Viết về Đức Mẹ Maria, đối với tôi thì “vất vả” hơn các vấn đề về Đức Chúa Giêsu, không phải vì sách viết về Đức Mẹ ít để tham khảo, song viết về Đức Mẹ cho giáo dân bình thường coi được, vì thành phần này trong Giáo Hội, đa số là rất sùng kính Đức Mẹ Maria. Họ nặng về tình cảm hơn là lý trí. Cho nên, những bài hay sách viết về Đức Mẹ nặng phần biên khảo, khô khan thì chỉ thích hợp cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, tra cứu. Còn thành phần giáo hữu bình dân, họ thích đọc những gì viết về Đức Maria một cách nhẹ nhàng, phù hợp với mẫu tính.
Cứ nhìn vào danh sách những đền đài và Trung Tâm Thánh Mẫu trong một thành phố, một giáo phận, một quốc gia và trên toàn thế giới, chúng ta sẽ thấy rất nhiều và nơi nào cũng tấp nập người đến kính viếng và cầu nguyện với Mẹ Maria. Trong hàng hàng lớp lớp người đến với Đức Mẹ, có nhiều người thuộc các tôn giáo bạn cũng như tín ngưỡng dân gian. Họ có cung cách sùng kính Mẹ Maria rất nghiêm trang.
Chúng ta cũng sẽ thấy một danh sách những nơi Đức Mẹ hiện ra hoặc là nơi đã có những “dấu chỉ” về sự hiện diện của Mẹ, sau đó trở thành những Trung Tâm Hành Hương, rải rác khắp nơi. Chỉ nhìn vào Việt Nam thôi, chúng ta cũng nhận ra tình yêu thương của Mẹ đối với chúng ta.
Những nơi này là:La Mã,( Bến Tre); La Vang(Quảng Trị); Trà Kiệu(Quảng Nam); Bãi Dâu(Vũng Tàu); Fatima Bình Triệu (Sài Gòn); Tà Pao (Phan Thiết).
Tuy nhiên, do lòng sùng kính tự nhiên và không mấy khi các linh mục hướng dẫn giáo dân về lòng sùng kính Đức Mẹ như thế nào cho phù hợp với sự thờ phượng Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chính là đối tượng của thờ phượng và cứu cánh của đời người tín hữu, cho nên, nhiều giáo dân khi vào nhà thờ là tới ngay bàn thờ Đức Mẹ, còn bàn thờ chính thì hầu như họ không thấy cần phải có một thái độ cung kính phải chăng. Cần phải suy nghĩ cho nghiêm chỉnh về cuộc đời của Mẹ Maria trước khi nói lời “Xin Vâng” với thiên thần truyền tin.Thiên thần nói :
“Maria, đừng sợ ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối Cao”(Lc 1, 30-32). Khi biết đó là Ý Thiên Chúa, Maria “ mới nói” (theo Lc 1,38), nhưng chính là lời cầu nguyện: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời ngài !”(Lc 1, 38). Như vậy, Đức Maria là một người con của một dân tộc được tuyển chọn làm dân riêng của Thiên Chúa, Mẹ lại là một thiếu nữ tiêu biểu nhất, ngày đêm suy gẫm và cầu nguyện về “giao ước” Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ của Israel. Một Đấng Cứu Độ sẽ đến, chính là đối tượng của lòng trông đợi nơi Mẹ Maria.Với Trinh nữ Maria, người đã hướng tất cả cuộc đời của người về Thiên Chúa, người không chỉ cầu nguyện, suy gẫm kinh thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho dân tộc của người. Nhưng chắc chắn Maria còn ăn năn, sám hối về tội bất trung cùa dân tộc, mà Mẹ là một thành viên. Dấu chứng hùng hồn nhất cho điều này, chính là tấm lòng khiết trinh của Mẹ: “việc phu thê, tôi không nghĩ đến !”(Lc 1, 34). Mẹ tận hiến cho Thiên Chúa trót cả đời sống của mình.
Sống với Mẹ Maria trong đời thường, chính là noi gương Đức Mẹ, sùng kính, cầu nguyện và “thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật, vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế.”(Ga 4 23).
Thánh Lu-y Maria Gơ-ri-nhông đơ Mong-pho ghi nhận rằng, lòng tôn sùng Đức Maria chân chính phải có các yếu tố :
a} Phát xuất từ nội tâm, chú trọng nội tâm hơn các việc bên ngoài;
b} Vững chắc, dựa trên nền tảng đức tin, không hề trồi sụt theo hứng thú và cảm tính;
c} Vô vị lợi, qui hướng về Chúa hơn là lo tìm lợi lộc;
d} Qui hướng về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô là Đấng đưa dẫn chúng ta về với Chúa Cha;
e} Tín thác và thành tâm, bởi vì trong chúng ta, tinh thần gắn liền với xác thể, nghĩa là nó truyền đạt nhờ xác thể.
“ Những đặc điểm này tiêu biểu cho những qui định căn bản tiện dụng mà Giáo Hội dựa vào để giúp các tín hữu nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần trong một giai đoạn hay nhu cầu nào đó.”(Andre Tostain, Dòng Thừa Sai Thánh Tâm).
Có tác giả cho rằng, trong 30 năm sống tại Nazareth, Chúa Giêsu về phần nhân loại, chắc chắn đã chịu ảnh hưởng rất nhiều nơi thân mẫu của mình. Nhìn vào con người Chúa Giêsu, về phong cách, ngôn ngữ, lối sống giản dị, khiêm nhường, chuyên cần cầu nguyện, trầm tư để lắng nghe và suy niệm kinh thánh, đó là phản ảnh của chính thân mẫu của Ngài. Vì vậy, Chúa Giêsu đã coi Đức Mẹ là mẫu gương cho một đời sống những ai “làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy là anh chị em và là Mẹ Ta.”(Mt 12, 50) . Thời gian 30 năm êm ả, khiêm nhu lao động, thầm lặng lao động tại Nazareth, là một điều rất đặc biệt của Thánh Gia Thất. Con số về thời gian này không phải là ngắn ngủi đối với đời sống của con người. 30 năm này cũng là thời gian thánh thiện, sống kết hiệp với Cha trên trời.Vậy mà, khi ra công khai rao giảng nước Chúa, Chúa Giêsu cũng còn vào sa mạc để chay tịnh, cầu nguyện để lãnh nhận ý của Chúa Cha trong sứ mạng Cứu Chuộc. Điều này cho thấy việc cầu nguyện, cách cầu nguyện và tìm nơi chốn cầu nguyện, suy niệm lời Chúa qua kinh thánh, là một điều tối cần thiết cho mọi Ki-tô hữu.
Trong cuộc đời của Đức Mẹ, có lẽ chỉ hưởng được sự an vui trong vòng 30 năm với Chúa Giêsu, còn thánh Giuse thì hình như đã mất trước khi Chúa Giêsu ra đi rao giảng nước Chúa. Còn ngoài ra, đều là thử thách, xót xa, đắng cay. Nhưng Mẹ Maria vẫn chứng tỏ Mẹ có một niềm tin rất vững vàng vào Thiên Chúa Cha, Đấng đã chọn dân tộc của Mẹ làm dân riêng của Ngài. Chắc hẳn, Mẹ chuyên cần đọc các sách Tiên tri, các Thánh Vịnh, nên Mẹ mới biểu lộ một niềm tin, niềm cậy trông vào Thiên Chúa. Mẹ là một thiếu nữ Sion vượt lên trên tất cả thiếu nữ Sion khác về các điều này. Chính điều này đã dẫn đưa Mẹ đến lời “Xin Vâng”.
Xin vâng với Mẹ là chấp nhận hy sinh, chấp nhận đắng cay, chấp nhận quên mình.
Xin vâng với Mẹ là sẵn sàng lên đường truyền giáo, sẵn sàng đi vào miền giông bão.
Xin vâng với Mẹ là cùng đồng hành với Mẹ đi đến những nơi đang cần những bàn tay yêu thương, bàn tay xoa dịu, bàn tay nâng đỡ cô nhi, bệnh nhân cô quạnh không một người thân thích.
Xin vâng với Mẹ là sống đời trong sạch trong bậc hôn nhân, chấp nhận con cái như hồng ân Chúa ban, giáo dục con cái trong tình yêu thương, giúp con cái không chỉ thành công và thăng tiến về mặt xã hội, nhưng quan trọng hơn thế là dẫn dắt con cái “thành Nhân” có Chúa đồng hành, vì đẹp lòng Chúa.
Năm 1995, câu “Nữ Vương Các Gia Đình” được thêm vào kinh cầu Đức Bà.
Trong sứ vụ do Chúa trao phó, Hội Thánh luôn tìm kiếm những con đường thiêng liêng, thiết lập những Lễ mới, nhằm trợ giúp con cái mình nên thánh, nhờ tham dự với lòng cung kính và sốt mến những nghi lễ phụng vụ, là phương tiện Chúa dùng để ban ơn lành cho chúng ta.
Mẹ Maria là Nữ Vương Các Gia Đình, không phải là một câu nói nhằm đề cao Đức Mẹ. Không, với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, không phải là tuyệt vời lắm rồi sao ! Với tước hiệu này, Đức Mẹ đã có đủ vinh quang rồi. Vì vậy, thêm câu “Nữ Vương Các Gia Đình” vào kinh cầu Đức Bà, Hội Thánh trước hết nhằm đến các gia đình Ki-tô giáo.Hãy tôn phong Đức Mẹ Maria làm “Nữ Vương Gia Đình” mình, ghi nhớ và thi hành những giáo huấn của Giáo Hội về việc tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ Maria, thực thi những mệnh lệnh của Mẹ qua ba em nhỏ ở Fatima, như Cải thiện đời sống- Tôn sùng Mẫu Tâm- Siêng năng lần Hạt Mân Côi. Mẹ ban những chỉ thị này một cách tha thiết lắm. Vì Mẹ quá đau khổ khi thấy con cái của Mẹ đang trầm luân, con rồng đỏ đã lọt vào thế gian, lọt vào lòng dạ những lãnh tụ chính trị của một số quốc gia, Satan còn xâm nhập tâm trí của một số nhà văn, triết gia, bác sĩ v.v…Những tay này đã tung ra những tư tưởng quái đản, chống Thiên Chúa, bôi nhọ Giáo Hội, phủ nhận sự tồn tại của linh hồn sau khi chết, sản xuất ra những phương tiện giết người bằng bom hạt nhân, bom vi trùng. Đức Mẹ biết rằng, con cái của Người hiền lành và chất phác quá, lại vì không được phép trả thù, không được phép giết người, nên không thể tự mình chiến đấu với chó sói hung dữ, với Satan tinh quái. Cho nên, Đức Mẹ trao cho con cái mình một thứ vũ khí thiêng liêng, mà nhờ đó chiến thắng đươc Satan và đồng bọn của nó. Vũ khí thiêng liêng ấy, chính là Tràng Chuỗi Mân Côi. Đi kèm với vũ khí này, là có lòng sùng kính Mẫu Tâm, thực hiện tinh thần Tin Mừng là “cải thiện đời sống”, thực thi bác ái, công bằng, sống đời công chính như Gia Đình Nazareth. Hãy thực thi những mệnh lệnh của Mẹ Maria tại gia đình, bằng cách sớm tối đọc kinh Mân Côi chung với nhau, vợ chồng, con cái thương yêu và chấp nhận nhau như trong một thân thể. Mẹ Maria là Nữ Vương Các Gia Đình , Mẹ hiện diện trong gia đình, trong lòng mỗi thành viên, nên không thể sống một ngày mà không có những giây phút hướng tâm trí về Người, ngoài những giờ kinh tối, sáng. Chẳng hạn, tập một thói quen thiêng liêng là, khi đi qua bàn thờ trong nhà, chúng ta nên ngước trông lên đó vì nơi đó có hình ảnh, có tượng thánh Chúa Giêsu, Mẹ Maria. Có nhiều gia đình còn treo ảnh thánh Giuse và một số các vị thánh khác. Vì vậy, bàn thờ trong gia đình người Công Giáo là một Thiên Đàng thu nhỏ dưới trần thế này.Tâm tình này là cần thiết và chính đáng vì đấy là những biểu lộ của chúng ta khi có Mẹ Maria là “Nữ Vương Gia Đình”, đang hiện diện giữa gia đình mình. Tôi tin chắc rằng, mỗi lần chúng ta cúi đầu “Chào Mẹ” thì Đức Mẹ cũng vui lắm, Mẹ sẽ mỉm cười và biết đâu, Mẹ cũng sẽ nói : “Chào con”!
Antôn Triều
(05/5/2009)
Views: 0