được khỏi ngục tù thân xác chật chội, nhỏ mọn, thì mới có thể nhìn ra ngoài, mới dám xả kỷ vị tha, dấn thân phục vụ việc rao giảng. Muốn cho tha nhân nhận biết được niềm tin và hy vọng vào Tin Mừng, thì tiên vàn cần làm chứng nhân cho Đức Giêsu, qua chính cuộc sống thường nhật, như Người đã từng mời gọi: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24, 48)
Khiêm nhường, lặng lẽ, đẹp đẽ, rạng rỡ, như bông hoa ngát hương, nổi bật giữa đám cỏ dại hỗn tạp, chứng nhân Kitô hữu mới có thể tạo nên những tia nhìn chiêm ngắm, thán phục và cảm mến. Hữu xạ tự nhiên hương, sức lôi cuốn của chứng nhân toả ra từ tâm hồn đến hành động bác ái, dấn thân, phục vụ và hy sinh.
Đối tượng rao giảng không chỉ bó hẹp nơi thân quen, môi trường sinh sống, mà lan toả khắp chốn, khắp nơi mà Kitô hữu hiện diện. Thậm chí đến với những hoàn cảnh bất lợi, thù nghịch, chống đối, Kitô hữu vẫn là người nhẫn nhục, khiêm nhường, chấp nhận vì sáng Danh Chúa, coi mọi người đều như bằng hữu, thân thiện, dù bị hành hạ, ức hiếp. Vì chỉ có tình yêu, nhân ái mới có thể hoá giải được sự hằn học, cừu địch, như Đức Giêsu răn dạy hãy noi theo sự công chính của Thiên Chúa trên nhân loại: ”Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em. Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 6, 44-45)
Đồng hành
“Vì không có Thầy, anh em không làm gì được.” (Ga 15, 5) Chúa Giêsu sai đi rao giảng, nhưng luôn đồng hành với người Kitô hữu mọi nơi, mọi lúc, qua sự hiện diện của Đức Chúa Thánh Thần, qua Lời Chúa, các phép Bí tích, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, qua Hội Thánh và tha nhân. “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 20).
Những dấu lạ không chỉ đơn thuần là trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm rắn hay tránh bị ngộ độc, chữa bệnh, mà còn có nghĩa bóng là chiến thắng, vượt qua sự dữ, chữa lành tâm hồn bất an, rao giảng Tin Mừng bằng phương tiện tân kỳ, mới lạ, hữu hiệu, như kỹ thuật số, internet, website, mạng xã hội Facebook, Twitter,… Mặc dù Chúa về trời, nhưng Người vẫn thực hiện những dấu lạ trong cuộc đời những con người biết sống tận tình cho tha nhân.
“Một hồi chuông, một ngọn tháp nhắc nhở con: Chúa đang ở trong Nhà Tạm gần con, lòng con nóng nảy hướng đến thờ lạy yêu mến Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 233)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa, vì đã được Chúa ưu ái chọn, được diễm phúc nhận biết Chúa. Nay Chúa còn tín cẩn giao sứ vụ trọng đại đi rao giảng Tin Mừng. Xin cho chúng con luôn nhận thức được Chúa đang đồng hành, để tâm hồn, suy nghĩ và hành động của chúng con đều vì Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa.
Lạy Mẹ Maria yêu dấu, kính xin Mẹ luôn cầu bầu, chỉ dạy, hướng dẫn và an ủi chúng con thực hiện sứ vụ quan trọng nhất cuộc đời chúng con, là trở nên chứng nhân đích thực và trung thành của Chúa Giêsu luôn mãi. Amen.
Views: 0