(Riêng tặng các phó tế đang hăng say cộng tác trong Gia Đình Nazareth: Pt. Hoàng Thanh Sơn, Huntington Beach, CA; Pt. Trần Vân, Bakerfield, CA; Pt. Nguyễn Đức Mậu, Seattle, WA; Pt. Nguyễn Khánh, Houston, TX; Pt. Nguyễn Văn Định, Houston, TX; và Pt. Nguyễn Chương, Landsing, MI).
Trong kỳ Đại Hội Phó Tế Việt Nam kỳ IV được tổ chức từ chiều Thứ Năm, 30 tháng 6 và kết thúc vào chiều Chúa Nhật, 3 tháng 7 năm 2011 tại Houston, Texas tôi đã được hân hạnh tham dự với tư cách một khách mời và trong dịp này, tôi cũng đã được hân hạnh trình bày với Đại Hội về một số những thao thức mà phần lớn các tính hữu hiện nay đang kỳ vọng nơi các vị phó tế của họ. Một trong những thao thức và kỳ vọng ấy là vai trò phó tế trong ơn gọi phục vụ các gia đình.
NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ
-50% những cặp vợ chồng hiện nay đã kết thúc bằng ly dị.
– Hơn 1 triệu vụ phá thai hàng năm chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Trung Hoa là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất và Việt Nam cũng là một quốc gia Đông Nam Á với tỷ số phá thai lên đến hàng chục triệu mỗi năm.
-2-13% dân số Âu Mỹ hiện nay có khuynh hướng, đời sống, hoặc nhận mình là đồng tính.
-3 trong số các tiểu bang Hoa Kỳ hợp hiến hóa hôn nhân đồng tính, gồm New York, New Hampshire, và Vermont. Ba tiểu bang khác qua phán quyết của tối cao pháp viện tiểu bang cũng thừa nhận hôn nhân đồng tính, đó là Massachusetts, Iowa, và Connecticut.
– Một số quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, gồm Hòa Lan (Netherland), Na Uy (Norway), Bỉ (Belgium), Tây Ban Nha (Spain), Nam Phi (South Africa), Thụy Điển (Swenden), Bồ Đào Nha (Portugal), Băng Đảo (Iceland), Á Căn Đình (Argentina), và Canada;
– Hiện tượng trai gái sống chung mà không hôn thú đang gia tăng cùng với con số những người kết hôn trễ sau 30 tuổi, hoặc kết hôn nhưng không muốn sinh con.
ẢNH HƯỞNG XÃ HỘI TRÊN ƠN GỌI HÔN NHÂN
Không cần là một nhà chuyên môn ta cũng có thể hiểu rằng với những lý do trên đang làm lung lay nền tảng hôn nhân gia đình, và một khi ơn gọi hôn nhân bị chà đạp và coi thường sẽ dẫn đến một hình thức gia đình lỏng lẻo, kéo theo những hậu quả tồi tệ không thể tưởng tượng cho xã hội và Giáo Hội.
Với cái nhìn tâm linh đạo đức thì con người thời nay đang coi thường về ý thức tôn giáo trong hôn nhân, và coi hôn nhân như một khế ước có tính cách hoàn toàn pháp lý và nhân bản. Căn bệnh thời đại này tuy có nhiều người đã biết, nhưng ít người muốn đối diện với sự thật.
Căn bệnh ấy nằm trong não trạng chung của con người hiện nay, phần lớn đều cho rằng hôn nhân chẳng qua cũng như một ván bài tình ái. Ngồi vào chiếu bạc này được hay thua là chuyện tất hữu. Được thì hưởng, mà thua thì xóa bàn làm lại. Hoặc nói theo một quan niệm tâm lý thực dụng, đó là tôi thích cô, thích anh thì tôi sống với cô và với anh. Bao lâu tôi không cảm thấy thích thú nữa thì chúng ta chia tay. Đơn giản chỉ có thế.
Não trạng ấy chính là kết quả của những điều mà ba vị giáo hoàng thời danh của nhân loại thuộc thế kỷ 20 và 21 đã nhận định, đó là Đức Piô XII, Chân Phước Gioan Phaolô II, và đương kim Giáo Hoàng, Bênêđíctô XVI. Tiến trình tục hóa đời sống tâm linh và làm lung lay ơn gọi hôn nhân khởi đi từ việc con người để mất đi ý thức tội lỗi. Từ đó những tư tưởng trần tục, lối sống vật chất và những lý luận duy lý căn cứ vào những phát minh và sự tiến bộ của khoa học như một luồng gió độc thổi vào nền văn minh hiện đại. Và cuối cùng là nó biến tư tưởng và hành động của con người trở thành “tương đối” về quan niệm và lối sống đạo đức, cái tốt cũng như cái xấu, việc thiện cũng như việc ác đều giống nhau như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhận định về triết lý sống và suy tư của con người thời đại.
Xuyên qua tiến trình tư tưởng trên mà ngày nay ít ai còn coi trọng giá trị của Bí Tích Hôn Nhân. Phần đông, kể cả người Công Giáo cũng chỉ coi đây như một nghi thức tôn giáo, hay một ràng buộc có tính cách xã hội. Còn lại cốt lõi của giá trị thật về Bí Tích này thì ít ai để ý tới. Ngay cả một số không ít linh mục trong khi cử hành Thánh Lễ Hôn Phối cũng chỉ chú trọng đến vẻ bề ngoài. Nhiều linh mục còn giảng giải theo những ý nghĩa trần trục, thói đời. Dùng những ví von của ca dao, tục ngữ, của những bài hát tình cảm lãng mạn để làm nền tảng cho những chia sẻ khi quảng diễn về giá trị của hôn nhân và về bí tích hôn phối.
HÔN NHÂN ƠN GỌI PHÁT XUẤT TỪ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Để chữa trị căn bệnh trên, ta cần phải trở lại với ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân. Nếu chỉ căn cứ vào những ràng buộc của luật pháp, của truyền thống, hoặc những lãng mạn, thu hút tình cảm, hôn nhân không thể đứng vững và tồn tại. Do đó, phương thuốc trị liệu hữu hiệu nhất của căn bệnh thời đại đó chính là việc nhìn nhận và xác tín rằng hôn nhân chính là một ơn gọi và một bí tích.
Khi nghĩ đến hôn nhân, là phải nghĩ đến cái cốt lõi của đời sống này mà đức tin của Kitô Giáo cho là một ơn gọi. Một ơn gọi phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính từ tình yêu cao cả và thánh thiện này mà người chồng, người vợ mới có thể hy sinh cho nhau và vì nhau, cha mẹ mới có thể hy sinh cho con cái. Một tình yêu nối kết và gắn bó giữa hai người dù khi đau ốm hay lúc khỏe mạnh, khi gian nan thử thách cũng như lúc may mắn xuông sẻ, và khi nghèo khó cũng như lúc giàu có để hai người yêu thương và tôn trọng nhau suốt mọi ngày trong đời sống.
Ơn gọi này được tái khẳng định qua hình ảnh của Gia Đình Thánh Gia. Tin Mừng cho thấy, Thiên Chúa từ muôn thủa đã dùng thượng trí của Ngài tạo nên một cuộc “hôn nhân đồng trinh” giữa Giuse và Maria. Và từ cuộc hôn nhân này, Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc xác phàm và đến với nhân loại qua cửa ngõ gia đình. Ở đây ý nghĩa lời thề hôn thệ mà các cặp vợ chồng trao cho nhau được thực hiện từng nét và rất rõ ràng trong cuộc sống của người chồng là Giuse, người vợ là Maria. Cuộc sống vật chất, những va chạm thực thế cho thấy Gia Đình Nazareth đã trải qua tất cả những gì mà một gia đình thường ngày vẫn cảm nghiệm, ngoại trừ trong bất cứ hoàn cảnh nào những người trong Gia Đình này cũng vẫn yêu thương và kính trọng nhau.
Cũng từ đó, sự thánh thiện của gia đình được phục hồi và nâng cấp để trở thành một bí tích sau này.
ƠN GỌI PHÓ TẾ VÀ MỤC VỤ GIA ĐÌNH
Nguồn gốc Phó Tế Vĩnh Viễn bắt đầu từ thời Các Tông Đồ (x. TĐCV 6:1-6). Là một trong ba phẩm trật của hàng tư tế, gồm giám mục, linh mục, và phó tế. Theo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, chức phó tế được chia thành hai loại: Phó tế chuẩn bị lãnh chức linh mục, và phó tế vĩnh viễn.
Hiến Chế Lumen Gentium, 29 của Công Đồng cũng đã qui định rõ ràng vai trò Phó Tế Vĩnh Viễn trong ba lãnh vực chuyên biệt: Phụng vụ, Giảng dạy, và Bác ái, dựa trên tinh thần và ý nghĩa của người “tôi tớ”, hoặc người “trợ tá” (x. Phil 1:1). Tôi tớ của cộng đoàn dân Chúa, và trợ giúp các giám mục, linh mục trong việc phục vụ dân Ngài.
Bằng một cái nhìn thực tế và có tính cách mục vụ, có lẽ người Kitô hữu, như tôi đã trình bày trong Đại Hội, hy vọng nhiều ở nơi phó tế của họ dấn thân hơn, chú tâm hơn, và nhiệt tình hơn vào mục vụ gia đình, một mục vụ được coi như nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt tôn giáo cũng như hiện trạng xã hội hiện nay.
Hơn ai hết, các phó tế đều biết rằng trước khi họ lãnh nhận bí tích truyền chức, họ đã lãnh nhận bí tích hôn phối. Và họ đến từ bí tích hôn phối để phục vụ bàn thánh, phụ vụ bí tích, và phục vụ dân Chúa. Các phó tế cũng là những người cảm nhận một cách hết sức sâu xa và đôi khi đau đớn thế nào là hy sinh, là chung thủy, là tôn trọng nhau trong tình yêu vợ chồng. Thế nào là bổn phận và trách nhiệm làm cha, làm chồng, làm một thành viên trong gia đình. Do đó, lời nói và hành động của họ sẽ ảnh hưởng tốt hơn, nếu họ dấn thân vào lãnh vực mục vụ gia đình.
Đến đây, xin nêu lên một số những đề nghị để hy vọng với gần 90 phó tế Việt Nam đang phục vụ trong các giáo xứ, cộng đồng và cộng đoàn có thể suy nghĩ và đem vào lịch trình sinh hoạt của mình:
– Tổ chức những buổi tĩnh tâm, hội thảo, những buổi thuyết trình nhằm đào sâu về giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân.
– Tổ chức những khóa học, những lớp nói về nghệ thuật làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ. Tâm lý người chồng, tâm lý người vợ, tâm lý khác biệt giữa nam và nữ… Và những lớp dậy về nghệ thuật giáo dục và hướng dẫn con cái.
– Tổ chức những khóa học về Giáo Hội, về Giáo Lý Công Giáo để sống đạo một cách trưởng thành trong môi trường gia đình cũng như xã hội.
Để giúp các phó tế thực hiện được những dự án trên, GIA ĐÌNH NAZARETH, một sinh hoạt Mục Vụ Gia Đình đã được thành lập và phổ biến các sinh hoạt gia đình xin được đồng hành và tiếp tay với các phó tế trong mục vụ gia đình của các vị. Muốn biết thêm chi tiết, xin mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org
Song song với hoạt động tông đồ nhắm vào gia đình, cùng với việc phục vụ bàn thánh, và phục vụ bí tích sẽ làm cho ơn gọi phó tế trở nên phong phú, thiết thực và lợi ích cho nhiều gia đình, nhiều tâm hồn.
Views: 0