Năm 2010, khi anh của cha chết, anh để lại cho cha một số tiền, cha đến thăm cha Gerardo ở họ đạo San Cayetano, họ đạo này quản lý một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất Buenos Aires.
Không nhiều lời, cha đưa phong bì dán kín cho cha Gerardo và nói: “Cầm đi con, đây là gia tài anh của cha để lại. Cha không thể nào giữ được, tiền bạc làm cho cha hư. Con dùng để cho người nghèo.” Sau khi cha về, cha Gerardo mở ra xem và thấy 10.000, một số tiền lớn ở Buenos Aires. Cha dặn đừng nói cho ai biết, nhưng hôm nay thì cha Gerardo không thể giữ bí mật này được.
Càng đọc các chi tiết về các mẫu giai thoại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tôi càng suy nghĩ, vì sao cha lại làm như vậy, vì sao cha không tự mình cho (để thêm uy tín) mà cha phải nhờ người khác. Ai là người có uy tin để người khác có thể tin tưởng và giao cho họ làm thay mình? Gần như ai cũng muốn tự tay mình làm từ thiện, muốn đồng tiền của mình trực tiếp đến tay người nhận, không qua trung gian một tổ chức nào, muốn đi đến tận nơi, muốn nghe lời cám ơn, muốn có thêm uy tín, muốn kiểm soát, nói tóm lại còn muốn có quyền. Tôi suy nghĩ rất nhiều đến mãnh lực của đồng tiền, càng suy nghĩ thì lại càng không hiểu. Không hiểu vì sao tiền lại có sức lôi cuốn như vậy? Từ trẻ con đến người già, từ người nghèo rớt mồng tơi đến người giàu nức đất đổ vách, từ dân đến quan, từ người thường đến người đi tu, từ những người tự cho mình có thể sống nghèo, nhưng khi hỏi trở ngại lớn nhất trong công việc của họ là gì, họ luôn luôn trả lời: thiếu tiền!
Khi nói đến những con người có tấm lòng yêu tha nhân không vụ lợi, người ta thường nói đến những người sinh ra đã có cái muỗng vàng trong miệng, họ không tha thiết đến việc đời như lập gia đình, kiếm tiền để sinh sống, họ một lòng phục vụ tha nhân, thánh Phanxicô Đaxi, mẹ Têrêxa, cha Pierre (abbé Pierre), cha Ceyrac, sr Emmanuelle là những người đại diện tiêu biểu. Dĩ nhiên cũng có những người xuất thân từ gia đình nghèo như thánh Don Bosco, họ hiểu nỗi khổ của người nghèo, họ ra sức giúp để những người này có một đời sống khá hơn. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, sống trong khu vực nghèo, chắc chắn ngài hiểu cảnh nghèo khổ như thế nào và ngài đã để suốt đời lo cho người nghèo, bênh vực người nghèo.
Các câu chuyện minh triết thường khuyên con người làm việc thiện, bớt bám dính tiền bạc, giúp đỡ người nghèo để người nghèo bớt khổ. Người ta vẫn nói giúp người cứu mình, nhưng không nói cụ thể là cứu cái gì, cứu để khỏi xuống hỏa ngục, cứu để mình khỏi hư, khỏi chán nản, để cảm thấy mình có chút hữu ích cho đời? Khổ thay, người cho khi nào cũng tự cho mình đứng ở vị thế tự đủ, về mặt vật chất lẫn tinh thần, nên họ nghĩ, vì người khác mà mình ra tay, có ai nghĩ rằng chính khi giúp người khác là mình giữ được cái tâm của mình, “Giúp người cứu mình”, theo tôi nghĩ, là cứu cái tâm của mình, có tâm là gần như có tất cả.
Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Bác ái phải biết tổ chức”, nhưng tôi vẫn thích tâm tình phó thác hoàn toàn vào chư tăng của người phật tử, họ vào chùa hoan hỉ cúng dường, không cần biết đồng tiền của mình sẽ dùng vào việc gì, họ tin vào chư tăng, đã có chư tăng làm công việc này. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh quyên góp ở chùa, phật tử nhanh nhẹn giúp như sợ hết dịp giúp; như sợ hạt thiện mới chớm nở trong lòng mà chờ tổ chức thì sẽ bị chai. Tôi thích tính tự phát khi làm việc thiện, có một cái gì đó xuất phát từ tính nguyên sơ trong lòng mình. Càng suy nghĩ, càng cân nhắc thì càng chậm và nhiều khi không còn muốn giúp nữa. Làm việc thiện một cách có tổ chức phải cần rất nhiều ý chí, phải lấy mục đích, lý tưởng đời mình là phục vụ người nghèo thì mới thực hiện được; nếu chưa phát tâm sống theo mục đích này thì nên theo tiếng gọi của thiện tâm, cần giúp ai thì nên giúp ngay, để lâu sẽ quên, sẽ nguội!
Huyền thoại Do Thái thường có các câu chuyện về đức ái rất thâm thúy, như câu chuyện “Chuyện đó cũng tốt.”
Chuyện kể có ông Gamiu bị mù, tay bị cụt, chân bị liệt, cả thân mình bị lở loét. Ông sống trong một căn nhà đổ nát, chân giường phải ngâm trong nước để tránh kiến bu. Một ngày nọ, các đồ đệ của ông nói với ông:
– Làm sao mà thầy có thể chịu được bao nhiêu là bất hạnh như thế kia? Hơn nữa, làm sao chấp nhận một người công chính như thầy lại chịu một số phận như vậy?
Ông trả lời:
– Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về đời tôi. Một ngày nọ, tôi đến thăm cha vợ của tôi. Tôi đem ba con lừa đi theo: con thứ nhất chở đồ ăn, con thứ nhì chở thức uống, con thứ ba chở gia vị. Trên đường đi, có một người ăn mày đến xin ăn. Tôi trả lời:
– Xin chờ tôi chuyển đồ đạc từ con lừa xuống.
Trong thời gian chuyển đồ thì ông ăn mày chết. Tôi quỳ gối xuống trước mặt ông và nói: “Vì mắt tôi không thương xót mắt ông, nên mắt tôi phải mù; vì tay tôi không thương xót tay ông, nên tay tôi phải cụt; vì chân tôi không thương xót chân ông, nên chân tôi phải liệt. Và tôi chỉ cảm thấy bình an khi tôi nói thêm: và tất cả thân xác tôi phải bị lở loét.”
Các học trò nói với ông:
– Thật là bất hạnh cho chúng con phải nhìn thầy trong cảnh này.
– Vì sao các con lại khổ cho thầy khi các con thấy thầy trong cảnh này, thầy xứng đáng chịu cảnh này, thầy đã không cấp cứu kịp thời nên có người chết vì thầy, các con không nên buồn cho thầy.
Tên ông là Gamiu có nghĩa là “Chuyện gì cũng tốt.”
Còn câu chuyện Hạt Ngọc Quý nói lên đặc nét của lòng bác ái đích thực, một lòng bác ái xuất phát tự tâm hồn, lòng bác ái đó sẽ không bao giờ tự hỏi xem ai là người nhận món quà của mình.
Một ngày nọ có người ăn mặc nghèo nàn đến gặp giáo sĩ Kim để mua viên ngọc vì giáo sĩ Kim là nhà buôn ngọc. Ông ngạc nhiên vì sao người này trông nghèo như vậy lại có tiền mua ngọc. Ông hỏi:
– Ông có biết viên ngọc này trị giá một ngàn tiền vàng không?
– Tôi biết, nhưng xin ông vui lòng về nhà tôi, tôi sẽ trả tiền cho ông.
Về đến nhà, các người hầu ra đón người chủ nghèo này, mời ông ngồi trên ghế bằng vàng, rửa chân cho ông. Ông gọi người quản lý đến và nói:
– Tôi vừa mới mua viên ngọc quý này, nhờ anh trả cho ông này một ngàn đồng tiền vàng. Rồi anh để chung viên này với các viên ngọc khác, chúng ta sẽ đem cho người nghèo trong khu phố.
Giáo sĩ Kim không tin vào con mắt của mình, ông hỏi chủ nhà:
– Tại sao ông ăn mặc nghèo như vậy, tại sao khi nào ông cũng ở gần bên người nghèo?
– Nếu tôi không ăn mặc nghèo, không nghĩ đến người nghèo, thì tôi sẽ nhanh chóng rơi vào hố thẳm của kiêu ngạo và tự mãn, tôi cũng sẽ nhanh chóng quên Thiên Chúa là Chúa của tôi. Tôi sẽ nhắm mắt trước những đau khổ, và cảnh túng thiếu cùng cực của người nghèo.
Thời buổi bây giờ, trẻ con ra trường tốt nghiệp sớm, kiếm tiền sớm và kiếm rất nhiều tiền, nhà bạc triệu, xe hạng sang là chuyện thường nhưng để rồi, không thiếu cảnh các em rơi vào con đường sa đọa, nghiện ngập, cờ bạc, ngoại tình, bỏ vợ, bỏ chồng, tự tử, tạo thảm cảnh gia đình rất nhiều. Có thể, nếu các em này thiếu thốn, chăm chỉ học hành, làm ăn khó khăn mới có được tiền thì chắc sẽ không rơi vào những hoàn cảnh như trên. Nhưng dĩ nhiên cũng có những em vì hoàn cảnh thiếu thốn lại lâm vào con đường này. Đâu là ranh giới thăng bằng để các em có một cuộc sống hài hòa, hữu ích cho gia đình, cho xã hội? Các em, dù giàu dù nghèo, có bao giờ nghĩ giúp người là cứu mình, đem tiền của, đem công sức san sẻ cho người nghèo, cho những tổ chức từ thiện, vừa hữu ích cho mình, vừa hữu ích cho đời.
Nữ văn sĩ Pháp Françoise Sagan khi mới 19 tuổi bà nhận 500 triệu quan Pháp cũ tiền nhuận bút quyển tiểu thuyết Buồn ơi, chào mi. Giám đốc nhà xuất bản, ông René Juilliard nói với bà: “Cô chưa đến tuổi trưởng thành, tôi giữ tiền của cô ở đây, cô về hỏi ý kiến cha của cô, cô nên làm gì với số tiền này.” Cô về hỏi cha: “Thưa cha, con làm gì với tiền triệu này?” Người cha nhìn thẳng vào mặt cô và hỏi: “Năm nay con bao nhiêu tuổi – mười chín – Ở tuổi này, có một số tiền lớn như thế này thì quá nguy hiểm. Con đem tiêu hết đi.” Và thế là cô đem tiêu hết vào xe cộ, nhà cửa, sòng bài, ma túy, giúp bạn bè lâm cảnh túng thiếu. Cô cho cũng nhiều và phung phá thì lại càng nhiều hơn. Đâu là ranh giới thăng bằng giữa cho và dùng? Trong những trường hợp này, câu ngạn ngữ minh triết của nhân loại vẫn luôn luôn đúng: “Phải có đủ đức độ mới giữ được tiền”, và cần phải nói thêm, phải có đủ đức độ mới biết cách dùng tiền, mới cự được tiền, mới không bị đồng tiền biến mình thành người nô lệ.
Tấm gương của những người có muỗng vàng trong miệng là “cho hết, không giữ đồng nào trong tay,” dùng chính cuộc đời của mình để phục vụ người nghèo. Đức giáo hoàng Phanxicô, cũng “cho hết, không giữ đồng nào trong tay.” Chắc chắn, không ai vì cho mà trở thành nghèo đi.
Cha Ceyrac, dòng Tên, người suốt đời giúp các người nghèo ở Ấn Độ, cửa phòng của cha lúc nào cũng mở rộng, người nghèo đứng sắp hàng trước phòng cha. Vì sao phải sắp hàng? Vì cha không sàng lọc, ai đến trước được trước, ai đến sau sẽ không còn phần, phải chờ cha đi xin tiếp để lần sau họ mới có.
Cha đã nói: “Chính cái nghèo của dân tộc Ấn Độ đã cứu tôi.” Đúng vậy, chính cái nghèo của tha nhân làm tâm hồn tôi luôn luôn ấm áp, mở rộng để ôm trọn được bao nhiêu có thể những cảnh đời bất hạnh.
Montréal 17-04-2013
Views: 0