Uncategorized

Sai lỗi và xin lỗi

Mỗi người sửa mình một chút – đời sẽ đẹp biết bao!

Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối không chỉ là hối tiếc trước một việc sai trái đã qua. Sám sối chủ yếu là thấy sai để sửa. Sám hối là biết hối lỗi và biết xin lỗi.

Mỗi người sửa mình một chút – đời sẽ đẹp biết bao!

Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối không chỉ là hối tiếc trước một việc sai trái đã qua. Sám sối chủ yếu là thấy sai để sửa. Sám hối là biết hối lỗi và biết xin lỗi.

Sai và sửa sai, lỗi và xin lỗi là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, lỗi mà không xin lỗi, sửa sai xin lỗi không kịp thời thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm suy vong.

Là con người, ai cũng có sai sót, lầm lỗi, không trừ một ai. Chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, thiếu sót, hoặc đã thấy mình sai lỗi nhưng không chịu thừa nhận, hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, không xin lỗi, hoặc có sửa chữa mà cũng không thành thật, không quyết tâm cho đến cùng.

Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng việc thấy được sai lỗi của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lỗi đó là những dấu chỉ của một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.

Trong kho tàng thành ngữ điển tích của Trung hoa ngày xưa có những câu chuyện giàu ý nghĩa : “Thửa xưa, người nước Trịnh hay đến họp nhau ở trường học trong làng để bàn về những ưu khuyết điểm của nhà cầm quyền. Lúc ấy Tư Sản làm tướng, có người khuyên ông nên huỷ trường học đó đi. Tư Sản nói : Cứ để chỗ cho họ lấy chỗ họp bàn với nhau, điều gì cho là phải thì ta làm, điều gì cho là trái thì ta đổi, những người ấy chính là thầy học của ta đó, việc gì mà phải huỷ ?”.

Các bậc thánh hiền dạy rằng : nếu mắc sai lỗi thì công khai nhận sai lỗi đó, rồi tìm nguyên nhân sai lỗi và đề ra biện pháp và quyết tâm sữa chữa.Thái độ đối với sai lỗi như thế là thước đo một người chân chính.

Nhiều người than phiền rằng: ngày nay tiếng cảm ơn và xin lỗi, bài học về phép lịch sự đầu tiên của mỗi người dường như đang bị nhiều người trẻ lãng quên. Tiếng cảm ơn xin lỗi đang thưa dần…

Tiếng “cảm ơn” thốt ra làm người nói và người nghe đều vui. Đó là nền tảng đạo đức. Có những gia đình coi trọng việc giáo dục con cái, cha mẹ vẫn nói tiếng “cảm ơn” con mình như một tấm gương soi. Lời cảm ơn đã trở thành một thứ văn hóa ứng xử.

Từ “xin lỗi” cũng vậy, khi làm việc gì tổn thương tới người khác, ta “xin lỗi”. Lỡ chạm vào một người đi gần, lỡ va quẹt khi đi xe, lỡ nói một lời làm tổn thương, ta đều “xin lỗi”.

Từ nhiều năm trở lại đây, nền tảng đạo đức đang mờ nhạt dần. Tiếng “cảm ơn” đã thưa thớt. Hình như người ta không biết đến nó hay đã cố quên đi. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp người hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà không cần “cảm ơn”. Người đánh rơi đồ vật được người đi đường lượm giúp cũng không cần “cảm ơn”, mà trong số đó, đâu ít trường hợp là sinh viên, học sinh hay công chức.

Từ “xin lỗi” cũng cùng chung số phận. Người ta đã ít dùng đến nó. Người ta không muốn nhận lỗi, cho dù họ đã làm tổn thương đến người khác. Chuyện nhỏ đã đành, chuyện lớn cũng vậy. Và trong đời sống, dần dần có một số đông người đã không hề biết đến hai cặp từ “cảm ơn” và “xin lỗi”.

Nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình. Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”.

Bạn thân mến,

"Xin lỗi" là một tiếng thường dùng trong giao tiếp và quan hệ giữa xã hội. Xin lỗi có sức mạnh và giá trị đặc biệt, cần tập luyện để mỗi người sống tốt đẹp các mối quan hệ hàng ngày.
Sức mạnh của lời xin lỗi.

 

Năm Thánh 2000, năm Đại Toàn Xá, ĐGH Gioan Phaolô II đã ngõ lời xin lỗi thế giới về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ. Nhiều tổng thống, thủ tướng, thượng nghị sĩ hay những người nổi tiếng phải triệu tập những cuộc họp báo để xin lỗi công chúng vì những hành động hay lời nói của họ.

 

Tại sao lời xin lỗi lại quan trọng đến như thế? Xin thưa là bởi vì, lời xin lỗi có sức mạnh hoá giải, làm hoà và đi đến hoà bình.

Có một người con trai rất giận dỗi và không nói chuyện với bố mình. Ông ấy chỉ lo công việc mà không dành nhiều thời gian cho con cái. Một hôm ông nói: "Con trai, bố thực sự xin lỗi con vì cứ mải mê theo đuổi sự nghiệp mà không thể ở bên con, nhưng thực sự bố rất yêu con". Thật là kỳ diệu. Họ ôm nhau và lần đầu tiên trong nhiều năm qua, họ thực sự bắt đầu nói chuyện thân mật với nhau.

Chúng ta làm những điều sai lỗi, gây nổi buồn cho người khác. Chúng ta phê phán công việc của người khác trước đám đông, nói một điều làm ai đó tổn thương, rồi biện minh rằng: "Tôi chỉ đang đùa thôi". Không dễ dàng để nói một lời xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi có một sức mạnh diệu kỳ. Bạn đã kinh nghiệm chưa?

Giá trị của lời xin lỗi

Biết nói lời xin lỗi, chứng tỏ ta có lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan.
Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận. Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm nhau. Lời xin lỗi như liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng.

Xin lỗi mở cánh cửa tha thứ, giúp con người cảm thông với nhau.

Khi lỡ xúc phạm đến ai, ta cảm thấy hối hận và xấu hổ rồi bần thần, áy náy lương tâm. Khi ngõ lời xin lỗi, ta tìm đựơc bình an tâm hồn, cảm nhận sự thanh thản và thân thiện với anh em.
Biết lỗi và xin lỗi là dấu chỉ của một con người khiêm nhường.

Xin lỗi có một lối đi từ trái tim đến trái tim. Thành tâm, không giả tạo, mang đến nhiều lợi ích trong ứng xứ.

Một lời xin lỗi chân thành có sức mạnh vĩ đại, có khả năng biến đổi đời người, cho cả người xin và kẻ nhận.

Nghệ thuật nói xin lỗi

Bạn vừa “trót dại” gây lỗi lầm, làm tổn thương đến anh em. Bạn muốn nói lời xin lỗi. Ồ ! sao khó quá! Vừa xấu hổ, vừa tự mãn, nói làm sao đây? Đừng bối rối, hãy làm theo những bước sau đây, bạn sẽ tìm lại niềm vui.

Chịu trách nhiệm: Bước đầu tiên để xin lỗi là phải tự thừa nhận với bản thân rằng bạn đã có hành vi không tốt với ai đó. Bạn có thể nhận ra điều đó ngay hoặc phản ứng của người khác cho bạn biết đã làm một chuyện gây tổn thương.

Giải thích: Điều quan trọng là phải cho người bị tổn thương biết bạn không cố ý làm như thế. Đồng thời bạn phải thể hiện sự hối lỗi vì đã làm phiền đến họ.

Bày tỏ sự ân hận: Sẽ chẳng tác dụng nếu bạn nhận lỗi với người khác mà khuôn mặt tỉnh bơ, chẳng cảm xúc gì. Hãy thể hiện sự ăn năn, hối hận của bạn khi làm tổn thương người khác. “Mình cảm thấy rất hối hận khi nói ra bí mật của bạn. Mình rất xấu hổ với bản thân”, đó là một cách nói.

Sửa chữa lỗi lầm: Sau bao nỗ lực, bạn vẫn chưa thể hoàn thành được lời xin lỗi nếu chưa sửa chữa được sai lầm do mình gây ra. Nếu bạn làm hư hỏng tài sản của ai đó, hãy đề nghị được sửa chữa hoặc thay mới nó. Trong trường hợp thiệt hại vật chất không rõ ràng, hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì. Ngoài ra, bạn cũng có thể “bồi thường” bằng cách gửi tặng “nạn nhân” của bạn một món quà nhỏ xinh xắn.

Chọn đúng thời điểm: Với những lỗi nhỏ như va phải ai đó, bạn hãy xin lỗi ngay, chớ để đến hôm sau. Sự khó chịu tích lũy theo ngày từ phía người bị bạn gây lỗi sẽ dẫn tới những căng thẳng không cần thiết trong mối quan hệ của hai người.

Nếu lỗi lầm nghiêm trọng hơn, như xúc phạm một người bạn, thì cần phải suy nghĩ nhiều hơn về lời xin lỗi. Trong trường hợp này, một sự xin lỗi quá nhanh chóng sẽ trở thành giả tạo, không chân thành. Đó không phải là chuyện ai “thắng” hay ai “thua” mà là làm sao để giữ được một mối quan hệ.

Gợi ý:
– Nhận lỗi càng sớm càng tốt. Nếu để vài tuần vài tháng sau, lời xin lỗi sẽ chẳng còn đơn giản là: “Mình xin lỗi” nữa.
– Nói về lỗi lầm của bạn với ngôn ngữ rõ ràng, tránh úp mở, mơ hồ. Hãy ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Nếu có “tình tiết giảm nhẹ” cho việc làm của bạn, nhớ đề cập đến ngay.
– Giọng điệu là điều rất quan trọng. Lời xin lỗi phải được nói ra một cách chân thành nhất có thể. Và tránh lời xin lỗi chung chung như: “Mình rất tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn”. Hãy nói “Mình rất hối hận vì việc làm của mình”.
– Sau khi xin lỗi, hãy giữ yên lặng và lắng nghe người đó nói về cảm giác của họ như thế nào. Lời xin lỗi nhờ đó sẽ thực sự hiệu quả.
– Hãy nhận bồi thường thiệt hại khi cần, nhưng đừng hứa hẹn quá khả năng của bạn.

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa sám hối để canh tân, sám hối để thấy được những sai lỗi bản thân, canh tân để sửa sai và đổi mới con người mình. Sám hối chính là từ bỏ đường xưa lối cũ, từ bò những tính hư tật xấu để bước vào đời sống mới với nhũng tâm tình tốt lành, thánh thiện. Sám hối là cải tà quy chính, từ bỏ, cắt đứt, đoạn tuyệt cái cũ xấu xa bất chính, từ đó mặc lấy con người mới,trở thành thụ tạo mới (Gal 6,15) mở lòng đón nhận ơn Chúa, mở ra những quan hệ tốt lành với anh em.

Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu :” Thời kỳ đã mãn, nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Gioan Tẩy Giả cũng khởi đầu sứ vụ bằng lời kêu gọi ấy :”Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời gần đến” (Mt 3,2). Sám hối là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời. Không ai có thể vào Nước Trời, không ai có thể làm môn đệ Chúa Kitô nếu không sám hối, không thay đổi tâm hồn cho hợp với sứ điệp Tin mừng. Nói một cách bóng bẩy, Chúa Giêsu dạy người ta phải sinh lại một lần nữa (x.Ga 3,3), hoặc trở nên như trẻ nhỏ (x Mt 18,3); phải mặc y phục lễ cưới khi vào dự tiệc cưới Nước Trời (x.Mt 22,12); phải đựng rượu mới trong bình mới (x.Mt 9,17)…

Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh Phêrô chia sẽ cho cộng đoàn Giáo Hội sơ khai là: anh em hãy sám hối. Ba lần chối Thầy vì yếu đuối bản thân chứ không phải vì không yêu mếnThầy. Phêrô đã biết lỗi lầm đó và ngài đã ăn năn bằng những giọt nước mắt sám hối chân thành. Phêrô đã sửa sai lầm bằng chính sự can đảm, thái độ hiên ngang,bằng một tình yêu nồng nàn với Thầy trong sứ vụ Tông Đồ của mình. Đối với Phêrô, sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần. Không có sám hối thì không có ân huệ Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Thánh Phêrô :”đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Gương sáng của Thánh Phêrô trước hết là gương sám hối, thấy sai lỗi và sữa sai đến cùng. Ngài muốn chia sẽ bài học thấm thía ấy với những người đang cùng mình giữ trọng trách mục tử.

Thánh Phaolô cũng bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình đã chia sẽ rằng : sám hối là làm hoà lại với Thiên Chúa. Phaolô, người lãnh đạo nhiệt thành bắt bớ Đạo Chúa, được ơn sám hối, đã sửa sai lỗi lầm, từ đó ngài làm hoà với Chúa để nên Tông Đồ dân ngoại. Theo Thánh Phaolô, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối là thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ.

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sai lầm bản thân, về sự đỗ vỡ, sự bất hoà. Hai người bạn trở nên lạnh nhạt, hai người tình bổng hoá xa lạ, hai vợ chồng trở thành dửng dưng. Đổ vở bất hoà sinh ra hiểu lầm, đau khổ, tiếc nuối. Khi đổ vở, phía nào thấy sai để sửa chữa, phía nào yêu nhiều hơn sẽ chủ động tìm cách làm hoà, hàn gắn lại. Không ai không phạm sai sót lỗi lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ đối xử với sai lỗi của mình như thế nào mà thôi.

Sám hối và canh tân, nhận ra sai sót lỗi lẫm và sửa đổi không chỉ là việc làm trong mùa chay mà là suốt đời người. Và để sống cho cả đời người, mời bạn cùng đọc và suy niệm Tin Mừng (Mt 18, 15-20). Chúa Giêsu là một nhà giáo dục tài ba, khéo léo, thu phục lòng người. Ngài chinh phục con người bằng cái tâm, bằng tấm lòng chứ không phải bằng luật lệ, bằng lý trí. Chúa Giêsu là thầy dạy. Bạn hãy học với Ngài, bạn sẽ thấy cuộc đời tuyệt đẹp và chan chưa niềm vui.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.