Uncategorized

Sự can thiệp của Mẹ Maria

Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn phu và hôn thê để mô tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và hình ảnh tiệc cưới để mô tả niềm vui mà Thiên Chúa tìm thấy nơi dân Ngài.

Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn phu và hôn thê để mô tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và hình ảnh tiệc cưới để mô tả niềm vui mà Thiên Chúa tìm thấy nơi dân Ngài. Khởi đầu cuộc sống công khai loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu, thánh Gioan tường thuật về một đám cưới ở Cana, trong đám cưới ấy, có sự hiện diện của Chúa Giêsu, thân mẫu của Ngài và các môn đệ. Đó cũng là ba nhân vật tiêu biểu từ lúc công khai rao giảng Tin Mừng cho đến ngày chịu tử nạn trên núi Canvariô . Sự hiện diện của thân mẫu Chúa Giêsu  như một lần giới thiệu về vai trò cùng tham gia vào sứ vụ của Chúa Giêsu và rồi âm thầm theo bước chân của con mẹ cho đến cuối sứ vụ ấy là trên núi Canvariô.

Trong tiệc cưới hôm ấy, bất ngờ xảy ra một việc không ai nghĩ tới: Hết rượu! Tiệc đang vui mà hết rượu thì hết vui. Gia chủ một phen mất mặt với khách mời!  Chẳng ai để ý đến chuyện còn hay hết rượu. Thế mà có một người khách mời lại nhận ra và lo lắng về việc hết rượu. Đó là thân mẫu của Chúa Giêsu. Khi thấy hết rượu, Mẹ đã nói với con mình : “ Họ hết rượu rồi.”  Câu nói của Mẹ Maria vừa có tính cách như một lời nhận định vừa là một lời van xin. Trong khi Mẹ quan tâm đến bất trắc của người ta, thì Chúa Giêsu lại trả lời một cách như vô tâm : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.” Nghe thế, Mẹ Maria không buồn, không năn nỉ, nhưng lại bảo với gia nhân: “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Điều đó chứng tỏ Mẹ biết Con Mẹ là ai.  Mẹ đặt niềm tin vào Con mình.Việc Mẹ Maria can thiệp  vào việc hết rượu nói lên một sứ mạng đặc biệt của Mẹ Maria trong công cuộc cứu chuộc nhân loại là trung gian và bầu cử cho nhân loại trước mặt Thiên Chúa.

“Họ hết rượu rồi “ đó là tình trạng họ đã cạn niềm tin vào Thiên Chúa, kéo lê cuộc sống trong ích kỷ hận thù, trong thất vọng, thiếu niềm vui. Đó là chuyện quá khứ. Việc của Ngôi Hai xuống thế là đổ nước cho đầy những chum đựng rượu đã cạn kiệt để Ngài biến nó thành rượu mới.

Việc hết rượu và hóa nước thành rượu mới trong tiệc cưới Cana như là sự chuyển đổi từ nổi buồn thành niềm vui, từ rượu kém phẩm chất đến rượu tuyệt hảo, như tình trạng của dân Thiên Chúa bị coi là “ Đồ bị ruồng bỏ, là phận bạc duyên đơn”, trở thành “ Ái khanh lòng Ta hỡi.” ( xem Is 62:4)

Tiệc cưới Cana như một biến cố tiên báo về cuộc khổ nạn trên núi Canvariô, một tiệc cưới “ Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.”( Is 62:5). Trong tiệc cưới ấy, nhân loại được kết duyên lại với Thiên Chúa trong niềm vui của một thứ rượu mới do Đức Kitô mang lại.

Rượu mới là hình ảnh của lòng tin vào Thiên Chúa, là từ bỏ con người cũ để mang lấy con người mới, mặc lấy Đức Kitô và hoán cải theo giáo huấn của Ngài như lời Mẹ bảo các giai nhân: “ Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo.” Lời mẹ nói với gia nhân trong tiệc cưới cũng là lời nhắn nhủ chúng ta ngày nay: hãy lắng nghe,sống và làm theo những gì Chúa dạy.

Bữa tiệc cưới đầu tiên của Chúa Giêsu đưa chúng ta đến bữa tiệc cuối cùng, bữa tiệc ly, ở đó Ngài đã thiết lập phép Thánh Thể.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.