Mặc dù hơn mười ngày nay nước Ba Lan bị lụt lội lớn, hơn 150 ngàn người từ khắp mọi miền của cả nước đã đổ về Warsaw để tham dự Lễ phong chân phước (á thánh) cho Cố linh mục Jerzy Popieluszko, Cố Tuyên úy của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan.
Sự kiện vị linh mục trẻ, chưa đầy 40 tuổi, bị an ninh cộng sản Ba Lan bắt cóc, giết rồi ném xuống sông Vistula năm 1984 đã gây chấn động xã hội Ba Lan giữa thời Thiết quân luật.
Các đợt làm lễ cầu nguyện và lễ tang cho Ngài đã trở thành cách thể hiện sự phản kháng của nhân dân với chế độ hồi đó.
Sau quyết định xác nhận tử vì đạo đối với vị Cố Tuyên uý của Bấm Công Đoàn Đoàn kết do Giáo hoàng Benedict XVI ký vào tháng 12/2009, hôm 6/06/2010, 26 năm sau khi chết, một phần hài cốt của Linh mục Popieluszko được đưa lên bàn thờ.
Lễ phong Thánh Cố Tuyên uý Jerzy Popieluszko được cử hành chính thức tại Quảng trường mang tên Thống chế Pilsudski ở thủ đô Ba Lan với sự tham dự của 100 giám mục Ba Lan và nước ngoài, 1500 linh mục, đại diện nhà nước và đông đảo dân chúng.
Với nhân dân Ba Lan, đây là một sự kiện mang ý nghĩa trọng đại, một niềm vinh dự lớn lao, một món quà cao quý, biểu tượng cho sự hy sinh của Ba Lan trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ.
Trong buổi Lễ phong Thánh, sứ giả của Giáo hoàng Benedict XVI, Đức Tổng Giám mục Angelo Amato nói:
"Cố Linh mục Jerzy Popieluszko đã không bị cám dỗ để sống trong “hầm tối" của chế độ Cộng sản và "chỉ bằng phương tiện tinh thần là sự thật, công lý và tình yêu, Ngài đã kêu gọi cho tự do lương tâm của người dân,"
"Nhưng một hệ tư tưởng tàn ác đã không thể chịu nổi ánh sáng của sự thật và công lý. Do đó, vị linh mục đã bị theo dõi, sách nhiễu, bắt giữ, tra tấn tàn bạo và mặc dù vẫn còn sống, Ngài đã bị ném xuống sông.
"Những kẻ gây tội ác không có chút tôn trọng nào đối với cuộc sống con người, họ đã vứt bỏ Ngài như một con vật chết và cơ thể của Ngài mười ngày sau mới được phát hiện".
Chỉ sự hy sinh mới mang lại cho cuộc sống sự thật và giá trị lớn lao. Ngài đã chứng tỏ phẩm tiết của lòng can đảm, là người lính gác giữa Cái Thiện và Cái Ác.
Không khuất phục.
Còn nhà xã hội học Ireneusz Krzeminski phát biểu: "Linh mục Jerzy Popieluszko đã chiến đấu cho đức tin và các giá trị Cơ đốc giáo; cho phẩm hạnh con người; cho quyền tự quyết về bản thân, và tự do. Ngài đã ở trong hoàn cảnh mà Ngài có quyền sợ hãi, nhưng Ngài đã không bị khuất phục".
Jerzy Popieluszko (George Alexander Popieluszko) sinh ngày 14/9/1947 và qua đời ngày 19/10/1984.
Từ tháng 8/1980 Ngài có quan hệ mật thiết với cộng đồng người lao động, tích cực hỗ trợ phong trào tranh đấu dân chủ của Công đoàn Đoàn kết, giúp đỡ tận tình những những người bị chính quyền Cộng sản truy bức, trù dập.
Trong các cuộc đình công Ngài đã đến nhiều nơi làm lễ cầu nguyện tự do cho tổ quốc và động viên giáo dân.
Những bài giảng của Ngài mang đậm màu sắc nhân bản, bất bạo động và trên hết là tình yêu thương bằng câu nói lấy từ Thánh kinh (St Paul, Rome 12:21): "Các con đừng để cho cái Ác khuất phục mình, mà hãy chiến thắng cái Ác bằng cái Thiện".
Khi thấy phong trào tranh đấu dân chủ của Công đoàn Đoàn kết có nguy cơ làm tan rã chế độ, ngày 13/12/1981, chế độ Bấm cộng sản Ba Lan ban hành thiết quân luật và thẳng tay đàn áp lực lượng phản kháng.
Trong giai đoạn này, hàng chục người đã bị giết chết, hàng chục ngàn người bị tù đày và hàng chục ngàn khác bị khống chế, theo dõi. Linh mục Jerzy Popieluszko nhiều lần bị chính quyền cáo buộc tham gia vào các hoạt động chính trị và trở thành mục tiêu của an ninh.
Linh mục Jerzy Popieluszko lúc sinh thời đã vận động cho tự do tôn giáo của người Ba Lan.
Một chiến dịch tấn công linh mục có mã "Popiel" được bắt đầu vào nửa sau của năm 1982. Có bốn nhân viên mật vụ bám sát linh mục theo từng bước đi.
Ngày 19/10/1984 Linh mục Popieluszko đến thành phố Bydgoszcz theo lời mời từ giáo xứ.
Kết thúc cuộc gặp gỡ Ngài đã nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện để có được tự do từ nỗi sợ hãi và sự hăm dọa, nhưng trên hết là từ sự trả thù và bạo lực".
Cùng ngày, trở về thủ đô, Linh mục Jerzy Popieluszko cùng với lái xe của mình bị các nhân viên mặc đồng phục thuộc Cục Đường bộ của Bộ Nội vụ chặn xe bắt cóc. Lái xe đã chạy thoát được còn Linh mục bị trói và nhét vào khoang chứa hành lý.
Ngày 30/10, tức 10 ngày sau vụ bắt cóc, người ta bắt gặp xác chết của Linh mục trên sông Wistula trong tư thế tay bị trói chặt vòng qua cổ, và có một túi chứa đầy đá được buộc vào chân. Qua kiểm tra của Sở Y pháp thuộc Đại học Y khoa Bialystok dưới chỉ đạo của giáo sư Maria Byrda, người ta đã phát hiện các dấu vết tra tấn.
Ngày 19/05/1984 nhân dân Ba Lan cử hành tang lễ cho vị linh mục quá cố và sau đó tổ chức một cuộc hành hương của nhân dân lao động tới vùng đất Thánh Jasna Gora để cầu nguyện cho Ngài.
Hơn 18 triệu lượt người đã đến viếng mộ Ngài trong 26 năm qua.
Trước áp lực mãnh mẽ của quần chúng cũng như dư luận quốc tế, chính quyền cộng sản Ba Lan đã phải mở phiên toà được gọi là "Cáo trạng Torun" kéo dài từ 27/12/1984 đến 07/02/1985.
Tòa xử ba cán bộ của Bộ Nội vụ: đại úy Grzegorz Piotrowski (25 năm tù), Leszek Pekala (10 năm tù) và Waldemar Chmielewski (10 năm tù) về tội bắt cóc, tra tấn và giết người, còn đại tá Adam Pietruszka bị kết tội chỉ đạo tiến hành tội phạm và lãnh 25 năm tù.
Nhưng sau đó chính quyền liên tiếp ân xá, giảm dần mức án và người cuối cùng trong vụ án được trả tự do vào năm 2001.
Từ khi Ba Lan giành được tự do, vụ án vẫn tiếp tục được IPN, Viện điều tra chống tội ác chống lại nhân dân Ba Lan thực hiện.
Cho đến nay, họ vẫn chưa tìm ra nhân vật cụ thể nào ở cấp thượng tầng của chế độ Ba Lan thời xã hội chủ nghĩa đã ra lệnh thủ tiêu linh mục Jerzy Popieluszko.
Tuy nhiên, Ba Lan ngày hôm nay đã chiến thắng, đã “thắng cái Ác bằng cái Thiện” như lời của chính linh mục Jerzy Popieluszko đã nói nhiều lần trong các buổi lễ cầu nguyện vì tự do cho đất nước thời cộng sản.
Dòng chữ ‘Thắng cái Ác bằng cái Thiện’ trên bàn thờ ở Warsaw hôm lễ phong á thánh cho linh mục Popieluszko.
Lê Diễn Đức /BBC
Views: 0