Placebo – còn gọi là thuốc vờ – giống y như thuốc thật về hình thức (uống, thoa, chích), nhưng không có tác dụng dược lý, mà chỉ để đối chiếu một loại thuốc thật hoặc để thoả mãn đòi hỏi những người ham uống thuốc (tên gọi Placebo đã có từ lâu, nhưng đến năm 1785 có tên trong từ điển y học là “làm cho tưởng là thuốc” (make-believe medecine). Aspartam là loại hoá chất ngọt gấp 200 lần đường, nhưng tạo rất ít năng lượng, chỉ sử dụng cho người ăn kiêng (tiểu đường,béo phì).
Trong thư đề ngày 14.06.2010,”Nghĩ ngơi cho các linh mục : Tiếp thêm sinh lực cho đời sống thiêng liêng”, Đức Tổng giám mục giáo phận Tokyo thúc giục các linh mục tìm thời giờ để “giải trí tinh thần và thể xác”, vì nhận thấy các vị gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ và cả trầm cảm. Quyền nghỉ ngơi của các linh mục chẳng phải là đặc biệt hoặc xa lạ gì. Giáo Luật cũng đề cập rõ ràng khi nói về bổn phận của giám mục đối với các linh mục ( x. GL 283 § 15 : ‘quyền được hưởng một thời gian nghỉ ngơi thích đáng’). Tuy nhiên,phần cuối Ngài nêu câu hỏi: “Điều quan trọng bây giờ là các vị sử dụng thời gian rãnh rỗi ấy như thế nào?”. Câu chuyện nhỏ thuật lại sau đây, khác với tinh thần thư nầy và cũng không phải là nội dung Giáo Luật muốn nói tới.
Một linh mục sống và làm việc ở hải ngoại về thăm quê hương. Với việc di chuyển liên tục tới nhiều nơi để tham quan, kết hợp thăm người thân,bạn bè và không phải nơi nào cũng có nhà thờ – (và dù có đi nữa, thì thủ tục trình báo chính quyền và giáo quyền cũng lắm nhiêu khê),- vì thế ngài chọn giải pháp “được phép làm” trong những trường hợp nầy : không dâng Thánh Lễ và chỉ tham dự lễ Chúa Nhật ở hàng ghế giáo dân! Trong hành trình thăm quê hương, Ngài cũng dẫn theo một đoàn đông đúc con cháu. Họ đi theo Ngài khắp dọc một nửa đất nước, không dự thánh lễ ngày thường (và có lẽ cũng khó lòng đọc kinh tối ở những khách sạn, nhất là sau những giờ giải trí vui chơi mệt nhoài). Ngày Chúa Nhật, họ cùng “người bà con tư tế” vào một nhà thờ nào đó trên đường đi và làm trọn điều răn thứ nhất trong sáu điều răn Hội Thánh. Họ thấy cách giữ đạo nầy thật thoải mái và hiện đại, khó lòng mà không nẩy sinh so sánh : hoá ra đạo ở Việt-Nam lâu nay họ vẫn giữ theo lời dạy và răn đe của cha cố, đã “lỗi thời”!. Vị linh mục không chỉ đem họ vào Samaria,mà cho họ nhập cư thành người Samaria. Không cần chờ ý kiến của ai để đốt Giáo Hội : họ và không loại trừ con cháu họ sẽ đốt Giáo Hội. Họ sẽ kể lại cho nhiều người thân,bạn hữu đủ trang lứa nghe chi tiết cuộc du ngoạn lý thú, và sẽ không bỏ sót cách thức tuân giữ phụng vụ “thời thượng”. Nhiều người cũng sẽ ‘được khai tâm’, ‘sáng mắt’ như họ!
“Dù Thầy có đi đâu, con cũng xin theo đó” (Lc 9,57): một câu dễ nói,nghe thật hùng hồn,và cảm động nữa! Nhưng thực tế thường chính Thiên Chúa phải hết sức vất vả mới theo kịp chúng ta. Ngày xưa,trong hôn lễ, người La-Mã hay xướng một câu để chỉ sự gắn bó suốt đời của đôi nam nữ :” Ubi Caius,ibi Caia “ – Caius ở đâu, Caia ở đó. Trong tiếng la-tinh, Caia là từ giống cái của Caius. Na ná như “tam tòng” trong Nho giáo: người vợ (ở đây là môn đệ) gắn bó và tùng phục người chồng (ở đây là Chuá Giêsu). Nhưng giống như những người nữ của phong trào đấu tranh nữ quyền (feminism), người môn đệ Chúa Kitô miệng một hai sống chết theo Thầy, nhưng lại làm theo ý mình. “Thầy đi đâu,con xin theo đó”, trước hết phải là sự từ bỏ ý riêng, dù có thể là hợp tình,hợp lý với chúng ta. Hai trường hợp xảy ra trong cuộc hành trình,liên quan đến thái độ của những người theo Chúa, không cho phép một lối giải thích nào khác từ phía người môn đệ,nếu không phải là nguỵ biện hoặc chủ tâm bóp méo Lời Chúa, tự bào chữa cho lỗi lầm,sai trái, buông thả của mình: Giả từ người thân, chôn cất cha mẹ là những việc nên làm và cần làm,không chỉ vì nghĩa tử nghĩa tận,nhưng là đạo hiếu,mà nếu thiếu sót thì còn bị người đời cười chê, huống hồ là vắng mặt. Vậy mà Chúa Giêsu đã đẩy sự việc tới cùng : không cho phép họ quay đầu lại! Vậy,nếu “cái nên”, “cái cần” vẫn phải “bóp bụng” cho qua, để giữ trọn lời hứa đi theo Chúa, thì làm sao chấp nhận được “cái được phép” chỉ vì một vài ngăn trở “tưởng tượng”? Đức Cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận đã làm “ám hiệu “ (nhờ gửi thuốc dạ dày, để có rượu lễ), để dù trong cảnh ngục tù,cấm đoán, kiểm soát ngặt nghèo, – vẫn có thánh lễ hằng ngày, với mấy giọt rượu trong lòng bàn tay. [Các] Vị linh mục nói trên quên rằng : dù ngài dâng thánh lễ hay đọc Kinh thần vụ một mình trên đỉnh Everest, thì luôn luôn chính là Giáo Hội cử hành lễ hiến tế, hoàn toàn như Đức giáo hoàng cử hành đại lễ ở đền thờ Thánh Phêrô. Giá trị cứu độ không hề thua sút. Đó là sự gắn bó hữu cơ với Chúa Kitô và Giáo Hội. Chính sự gắn bó nầy mới thôi thúc Kitô hữu nên thánh.Không có sự gắn bó ấy, thì Đạo chỉ còn là hình thức.
Đạo Đức Chúa Trời chỉ có Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và Sáu Điều Răn Hội Thánh. Vì tình thương, vì lòng bao dung đối và vì lợi ich phần hồn của con cái trong xã hội đang sống, Giáo Hội cảm thông (và cả bất đắc dĩ!) cho phép làm hoặc giữ một số điều, nhưng không ít tín hữu Công giáo “được đàng chân,lân đàng đầu”, suy đoán, chế ra vô số luật trừ, cái mà người ta hay gọi là “lách luật”, để làm sao ý mình được thực hiện,mà không vi phạm luật “Ý Cha” và luật Giáo Hội. Một trong muôn vàn ví dụ : việc kết hôn với người khác tôn giáo, mà hậu quả là trong nhiều trường hợp, chỉ qua một vài thế hệ, Đạo Chúa nếu không biến mất khỏi gia đình, thì cũng biến dạng thành một thứ “hỗn hợp tín ngưỡng” khó lòng còn nhận ra được. Giáo Hội cho phép, mà!
Hành động như thế, người môn đệ không tự cho mình uống Placebo (giả dược),- vì chẳng ai đi đánh lừa mình bao giờ, nhưng lại kê toa giả dược cho người khác, cho những người thân,và nếu là linh mục, thì ngài đang cho các giáo dân của ngài uống giả dược. Họ đang có nhiều chứng bệnh hoặc đã bộc phát hoặc còn âm ỉ trong tâm hồn. Sẽ ra sao nếu thay vì những loại thuốc công hiệu – có khi rất đắng,rất đau, vì “thuốc đắng giả tật” – họ chỉ nhận giả dược? Khi thực hiện những điều “được phép” ấy, – nếu kể ra hết, sẽ có con số hết sức to lớn, gần hư vô cùng – người tín hữu như đang dùng “aspartam”cho linh hồn: cũng có vị ngọt, nhưng không cho năng lượng cần cho đời sống làm chứng nhân cho Chúa Kitô và truyền giáo, vốn là những hoạt động đòi hỏi và tiêu tán rất nhiều ‘năng lượng thiêng liêng’,cần được liên tục bổ sung qua việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và lần hạt mân côi. Sức khoẻ và hoạt động của mọi cơ quan con người sẽ bị rối loạn, yếu kém và suy kiệt, dù vẫn nhận được chất ngọt, có khi rất ngọt nữa!
Giáo Hội chịu không ít cay đắng vì những cái “được phép” như thế! Vì vậy, Giáo Hội ngày càng nêu cao những tấm gương sống Tin Mừng giữa đời, ‘giữa lòng dân tộc’, với tinh thần tử vì đạo, giáo dục con cái biết hy sinh. Lại một lần nữa xin mượn một câu của Trịnh-Công-Sơn :” Tôi là ai,mà còn trần gian thế”.
PLACEBO và ASPARTAM
(GIẢ DƯỢC và ĐƯỜNG HOÁ HỌC)
TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIII TN (Nam C)
Luc 9, 51-62
ĐƯỜNG TÌNH CHÚA DẪN CON ĐI 55
HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 55
NƠI THIÊN CHÚA,TÔI PHÓ THÁC. TÔI KHÔNG LO SỢ.
“Nơi Thiên Chúa, Đấng đã ban cho tôi lời hứa.
Nơi Thiên Chúa, Đấng tôi phó thác,tôi không lo sợ.
Ai có thể chống lại tôi,một phàm nhân”.
Hai lần, điệp khúc nầy đến cởi bỏ cho tâm hồn khỏi tất cả những gì đang vây bủa, đè nặng và quét sạch những nỗi lo sợ hoặc những tiếng kêu than dưới bách hại thử thách. Dù sự dữ đè nặng trên cuộc sống nầy, dù kẻ nghịch có xông tới đông đảo và luôn ám ảnh đe doạ chúng ta, thì hãy biết rằng Thiên Chúa đón lấy nước mắt con cái Người,như Chúa Giêsu đã hoà trộn nước mắt của Người với nước mắt hai bà chị của Lazarô, khi Người không thể không thổn thức lúc nhìn thấy họ khóc thương em trai (Ga 11,33), cũng như Người không chịu đựng nỗi những giòng lệ của bà goá Naim, đi chôn cất con trai :”Bà đừng khóc” (Lc 8,20). Chính Đấng Thiên Chúa đó là Thiên Chúa của chúng ta. Người là Đấng cứu độ chúng ta, nào chúng ta còn lo sợ gì!
Views: 0