Cuộc đời vốn dĩ bấp bênh, vô định. Con người luôn đứng trước phong ba bão tố. Cái khổ, cái đói, và bệnh tật cứ lận vào kiếp người khiến chúng ta cảm thấy khổ nhiều hơn vui, lo nhiều hơn bình an.
Trước những đau khổ bủa vây, người Việt nam xưa vẫn tin vào Ông Trời. Họ cầu mong Trời phù hộ. Họ kêu cầu Trời giúp họ vượt qua tai ương hoạn nạn. Ông Trời không phải là sản phảm do con người tự vẽ ra để tìm cách trấn an lòng mình. Nhưng ông Trời luôn có mắt để trông xem vạn vật và đòi lại công bằng cho con người.
Thế nên, trong mọi niềm đau và oan trái người Việt Nam đều chạy đến với Trời. Họ cầu khẩn Trời phù hộ và giúp họ vượt qua, như câu ca dao xưa dân gian vẫn đọc.
“Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay tới tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?”
Hóa ra Ông Trời thật dễ thương, thật gần gũi. Khi con người buồn quá, đau quá họ trút mọi nỗi đắng cay ấy vào đống rơm và cho bốc cháy thành khói đen nặc mùi khổ đau. Ông Trời cũng xót xa phận người khổ đau liền hỏi: “thằng nào đốt rơm?”.
Trong câu hỏi đã có câu trả lời. Ông Trời đã biết ai đang khổ, ai đang cay đắng những bể dâu. Ông Trời sẽ giải cứu mọi nỗi oan gia cho con người, miễn là con người còn có niềm tin vào Trời thì mọi sự sẽ vượt qua, bởi vì: “Trời nào có phụ ai đâu! Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ!”
Có thời kỳ người ta tưởng sự tiến bộ của văn minh sẽ xóa sổ Ông Trời. Sẽ không còn ai tin vào Trời, vào thần thánh. Thế nhưng, điều đó đang diễn ra ngược lại. Con người văn minh họ càng thấy mình nhỏ bé so với vũ trụ bao la. Sự văn minh lại đẩy con người vào biết bao những oan gia, những thị phi, khổ đau. Con người vẫn cảm thấy bế tắc trước bao vấn nạn cho nhân sinh quan của con người. Niềm tin vào Trời hôm nay lại rộn ràng hơn, lại sầm uất hơn. Đặc biệt Việt Nam với hơn 8.000 lễ hội là một con số khổng lồ. Nó phản ánh một nhu cầu tâm linh khi con người càng bế tắc trong cuộc sống họ càng chạy đến cầu khẩn thần linh nhiều hơn.
Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus thật gần gũi với con người hôm nay. Hai môn đệ đang mang trong tâm trạng chán chường thất vọng. Họ bị cuộc đời vùi dập đến nỗi đánh mất tất cả niềm hy vọng. Họ đã từng hy vọng đi bên Thầy Giê-su trong vương quốc của Ngài. Thế mà, Ngài lại bị đóng đinh vào thập giá. Ước mơ tan thành mây khói. Niềm tin về cuộc sống, về công lý đã không còn. Các ông chỉ thấy “khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào” mà còn cay cay nghẹn lòng xót xa!
Nhưng Đức Giêsu phục sinh đã cảm thông với nỗi niềm tang thương nơi các ông. Ngài dẫn chứng Kinh Thánh cho các ông thấy mọi sự đang trong đường lối Thiên Chúa. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa đang được thực hiện qua cái chết của Thầy Giê-su. Và rồi, mắt họ bừng lên niềm hy vọng khi họ nhận ra Thầy mình vẫn sống, vẫn đang hiện diện bên mình. Sự chết đã bị đánh bại. Niềm đau đã không còn mà biến thành niềm vui vì từ nay Chúa không chỉ đồng hành mà còn đồng bàn với họ.
“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời húc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền bừng mở, và họ nhận ra Người” (Luca 24:30-31).
Quả thực, hai môn để đã hoàn toàn thay đổi nhờ gặp được Chúa Giêsu. Một Giêsu là Chúa của họ đã đánh bại thần chết để sống lại vinh quang. Chính cuộc gặp gỡ này đã mang lại cho họ một niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Chính cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hoàn toàn não trạng của họ từ thất vọng đến tin tưởng, lạc quan. Từ nay họ hiểu rằng Thiên Chúa vẫn hằng sống và hằng quan tâm đến họ.
Xin cho chúng ta luôn xác tín về sự hiện diện của Chúa để dám sống làm chứng cho Chúa. Ước gì chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa trước những khó khăn trong dòng đời. Xin đừng vì những nghi nan mà chối bỏ Chúa nhưng luôn biết cậy dựa vào Chúa để vượt qua sóng vỗ ba đào. Nhất là hãy tin tưởng: “Chúa đã thắng thế gian”. Hãy vui mừng luôn trong mọi hoàn cảnh. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Views: 0