Vanitas vanitatum et omnia vanitas
Vanité des vanités, tout est vanité (Cri de l'Ecclésiaste)
Bước vào Mùa Chay, câu chuyện cụ Nguyễn Văn Hết cũng gợi cho Ki tô hữu vài ý tưởng ngay lành. Thoạt đầu xem qua, có thể thấy tình đời bạc bẽo, buồn cho cụ Hết, nhưng khi thấy thái độ lạc quan của cụ, nhờ trí nhớ sa sút, lại thấy cụ thật sung sướng, sống rất đúng theo tinh thần KiTô giáo. Phù vân trả về cho phù vân, của Ceasar trả về cho Ceasar…
Vanitas vanitatum
Cụ Nguyễn Văn Hết, 97 tuổi, ngụ trên đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TP.HCM. Cụ Hết đã có phần kém minh mẫn, sống cùng người vợ cũng bị mất trí nhớ trong căn nhà tình thương do chính quyền địa phương xây tặng hồi năm 2003.
Sáng 28 Tết (ngày 11/2/2010), sẵn có tờ 10 ngàn đồng trong túi, cụ mua một tờ vé số tỉnh Tây Ninh của một người bán vé số dạo. "Vì tối hôm trước, tui nằm chiêm bao thấy mình trúng độc đắc đến 3 lần lận", cụ Hết vui vẻ nói. Sau đó, có người quen trong khu phố đến nhà lì xì 100 ngàn đồng, cụ Hết tiếp tục mua thêm 5 tờ vé số. Cả đời cụ Hết lam lũ trên chiếc xích lô máy, lay lắt qua ngày. Nghèo khó gần cả cuộc đời, cụ Hết mua vé số như một thú vui để nuôi dưỡng những giấc mơ.
Mơ chơi vậy thôi mà trúng thật, không phải ba tờ mà những sáu tờ. 7,6 tỉ đồng cho năm giải đặc biệt và một giải khuyến khích. Một số tiền mà nếu chỉ nhờ độ minh mẫn cụ Hết không bao giờ đếm nổi. Chỉ có điều nó đến khi cụ đã 97 tuổi, cái tuổi mà nhiều người nói vui là ở phút thứ… 89 của cuộc đời!
Ông cụ lãng tai, lẩm cẩm ấy bất ngờ đến nỗi không biết làm gì với số tiền. Hàng xóm trong hẻm cứ kháo nhau, chạy ra chạy vô xem ông cụ trúng vé số ấy thế nào. Anh Dậu, hàng xóm của cụ Hết, cho hay: “Ổng tội lắm, ai tới nghe chuyện ổng cũng cho vài trăm đến vài triệu… Nhiều người sợ ổng lẩn thẩn cho hết tiền, nhưng ổng cứ nói: Kệ, cho làm phước, chứ giữ lắm tiền chi bây!”.
Không con cái, không mấy họ hàng quen. Hai ông bà cụ nương tựa nhau mà sống trong căn nhà chật chội. Ấy vậy mà mới trúng số một bữa, căn nhà nhỏ của cụ Hết đón tiếp không biết bao nhiêu họ hàng, láng giềng quen có, lạ có. Có người từ tận miền Tây lên thăm, có người là cháu cố con bà dì, có người là cháu ngoại của bà chị họ… ai cụ Hết cũng đón tiếp nồng hậu.
Kẻ khó cụ cho nhiều hơn chút xíu. Các ban ngành từ thiện trong phường đến vận động vì người nghèo, cụ cũng vui vẻ chi cho vài trăm triệu. Cụ Hết cười móm mém: “Không ngờ bà con, cháu chắt của mình cũng nhiều quá chứ, có ít đâu! Cũng may nhờ trúng số độc đắc mà gặp lại những người xưa lắc xưa lơ tưởng đã biệt tích…“. Chẳng mấy chốc số tiền 7,6 tỉ đồng chỉ còn lại 2 tỉ vì sự hào phóng của cụ. Và những rắc rối cũng bắt đầu từ đây!
Cho nhiều nhưng với số tiền tỉ còn lại cụ Hết cũng dư sức sắm sửa cho mình cuộc sống giàu sang. Nhưng tới giờ cụ chỉ mua cho mình mỗi chiếc tivi Sony 32 inch trị giá 7 triệu và sửa lại căn nhà gần 50 triệu để tiện ra vô cho bớt nhếch nhác. Nhà cụ vẫn nhỏ hẹp, vẫn một chiếc tủ gỗ đơn sơ sờn cũ mà bên trong chỉ là vài bộ đồ bà ba cho cụ bà và mấy bộ đồ phường cho cụ.
Tiền của cụ đi đâu hết? Sau khi làm từ thiện, còn 2 tỉ cụ gửi vô ngân hàng. Nhưng cụ Hết già lắm rồi, lại lẩn thẩn nên phải có người đại diện đứng tên thay cụ. Khổ nỗi đứa cháu hiếu thảo hứa sẽ chăm cụ tận tình chu đáo lại không thể đứng tên vì học vấn chưa đủ để ký nổi cái tên. Đứa khá hơn có đủ “năng lực” quản lý tiền bạc thì xa lơ xa lắc, cả đời chưa một lần thăm nom cụ. “Họ chỉ biết thơn thớt nói cười yêu thương trước mặt ông già thôi” – anh Dậu chép miệng trước “cuộc chiến” giành quyền quản lý hộ số tiền 2 tỉ của cụ Hết.
Cuối cùng người cháu ngoại thứ 8 của chị cụ Hết là bà Nguyễn Thị Liễu có được quyền quản lý số tiền. Nhưng chăm sóc chính cho vợ chồng cụ Hết là chị Nguyễn Thị Oanh, cháu ngoại thứ 7 (cháu ngoại của em cụ), với lương tháng 1,5 triệu đồng kèm theo 100 triệu tiền tặng trước cho con chị Oanh chữa bệnh. Cũng vì thế mà hàng xóm chẳng lạ khi bà Liễu và chị Oanh cứ dăm ba ngày lại cãi cọ om sòm ngay tại nhà cụ Hết.
Chị Oanh phân bua: “Tôi là người đứng ra chăm sóc cụ và theo cam kết mỗi ngày chị Liễu phải chi cho ông 500.000 đồng. Thế mà chị Liễu lúc thì đưa 300.000, khi lại quên. Có khi gần mấy tháng không đưa đồng nào, tôi phải tự bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho cụ. Phải nhờ phường can thiệp, chị Liễu mới chi tiền”. Tiếp xúc với chị Liễu, chúng tôi đã một phen hú vía vì thái độ xua đuổi của chị khi chúng tôi muốn gặp cụ Hết.
Bây giờ, ngoài cái tivi mở mỗi ngày trên 10 giờ, cụ Hết không biết thú vui nào khác. Ngoại trừ tiếng cãi cọ của hai đứa cháu ngoại xa lắc, âm thanh quen thuộc của căn nhà nhỏ là tiếng tivi vì con cháu không còn ai tới lui. Những tiếng cãi cọ lằng nhằng của hai bà cháu ngoại xa lắc ấy khiến cụ Hết mấy phen nhồi máu cơ tim. Cụ than: “Lúc trước khỏe lắm, từ ngày trúng số xong tim tự nhiên mệt”.
Et omnia vanitas
Bây giờ cụ Hết là tỉ phú độc nhất vô nhị khi trong túi không bao giờ có một đồng. Nhiều lúc cụ thấy chị bán vé số đi ngang nhà, nhìn tội tội cũng muốn mua vài tờ “ủng hộ” mà không có tiền.
Thương cụ Hết, nhiều hàng xóm vẫn thường cho cụ mượn tiền để mua vài thứ linh tinh, Nhưng tính cụ hay quên, con cháu cũng chẳng muốn trả, thế là lần sau họ không dám cho cụ mượn tiền nữa. “Có lẽ chính sự phóng khoáng của cụ đã trở thành bi kịch cho cụ. Giờ ông già cứ quanh quẩn trong nhà. Đến giờ lại ăn, hết ăn lại nằm, nhìn thấy mà thương!” – chị hàng xóm chép miệng.
Chị Oanh hậm hực: “Ông cụ ao ước được một lần đeo dây chuyền vàng vì cả đời lam lũ có biết mùi vàng thế nào đâu, nay tiền đã có bạc tỉ… nhưng chị Liễu bảo không được vì đeo vàng sợ kẻ cướp vô cắt cổ ông!”.
Trúng số bạc tỉ nhưng thứ mà cụ quý nhất vẫn là chiếc đồng hồ phường cho từ tết đến giờ, cụ quý như con, ngay cả tắm cũng không dám bỏ ra. Chốc chốc cụ lại giở tay áo lên xem giờ để biết rằng thời gian đang trôi ngoài kia. Cụ chỉ có một câu quen thuộc: “Trúng số thì cho làm từ thiện. Cho người ta thì mình vui, vui thì sống lâu. Chứ giữ tiền trong mình làm gì chi cho mệt mà mau chết!”.
Chị Oanh cho biết: “Trong túi ông già giờ không có một đồng tiêu vặt”. Nhưng ở cái tuổi 97 tâm trí không còn minh mẫn nên hình như không thấy cụ Hết buồn. Cụ Hết cười xòa, cứ huyên thuyên, tự hào chỉ lên gần 20 tấm bằng khen, thư cảm ơn, mừng thọ… của các tổ chức từ thiện, xã hội… ghi nhận những đóng góp cho xã hội, người nghèo của cụ. Thư cảm ơn 50 triệu, thư cảm ơn 100 triệu, có thư cảm ơn tới 250 triệu và vô số thư khác.
Cụ nào biết cứ thỉnh thoảng con cháu cụ vẫn kéo nhau ra phường để xử lý chuyện “trợ cấp” cho “tỉ phú 97 tuổi này!”. (Theo Tuổi Trẻ)
AM Trần Bình An
Views: 0