Uncategorized

Sống Mùa Chay theo tinh thần “xin vâng” với Đức Maria

“Xin Chúa hãy thực hiện nơi tôi điều sứ thần nói!” Lời “Xin Vâng” mà Đức Maria thốt lên là một diễn tả lòng khát khao mong ước chứ không phải là một quyết định cuối cùng được đưa ra sau những phút do dự. 

 

 

Sám Hối

 

“Xin Chúa hãy thực hiện nơi tôi điều sứ thần nói!” Lời “Xin Vâng” mà Đức Maria thốt lên là một diễn tả lòng khát khao mong ước chứ không phải là một quyết định cuối cùng được đưa ra sau những phút do dự. 

 

 

Sám Hối

 

Giáo Hội đưa lễ Truyền Tin vào Mùa Chay, ngoài những ý nghĩa về thần học, có lẽ còn nhằm mục đích hướng dẫn các thành phần trong dân Chúa học hỏi, suy niệm và thực hành đời sống “xin vâng” với Mẹ Maria. Biến cố Thiên Chúa gọi Abraham, đang ở xứ Ur, vùng Canđê: “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà của cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn”…(Stk 12, 1-2).Abraham ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Điều này cũng có thể nói được là Abraham đã “xin vâng”, lời “xin vâng” đầu tiên trong lịch sử dân Chúa. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng như các tác giả từ xưa đến nay, vẫn hiểu việc Abraham từ bỏ xứ sở của mình, đi đến miền đất mới Chúa chỉ cho, là vấn đề của đức Tin. Về trường hợp của Đức Mẹ, lời “xin vâng” của Người mở đầu cho chương trình Cứu Chuộc Của Chúa, còn Chúa Giêsu, Người đã “xin vâng” Ý của Chúa Cha sau khi.ăn bữa tối rồi vào vườn Ghetsêmani với các môn đệ: “Lạy Cha ! nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con ! Song đừng cho ý của con, mà là ý của Cha được thành sự !” (Lc 22, 42).

Những lời “Xin Vâng” tuyệt đối như vậy, đều được diễn ra trong Mục vụ Mùa Chay. Cho nên, người tín hữu không nên chỉ nghe Lời Chúa về việc Đức Mẹ “Xin Vâng” và việc Chúa Giêsu vâng theo “ý của Cha” , rồi bỏ lại luôn ở nhà thờ, nhưng là thực hành trong suốt cuộc đời của người theo Chúa, như Đức Mẹ và Chúa Giêsu vậy. Phần tôi, trước khi suy niệm về mầu nhiệm Truyền Tin, tôi thành thực tỏ bày sám hối đôi điều.

 

Tôi sinh ra được làm người có đạo, một cái đạo mà cho mãi đến bây giờ tóc đã bạc, tôi mới thấy mình thật là có phúc. Còn mấy mươi năm đã qua đi, mang danh mình là công giáo, nhưng thực chất là chẳng có gì, tuy rằng mình tuân giữ lề luật của Chúa và của Giáo Hội khá tốt, như không lường gạt, không gian dối, không bất trung bất nghĩa, không hận thù ai, không gây chia rẽ và không xét đoán ai.v.v… Trái lại, tôi có làm được một vài điều mà lương tâm thấy bình an. Đó là thực thi công bằng, sống chân thật, sống liên đới và cảm thông với những người cùng khổ, chịu áp bức, chịu bất công.

Nhưng với ơn Chúa, tôi cảm thấy mình còn nhiều thiếu sót.Bởi vì, trong nhiều năm bôn ba đây đó, tôi đã từng gặp nhiều người dân bình thường không cùng đạo với mình, còn sống tốt hơn thế. Họ là những người tuy sống trong thời buổi văn minh cơ khí, nhưng cái tâm của họ trong sáng, không bị cơ khí hóa nó, không làm cho nó trở thành cơ tâm. Từ đó,tôi bắt đầu tra vấn lòng mình, dựa vào thánh kinh, vào Tin Mừng. Tôi thấy gì? Bước đầu, tôi đọc các thư của thánh Phaolô, vì năm 2009 là năm Phaolô; kế đó, tôi gặp được thánh Giuse, bạn của Đức Trinh Nữ Maria rồi đến Thân Mẫu của Chúa Cứu Thế: Mẹ Maria Vô Nhiễm. Với tước hiệu này, tôi đọc kinh Nhật Tụng hằng ngày.

Với thánh Phaolô tông đồ, tôi rất cảm phục ngài. Song tôi không biết có đi hết đoạn đường chiến đấu của mình, như thánh tông đồ dân ngoại này đã đi hay không(2Tm 4,7) Nhất là tôi chưa có đời sống tông đồ truyền giáo như ân sủng tôi nhận lãnh. Tôi thiếu sót rất lớn ở điều này.

Tôi rất tôn kính thánh Giuse, gương mẫu cho một đời sống khiêm nhường, vâng phục, phó thác, lao động thầm lặng. Tôi cầu khẩn ngài nhiều lần trong ngày. Còn tôi, vì thời thế và vì mình thuộc những người thất thế nơi quê hương mình. Mình lại là người không thể “thỏa hiệp” với chế độ mới, không thể theo cách “hòa hợp hòa giải” của những người “thỏa hiệp” được. Cho nên mình chấp nhận sống như thể “ẩn trú”, như thể “thầm lặng”. Nhưng tự trong thâm tâm, mình vẫn cứ muốn “nổi” lên một tí, để “thiên hạ” biết là mình như thế mà không phải thế. Phải chăng, đây là chuyện có “nhận” thì cũng phải có “cho đi”, phải có “chia sẻ”. Xa hơn thế là vấn đề “sứ mệnh”, là “sứ vụ” mà Chúa đã định cho mỗi người. Đó là những “nén bạc” Chúa giao để mỗi người phải lao động và gặt hái hoa trái của lao động. Đây không biết có mâu thuẫn với gương thánh Giuse. Vì rõ ràng thánh Giuse tuyệt đối vâng phục, tuyệt đối sống thầm lặng. Thế nhưng, hoa trái của cả cuộc đời mà thánh Giuse đã vun trồng, chính là để Thiên Chúa làm.Dù sao, tôi thấy mình chưa sống được như niềm cảm phục, tôn kính của tôi đối với đời sống của thánh Giuse tại gia đình Nazareth.

 

Đời Sống Có Mẹ

Còn với Đức Mẹ Maria, có lẽ tôi được Mẹ thương yêu và gắn bó chặt chẽ ngay từ thời còn niên thiếu. Có nhiều việc bộc lộ lòng tôi yêu mến Đức Mẹ, như thường ra ngồi dưới gốc cây đại trong sân nhà thờ ở quê, vào buổi tối, sau hồi chuông tắt lửa, để lần hạt.Điều này có người anh em đồng hương và thuộc gia đình linh tông gợi nhớ lại cho tôi. Rồi khi tôi vào Tràng tập, một chủng sinh lớp trên có thiện cảm với tôi, rủ tôi làm “bó hoa thiêng liêng” kính Đức Mẹ hàng tháng. Vì thế, thường là nửa đêm tôi thức dậy, ngồi trên giường lần hạt Mân Côi. Bây giờ, sau những chặng đường gian nan và thử thách, tôi nhớ lại thời niên thiếu có được những giờ khắc cầu nguyện với Đức Mẹ Maria như thế, tôi thật sự nghĩ rằng, đó là điều Đức Mẹ đã làm, đã muốn tôi làm việc sùng kính Người qua tràng Mân Côi. Vì Đức Mẹ biết đời tôi sẽ gian truân, nên Đức Mẹ đã gọi tôi. Như vậy là đời tôi có Mẹ, tôi đã đáp lại tiếng gọi của Mẹ tự trong lòng ngay thuở niên thiếu. Nhưng làm việc cho Mẹ, dưới lá cờ của Mẹ, thì chưa. Vì thế, nhân ngày lễ Truyền Tin, tôi dừng lại ở ý nghĩa của ngày này, ngày mở đầu ơn Cứu độ, ngày mà một đại biểu tuyệt vời nhất của toàn thể nhân loại được Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên E-Và mới, hầu Thiên Chúa thực hiện lời hứa từ vườn E-Đen với nguyên tổ bất trung.

 

Sống Đời “Xin Vâng” với Mẹ Maria

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”
(Lc 1, 26-38).

Lời “Xin Vâng” mà Đức Maria thốt lên là một diễn tả lòng khát khao mong ước chứ không phải là một quyết định cuối cùng được đưa ra sau những phút do dự. “Xin Vâng” là tín thác chứ không nghi ngờ. “Xin Vâng” ở đây còn là một tâm tình cầu khẩn dâng lên Thiên Chúa nữa: “Xin Chúa hãy thực hiện nơi tôi điều sứ thần nói!”

Đấy là mẫu thức thứ nhất mà Đức Mẹ Maria để lại cho nhân loại khi nghe Lời Chúa.Đức Mẹ hiểu được ngay ý Thiên Chúa, nên đã cầu khẩn: Xin cho LỜI của Thiên Chúa trở nên hiện thực nơi tôi, nên “xác thịt bởi xác thịt tôi”, xin cho LỜI Thiên Chúa không chỉ là lời phát ngôn để tai tôi được nghe, nhưng LỜI trở nên sự sống trong dạ tôi, cho mắt tôi được thấy hiển hiện, cho tay tôi được sờ thấy và ôm ấp vào lòng, xin đừng chỉ là lời bằng chữ viết suông do tay người đời, nhưng là LỜI được khắc ghi cách sống động bởi Chúa Thánh Thần.

Sau khi nhận được Lời Chúa, Đức Mẹ Maria vội vã lên đường, không ngại hiểm nguy có thể xảy đến cho mình, Mẹ đến nhà bà Êlisabet. Vừa thấy người em gái họ của mình, bà Êlisabet nhận ra ngay Maria có sự khác lạ thường tự thân mình của Mẹ tỏa ra: Mẹ có Chúa trong lòng!
Đây là một mẫu thức thứ hai của Đức Mẹ Maria để lại cho con cái của mình: Mỗi Kitô hữu phải biểu lộ được trong cuộc đời của mình về sự hiện hữu của Chúa trong lòng mình, và noi gương Mẹ Maria, đến với tha nhân, nhờ Mẹ và với Mẹ, chúng ta mang Chúa đến cho người khác.Và người khác khi gặp gỡ chúng ta, họ cũng nhận ra được Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

 

Mới đây tôi nhận đươc một giấy mời đi dự lễ ACIES của Hội Lêgiô Mariae. Trong giấy mời ghi: Acies là cuộc tổng hợp hàng năm của Lêgiô. Lễ này được ấn định tổ chức vào ngày lễ Truyền Tin, nhưng năm nay rơi vào ngày Thứ Tư, nên để thuận tiện cho việc “tổng hợp”, lễ đã diễn ra ngày Chúa nhật 22/3/2009.

Sau khi các thành phần hội viên “dâng mình” cho Đức Mẹ, cha Linh giám chủ tế thánh lễ này đã nói, đại ý:

“Giây phút dừng chân dưới Cờ của Mẹ, chỉ vừa đủ cho nỗi lòng nói lên một câu quá vắn tắt. Giờ đây tim con được tự do hơn để bộc lộ và giãi bày câu dâng mình thành một lời tuyên xưng Đức Tin của chúng con nơi Mẹ một cách đầy đủ hơn.

…Mẹ đã trao Chúa Giêsu là Nguồn Ơn Phúc cho chúng con. Nhưng sánh với Mẹ, chúng con vẫn còn ở trong bóng tối của một thế giới hư hỏng, vẫn còn sống dưới chế độ xa xưa của sự chết. Thiên Chúa quan phòng lại muốn cứu chúng con khỏi cảnh khốn cùng này…Tuy lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Cứu Thế, Me đã được chỉ định làm vị Đồng Công cứu chuộc với Người…

Ngay từ muôn thuở, Ba Ngôi chí thánh đã nghĩ đến Mẹ cùng với Chúa Cứu Thế, và định cho Mẹ chia sẻ thiên chức với Người; Mẹ đã được nhắc đến qua lời tiên tri ở Vườn Địa đàng, về người Nữ mai này sẽ sinh Đấng Cứu Thế…Mẹ nên một với Chúa qua ơn Vô Nhiễm Thai, là ơn đã cứu rỗi Mẹ một cách kỳ diệu. Mẹ đã đồng nhất với Chúa Cứu Thế trong tất cả Mầu Nhiệm của Người, từ Thiên sứ Truyền tin cho đến giờ dưới chân Thánh giá. Mẹ đã được nâng lên bậc vinh quang cùng Người; ngày Mẹ hồn xác về Trời, Mẹ đang ngồi bên ngai của Chúa Cứu Thế để cùng Người quản trị Vương quốc thánh sủng….

Với ý định hoàn tất công cuộc Cứu Thế mà Đức Mẹ đã tham gia từ đầu đến cuối, nên chính Mẹ đã tham gia mọi hoạt động của chúng con. Chúng con hiểu rõ rằng: với đức Tin, Tình thương và việc phụng sự của chúng con, Mẹ làm tròn sứ mạng này một cách hoàn hảo.”

 

Kết

Nếu tôi không đi hết đoạn đường chiến đấu của tôi như thánh Phaolô tông đồ đã đi: vì thiếu ý chí, vì sợ hãi, vì không có đủ lòng mến, lòng khiêm nhường, sự vâng phục và không đủ sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu với các thần dữ của trần gian, của một trái tim nguội lạnh, của các mãnh thú do satan điều khiển v.v… thì khốn cho tôi. Nhưng không thể nào như vậy được. Tôi biết không bao giờ Đức Mẹ bỏ tôi. Có một điều tôi tin chắc rằng: không có người nữ nào trên trần gian này đau khổ như Mẹ. Đức Mẹ chịu đau khổ không kém Chúa Cứu Thế. Mẹ còn sống được, ấy chính là ý định của Thiên Chúa: giữ Mẹ lại để nuôi đứa con sơ sinh là Hội Thánh. Và cả hôm nay nữa, trước biết bao sự dữ vây bủa, biết bao kẻ thù tấn công, có cả kẻ nội thù nữa, Mẹ Maria vẫn đang ngày đêm chăm nom Hội Thánh. Vì Hội Thánh hôm nay, đối với Mẹ, vẫn là đứa con của ngày Hiện Xuống sau khi Chúa Giêsu về Trời, nếu không muốn nói, ngày hôm nay Hội Thánh còn cần đến sự chăm sóc của Mẹ Maria hơn là ngày đó…
Phải chăng chính vì thế mà trong buổi lễ kết thúc kỳ họp thứ ba Công đồng Vatican II,Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, cũng là Mẹ của toàn thể dân Chúa, của tín hữu và của chủ chăn.

Trong niềm tin ấy, tôi sẽ tiếp tục bước đi cùng với Mẹ Maria.

Antôn Triều
(Đêm 24/3/2009)
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.