Nhà thần học William Barclay kể lại câu chuyện một kinh sĩ Do Thái (Rabbi) bị cầm tù ở Roma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm kéo dài cuộc sống.
Thời gian trôi qua, vị kinh sĩ ấy càng ngày càng yếu dần, buộc người ta mời bác sĩ đển khám xem thế nào. Bác sĩ liền phán sau khi chẩn đoán rằng, cơ thể tù nhân bị thiếu nước trầm trọng.
Họ không hiểu tại sao vị kinh sư ấy lại thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn đủ dùng như các tù nhân khác. Thế là đám lính gác được lệnh theo dõi kỹ hơn, để thử xem ông ta đã dùng số nước ít ỏi đó làm gì.
Cuối cùng người ta đã khám phá ra bí mật: Vị kinh sư Do Thái ấy đã sử dụng phần lớn lượng nước ấy để rửa tay, theo nghi thức cổ truyền trước khi ăn và cầu nguyện. Như thế đương nhiên ông ta không còn đủ nước để uống.
Bài Tin Mừng hôm nay, nêu lên sự xung khắc giữa hình thức bên ngoài như tập quán, tục lệ và tinh thần bên trong, như Đức Tin, Cậy, Mến với Đấng Tối Cao.
1. Hình thức thay cho tinh thần
Vị kinh sĩ Do Thái kể trên đã sống thật trọn vẹn tập tục và luật lệ thay cho tinh thần thờ phượng Thiên Chúa. Đây là xu hướng khá phổ biến hiện nay trong xã hội quá đà khoa trương, phù phiếm và thực dụng. Lộng giả thành chân, lấy cái ảo, cái phù vân khỏa lấp, che đậy cái tinh túy sâu sắc, sự thật và chân lý.
Cứ mãi chạy theo hình thức bên ngoài, theo luật lệ thế gian, theo thị hiếu con người, người ta quên mất đi ý nghĩa quý giá ẩn giấu bên trong, điều mà Thiên Chúa mong đợi hơn cả. Như đi lễ, đọc kinh, ăn chay, làm từ thiện…vì thói quen, hay chỉ vì muốn phô diễn lòng mộ đạo với tha nhân. Nếu vậy, theo phép công bằng của Thiên Chúa, thì người ta đã được tiếng khen, lòng khâm phục của thế gian rồi, cần chi được thưởng mai hậu nữa.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn vạch trần trò ma mãnh xảo trá, xảo ngôn, xuyên tạc Lời Chúa, để phục vụ bất chánh cho luật đời, cho thế quyền, cho hư danh. “Quả thế, ông Mô sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ và kẻ nào nguyển rủa cha mẹ thì phải xử tử! Còn các ông lại bảo: Người nào nói với cha mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ đều là “cô ban” rồi, nghĩa là lễ phẩm dâng lên cho Chúa, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyển thống các ông đã truyền lại cho nhau, mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều giống như vậy nữa!” (Mc 7, 10-13)
2. Hình thức đối nghịch tinh thần
Để có thể che đậy cái bề trong rỗng tuếch, mục nát, thối tha, người ta càng ra sức trang trí cái hình thức bên ngoài thiệt hào nhoáng, thiệt hoành tráng, gây ấn tượng mạnh cho người đời. Chả thế mà Chúa Giê su đã không giấu nổi bất bình:"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. (Mt 23,27)
Trước thói chuộng hình thức, Chúa Giêsu quá sức thất vọng, chua chát thốt lên sự thật đáng xấu hổ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy, chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7, 6-7)
3. Hình thức hòa hợp tinh thần
Chúa Giêsu là tấm gương tuyệt vời, phản chiếu sự kết hợp hài hòa giữa hình thức và tinh thần. Trước tiên, Người chịu phép cắt bì. Khi đúng tuổi theo luật định, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đưa hài nhi Giêsu lên Giêrusalem, để dâng Người vào đền thánh. Rồi trước khi bước vào cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu dù vô tội, vẫn chịu phép rửa do chính Thánh Gioan Baotixita thực hiện. Tóm lại, Người luôn thận trọng tuân thủ các giới luật, kể cả nộp thuế thân cho đế quốc Roma.
Chúa Giêsu còn nhấn mạnh hơn nữa tới sự hợp nhất giữa lời nói và hành động, giữa hình thức và nội tâm:“Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21).
Đỉnh điểm của ngôn hành hiệp nhất, của hình thức kết hợp nhuần nhuyễn với tinh thần, là cuộc khổ nạn bi thương của Chúa Giêsu Cứu Thế. Đích thân Người hoàn thiện trung thực và mỹ mãn những lời đã giảng dạy cho thế gian.
Trước tấm gương vĩ đại của Thầy Chí Thánh, vị môn đệ trung kiên Gioan đã tha thiết khuyên nhủ tín hữu:“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.”(1Ga 3, 18)
“Cần phải nói ít đi, điều rao giảng chưa phải là điều được đón nhận. Vậy ta phải làm gì? Hãy cầm lấy cây chổi để quét nhà cho một ai đó, công việc ấy đã đủ để rao giảng”( Mẹ Têrêsa Calcutta)
Lạy Chúa Giêsu nhân ái, hãy giúp con thực hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc, để con xứng đáng là Kitô hữu thật sự.
Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa, dù có phải trả giá thế nào đi nữa, xin giúp con luôn trung thành theo Thánh Ý nhiệm mầu. Amen.
AM Trần Bình An
Views: 0