Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, canh tân đổi mới đời sống chúng con. Tăng sức linh hồn, bồi thêm lửa mến. Soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng.
Trên đây là câu điệp khúc trong bài hát “Lạy Chúa Thánh Thần” của Lm. Thành Tâm.
Đã nhiều lần trong những dịp tham dự nghi thức Rửa tội và Thêm sức cho những Tân tòng lớn tuổi gia nhập Giáo hội Công giáo, cũng như trong các thánh lễ kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hằng năm, bài thánh ca này luôn được các ca đoàn cất cao tiếng hát, như thể một lời cầu khẩn tha thiết vang vọng lên tới thiên đình, cầu xin Thánh Thần Chúa ngự xuống…,tôi xúc động đến nước mắt tràn mi.Ngay câu hát Điệp khúc này, đã gợi ý cho tôi liên tưởng đến tình trạng đọa đày, thống khổ đang lan tràn khắp trái đất, cách riêng quê hương Việt Nam tôi với biết bao nhiêu những nghịch lý, những nghịch thường, những bất công, áp bức, những mù lòa và ngó lơ, đến nỗi có vị Giám mục ỡ miền Lục tỉnh, thấy giáo dân của mình bị áp bức quá trắng trợn, những vu cáo bằng tưởng tượng, những cái “tội” bằng tưởng tượng đến không thể cứ nín thinh được mãi, phải lên tiếng. Nhưng tiếng nói của ngài chẳng thấy ai tiếp nối. Cho nên, cuối cùng ngài phải thốt lên lời thống thiết và “tuyệt vọng”.
Chưa bao giờ như lúc này, mọi Ki-tô hữu cần ý thức về vai trò tối quan trọng và khẩn thiết của Chúa Thánh Thần.Chúa Giêsu chẳng đã nói đến điều này rồi sao : “Ta ra đi, thì ích lợi hơn cho các ngươi, vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng bàu chữa không đến với các ngươi…” (Ga 16, 7). Thật tài tình, trong mấy bản dịch Tân Ước tôi có trong nhà, như bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn, DCCT; bản của Đức Hồng y Trịnh Văn Căn và bản của nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cả ba bản này, đều dùng từ “có ích hơn”, hay “ích lợi hơn”, “có lợi”, như bản của nhóm Phiên dịch, để tường thuật lại Lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ.Thật rõ ràng, Chúa Giêsu đã nói ngay đến vai trò tối quan trọng và khẩn thiết của Chúa Thánh Thần. Các dịch giả cũng rất tinh tế, khôn ngoan khi thận trọng sử dụng ngôn ngữ của loài người, một thứ dụng cụ chuyên chở ý nghĩa của tâm tư, của cõi lòng thầm kín, nó có tính chất hàm hồ, đôi khi gây ngộ nhận.Nhưng ở đây, vì chúng ta tuyên xưng “Đó là Lời Chúa”, nên chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần hiện xuống thì “ ích lợi hơn” cho chúng ta.
Qua câu Điệp khúc trong bài hát trên đây, Linh mục nhạc sỹ Thành Tâm đã tóm lược sứ mệnh của Chúa Thánh Thần : canh tân, đổi mới đời sống , ban lửa mến, soi dẫn trí khôn và hiệp nhất muôn lòng. Đó cũng là Lời nguyện của Chúa Giêsu : “để hết thảy chúng nên một” (Ga 17,21).
Chúa hỡi khấn xin ngự đến đổ tuôn muôn ơn phù giúp chúng con.Xin thương soi dẫn nhân tâm nương theo Thần khí bước trong bình an.(Tk 1).
Trong Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Công đồng Vaticanô II đã xác quyết về Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần như sau:
“ Chúa Kitô đã sai Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiên công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi. Dĩ nhiên là Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển, nhưng trong ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Đồ để ở lại với họ muôn đời : Giáo Hội công khai ra trước mặt dân chúng. Phúc Âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau hết tiên báo sự hợp nhất các dân tộc trong tính cách công giáo của đức tin, nhờ Giáo Hội Tân Ước (Giao ước cũ được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Giao ước mới thì phổ quát được ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, bằng máu Chúa Kitô, đổ ra trên núi Sọ (x. Mt 26,28) nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và bao gồm mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã thắng vượt sự phân tán do tháp Babel biểu tượng (tượng trưng sự chia rẽ và tản mác, thì lễ Hiện Xuống (Cv 2,5-12) tượng trưng sự hiệp nhất và đoàn kết)…Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã thiết lập tác vụ Tông Đồ và hứa sai Thánh Thần đến hầu tác vụ và Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần “hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và tác vụ, ban phát các ơn phẩm trật và đoàn sủng khác nhau” (x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 4), như là linh hồn làm sống động những định chế trong Giáo Hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô.Đôi khi Chúa Thánh Thần lại can thiệp một cách hữu hình trước hoạt động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy.”(số 4)
Có thể nói, Hội Thánh Công Giáo là một tổ chức duy nhất có mặt trong xã hội loài người, tồn tại lâu nhất và không ngừng phát triển , mặc dù ở đâu và thời nào, nó luôn luôn bị cấm cách, khủng bố, đe dọa và bị sát hại, đến nỗi, như Giáo hội ở Nhật Bản có lúc người ta tưởng Giáo hội này đã không còn nữa, sau gần 300 năm im ắng. Vậy mà, con người trần tục làm sao hiểu thấu mầu nhiệm hạt cải gieo xuống lòng đất (x.Mt 13, 31-32) cũng như máu đào các thánh tử đạo Nhật Bản đã đổ ra, sau gần 300 năm ấy, hạt cải kia đã nảy mầm, máu đào của các chứng nhân đức tin đã trổ hoa trái : Giáo Hội Công Giáo tại Nhật Bản hồi sinh !
Đó là công việc của Chúa Thánh Thần đã làm. Cũng như ở Việt Nam hơn 30 năm trước đây trên miền Bắc, và cả lúc này nữa, tại nhiều nơi thuộc vùng sâu và xa xôi trên miền núi, đạo vẫn bị ngăn cản, chính quyền không cho giáo dân tập họp cầu nguyện, làm khó và cấm cản không cho linh mục về cử hành thánh lễ. Nhiều giáo dân bị bắt đi tù chỉ một lý do đơn giản : hoạt động tông đồ. Người tín hữu vẫn không sợ hãi, vì họ có Chúa đồng hành, có sức mạnh và sự phù trợ của Chúa Thánh Thần.Họ chính là một sự thách đố đối với các chính quyền độc tài và vô thần. Tuy nhiên, nhìn vào toàn cảnh thế giới hôm nay, người tông đồ giáo dân tự thấy mình có một sứ mạng rất lớn do họ ở trong thế gian, trong các môi trường văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, nghệ thuật cả trình diễn và sáng tạo. Các môi trường này, phần lớn không phải là của linh mục và tu sĩ. Nói như thế này, chúng tôi chỉ có ý nói rằng, môi trường hoạt động của giáo dân rộng lớn lắm, nó bao trùm mọi sinh hoạt của nhân sinh.Cho nên, Công đồng Vaticanô II đã chú tâm nhiều hơn trước đến giáo dân qua Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân. Ngoài ra, họ cũng có một vị trí đáng kể trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, cũng như trong Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay .Đấy là sự nhìn nhận đến vai trò của Kitô hữu một cách nghiêm túc của Công đồng. Vì người giáo dân ở trong thế giới. Họ có một sinh mệnh lớn lao ở trong đó. Riêng mặt chính trị, nhiều giáo dân ở nơi này hay nơi khác, đã nắm những vị trí trọng yếu trong các chính quyền, kể cả vai trò nguyên thủ quốc gia. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, hiện nay Giáo Hội chỉ mới “quan tâm” tới người giáo dân qua một số văn kiện dù chính thức và quan trọng trên đây. Quan trọng hơn thế, là vấn đề làm thế nào để giáo dân thấy Giáo hội tín nhiệm và thực lòng giao cho họ những công việc hợp với năng lực của họ.Đối xử với họ theo vị trí và nhiệm vụ của họ, chứ không có tính cách “bề trên” đối với “con chiên” hay “bổn đạo”.Hay nhất và trên tất cả, là tình cha con. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nơi nào mà quan hệ giữa linh mục và giáo dân gắn bó, gần gũi và yêu thương, thì nơi đó việc đạo rất tốt, sốt sắng , sinh động, nhất là đoàn kết, yêu thương lan tỏa toàn xứ đạo. Điều này thường thấy trong thời kỳ khó khăn, cấm cách như miền Bắc sau năm 1954 đến 1975, với những linh mục thuộc thế hệ cũ còn lại.
Công đồng Vaticanô II, qua Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, đã tổng kết về sự dấn thân của giáo dân trong những miền Giáo Hội bị ngăn cấm :
“ Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống mình để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, huấn luyên cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể. Thánh Công Đồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công Đồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ.” (số 17)
Phải thành thực nói rằng, những Tông đồ giáo dân trên đây chỉ có một lòng trung thành với Giáo hội, với đức tin và một lòng tôn sùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể.Nhưng dù vậy, những hoạt động của họ cũng như những thành quả của những hoạt động của họ, chính là bởi sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Trong những hoàn cảnh khó khăn mà những giáo dân này phải đương đầu, tất nhiên họ chưa được đào tạo một cách căn bản để có đủ hành trang của một vị Tông đồ thành thục, đúng với nhu cầu mong đợi của thiên niên kỷ thứ III Kitô giáo, một thiên niên kỷ của giáo dân, mà Công đồng Vaticanô II đề cập tới, số 29 :
“ Nhưng tiên vàn, người giáo dân phải học sao cho biết chu toàn sứ mệnh của Chúa Kitô và của Giáo Hội bằng sống đức tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa sáng tạo và cứu chuộc dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì Thánh Thần là Đấng làm cho dân Chúa được sống, Đấng thôi thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa Cha cũng như mến yêu thế giới và nhân loại trong Ngài. Việc huấn luyện như thế phải được coi là căn bản và là điều kiện cho mọi hoạt động tông đồ có hiệu quả.
Ngoài việc huấn luyện về đời sống thiêng liêng, còn phải huấn luyện vững chắc về giáo lý, ngay cả về thần học, luân lý, triết học tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành.”
Đây là một chủ trương rất lớn và cần thiết mà Công đồng đã đề ra, đến nay đã hơn 40 năm qua rồi, chủ trương này vẫn chưa thấy thực hiện được bao nhiêu ở Việt Nam, ngoài những khóa học hỏi về Kinh thánh, về mấy văn kiện quan trong của Công đồng Vaticanô II. Với bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay, chúng tôi thiển nghĩ, phải hết thế kỷ 21 này, chủ trương về việc đào tạo và huấn luyện Tông đồ giáo dân trên đây mới thấy được hiệu năng của nó.
Vì vậy, chúng tôi xin gợi ý ra đây một mục tiêu đơn giản để người tín hữu nào cũng có thể thực hành một mình được, tất nhiên mục tiêu nào dù đơn giản đến đâu mà muốn áp dụng cho giáo dân, cũng phải bao gồm Kinh thánh và Bí tích Thánh Thể, vì đây là nền tảng cho đời sống của người tín hữu.Ý tưởng gợi ra ở đây là : Việc “Tu thân”.Đây là một phạm trù của Đạo học Đông phương, nó không khó thực hiện, miễn sao người áp dụng thấu hiểu cái đạo làm người, và đạo trời ;làm điều gì thì phải chính danh, ngôn mới thuận, ý mới sáng tỏ.Thuận thiên giả tồn- nghịch thiên giả vong, được coi là phương châm của người Quân tử.
Truyện Tàu xưa kể rằng, có một ông vua đi thăm dân tình, vào trú chân ở nhà một người bình dân.Nhà vua thấy nhà này ngăn nắp, vợ và con đều hiểu luân lý lễ nghĩa, trên dưới phân minh. Nhà vua rất đẹp lòng. Ngày hôm sau trở về triều, mang theo chủ nhân của nhà ấy. Nhà vua phong cho ông chủ nhà chức Thừa tướng. Quả nhiên, từ đó về sau, triều đai của nhà vua này rất hưng thịnh, dân tình thư thái, an lạc. Ban đêm, nhà nhà không cài cửa; của rơi ngoài đường không ai lượm.
Trên đây, chúng tôi dựa vào một câu chuyện có thực được kể trong một quyển sách Tàu nào đó chúng tôi đọc từ ngày còn trẻ, bây giờ không có thời gian tra cứu cho cụ thể.Thiếu sót này xin tạ lỗi cùng quý độc giả, nếu có điều kiện thời gian, chúng tôi sẽ xin bổ khuyết sau.
Trường hợp trên đây là kết quả của việc Tu thân. Vì thế, trước đây miệng thế nhân vẫn nói : Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.
Mẫu người này, ở Việt Nam hiện nay không còn nữa. Người ta tự tình nguyện vong thân, phá đổ gia đình, không còn ý niệm quốc gia dân tộc, chỉ có Đảng trên đầu, vì Đảng cho họ quyền lợi và danh vọng, cả cái quyền áp bức người khác.
Đối với người tín hữu Kitô, việc tu thân theo mẫu gương của Mẹ Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu trong 30 năm ở Nazareth, là một công việc có thể thực hiện được, nếu chúng ta có lòng mộ mến Thánh Gia Thất thực sự.Đạt được điều này với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là người tín hữu Công giáo đã thực sự và triệt để đổi mới mặt trái đất đang ngày một trở nên tồi tệ hơn.
(Ngày 29/5/2009)
Antôn Triều
Views: 0