Uncategorized

Phaolô có gì để khoe khoang với tin hữu Philípphê?

Trong phần đầu bức thư tranh luận, tức chương 3 thư gửi giáo đoàn Philiphê, thánh Phaolô khuyên tín hữu đề phòng kiểu sống đạo lệch lạc của nhóm thừa sai kitô gốc do thái đang tìm lung lạc họ.

 

Trong phần đầu bức thư tranh luận, tức chương 3 thư gửi giáo đoàn Philiphê, thánh Phaolô khuyên tín hữu đề phòng kiểu sống đạo lệch lạc của nhóm thừa sai kitô gốc do thái đang tìm lung lạc họ.

 

Thánh nhân lập lại giáo huấn ngài đã trình bầy với họ nhiều lần: đó là cuộc sống lòng tin kitô đích thực là cuộc sống theo Thần Khí, chứ không theo Lề Luật viết. Chính thực tại này khiến cho thánh nhân đối chọi giữa phép cắt bì trên thân xác và cắt bì trong tâm lòng, giữa kiểu sống theo chữ viết của Lề Luật và kiểu sống theo Thần Khí. Khi sống theo Thần Khí, kitô hữu biến toàn cuộc đời họ trở thành nghi lễ phụng tự tôn thờ Thiên Chúa. Toàn cuộc đời họ trở thành một thánh lễ nối dài, một hiến tế sống động thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Trong vế hai của câu 3 chương 3, thánh Phaolô tiếp tục đối chất với nhóm thừa sai kitô gốc do thái đang tìm lung lac lòng tin của tín hữu giáo đoàn Philiphê. Ngài khẳng định rằng ngài và tín hữu Philiphê ”hiên ngang hãnh diện trong Đức Kitô Giêsu, thay vì cây dựa vào thịt xác, thay vì tin tưởng vào chính mình. Hai động từ ”được vinh quang” (kaukháomai) và ”tin tưởng” (= péithô) song song với nhau. Phản đề nằm trong hai vế đối chọi nhau ”nơi Đức Kitô Giêsu” , ”nơi chúng tôi”. Đức Kitô và phép cắt bì loại trừ nhau, trong nghĩa ơn cứu độ của tín hữu, thực tại tối hậu mà tín hữu có thể tin tưởng, tùy thuộc lòng tín thác của họ nơi Đức Kitô, chứ không tùy thuộc phép cắt bì hay việc tuân giữ Lề Luật. Kitô hữu đích thực là những người biết tin tưởng nơi Đức Kitô và sáng kiến thánh sủng của Chúa, chứ không phải là những người cây dựa nơi các tuân giữ đạo đức luân lý và tôn giáo của chính mình.

Bắt đầu từ câu 4 tới 14 chương 3 thánh Phaolô nói về chính mình để thuyết phục tín hữu giáo đoàn Philiphê đừng tin rằng vì tự ti mặc cảm nên ngài đả phá mọi đặc quyền đặc lợi của nhóm thừa sai kitô gốc do thái. Không, thánh Phaolô không phải là người không được hưởng các đặc quyền đặc lợi, nên đâm ra cay cú, ghen tương với những người khác đang phô trương các đặc qyền đặc lợi của họ. Thật ra nếu phải so sánh với nhóm thừa sai kitô gốc do thái, thánh nhân có nhiều các đặc quyền đặc lợi hơn họ và vượt xa họ, chứ ngài không thua kém bất cứ ai trong bọn họ. Chíh vì thế nên ngài mới vết trong câu 4: ”Mặc dầu cả tôi, tôi cũng có các lý do để tin tưởng nơi xác thịt (= pepóithêis en sarki).. Nếu ai đó có lý do để cậy dựa vào xác thịt, thì tôi lại càng có lý do hơn họ”. Và thánh Phaolô liệt kê ra tất cả mọi đặc quyền đặc lợi mà ngài có thể khoe khoang với các tin hữu. Tất cả là 7 đặc quyền đặc lợi, trong đó có 4 đặc quyền đặc lợi thuộc căn cước do thái tinh tuyền, 3 đặc quyền đặc lợi còn lại thuộc nỗ lực chinh phục cá nhân trong cuộc sống lòng tin. Thật thế, thánh Phaolo có thể khoe khoang tông tích do thái rất tinh tuyền của mình: theo Luật Chúa truyền (St 17,12; Lv 12,3) thánh nhân được cắt bì ngày thứ tám sau khi sinh; là dòng dõi Israel tinh tuyền, thuộc chi tộc Bengiamin, chứ không phải là người đạo theo; trên bình diện văn hóa và tiếng nói thánh nhân là con của người Do thái, chứ không phải là con lai do thái hy lạp. Nhưng chưa hết. Như là tín hữu do thái thánh nhân là người công chính không chê trách vào đâu được. Trước hết bởi vì ngài là thành viên của nhóm Biệt Phái, nghĩa là thuộc các thành phần ưu tú nhất của xã hội Do thái và là người tuân giữa luật Môshê một cách vô cùng tỉ mỉ. Lòng nhiệt thành bảo vệ sự tinh tuyền của giáo thuyết và kiểu sống Do thái đã khiến cho Phaolô trở thành người cuồng tín bắt bớ Giáo Hội, hồi đó bị Do thái giáo coi như là một giáo phái lệch lạc. Và sau cùng như là người tuân giữ Lề Luật Do thái tỉ mỉ không chê trách vào đâu được, thánh nhân có thể tự coi mình như là người ”công chính” trước mặt Thiên Chúa. Trong chương 11,22 thư thứ hai viết cho tín hữu Côrintô ngài phân bua với họ rằng: ”Họ là người Do thái ư? Tôi cũng thế. Họ là người Israel ư? Tôi cũng thế. Họ thuộc dòng giống tổ phụ Abraham ư? Tôi cũng thế”. Còn trong chương 11,1 thư gửi giáo đoàn Roma thánh nhân viết: ”Chính tôi đây cũng là người Israel, thuộc dòng dõi Abraham, thuộc chi tộc Bangiamin”. Thế rồi trong thư gửi tín hữu Galata chương 1,13b-14, thánh Phaolô thành thật phơi bầy qúa khứ bắt bớ kitô hữu của ngài như sau: ”Tôi đã bách hại Hội Thánh Chúa vươt qúa mọi mực thước, bằng cách tìm hủy diệt Hội Thánh. Và trong niềm trung thành với Do thái giáo tôi đã vượt xa các người đồng bào cùng trang lứa, tôi đã nhiệt thành tuân giữ các truyền thống của cha ông hơn họ”.

Tóm lại, thánh Phaolô không thiếu lý cớ nào để so sánh với nhóm thừa sai kitô gốc do thái ngay trên lãnh vực đặc quyền đặc lợi mà họ khoe khoang với tín hữu Philiphê. Ngài thuộc mẫu thượng lưu do thái chính tông, với tất cả mọi tước hiệu, tâm thức và sinh hoạt đặc thù toàn vẹn trước mặt Thiên Chúa của Lề Luật Môshê. Nhưng mọi thứ đó, giờ đây đối với thánh nhân đều thuộc qúa khứ xa xôi. Sau kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Kitô trên đường đến thành Damasco, cuộc sống của Phaolô đã hoàn toàn đổi mới. Thánh nhân đã chặt dứt với qúa khứ và sang trang cuộc đời. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh đã biến thánh nhân trở thành con người mới. Chính vì thế nên mọi đặc quyền đặc lợi xưa kia đều trở thành rác rưởi. Những gì trước kia ngài cho là có lợi, thì giờ đây lại trở thành thiệt thòi. Chỉ có Đức Kitô Giêsu là mối lợi tuyệt hảo duy nhất. Vì Chúa Kitô phục sinh thánh nhân liều mất hết mọi sự để có được Người và sống kết hiệp với Người. Điểm đáng ghi nhận ở đây đó là trong các văn bản tự thuật tương tự, thánh Phaolô luôn đề cao ơn thánh của Thiên Chúa và của Đức kitô trong cuộc hoán cải của ngài. Chẳng hạn thánh nhân viết trong chương 1,16 thư gửi giáo đoàn Galata: ”Thiên Chúa đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Hay trong thư thứ nhất gưi tín hữu Côrintô chương 15,8-10: “Sau hết Chúa Kitô cũng đã hiện ra với tôi là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người đã ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi”. Trong thư thứ hai chương 4,6 thánh nhân khẳng đinh rằng ”Xưa kia Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từnơi tối tăm. Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bầy cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngươi trên gương mặt Đức Kitô”.

Nhưng trong bức thư tranh luận này thánh Phaolô nhấn mạnh trên sự quyết định thảo luận mọi sự trong qua khứ để chiếm hữu một kiểu sống mới. Ngài viết trong chương 3 câu 7-8 ”Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là (= hêgêmai) thiệt thòi. Hơn nữa, vì gía trị tuyệt vời là sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô Chúa của tôi, tôi coi (= hêgumai) tất cả mọi sự là thiệt thòi. Vì tình yêu Người tôi đã từ bỏ mọi sự và để chiếm được Người tôi coi (= hêgumai) tất cả là rác rưởi”. Thánh Phaolô dừng loại ngôn ngữ thương mại để giới thiệu mình như một thương gia đầu cơ tích trữ mọi sự, tưởng là được lời, hóa ra lại lỗ. Cho tới khi mua được loại hàng mới, thương gia Phaolô mới thấy mình thực sự được lời lớn. Nói cách khác, tánh Phaolô đã từ chối tình trạng đặc quyền đặc lợi là tín hữu do thái để chiếm hữu được Chúa Kitô. Như thế sự từ bỏ này không do tình yêu thần bí đối với khổ chế điều khiển, mà do viễn tượng của một cuộc chinh phục và chiếm hữu mới. Ở đây thánh Phaolô theo cái luận lý của các thương gia sành nghề, cái luận lý của người buôn ngọc qúy. Nó cũng là cái luận lý của chính Thiên Chúa: bỏ hết để được hết, như giáo huấn Tin Mừng khuyên nhủ: ”Được lời lãi cả thế gian mà mất sự sống mình thì ích lợi gì?” (Mc 8,36). Nhng thái độ của thánh Phaolô giống thái độ của bác nông dân tìm đựơc kho tàng trong ruộng hay người lái buôn đi tìm ngọc qúy trong Phúc Âm thánh Mátthêô chương 13,44-46: ”Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn dấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có, để mua thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc qúy, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”. Đây không phải chỉ là chuyện say mê kho tàng hay ngọc qúy của dân sành điệu, mà là thái độ liều lĩnh có tính toán của những người biết mình từ bỏ những gì để chiếm hữu được những gì. ”Có gan làm giầu” là thế. Tuy nhiên, đây cũng không chỉ là chuyện có gan làm giầu. Bởi vì kho tàng mà thánh Phaolô khám phá ra, viên ngọc cực qúy mà thánh Phaolô đã tìm thấy liên quan tới ơn cứu độ của chính ngài và của toàn nhân loại. Thật vậy, đối với thánh Phaolô cuộc gặp gỡ đổi đời với Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế là một cơ may khám phá ngàn năm một thuở và là kho tàng vô giá mà thánh nhân sẵn sàng hy sinh tất cả để đánh đổi kho tàng ấy. Cơ may gặp gỡ ấy do Thiên Chúa thương ban cho thánh nhân chứ không phải công lao của ngài. Vì thế, Đức Giêsu Kitô lại càng là kho tàng vô giá hơn nữa. Đây là lý do chính giải thích tại sao thánh Phaolo chỉ biết có Đức Giêsu Kitô phục sinh và thập giá của Ngài chứ không biết gì khác.

 

Linh-Tiến-Khải
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.