Mỗi năm, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN) trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) lại công bố kết quả thống kê khảo sát về chỉ số hạnh phúc. Bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới dựa trên việc người dân của mỗi đất nước, cảm thấy hạnh phúc như nào. Cuộc khảo sát dựa trên một số yếu tố chính bao gồm GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, sức khỏe, có nơi nương tựa, sự tự do lựa chọn cuộc sống, lòng bao dung. Năm 2016, top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới xếp hạng như sau:
Thụy Sĩ (7,587 điểm): Đất nước hạnh phúc nhất thế giới được tổ chức của Liên Hiệp Quốc xếp vị trí đầu tiên, đó là Thụy Sĩ, đất nước của chocolate và đồng hồ. Đất nước xinh đẹp, an toàn được coi là nơi tốt nhất để sống.
Iceland (7,561 điểm ): Đất nước Bắc Âu tự hào với vẻ đẹp tự nhiên đáng kinh ngạc và mức sống hàng đầu, Iceland đặc biệt nổi tiếng về sự an toàn.
Đan Mạch (7,527 điểm): Mặc dù bị "rơi" từ vị trí số 1 xuống số 3, nhưng chỉ số hạnh phúc của đất nước Đan Mạch vẫn rất cao. Thu nhập bình đẳng, cuộc sống thịnh vượng, tự do dân sự là những gì nổi bật tự hào, cũng là lý do người Đan Mạch đang hạnh phúc về cuộc sống ở đất nước mình.
Với 7.522 điểm, không có gì ngạc nhiên khi người Na Uy được đánh giá có cuộc sống hạnh phúc, khi nơi đây có những địa danh nổi tiếng, thiên nhiên động vật hoang dã được bảo vệ, môi trường trong sạch, và có nền dân chủ phát triển nhất…
Là nước có diện tích lớn thứ 2 trên thế giới, Canada còn là một đất nước xinh đẹp với thiên nhiên hoang sơ. Quyền con người, tự do công dân, mực sống, tự do kinh tế cũng như giáo dục ở đây, đều mang lại cho người dân một cuộc sống hạnh phúc được đánh giá ở vị trí thứ 5 trên thế giới.
Phần Lan (7,406 điểm): Ngoài những chỉ số như giáo dục, an toàn, hệ thống xã hội, sức khỏe… Phần Lan còn có tiềm năng cạnh tranh kinh tế.
Hà Lan (7,378 điểm): Đất nước khiến nhiều người liên tưởng tới những rừng hoa ngào ngạt sắc hương, hay "cơn lốc màu da cam" cũng đủ biết người dân ở đây luôn cảm thấy hạnh phúc.
Thụy Điển (7,364 điểm): Với thu nhập trung bình cao cùng mức sống, hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do dân sự… Thụy Điển luôn có môi trường trong sạch đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
New Zealand nổi tiếng với các địa danh và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đất nước phát triển với cơ sở hạ tầng hiệu quả, nền kinh tế hiện đại và thịnh vượng và hệ thống xã hội ổn định. Là một trong những nước phát triển và giàu có nhất thế giới, Melbourne – thủ phủ – thành phố lớn nhất của Úc thậm chí còn được đặt là "thành phố tốt nhất thế giới để sống". (Phú Quý, Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, skcdvn)
Như thế, dựa trên những số liệu thống kê, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc xếp hạng chỉ số hạnh phúc cao thấp tại mỗi quốc gia. Vậy hạnh phúc được cân đong đo đếm chi li, chính xác này, có thật sự đáng tin cậy, hay chỉ có giá trị thống kê sơ bộ để nghiên cứu tham khảo mà thôi?
Năm mới, Kinh Thư cầu chúc “Ngũ Phúc Lâm Môn,” tức năm phúc vào nhà: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết an khang, tứ viết hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh. Đó là trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức và thiện chung. Tuy nhiên ngoài hảo đức có giá trị bất biến, bốn điều còn lại chỉ biểu lộ ước nguyện vị kỷ của con người. Nhưng có mấy ai may mắn lãnh hội được trọn cả năm phúc đó? Ngoài ra, người ta còn hay cầu chúc nhau Tam Đa (phúc, lộc, thọ), hay Đại Phúc. Theo nghĩa đen, Đại Phúc là cái bụng lớn, vốn biểu trưng cho lòng tham lam, thụ hưởng, vơ vét của cải, quyền cao chức trọng, quyền lực, bổng lộc, sống lâu, sống khoẻ, con đàn cháu đống, sung túc đến ba bốn đời. Tất cả ao ước, nguyện vọng thảy đều phù phiếm nhất thời trong giới vô thường.
Nhân Mồng Một Tết Bính Thân hôm nay, qua Tin Mừng thánh Mátthêu, Đức Giêsu trao ban Bát Phúc cho con người, hay có thể nói mà không hề cường điệu, đó là Siêu Phúc. Vì đây không phải mong ước hão huyền, phàm tục, mà là Tám Mối Phúc Thật, vượt trên mọi phúc lộc hồng trần, Đại Phúc, Tam Đa, hay Ngũ Phúc.
Vì Lòng Thương Xót, nhờ công trình cứu độ của Đức Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thưởng ban hạnh phúc viên mãn cho tất cả những ai tự nguyện đi theo Chúa. Chính Đức Giêsu đã công khai nêu gương sáng qua 33 năm nhập thế làm người, đã chịu chối bỏ, khổ nạn, chịu chết và sống lại.“Ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta.” (Mt 16, 24)
Từ bỏ
Không cầu chúc vinh hoa phú quý, không chúc mâm cao cỗ đầy, cũng chẳng chúc thăng quan tiến chức, sống dai, sống khoẻ, con cháu đầy đàn, trái lại Đức Giêsu ban Nước Trời cho ai có tinh thần nghèo khó, không bon chen, vơ vào mình của cải chóng hư nát. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Hơn nữa, Đức Giêsu còn cầu chúc cho ai biết chối bỏ chính mình, không những từ bỏ từ vật chất lẫn tinh thần thế tục, mà còn từ bỏ thân xác và những ước muốn thấp hèn. Người chúc phúc cho tâm hồn không vấn vương bùn nhơ, bỏ đi tất cả những đam mê, những ham muốn cản trở, níu kéo, trói buộc, trên con đường dấn thân tìm kiếm và đi theo Chúa, Ngưồn mạch phước lành. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”
Khi từ bỏ chính mình, kềm hãm bản năng xác thịt, vị kỷ, kiêu căng, ngạo mạn, hợm hĩnh, kênh kiệu, khinh người, mới có thể mặc lấy nhân đức khiêm nhường, trở nên hiền lành, không ganh ghét, không tranh chấp, đố kỵ, tị hiềm, khước từ, loại bỏ bất cứ ai. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”
Từ bỏ được chính mình, thì tâm hồn mới có thể hướng lên Chúa, mới khát khao sự tuyệt hảo, mới mong trở nên người chánh trực, công chính. Như Đức Giêsu hằng mời gọi: "Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5, 48). Người luôn chúc phúc cho những ai thiện tâm, muốn canh tân đời sống, trở nên thánh thiện. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.”
Khi từ bỏ chính mình, người ta mới có thể hướng đến tha nhân. Đức Giêsu chúc phúc cho ai có lòng nhân ái, thương người, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần, phục vụ, giúp đỡ những ai thiếu thốn, đau khổ, như đã được diễn giải khá cụ thể trong Kinh Phúc Thật Tám Mối. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Tóm lại, từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết để theo Chúa, làm môn đệ Chúa và được Chúa chúc hồng phúc. “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33) Hơn nữa Chúa còn khẳng định phần thưởng vô cùng lớn lao dành cho những ai thực sự từ bỏ mọi sự: “Tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.” (Mt 19, 29)
“Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá, không làm thánh được.” (Đường Hy Vọng, số 6)
Vác khổ giá
“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Không chỉ từ bỏ chính mình mà thôi, ai còn chịu gánh vác thánh giá từ gia đình, cộng đoàn, đến giáo xứ, xã hội, cùng chịu khai trừ, loại bỏ, chịu chửi bới, miệt thị, chịu vu oan giá hoạ, chịu đòn vọt, khổ nạn, chịu đóng đinh vì Tin Mừng, vì thánh danh Thiên Chúa, thì càng được Chúa chúc lành, an ủi, ban thưởng đích đáng hơn thế. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”
Những khốn khổ, thách đố chính là thước đo lòng mến của Kitô hữu với Chúa, đồng thời cũng là hồng ân, mà bất kỳ tín hữu nào sống đạo cũng cần phải gánh vác suốt cuộc đời chứng nhân.“Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Người; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17)
Theo Chúa
“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Nhờ thành tâm gánh vác khổ giá, người Kitô hữu trở nên hiệp nhất với Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn. Đồng thời hiệp nhất với tha nhân, đồng cảm, gần gũi, thân thiết với người khốn cùng, nghèo khó, bệnh tật, đau khổ, bị bỏ rơi. Hoà hợp, hoà giải, kết hiệp, xây dựng mối tương quan thân mật, vững chắc, bền bỉ với tha nhân, chính là kiến thiết, tạo dựng nên hoà bình giữa mọi người. “Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Kitô, được bình an.” (1Pr 5, 14)
“Hãy sống bên Chúa, và con sẽ nên thánh, thiên đàng không gì khác là Thiên Chúa hiện diện.” (Đường Hy Vọng, số 242)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con hết lòng biết ơn, cảm tạ và ngợi khen Chúa đã cầu chúc Bát Phúc cho chúng con vào ngày Tân niên. Xin Chúa luôn nhắc nhủ, khuyến khích và giúp đỡ chúng con thực thi việc từ bỏ chính mình, vác khổ giá và theo Chúa trọn đời.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đem đến nhân loại Mùa Xuân Hồng Ân. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con thực thi Bát Phúc đúng đắn và trung thực, để xứng đáng lãnh nhận Lòng Thương Xót. Amen.
AM. Trần Bình An
Views: 0