Uncategorized

Sống bệnh tật như sống ơn gọi

…Tôi là phụ nữ Công Giáo may mắn. Năm nay tôi 35 tuổi. Tôi là nữ bác sĩ chuyên ngành gây thuốc mê. Tôi tận hưởng thời kỳ đầu của mùa gặt hái các thành quả của những năm dùi mài kinh sử, vất vả khó nhọc để đạt cho được mảnh bằng bác sĩ. Tôi trải qua những năm sinh viên tràn đầy mộng mơ và hưởng nếm tình bạn chân thành.

…Tôi là phụ nữ Công Giáo may mắn. Năm nay tôi 35 tuổi. Tôi là nữ bác sĩ chuyên ngành gây thuốc mê. Tôi tận hưởng thời kỳ đầu của mùa gặt hái các thành quả của những năm dùi mài kinh sử, vất vả khó nhọc để đạt cho được mảnh bằng bác sĩ. Tôi trải qua những năm sinh viên tràn đầy mộng mơ và hưởng nếm tình bạn chân thành. Vì chọn nếp sống độc thân nên tôi có giờ dấn thân vào các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ. Tôi cho đi trọn vẹn và nhận lãnh cũng thật nhiều. Giờ đây tôi bị chứng hạch-bạch-huyết.

 

 

Từ hai năm nay cuộc đời tôi hoàn toàn đảo ngược. Từ một bác sĩ chuyên chăm sóc chữa trị bệnh nhân tôi trở thành người bệnh lệ thuộc tha nhân. Từ cuộc sống hăng say với một thời khóa biểu sít sao dầy đặc với những ngày làm việc, những giờ hẹn và những phiên trực, tôi bước sang cuộc đời với những ngày sống kéo dài lê thê.

 

 

Bây giờ là những ngày chờ đợi kết quả các cuộc khám nghiệm, chờ đợi ngày phải nhập viện, chờ đợi cho xong các buổi trị liệu. Hoặc, chỉ sống ngày này qua ngày khác mà không làm gì hết! Có thể nói đơn sơ rằng: từ cuộc đời nắm trong tay sức khoẻ của người khác tôi chuyển sang cuộc sống mà sức khoẻ của tôi tùy thuộc nơi sự chăm sóc, chữa trị và lòng hảo tâm của người khác.

 

 

Ngay từ giây phút biết mình mắc chứng bệnh hiểm nghèo tôi đã cúi đầu tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Tôi sống bệnh tật như sống một ơn gọi. Giống như bất cứ tiếng gọi nào khác đến từ Thiên Chúa, bạn chỉ có thể hiểu rõ tiếng gọi khi thực sự sống tiếng gọi này! Và khi bạn cúi đầu đáp tiếng ”Thưa Vâng” bạn cũng không biết tiếng ”Thưa Vâng” sẽ đưa bạn đi đến đâu. Nhưng không sao hết! Điều quan trọng là bạn thưa ”Xin Vâng” ngay từ phút đầu!

 

 

Thế rồi giống như bất cứ cuộc sống nào khác cũng đều có rủi-may. Bạn bị bệnh. Bạn phải thay đổi tất cả. Bạn phải đương đầu với khó khăn với các các cuộc chữa trị, với các bác sĩ, với nhân viên y tế và với việc dùng thuốc men. Nhưng bên cạnh cái rủi ro bạn khám phá ra những tấm lòng vàng, những người bạn chân thành. Và bạn cũng bắt đầu biết hưởng nếm những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc trong tầm tay. Có những chi tiết nhỏ nhặt giờ đây bỗng trở thành quan trọng đối với bạn, một bệnh nhân lệ thuộc người khác.

 

 

Trong vòng hai năm lâm bệnh tôi lĩnh hội nhiều bài học cao quí. Khởi đầu là đức nhẫn nại. Tiếp đến là sẵn sàng chấp nhận mọi đổi thay bất ngờ, mọi rủi ro. Và cùng với thời gian, với bệnh tật, sức khoẻ tôi trở nên mong manh, thân xác tôi trở thành yếu nhược, nhưng tôi khám phá ra rằng sức mạnh đích thực không đến từ thân xác nhưng đến từ Thiên Chúa. Tôi cũng học biết khiêm nhường. Tôi khiêm tốn xin người khác giúp đỡ. Tôi dẹp tự ái qua một bên. Và nhất là, tôi hiểu rõ tôi không chiến đấu một mình!
 

 

Ngay từ đầu tôi nói rằng: Từ một cuộc sống nắm trong tay sức khoẻ của người khác tôi bước sang một cuộc đời mà sức khoẻ của tôi tùy thuộc nơi người khác. Câu nói này trong trường hợp của tôi phải hiểu sát từng chữ, hiểu theo nghĩa đen! Thật thế, không biết bao nhiêu lần tôi cần được chuyền máu. Và cứ mỗi lần tôi nhận máu của một vị hảo tâm nào đó – vị ân nhân mà tôi không hân hạnh biết tên tuổi – tôi thật lòng tri ân THIÊN CHÚA và cầu nguyện cho vị ân nhân của tôi.

 

 

Rồi để có thể lành bệnh, tôi cần được ghép tủy. Và tin vui đã đến. Vì đã có người bằng lòng hiến tủy cho tôi. Tôi không rõ vị ân nhân là ai, có tín ngưỡng hay không. Nhưng nguyên sự kiện người đó bằng lòng hiến tủy để cứu sống tôi thì chắc chắn phải là người có lòng tốt và chắc chắn hành động của người này rất đẹp lòng Thiên Chúa.

 

 

Để kết thúc tôi có thể quả quyết rằng. Ngay từ tiếng ”Thưa Vâng” đầu tiên khi căn bệnh ập xuống trên cuộc đời hành nghề bác sĩ của tôi, tôi nhận được không biết bao ơn lành. Tôi kinh nghiệm thế nào là tình liên đới, lòng tương trợ. Nhưng nhất là tôi học biết tri ân. Tri ân Thiên Chúa và tri ân mọi người đã quảng đại ra tay giúp đỡ tôi. Tôi không cô đơn chiến đấu với bệnh tật. Giờ đây tôi hoàn toàn sống tin tưởng và phó thác.

 

 

Chứng từ của Cô Claudia bác sĩ Công Giáo sống tại thủ đô Roma.

 

 

… “Ai kính sợ Thiên Chúa thì không sợ hãi gì, họ không run rẩy, vì chính nơi Người, họ hằng cậy trông. Phúc thay tâm hồn kẻ kính sợ Thiên Chúa! Họ nương tựa vào ai? Và ai nâng đỡ họ? Thiên Chúa để mắt trông nom những ai yêu mến Người. Người là khiên mộc vững chắc, là sức mạnh đỡ nâng, là tàn che gió nóng, là bóng mát giữa trưa. Người giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào. Người nâng cao tâm hồn, sáng soi con mắt. Người ban sức khỏe, sự sống và phúc lành” (Sách Huấn Ca 34,13-17).

 

 

(”Maria Ausiliatrice”, Rivista mensile della Basilica di Torino-Valdocco, Anno XXXI, n.8, Novembre-Dicembre 2010, trang 30-31)

 

 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.