Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa…
Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành…
Đức Nữ có lòng khoan nhân…
Đức Bà là gương nhân đức
Đức Bà là tòa Đấng khôn ngoan…
Đây là 5 trong số 51 câu hay còn gọi là 51 tước hiệu trong Kinh Cầu Đức Bà, bày tỏ lòng ca khen Đức Mẹ, giúp cho tín hữu có một tâm tình yêu mến và năng chạy đến kêu cầu Đức Mẹ, khi vui cũng như lúc gặp cơn thử thách.
Kinh cầu này còn gọi là “Kinh cầu Đức Bà Lô-rê-tô”(Loreto) được ấn hành năm 1558.Theo truyền thống xa xưa, Nhà Thánh, nơi Ngôi Lời mặc lấy nhục thể đã đến ngọn đồi Lô-rê-tô (không biết đi trên biển hay trên không ?) bảy thế kỷ trước đây sau khi đã dừng lại tại Tê-sa-tô (Tersato), miền Đa-ma-ti-a (Dalmatia) vào năm 1291, để ghi nhớ biến cố này, tại Tê-sa-tô người ta đã xây một tiểu vương cung thánh đường dâng kính Đức Maria Mẹ Ân Sủng và đã trở thành một trung tâm hành hương từ thế kỷ XIII. Đến năm 1294, Nhà Thánh đến Rê-ca-na-ti (Recanati) tại khu rừng của một bà quí tộc tên là Lô-rê-ta (Loreta).Hai bức ảnh nổi có trên bốn trăm năm nay đang được trưng bày trong đền thánh dường như xác định truyền thuyết Nhà Thánh đến bằng đường biển.
Những cuộc điều tra được xúc tiến ngay sau khi Nhà Thánh xuất hiện tại Lô-rê-tô cho thấy rằng kích thước của ngôi nhà này giống hệt kích thước Nhà Thánh trước kia đã được đặt trong một vương cung thánh đường tại Na-da-rét nhưng bỗng nhiên biến mất.Các dấu vết trên những viên đá của ngôi nhà này cũng giống hệt những dấu vết của ngôi nhà Na-da-rét. Nhà Thánh vốn không có móng và ở bên cạnh một con đường (theo dữ kiện từ những cuộc khai quật trong thời gian 1962-1965). Theo ý kiến các chuyên gia, những chi tiết trên đây cũng như các chi tiết khác xem ra nghiêng về giả thuyết tin rằng Nhà Thánh đã được dời chuyển “nhờ tay của các thiên thần”(x. Từ điển Đức Mẹ, Chủ biên: An-phong-sô Bốt-sa, S.M.M. tr.345)
Ngày nay, Kinh cầu Đức Bà không còn được nhiều nơi đọc trong nhà thờ nữa.Có lẽ do hoàn cảnh của đời sống người ta cho rằng “đạo tại tâm”, kinh nguyện chỉ là hình thức, không còn được quan tâm của giới trẻ.Ngay thánh lễ Chúa Nhật, giới trẻ tìm đến nhà thờ nào có Linh mục cử hành nhanh, rút ngắn trong vòng 25 hay 30 phút.Tuy nhiên, nếu có ai theo dõi hay làm một cuộc “điều tra” về những thành phần này sống đạo thế nào, chắc chắn không khỏi đau lòng về nỗi ơ hờ, nguội lạnh trong đời sống tôn giáo.Gần đây, ở vùng Ông Tạ, Tân Bình, một linh mục cử hành lễ cưới cho đôi bạn trẻ,là người nhà của một viên chức trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, không hiểu sao ngài hưng phấn giảng một bài sau Tin Mừng kéo dài như không biết điểm dừng. Sau phần Tin Mừng, ngài chuyển đề tài qua phần giáo huấn đôi tân hôn, sống thế nào, chịu đựng nhau, tha thứ cho nhau như thế nào để gia đình êm ấm, sống hạnh phúc, nuôi dạy con cái, v.v….phần này cũng dài tương tự phần trên.Đứng ở bục giảng, chắc chắn vị chủ tế này cũng nhìn thấy ở dưới, đang có người bỏ ngang lễ ra về. Có người thấy thế đi gặp cha chính xứ phản ảnh ngay tình trạng đang diễn ra trên nhà thờ. Cha chính xứ nói, biết làm thế nào được! Ngay lúc đó, một hồi chuông đổ, báo hiệu thánh lễ kế tiếp, một điều chưa hề xảy ra ở giáo xứ đó.
Nếu nhìn lại đời sống đạo của giáo dân Việt Nam trong những thập niên cũ, nhất là ở miền Bắc và ngày nay cũng thế, Kinh cầu Đức Bà luôn luôn được đọc lên trong các giờ kinh chiều ở nhà thờ cũng như các buổi tối trong gia đình.Tại sao vậy ? Vì những lời kinh rất giản dị, ngắn mà lại súc tích phù hợp với đời sống của họ.51 câu là 51 tước hiệu của Đức Mẹ, sao mà gần gũi với tâm tình của giáo dân sống đời nông nghiệp thế.Càng đọc, người giáo dân càng thấy thêm lòng yêu mến Đức Mẹ:
Đức Mẹ cực thanh cực tịnh
Đức Mẹ cực tinh cực sạch
Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng
Đức Mẹ chẳng dúng bợn nhơ
Đức Mẹ rất đáng yêu mến…
4 trong 5 câu này chỉ về đức khiết tịnh của Mẹ, được sử dụng bởi những từ ngữ dân gian, như thể là ngôn ngữ của ca dao vậy. Cho nên, từng chữ từng câu, từng tước hiệu của Mẹ Chí Thánh dần dà qua năm tháng, đã thấm nhập vào trái tim của họ.Chính xác hơn, có thể nói rằng: chẳng phải ngôn ngữ ấy, chẳng phải tước hiệu ấy đã thấm nhập vào trái tim của họ, mà là chính Đức Mẹ Chúa Trời đã vui mừng cùng với CON của mình đến và ở giữa cung lòng của họ. Vì thế, sau 4 câu nói đến đức khiết tịnh của Mẹ, là câu: Đức Mẹ rất đáng yêu mến.
Biến cố năm 1954 chia hai đất nước, có một tấm hình chụp một con thuyền mong manh,đầy người, vượt sông nước ra đi.Ở phía cuối thuyền, một người đàn bà hai tay ôm một khung ảnh có Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.Mẹ cùng ra đi với đoàn con. Có Mẹ cùng đi, chúng con không còn lo lắng gì. Vì :
Đức Bà như sao mai sáng vậy
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn…
Đức Bà yên ủi kẻ âu lo
Đức Bà phù hộ các giáo hữu…
Nữ Vương ban sự bình yên.
Hoa trái của lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria trong Giáo hội miền Bắc xưa kia,cũng như ở miền Nam, là con số linh mục, tu sĩ và kẻ giảng tận hiến cho Chúa, phục vụ Chúa ở khắp các xứ đạo. Có thể nói, từng gia đình Công giáo ngày đó, trong tự thân của nó, đã có hình ảnh một gia đình Công giáo gương mẫu, mà sau này, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nâng nó thành “Giáo hội tại gia”, thánh thiện, hiệp nhất, bác ái, yêu thương , tận hiến và lao động âm thầm.
Với những “Giáo hội tại gia” này, dù cho bão tố “long trời lở đất” như cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, hợp tác hóa nông nghiệp cùng biết bao nhiêu nỗi gian nan như cấm cách, khủng bố, trấn áp, đe dọa, bắt giam tù tội, bắt đi dân công miệt mù, canh chừng, cô lập, quản lý cái bao tử,v.v… đã diễn ra ở miền Bắc,những người con trong các “Giáo hội tại gia” ấy vẫn không hề nao núng, vẫn kiên trung giữ vững lòng tin, lòng cậy trông và phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, vẫn có Mẹ Maria là chốn nương ẩn của đoàn con.Lòng đạo của họ như vậy là vẫn tinh tuyền, truyền thống.
Trong việc cầu nguyện đòi công lý và sự thật tại Tòa Khâm sứ (cũ) và Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, từ cuối năm 2007 cho đến nay, hàng triệu người trên thế giới qua các trang mạng điện tử, đã chứng kiến lòng kiên trung của giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, vững vàng, tỉnh táo, không bị lừa phỉnh trước bao nhiêu tinh ma, quỷ kế của những kẻ có quyền bính trong tay.Những kẻ này, coi giáo dân, những người rất hiền và biết tôn trọng luật pháp, dù cho đó là một thứ luật pháp của kẻ mạnh, của rừng xanh, như thể kẻ thù, một kẻ thù của giai cấp thống trị. Cho nên, chúng đã dùng đến cả chó săn, cả côn đồ, cả những loại phương tiện chỉ để dùng khi phải đối phó với nguy cơ đối với tính mạng của mình. Kẻ cầm quyền có vẻ đã nao núng trước những cõi lòng sắt son, kiên trung như các bậc tiền nhân Tử Vì Đạo của họ thời phong kiến. Cho nên, phiên tòa phúc thẩm xử 8 giáo dân Thái Hà, đã phải chuyển vào thành phố Hà Đông, cách Hà Nội hơn 10 km. Tưởng như thế là làm chùn bước chân của giáo dân Hà Nội. Trái lại, ngoài sự tính toán nhỏ nhen và sợ hãi, giáo dân Hà Nội có được một dịp biểu lộ sự hiệp nhất với nhau qua những nét vui tươi rộ trên từng khuôn mặt, từng nếp trang phục lịch sự như trong ngày hội lớn và trang trọng, tay cầm cành thiên tuế, nối tiếp nhau đến tòa án xử 8 người anh chị em của họ.Trước một đoàn người đông đảo như thế, chắc chắn những kẻ ngồi ở triều đình và cả những ai vốn có thành kiến với “dân Công giáo” từ rất lâu, không khỏi ngạc nhiên và kính phục lòng quả cảm, kiên trung và thách đố một thứ bạo quyền như bạo quyền Cộng sản VN, của giáo dân Hà Nội.
Theo chúng tôi, tất cả những biến cố và sự kiện xảy ra cho Giáo hội Công giáo miền Bắc cũng như cho từng gia đình, từng giáo dân ở vùng này,đã không quật ngã được họ, chỉ vì họ thuộc về Chúa.Người dân Công giáo miền Bắc vẫn một lòng tinh tuyền, truyền thống. Lòng đạo của họ không hề pha trộn với những “thần học nửa mùa” mà sau khi Sài Gòn mới bị chiếm dụng, trên tờ Công giáo và Dân tộc, đã có ngòi bút vội vã hô hào Giáo hội VN phải tách ra khỏi cái thần học Tây phương, phải xây dựng một nền thần học mới phù hợp với hoàn cảnh mới của xã hội.
Một đời sống đạo kiên trung và truyền thống tốt đẹp, chính là hình ảnh Đức Maria trong lòng người giáo dân, trong đời sống thường ngày của họ, với những lời Kinh cầu Đức Bà , và với một Đức Giêsu từ Bê-lem đến Can-vê. Họ cảm thấy Chúa Giêu và Mẹ Maria rất gần gũi với họ, đồng hành với họ.
(Ngày 21/5/2009)
Antôn Triều
Views: 0