Đọc lại lịch sử truyền giáo ở Nhật, xứ của Thiên Hoàng vào thế kỷ thứ 16, người ta thấy Thánh Phanxicô Xavier, một nhà truyền giáo nổi tiếng, sau nầy được Giáo hội xưng tụng làm bổn mạng các xứ truyền giáo Á Châu, trước đó đã vất vả cực nhọc khi rao truyền một Thiên Chúa trên trời cao sang và uy quyền hơn Nhật Hoàng cho người dân Nhật Bản. Những người Nhật ban đầu họ rất coi thường Thánh nhân khi nhìn ngoại hình và cách phục sức của một người trông rất tầm thường nơi Phanxicô nên kết quả ít ai theo đạo Chúa. Nhưng sau một thời gian học hỏi về văn hóa người Nhật, Thánh Phanxicô đã khôn ngoan thay đổi hẳn cách giảng đạo. Ông đã trở về xin nhà dòng một chiến thuyền với nhiều thủy thủ đoàn và chính ông mặc phẩm phục của một đại tướng uy hùng tiến vào bờ biển của Nhật với “tiền hô hậu ủng” có lính dàn chào, trống kèn linh đình…. Sự việc nầy đã làm thay đổi lòng người Nhật khi Phanxicô Xaviê rao giảng về Nước của Thiên Chúa.
Thời Chúa Giêsu, Nazareth là một làng rất nhỏ bé, chỉ vỏn vẹn có khoảng 200 người cư ngụ, và người trong làng ai cũng biết nhau. Nhỏ đến nỗi Kinh thánh Cựu Ước không hề nhắc gi đến địa danh nầy. Sang đến Tân Ước, phúc âm Thánh Gioan nhắc tới Nazareth như một vị trí rất thường. Trong đoạn mô tả ông Phillippê gặp Nathanaen và ngỏ ý mời ông ta đi gặp Chúa Giêsu, con ông Giuse người làng Nazareth. Nathanaen liền bảo: “Từ xóm Nazareth thì làm gì có cái hay?” (Jn. 1:45)
Bài Tin Mừng khuyến cáo Kitô hữu chúng ta về sự nguy hiểm của đức tin khi mà người rao giảng quá quen biết đối với chúng ta. Mùa tĩnh tâm ít giáo dân muốn nghe các cha nhà giảng, nhưng lại tò mò đi nghe một cha khách ở nơi khác được mời về, vì: “Bụt nhà không thiêng!”
Bạn bè, họ hàng và dân làng của Chúa Giêsu đã coi thường Ngài bởi vì họ sống thường ngày với Chúa trong làng, trong xóm. Họ thấy Chúa không học hành, lại nghèo nàn so với các thầy dạy khác trong xã hội thời bấy giờ. Các kinh sư và luật sĩ Do Thái, học rộng hiểu cao nhưng lại không biết gì ngoài sách vở. Những suy tư của họ chỉ là những điều đã được người khác nghĩ giùm cho, để áp dụng một cách máy móc, thiếu hẳn công bằng và bác ái. Tin Mừng kể tiếp “và họ vấp phạm vì Ngài!”
Tại sao chúng ta lại ngưỡng mộ người lạ với những tư tưởng mới lạ nhưng chưa bao giờ áp dụng mà quên đi di sản và kinh nghiệm riêng của cá nhân trong việc tin đạo và giữ đạo? Tại sao chúng ta lại nghĩ rằng không có điều gì tốt phát xuất từ Nazareth, hay từ giáo xứ nhà, nơi chúng ta đang sinh hoạt hằng tuần? Tại sao chúng ta có thể tạo cái ảo tưởng Thiên Chúa tìm cho chúng ta một người giàu có hơn, thông minh hơn, tốt lành thánh thiện hơn để dẫn dăt chúng ta? Tại sao chúng ta lại tin rằng đời sống quá tầm thường nhỏ bé của mỗi cá nhân chúng ta không đáng được Chúa để ý và săn sóc?… Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta hãy luôn yêu mến và giúp đỡ những chủ chăn Chúa sai đến với chúng ta. Dù Chúa chọn các Ngài nhưng vẫn để các ngài trong thân phận yếu đuối như mọi người chúng ta. Thay vì so sánh, ghen ghét, thù hằn, chống đối, chúng ta hãy yêu mến, nâng đỡ và cộng tác với các ngài trong nhiệm vụ khó khăn hằng ngày.
Chúa Giêsu đã sống một đời sống nhỏ bé tầm thường nơi một làng quê hẻo lánh để chỉ cho chúng ta sống đơn sơ mỗi ngày là đủ tốt đối với Thiên Chúa rồi mà không cần đi tìm đâu xa. Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-mặc-xác-phàm, Đấng Emmanuel đến để ở-cùng-chúng-ta. Ngài khóc, cười, đau khổ, ăn, uống, ngủ, nghỉ và làm việc để giúp chúng ta biết giá trị làm người. Mục đích chính của mầu nhiệm Nhập Thể là Thiên Chúa tham dự vào mọi sinh hoạt trần thế của con người để rồi cứu rỗi bằng cách chỉ cho chúng ta con đường vào Nước Trời nơi chính địa vị làm người của mỗi cá nhân. Chúa ở nơi người láng giềng, nơi họ hàng thân tộc, nơi những người chung quanh ta trong đời thường.
Bài Tin mừng của Chúa nhật tuần trước Chúa Giêsu đã cho con gái ông trưởng hội đường Giairô sống lại và cho người đàn bà bị loạn huyết khỏi bệnh chỉ vì họ tin vào Ngài. Tin mừng tuần nầy Thánh Marcô cho biết: “Chúa đã không làm được phép lạ nào tại đó.” vì họ không tin! Chúa Giêsu cũng rất muốn ưu tiên rao giảng tin mừng và làm phép lạ nơi quê hương mình vì tâm lý con người ai cũng thương nơi “chôn nhau cắt rốn” hay nơi mà họ lớn lên trong thời thơ ấu hơn những nơi khác. Nhưng bởi đồng hương không tin nên Chúa đã không lảm được việc ấy. Thiên Chúa muốn cứu rỗi ta nhưng Ngài sẽ không làm nếu ta không muốn. Thánh Augustinô, Giám mục và là một thần học gia có nói: “Khi sinh ra ta, Chúa không cần ta, nhưng để cứu rỗi ta, Ngài cần sự cộng tác của ta.” Nguyễn Du có viết trong Truyện Kiều: “Có Trới mà cũng có ta.” để khẳng định Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do quyết định.
Làm cha mẹ chúng ta cũng hiểu giới hạn của bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta lo lắng cho con cái mọi nhu cầu như ăn uống, học hành. Nhưng cha mẹ không thể ăn uống thay cho con, cũng không thể học thay cho con. Cũng vậy, Thiên Chúa luôn sẵn sàng làm những gì Ngài có thể làm được để cứu rỗi chúng ta. Phần còn lại chúng ta phải cộng tác với Chúa để nên thánh, phần đó Ngài không thể làm thay được. Nếu chúng ta nghĩ rằng đời sống lữ hành trên dương gian nầy đáng sống, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu để cũng sống và cùng cộng tác với Ngài. Mong thay!
Views: 0