Sáng Thứ Ba 26 tháng 7-2016, cha Jacques Hamel đang dâng thánh lễ ở nhà thờ Saint-Etienne thì có hai người đàn ông đột nhập vào nhà thờ cắt cổ ngài, hai người này đã bị lực lượng an ninh bắn hạ. Một giáo dân bị bắt làm con tin khác bị thương nặng. Linh mục Jacques Hamel sinh năm 1930 ở Darnétal, vùng Seine-Maritime. Ngài thụ phong linh mục năm 1958 và mừng lễ kim khánh chức Linh mục năm 2008. Ngài là linh mục phụ tá của một trong hai giáo xứ của Saint-Etienne-du-Rouvray.
Vì cha xứ Auguste Moanda-Phuati vắng mặt, nên cha Hamel cử hành thánh lễ. “Với số tuổi của ngài, ngài là một linh mục can đảm. Các linh mục có quyền về hưu vào năm 75 tuổi, cha Hamel muốn tiếp tục ở lại phục vụ giáo dân vì ngài cảm thấy mình vẫn còn mạnh,” cha xứ nói với báo Figaro, giọng nghẹn ngào khóc tức tưởi. Linh mục Jacques Hamel nói, vì không có đủ linh mục, nên ngài có thể phục vụ. Ngài là người nồng hậu. “Đó là một người đơn sơ, không hào nhoáng, người sống đơn giản nhất có thể. Chúng tôi thừa hưởng rất nhiều về kinh nghiệm và khôn ngoan của ngài trong giáo xứ Saint-Etienne,” cha xứ Auguste nói tiếp. “Đó là một linh mục nhân hậu, suốt đời phục vụ người khác. Chúng tôi không hình dung sẽ xảy ra một việc như thế này. Linh mục Hamel dậy sớm để làm lễ (…) và chỉ có 5 người,” cha Auguste nói thêm, cha là người Congo và cha phải bỏ dở kỳ hè của mình để về với giáo dân nhanh nhất có thể.
“Chúng tôi cùng độ tuổi. Chúng tôi thường gặp nhau, gần như mỗi tuần chúng tôi đều gặp nhau để ăn sáng với nhau. Đó là một người rất quên mình, rất kín đáo, rất quan tâm. Trong các cuộc gặp gỡ ở giáo xứ ở Rouen, khi cha bước vào căn phòng thì y như lúc nào ở đó cũng có một tia nắng mặt trời trong các cuộc gặp gỡ,” cha Aimé-Rémi Mputu Amba, niên trưởng họ đạo Sotteville-lès-Rouen cho biết.
Giáo dân hay nói đùa với cha Jacques: “Cha làm việc nhiều quá đó nghe, cha đến tuổi hưu rồi.” Nghe vậy, khi nào cha cũng vừa cười vừa nói: “Con có thấy một cha xứ nào về hưu không? Cha sẽ làm việc cho đến hơi thở cuối cùng.” Đối với cha, ra đi khi dâng thánh lễ là một hình thức thánh hiến, dù phải ra đi trong trạng huống bi thảm. Trong lá thư giáo xứ tháng 6 – 2016, cha Jacques Hamel đã viết: …“Ước mong trong những giây phút này, chúng ta nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy chăm sóc thế giới này, để làm sao nơi chúng ta sống, nơi đó là một thế giới nồng hậu hơn, có tình người hơn, có tình anh em hơn…”
Ông Mohammed Karabila, Chủ tịch vùng Hồi giáo của Normandie, mô tả linh mục Jacques Hamel là “một con người hòa bình, sốt sắng và có đặc sủng. Một con người tận hiến đời mình cho lý tưởng và tôn giáo của mình. Cha đã hy sinh đời mình cho người khác.”
Theo ông Victor Mbeindjock Nola, người phụ trách văn phòng tuyên úy của giáo xứ cách đây hai năm, thì cha Hamel “rất được giáo dân mến yêu. Cộng đoàn công giáo ở Saint-Etienne, nơi có hai giáo xứ rất tương trợ nhau. Đây là một cộng đoàn chỉ có 600 giáo dân, nhưng trong các dịp lễ, họ rất năng động.” Rất nhiều người đã chia buồn trên tài khoản Twitter, họ bày tỏ lòng thương mến vô bờ với cha. (Giuse Nguyễn Tùng Lâm, Ai là Lm Jacques Hamel? Phanxico.vn)
Linh mục Jacques Hamel là tấm gương sáng ngời cho tất cả Kitô hữu, luôn sẵn sàng và tận tình cho đi, từ bỏ mình để dâng hiến cả cuộc đời cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Không hề sợ hãi khủng bố, bạo lực, cái ác, Ngài bình tĩnh vượt qua nỗi kinh hãi, Ngài luôn trung thực và tỉnh thức, sẵn sàng vâng theo Chúa gọi.
Trong Tin Mừng thánh sử Luca hôm nay, Đức Giêsu nêu lên những tố chất đặc biệt của người môn đệ, của những người trung thành đi theo Chúa, cần phải sở hữu, duy trì, dưỡng nuôi và phát triển, như can đảm, quảng đại, làm giàu, tỉnh thức và trung tín.
Đừng sợ
"Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con.” Khủng bố, đàn áp, đấu tố, sát hại nhằm gây nên nỗi sợ hãi, kinh khiếp, triệt tiêu sự chống cự, phản kháng. Vì thế, trước những thế lực đen tối tàn nhẫn uy hiếp, hành hạ, các thánh nhân tử vì đạo đều chân thành tuân thủ Lời Chúa: “Đừng sợ!”
Đức Giêsu còn cặn kẽ lý giải vì sao đừng sợ sự dữ, đồng thời mạc khải Đấng Tạo Hoá chí tôn, chí thánh, chí công, có toàn quyền xét xử, trừng phạt cả thân xác lẫn linh hồn: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10, 28)
Thánh Phêrô Tông đồ từng chịu khổ nhục, tra tấn, tù đầy, đã can đảm chấp nhận thân phận của người công chính và chứng nhân: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến.” (1Pr 3, 14)
Còn thánh Phaolô coi những thách đố, khổ nạn chính là ân huệ, mà Chúa dành cho những ai luôn biết sống trung tín và tỉnh thức, sẽ được trường sinh: “Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban.” (Pl 1, 28)
Nhân tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 1050 “Ba Lan chịu Phép Rửa,” vào ngày Thứ Năm, 28/7/2016 vừa qua, Đức Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi giới trẻ đừng sợ và đừng sống co cụm trong thời buổi dao động này: “Sự thật là chúng ta phải quen với các chuyện tốt cũng như những chuyện xấu. Cuộc đời là như vậy, các bạn trẻ thân mến. (…) Như thế, các con đừng sợ! Thiên Chúa cao cả, Thiên Chúa tốt lành và chúng ta tất cả đều có một cái gì tốt lành trong mình.”
Trước cường quyền, bạo lực và khủng bố, người Kitô hữu lo lắng, khiếp nhược, run sợ, kinh hãi, là tỏ ra thiếu nhân đức cậy, chưa dám phó thác vào Chúa Quan Phòng, vẫn còn vị kỷ, vẫn tôn thờ ngẫu tượng, không dám cho đi, sao dám bỏ mình vì danh Chúa.
Cho đi
Trong tinh thần cởi mở, Đức Phanxicô kêu gọi họ “lao mình vào cuộc phiêu lưu của lòng thương xót. Xây cầu và hạ các bức tường phân cách” để cứu giúp người nghèo, cùng lắng nghe những người mà chúng ta không hiểu, những người đến từ các nền văn hóa khác, dân tộc khác, những người chúng ta sợ, vì chúng ta nghĩ họ có thể làm chuyện xấu cho chúng ta.”Một tâm hồn có lòng thương xót, mở ra để đón nhận người tị nạn và người di dân,” ngài nhấn mạnh. (Marta An Nguyễn, Ở Krakow, câu “các con đừng sợ” của Đức Phanxicô với các bạn trẻ, Phanxicovn)
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích giới trẻ và toàn thể dân Balan hãy mở rộng lòng, hãy cho đi, thương xót người di dân, như Đức Giêsu luôn ân cần mời gọi lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc tha nhân: “Các con hãy bán những của các con có mà bố thí.”
Muốn mạnh dạn quảng đại cho đi, tiên vàn phải bỏ mình, là điều kiện bắt buộc cho những ai quyết tâm theo Chúa. Bỏ mình đi, loại trừ những rào cản, những phù phiếm đa đoan, mới có thể tăng trưởng đức mến, yêu Chúa và tha nhân. Bỏ mình mới dám khước từ những ảo ảnh thế gian, danh lợi, quyền lực, hưởng thụ, những cơn cám dỗ ngọt ngào, những đòi hỏi nhục dục, những đam mê điên cuồng.“Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.” (Rm 6, 13)
Tích luỹ
“Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát.” Đức Giêsu mời gọi mọi người làm giàu, với những túi không hư nát, với kho tàng không hao mòn, mạnh dạn đầu tư với lòng thương xót, nhân ái, bác ái, can đảm tích luỹ lòng yêu thương phục vụ, hãm mình chấp chịu sự khó, thách đố thế gian.
Muốn có thể tích luỹ được kho tàng bất biến, trường tồn, thì người tín hữu Kitô luôn lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu và đem thực hành, như dụ ngôn người gieo giống. “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13, 23)
Mới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích thêm ý nghĩa độc đáo của kho tàng:“Kho báu của người theo Chúa, chính là đặt Thiên Chúa nơi tâm điểm đời sống và không tìm kiếm gì cho riêng mình.”
Tỉnh thức & trung tín
“Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.” Đức Giêsu luôn đòi hỏi những ai muốn theo Ngài, luôn ở trong tình trạng sẵn sàng đón tiếp Người ngự đến. Như 5 cô phù dâu khôn ngoan, luôn chu đáo đem dầu theo đèn, luôn tích luỹ nhân đức, làm việc lành phúc đức, luôn sắp sẵn hành trang lên đường, nhờ đức tin mãnh liệt, không sao nhãng trau dồi tâm hồn thanh sạch, luôn mau mắn đáp lại Ơn Gọi, vâng phục và thực thi Lời Chúa.
Thánh Phaolô không ngớt kêu gọi hãy tỉnh thức, giữ vững đức tin, kiên cường đức ái: “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường. Hãy làm mọi sự vì đức ái.” ( 1Cr 16, 13-14)
Không chỉ tỉnh thức mà thôi, Đức Giêsu còn đòi hỏi phải tận tâm, tận tuỵ, trung thành, trung tín, có trách nhiệm với tha nhân, với người liên quan bề dưới hay đồng nghiệp."Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ.”Lòng trung tín là dấu chỉ của đức tin bền vững, mạnh mẽ, thâm hậu, không hề chao đảo, lệch lạc, biến thiên, thay đổi trong bất kỳ tình huống khó dễ nào.
Trung thần bất sự nhị quân. “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13). Lòng trung tín biểu lộ minh bạch sự ngay thẳng, chánh trực, chân thật, đáng tin cậy, không nhập nhằng, dối trá, giả hình, lừa đảo, vờ vịt, xảo quyệt. Bởi chưng“ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10)
“Những việc nhỏ đều quan trọng, con đừng khinh thường. Thắng mình liên lỉ trong các việc nhỏ, con luyện ý chí thành sắt đá và làm chủ bản thân con.” (Đường Hy Vọng, số 215)
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm trước sức tấn công của sự dữ, đồng thời cho chúng con luôn xả kỷ, luôn từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày theo Chúa. Xin cho chúng con biết làm giàu linh hồn bằng cách quảng đại cho đi, chia sẻ, dấn thân phục vụ tha nhân, cũng như luôn that thà, trung tín và tỉnh thức.
Lạy Mẹ Maria, khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con luôn sống trung tín, luôn thao thức chuẩn bị hành trang, luôn lắng nghe nghe tiếng Chúa mời gọi, để sẵn sàng xin vâng đáp lại. Amen.
AM. Trần Bình An
Views: 0