“Nếu Thầy ở đây thì em con không chết!”
Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã từng nghe nhiều lần, nhất là trong những lễ an táng của người thân quen. Câu chuyện đã được Thánh Gioan Tông đồ thuật lại biến cố sống lại của Lazarô trong thời gian rất gần trước lúc Chúa Giêsu bị bắt, bị tra tấn và bị đóng đinh chết. Đây là biến cố mà hậu quả trực tiếp mang đến cái chết của Ngài.
Nói đến cái chết, sách Giảng Viên trong bộ Kinh Thánh đã nói rõ ràng:
"Có thời để sinh, có thời để chết." (GV 3: 2).
Tác giả Thánh vịnh (TV 103:16) cũng viết:
“Một cơn gió thoảng là xong,
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.”
Mặc dầu khoa học đã tiến bộ, vượt qua giới hạn của không gian địa cầu và đang tiến sâu vào không trung, nhưng trên cương vị con người, chúng ta luôn luôn bị ràng buộc bởi cuộc sống trên mặt đất. Có sinh phải có tử. Chính Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa khi xuống thế làm người, Ngài cũng phải theo đinh luật ấy vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chân lý bất biến là tất cả mọi người trên mặt đất đều phải kết thúc bằng sự chết và vấn đề chuẩn bị cho cuộc sống trong đời sau thật là hệ trọng, vì ai cũng phải chết.
Chúa Giêsu biết việc Lazaro bị bệnh năng, Ngài đã không lên đường thăm viếng và chữa lành cho anh ta ngay, nhưng cố tình trì hoãn việc đó vài ngày sau khi anh đã chết. Chúa cố ý dạy các môn đệ, và chúng ta bài học về sự sống lại, về sự bệnh hoạn và sự chết. Một bài học khó hiểu nhưng có thể hiểu được trong sự sáng chiếu dõi nơi biến cố sống lại của Lazarô và của chính Chúa sau đó ít ngày.
Trong đời sống thường tình của thân phận con người, ai trong chúng ta cũng thường nghe và chứng kiến việc người thân quen qua đời. Tuần vừa qua, giáo xứ Denver chúng ta đã đưa tiễn 4 người ra đi. Hai ông và hai bà, tuổi từ 57, 77, 86 và 110. Dù sống đến 110, 86, 77 hay mới 57 tuổi, thân nhân và bằng hữu của 4 người đó cũng như chị em Martha và Maria đã phải thốt lên trong nỗi đau đớn cùng cực và thất vọng khi người thân bỏ chúng ta mà đi: “Chúa ơi! Phải chi Chúa ở đây thì em con, mẹ con, cha con, chị con, chồng con… đã không chết! Tại sao Chúa lại nhẫn tâm để sự việc đó xảy ra trên thế gian nầy?”
Nhưng hôm nay, Thánh sử Gioan nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa của chúng ta, một vị Thiên Chúa đã rơi lệ khóc thương nơi mộ phần của người bạn Chúa, một vị Thiên Chúa cảm thông với những người thân yêu của Martha, Maria và Lazaro. Hàng chữ ngắn ngủi nhất trong toàn bộ Kinh thánh đã nói lên điều đó: “Chúa khóc!” (câu 35)
Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng chịu đau khổ, đau đớn và sự chết, một vì Thiên Chúa khóc với chúng ta. Thiên Chúa không can thiệp vào những tai nạn và đau khổ trong đời sống bởi vì Ngài yêu thương và tôn trọng tư do của chúng ta. Nếu Chúa làm những sự đó, Chúa không còn là Chúa. Và chúng ta cũng không còn được thực sự tự do làm người nữa. Nếu Thiên Chúa cúi xuống nhìn và can thiệp vào việc phạm tội của con người hay vào những tai họa xảy ra hằng ngày, lúc đó tôn giáo và đức tin sẽ biến thành những công cụ của phù thủy, của magic… và chúng ta sẽ là những con cờ thí trong bàn cờ của Thiên Chúa và các Thiên Thần.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đặt câu hỏi là “Khi tôi ở trong tình trạng đau thương, tan tác thì Chúa ở đâu? Thưa, Chúa ở ngay cạnh bên mỗi chúng ta để cùng chia sẻ, cùng …khóc với chúng ta! Đó là Thiên Chúa mà bạn và tôi chúng ta đang tin theo.
Một Thiên Chúa mà trước khi chịu chết theo bản tính con người, Ngài đã khẳng định tuyên bố trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy là Sự sống và là sự Sống lại” (Jn. 11:25). Giám mục Gregory of Nazian đã viết ở thế kỷ thứ bốn về biến cố nầy như sau: “Chúa cầu nguyện nhưng Ngài nghe lời cầu xin; Chúa hỏi chỗ chôn Lazarô ở đâu vì bản tính con người, và Chúa cho Lazarô sống lại vì Ngài còn có bản tính Thiên Chúa.”
Chỉ mình Chúa Giêsu, Đấng đã đi vào cõi chết, sau đó đã chiến thắng sự chết để sống lại mới có thể cho chúng ta, và những Kitô hữu tin vào Ngài đã chết, niềm tin sẽ cũng được sống lại như Ngài. Biến cố Chúa làm cho Lazarô sống lại hôm nay là một dấu hiệu của sự biến đổi đau thương thành hy vọng. Cơn đau bệnh và cái chết của Lazarô là cơ hội tỏ hiện sự vinh quang cao cả của Thiên Chúa mà thỉnh thoảng trong đời rao giảng muốn cho mọi người nhìn thấy. Là những người tin theo Chúa, chúng ta không chạy trốn đau khổ, không chạy trốn cái chết, nhưng chúng ta đón nhận với niềm tin tưởng nơi sự sống lại ở đời sau, dựa vào công nghiệp của Chúa Kitô, Chúa chúng ta.
Views: 0