Uncategorized

Sự đối nghịch giữa cuộc sống theo thần khí và theo xác thịt

Trong 13 câu đầu chương 8 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô khai triển đề tài sự đối nghịch giữa cuộc sống theo Thần Khí và cuộc sống theo xác thịt.

Trong 13 câu đầu chương 8 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô khai triển đề tài sự đối nghịch giữa cuộc sống theo Thần Khí và cuộc sống theo xác thịt. Để diễn tả hai thực trạng khác nhau đó thánh Phaolô dùng một số kiểu nói như: hành xử như con người xác thịt (peripatéin katá sarka), và hành xử theo năng động của Thần Khí (peripatéin katá pnéuma) (c.4); có cuộc sống theo chiều kích xác thịt (éinai katá sarka), có cuộc sống theo chiều kích của Thần Khí (einai katá pnéuma) (c.5); hướng tới những gì là xác thịt (phrnéin ta tês sarkos), hướng tới những gì là tinh thần (phronéin ta tu pnéumatos) (c.5); ở dưới ách thống trị của xác thịt (éinai en sarki), ơ dướ ách thống trị của Thần Khí (énai en pnéumati) (cc.8-9); Bên cạnh đó còn hai kiểu nói khác nhấn mạnh trên ảnh hưởng của Thần Khí: mắc nợ đối với xác thịt (opheilétai éinai têi sarki), mắc nợ đối với Thần Khí (opheilétai éinai tôi pneúmati) (c.12); sống một cách xác thịt (zên katá sarka), sống một cách tinh thần (zên katá pnéuma) (c.13). Tất cả các kiểu nói trên đây đều nhắm trình bầy sự đối kháng biện chứng giữa cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo Thần Khí. Chúng không phải là kiểu chơi chữ cho vui, nhưng diễn tả tư tưởng thần học nòng cốt sau đây. Thánh Phaolô muốn khẳng định với chúng ta rằng sự đối kháng đó bao trùm mọi khía cạnh cuộc sống con người từ bản thể (éinai) cho tới cung cách hanh xử (peripatéin) và khuynh hướng cuối cùng mà con người nhắm tới (phronéin). Như thế Thần Khí và xác thịt không phải là những xác định liên quan tới chiều kích phiến diện vòng ngoài của cuộc sống con người, mà là những xác định liên quan tới các chiều kích trọng tâm và toàn diện cuộc sống con người. Các xác định chiều kích đó không chỉ hệ trọng đối với cuộc sống trong hiện tại, mà còn hệ trọng đối với cuộc sống tương lai nữa. Bởi vì số phận vĩnh viễn của Sự Sống hay Sự Chết đều tùy thuộc nơi đó: “Vì nếu anh chị em sống theo xác thịt, thì anh chị em sẽ chết; nhưng anh chị em sẽ sống, nếu nhờ Thần Khí anh chị em diệt trừ những công việc làm của xác thịt” (c. 13).

Tuy nhiên, cần phải xác định xem sự đối kháng biện chứng ấy nằm ở trên bình diện nào. Bởi vì thế giới hy lạp cũng biết tới sự đối kháng nhị nguyên tương tự, ít nhất là trong từ ngữ, nếu không phải là trên dấu chỉ. Thật thế, triết học hy lạp phân biệt Thần Khí như là nguyên lý vô vật chất, tức linh hồn, với thực tại xác thể và vật chất tức thân xác và coi chúng như hai thực thể đối chọi nhau. Trong triết lý hy lạp con người được quan niệm như là một hợp thành giữa các phần đối cách. Trong triết thuyết của Platon chẳng hạn, linh hồn được coi là thuộc thế giới của tư tưởng siêu việt, vô hình, bị giam cầm trong nhà tù là thân xác. Chỉ có cái chết là có thể giải thoát con người khỏi tình trạng tù túng tiêu cực đó để trả con người trở về với sự tự do và toàn vẹn của tinh thần, mà không còn bị vật chất hạ nhục nữa. Nhưng đây không phải là quan niệm của thế giới Kinh Thánh và Do thái giáo. Kinh Thánh không bao giờ quan niệm con người như là một hợp chất mà coi con người là một thực thể duy nhất không thể tách rời và phân chia. Hồn mà không có xác thì không phải là người, và xác mà không có hồn thì là đống vật chất sẽ thối rữa, là thây ma chứ cũng không phải là người. Kinh thánh không duy linh và cũng không duy vật. Kinh Thánh thường dùng ba từ để diễn tả thực thể con người: “basar”, có nghĩa là thịt xác như chiều kích vật thể; “ruakh”, có nghĩa là thần khí như chiều kích thần thiêng, và “nephesh”, bản vị con người.

Theo trình thuật tạo dựng trong chương 2 sách Sáng Thế, khi tạo dựng con người Thiên Chúa lấy đất sét nhào nặn nên con người. Đây là hình ảnh biểu tượng diễn tả chiếu kích vật chất, xác thể nơi con người. Adam, tức con người khi đó vẫn chỉ là adamah, tức đất bụi, vật chất vô hồn, chứ chưa phải là người dù đã có hình người. Chỉ sau đó Thiên Chúa mới trao ban cho con người thần khí, tức hơi thở sự sống của chính Ngài, bằng cách thổi nó vào lỗ mũi Adam. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng thơ mộng khác khác diễn tả chiều kích thần thiêng nơi con người. Và chỉ khi đó Adam, con người, mới trở thành một “nephesh”, một con người như bản vị, có sự tự do, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng bước vào tương quan liên bản vị với Thiên Chúa, với tha nhân và với vũ trụ vạn vật. Như thế theo Kinh Thánh con người luôn luôn là một “nephesh”, chứ không phải là chỉ là “basar”, xác thịt và cũng không phải chỉ là “ruakh”, tinh thần. Do đó, mỗi khi con người chỉ sống như là xác thịt, tức duy vật, hay chỉ sống như tinh thần, tức duy linh, là con người không sống như là người toàn vẹn nữa mà chỉ sống có một nửa người, nên què quặt, lệch lạc, bệnh hoạn và bất hạnh. Mọi tai ương trong cuộc sống con người trên bình diện cá nhân, gia đình, quốc gia và quốc tế đều phát xuất từ đó.

Như thế, nếu kiểu trình bầy biện chứng hy lạp trên đây liên quan tới cấu trúc của bản thể con người, thì kiểu trình bầy biện chứng của thánh Phaolô có tính cách năng động và hiện sinh, và coi con người như một đơn vị, như một thực thể duy nhất gồm hồn xác, như một “nephesh”. Xác thịt và Thần Khí là những xác định tích cực mà con người thể hiện trong thái độ tìm kiếm chính mình hay trong thái độ rộng mở cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Hai chiều đối nghịch này định triệt để hướng dẫn toàn cuộc sống chúng ta. Nhưng ở đây cần xác định rằng Thần Khí không diễn tả khả thể độc lập của con người, mà là một ơn Thiên Chúa ban. Do đó chúng ta hiểu tại sao Thần Khí và xác thịt cũng ghi dấu một môi trường chính xác của sự dấn thân hoạt động như thánh Phaolô khẳng định trong hai câu 12-13: nếu con người sống theo xác thịt thì nó sẽ chết, nhưng khi sống theo Thần Khí nó sẽ được sống. Thánh Phaolô khẳng định rằng tín hữu không mắc nợ xác thịt điều gì cả để phải sống một cách xác thịt. Trái lại viễn tượng hành xử và mọi công việc làm của họ phải đoạn tuyệt với kiểu sống ích kỷ quy hướng vào chính mình. Bởi vì Thiên Chúa đã ban cho họ Thần Khí, vì thế họ phải sống theo các chiều kích của Thần Khí.

Nếu tương quan giữa xác thịt và Thần Khí là tương quan biện chứng đối nghịch rõ ràng, dễ hiểu, thì tương quan giữa Thần Khí và luật lệ Thiên Chúa ban cho dân Do thái tại núi Sinai cũng tương tự nhưng phức tạp hơn. Trong bốn câu đầu chương 8 một đàng thánh Phaolô khẳng định rằng Thần Khi là nguyên lý giải thoát luật lệ khỏi bị Tội Lỗi xử dụng như lý do phụ thuộc gây ra cái chết (c.2). Đàng khác, thánh nhân lại nói rằng sở dĩ tín hữu có thể chu toàn đoi hỏi chính đáng của lề luật là nhờ năng động của Thần Khí (c.4). Làm sao thánh Phaolô lại có thể đưa ra hai khẳng định trái nghịch nhau như thế? Chúng ta chỉ có thể hiểu được kiểu lý luận của thánh Phaolô nếu chú ý tới vài dữ kiện sau đây. Thứ nhất, khi trở thành dịp để cho cương lực gian ác của Tội Lỗi lạm dụng khai thác để hiện thực và đưa con người tới chỗ bị hư mất, luật lệ thực sự trở thành một các yếu tố khiến cho con người bị vong thân, nên cần phải giải thoát con người khỏi tình trạng vong thân đó. Đây chính là điều thánh Phaolô đã trình bầy trong chương 7,1-6: khi tin nhận Chúa Kitô, tín hữu được giải thoát khỏi Luật lệ, vì như Chúa Kitô họ đã chết đối với luật lệ. Giờ đây thánh Phaolô lại trở lại đề tài ấy, nhưng lần này với Thần Khí như là yếu tố giải thoát. Một cách cụ thể, thánh nhân muốn nói rằng đã có sự thay đổi năng động hướng dẫn cuộc sống của kitô hữu: các sức mạnh của thế giới mới đã tràn vào thế giới cũ là con người phát xuất từ dòng dõi Adam, để giải thoát nó khỏi tình trạng bị điều kiện hóa do Tội Lỗi gây ra qua việc xử dụng Lề Luật như dụng cụ chèn ép con người.

Tuy nhiên, Luật Lệ được Thiên Chúa ban cho dân Do thái để giúp họ đạt cuộc sống, nên không vì thế mà mất đi gía trị của nó. Nếu trước đây Luật Lệ đã tỏ ra bất lực trong việc hiện thực chủ đích Thiên Chúa muốn, thì giờ đây nhờ sức mạnh của Thần Khí, con người có thể thực thi Lề Luật qua hành động sống của mình và tuân giữ nó để đạt cuộc sống Chúa muốn (cc.3-4). Tóm lại Thần Khí là sức mạnh khi giải thoát con người Thần Khí cũng giải thoát cả Lề Luật khỏi tình trạng bị Tội Lỗi lèo lái cho các mục đích tập trung vào cái tôi của con người và dẫn đưa nó tới chỗ bị hư mất. Cơ cấu tồi bại đẩy đưa con người xác thịt tới chỗ biến luật lệ của Thiên Chúa trở thành lý cớ để tự khẳng định một cách kiêu căng, giờ đây đã được vượt thắng. Như thế cặp ý niệm biện chứng Thần Khí-xác thịt đi sóng đôi với cặp ý niệm biện chứng Thần Khí-Luật Lệ, như hai năng động đối nghịch nhau và thay thế nhau.

LINH TIẾN KHẢI

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.