Ngày tết người ta thường cầu chúc cho nhau được ba điều ước mơ lớn nhất đó là: Phúc – Lộc – Thọ. Cái phúc của con người là công thành danh toại. Cái lộc không chỉ là con thảo cháu ngoan mà còn là lộc trời ban xuống cho gia đình, dòng tộc. Thọ là tuổi già, sống lâu trăm tuổi hay còn gọi là “bách niên giai lão”.
Ước mơ được sống hạnh phúc trường sinh bất tử là nỗi khao khát của con người vượt qua mọi thời đại. Dân tộc nào cũng ước mơ trường thọ, thời đại nào cũng mong được trường sinh bất tử. Nỗi khao khát ấy được bộc lộ qua rất nhiều những câu chuyện thần tiên, nhất là trong những dịp lễ tết đầu năm thường chúc nhau mạnh khỏe sống lâu, và trong đám cưới người ta vẫn thường cầu chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc.
Thánh Kinh kể rằng: thuở ban đầu Thiên Chúa đã cho con người hưởng đầy đủ Phúc – Lộc – Thọ. Cái phúc của con người thuở tạo dựng là được làm chủ mọi loài vạn vật mà Chúa đã dựng nên. Cái lộc của con người là lời chúc phúc sẽ có con đàn cháu đống như sao trên trời như cát dưới biển. Và cái Thọ miên trường là sinh ra không phải đau khổ và không phải chết.
Thế nhưng, hạnh phúc ấy đã tan vỡ và trở thành một niềm mơ ước triền miên của cả kiếp người. Bi kịch là khi tội đã vào thế gian nên con người sinh ra phải đau khổ và phải chết. Từ đó, ước mơ Phúc – Lộc – Thọ đã là ước mơ muôn thuở của con người. Con người luôn khao khát hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc chính là động lực khiến con người dám vượt mọi gian khổ để có được hạnh phúc trong cuộc đời.
Ngày đầu xuân chúng ta dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa chúc lành và ban cho chúng ta vạn sự như ý. Chúng ta tin rằng: Chúa Giêsu đã đến để mang lại cho con người hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Vì Ngài là hoàng tử bình an, là vua thái bình. Ngài đã đến để mang lại bình an cho những ai thành tâm thiện chí, cho những ai ăn ở ngay lành, và cho những ai sống một cuộc đời cao thượng vượt qua khỏi những tham sân si để sống một đời thanh thoát bình an.
Hôm nay Chúa Giê-su đưa ra phương thế để có được hạnh phúc qua tám mối phúc thật. Sống theo tinh thần tám mối chúng ta sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ trong ngày xuân mà là mỗi ngày trong cuộc sống. Phương thế đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp của sự hy sinh, của quảng đại dấn thân vì lợi ích của tha nhân. Cái phúc nằm ở trong tâm hồn nghèo khó, có lòng hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, giữ lòng trong sạch, và biết xây dựng hoà bình. . .
Như vậy, hạnh phúc của người môn đệ hệ tại ở việc dấn thân vì tha nhân. Vì Chúa mà ta từ bỏ mọi thứ tham lam, ích kỷ và bất chính để sống công bình bác ái với nhau. Vì Chúa mà ta bỏ đi cái tôi ghen tương, nóng giận, để gìn giữ sự hoà thuận với những người bên cạnh chúng ta. Vì Chúa mà chúng ta dấn thân cho công lý được triển nở, cho hoa bác ái được toả hương, cho an bình được ngự trị. Vì Chúa mà chúng ta xả thân giúp đời mà không cần so đo tính toán thiệt hơn. Vì Chúa mà chúng ta từ bỏ những quyền lợi, những nhu cầu của bản thân để cống hiến cho tha nhân.
Phương thế ấy đã được ông bà cha mẹ làm gương cho chúng ta. Các ngài đã hy sinh hết thảy vì ta. Cuộc đời các ngài cho dù có dầm mưa dãi nắng mà tâm hồn vẫn hạnh phúc vì hy sinh cho con cái. Như vậy, trong hạnh phúc của ta có mồ hôi của cha, và nước mắt của mẹ. Trong hạnh phúc của ta có công cha nghĩa mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển khơi để che chở và làm ấm áp đời ta.
Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.
Năm nay, năm Đinh Dậu, một hình ảnh thật quen thuộc với chúng ta đó là hình ành gà mẹ dẫn đàn gà con đi kiếm ăn. Con gà mẹ lăn xả bới đất tìm mồi và khi tìm được nó lại hối hả thúc gọi đàn con đến ăn phần mới kiếm được. Ban đêm, gà mẹ lại ấp ủ con trong đôi cánh của mình để đàn con khỏi bị lạnh cóng, khỏi gió rét của đêm sương.
Hình ảnh này gợi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Hai chữ đoạn trường có nghĩa là đứt ruột, ám chỉ một sự thảm thương đến tột độ, đến đứt cả ruột gan , của một tình yêu dâng hiến đến quên mình.
Người ta kể lại rằng trong nạn đói vào năm Ất Dậu 1945, có một bà mẹ đã cắn đứt ngón tay của mình để con được bú những giọt máu cuối cùng thay cho dòng sữa đã cạn kiệt vì cái đói kéo dài. Bà chỉ hy vọng đứa con sẽ được cứu khỏi chết. Bà không nhẫn tâm nhìn con chết đói mà mình không làm điều gì đó để cứu con. Bà đã chấp nhận cái chết để con được sống.
Vì thế, trong bầu khí Mồng Hai Tết cầu cho Ông Bà Cha Mẹ, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ những người còn sống hay đã qua đời luôn được bình an. Và riêng với những đấng sinh thành còn sống chúng ta hãy thầm nguyện rằng:
“Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
Cầu chúc cho mọi nhà cùng rộn ràng tiếng cười vui hạnh phúc bên những người thân thương. Xin Chúa là mùa Xuân chúc phúc cho gia đình luôn hạnh phúc an vui. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Views: 0