Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.
Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.
Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.
Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy.
Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?… (Phùng Quán, Thanh Ngang Trên Thập Tự Giá)
Nhân vật bên trên được nhà văn Phùng Quán phác họa, chính là Lm Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh, (1912-1971), Cha Chính Vinh, du học 17 năm tại Pháp, từng là Giáo sư các môn Thánh Kinh, Âm nhạc, Triết học, Pháp, Anh ngữ tại tiểu chủng viện Piô XII, trung học Chu Văn An và Đại học Hà Nội. Ngài về với Chúa tại nhà tù Cổng Trời, Hà Giang, sau 17 năm chịu đày ải.
Hôm nay, mừng lễ Chúa Thăng Thiên, cũng là kỷ niệm ngày Đức Giêsu trao sứ mệnh cho các Kitô hữu: Loan báo Tin Mừng đến muôn dân và muôn nơi. Trong thời đại bùng nổ thông tin, để tránh nhiễu loạn, thiên hạ chỉ còn tin vào những gì mắt thấy tai nghe, cụ thể qua gương sáng Kitô hữu. Cha Chính Vinh là một chứng nhân tuyệt vời của Đức Giêsu trong cuộc đời.
Chứng nhân bằng cuộc sống
“Chính anh em sẽ là chứng nhân của những điều này”(Lc 24,48). Đó là huấn lệnh, cũng là lời mời gọi vô cùng tha thiết, quan trọng và cuối cùng của Đức Kitô, trước khi Người về cùng Đức Chúa Cha. Có nhiều cách làm chứng nhân, nhưng làm chứng nhân qua cuộc sống, chứng nhân qua Tình Yêu, như Cha Chính Vinh đều khá âm thầm, lặng lẽ, nhưng lại ảnh hưởng rất sâu rộng và hiệu quả. Lội ngược dòng đời, xô bồ, vật chất và thực dụng, người tín hữu Kitô cần chăm chỉ, tận tụy làm tròn bổn phận, vì bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại. (Đường Hy Vọng, số 17) Bổn phận làm cha mẹ, con cái, thầy giáo, công nhân, chủ nhân, … mỗi người lại kiêm nhiệm biết bao bổn phận đối với bản thân và tha nhân.
Đức Giêsu đã long trọng khẳng định:“Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai ta, và chu toàn công việc của Người.” (Ga 4, 34). Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ tín hữu Roma có bổn phận sống cho Chúa, sống theo Thánh Ý nhiệm mầu: “Vì không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 7-8)
Chứng nhân bằng Tình Yêu
"Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau." (Ga 13, 35) Thánh sử Gioan giải thích cặn kẽ vì sao: "Thiên Chúa là tình yêu: Ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy." (1Ga 4, 16).
Đức Giêsu cụ thể hóa Tình Yêu bằng hành động phục vụ:“Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 28). Đức Kitô còn minh chứng lời giảng dạy bằng chính việc Người quỳ xuống, rửa chân cho các môn đệ. Đỉnh điểm là cuộc khổ nạn và chết nhục nhã trên thập tự để cứu độ con người.
Người luôn kêu gọi xả kỷ vị tha, từ bỏ mình, để phục vụ mọi người, mọi lúc, nhất là những kẻ cơ hàn, đói khát, nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức, tù tội. Đừng để sau này muộn màng phân bua với Chúa:“Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” (Mt 25, 44)
Còn Thầy, Thầy bảo các con:”Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con.”(Mt 5,43-44).Tình Yêu không biên giới, không phân biệt, bạn thù, xóa sạch mọi trở ngại, khác biệt, oán thù, mà tha thứ và hòa giải. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34)
“Đừng nhát sợ! Hãy xem Công vụ các Thánh Tông đồ: đói khát, rách rưới, trộm cướp, roi đòn, đắm tàu, vụ vạ, tù ngục, chết chóc,.. Nếu con sợ, đừng làm tông đồ.” (Đường Hy Vọng, số 167)
Lạy Chúa Giêsu, Người lên trời, xin hướng lòng chúng con lên cùng, để chúng con có thể dứt bỏ cám dỗ, đam mê, ham hố thế gian, mà sống Lời Chúa thực sự, hầu xứng đáng trở nên chứng nhân của Người giữa xã hội u mê trần tục.
Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ đốt lửa mến trong lòng chúng con, để chúng con yêu Chúa, yêu người thắm thiết và trung thực, như Mẹ vẫn yêu con cái khắp nơi từ xưa đến nay và mãi mãi.
AM Trần Bình An
Views: 0