Mohandas Gandhi, một tín hữu Ấn độ giáo, một lần nhận xét về việc “ăn miếng trả miếng” như sau: “luật mắt đền mắt, răng đền răng đem đến thế gian sự mù quáng.” Khi ông bị kẻ thù bắn vào đầu ba phát súng, người ta kể lại ông giơ hai tay lên trong tư thế diễn tả sự thứ tha cho người ám sát. Lời cuối cùng trước khi tắt thở là “Rama, rama, rama,” nghĩa là “Tôi tha thứ cho anh, tơi thương mến anh, tôi chúc phúc cho anh.”
Đức Hồng Y Thuận, người mà hầu hết chúng ta còn nhớ bị Cộng sản biệt giam và hành hạ 13 năm trong tù. Khi được trả tự do, người ta hỏi Ngài có căm thù họ không, Ngài không ngần ngại trả lời: “Không! Họ làm những điều sai trái đó vì tuân lệnh thượng cấp và cũng vì không hiểu biết nhiều.”
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II bị bắn gục ngã tại Vatican, trong phòng cứu cấp Ngài tuyên bố tha cho người bắn, và sau một thời gian xuất viện, Ngài đã vào nhà giam nói chuyện riêng và tha thứ cho kẻ suýt giết chết Ngài!
Hôm nay là ngày 11 tháng 9, đánh dấu ngày đau thương của đát nước Hoa-kỳ. Đúng ngày này 10 năm về trước bọn khủng bố đã dùng máy bay dân sự để giết hàng ngàn người, và làm thiệt hại tài sản ở Nữu York, Washington DC và Pennsylvania. Ngày mà người ta thường gọi là 9/11 gợi lại bao đau thương, mất mát trong trí chúng ta. Ngày đã vĩnh viễn làm thay đổi cuộc sống của cả nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Ngoài việc tưởng niệm những nạn nhân, nhớ đến công ơn của những người lính cứu hỏa và nhân viên cảnh sát… bằng cách nhắc lại cuộc đời và hành động của họ khi còn sống để làm lành vết thương đau buồn cho thân nhân còn sống, hôm nay Giáo Hội còn thách đố chúng ta về sự tha thứ. Tha thứ không phải chỉ có 7 lần nhưng là không có giới hạn bao nhiêu lần. Tha thứ phải luôn luôn.
Bài Đọc I và Bài Tin Mừng gửi tới chúng ta cùng một thông điệp. Sách Huấn Ca bảo rằng sự giận dữ phát sinh hậu quả xấu vì nếu chúng ta giận dữ nhau thì Thiên Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy. Dĩ nhiên là người chúng ta có thể diễn tả sự giận dữ đối với bất công, với tội lỗi mà không biến nó thành sự ganh ghét, đối chọi với yêu thương tha nhân. Nói cách khác, đừng “giận cá mà chem thớt!” Chúa Giêsu có lần cũng đã nổi nóng đối với việc buôn bán trong khu vực Đền Thánh. Qua Tin Mưng, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta hãy tha thứ cho nhau, nếu không Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta. Không phải Thiên Chúa hẹp hòi không tha thứ cho con người nhưng chính chúng ta khi không tha thứ cho tha nhân, chúng ta tự động khép cửa lòng lại không tiếp nhận Ơn Chúa.
Có người nói: “Tha thứ mà không có Ơn Chúa thì chúng ta là những người điên,” là vậy.
Lịch sử Trung hoa và Việt-Nam chứng tỏ một điều ai cũng biết là sự thù hận không tha thứ luôn mang đến sự trả thù từ đời nầy sang đời khác giữa các gia đình với nhau. Không bao giờ có được sự chữa lành. Chỉ có sự tha thứ mới chấm dứt được cái giây chuyền đó, và mang đến sự bình an trong tâm hồn. Sự tha thứ không tìm hiểu xem ai phải, ai trái. Cũng không đòi hỏi phải xin lỗi, làm hòa vì tự nó đã làm hòa và giải thoát con người để tự do sống trong tương lai.
Nhiều người trong chúng ta cũng giống tâm trạng Thánh Phêrô hôm nay. Chứng tỏ là một Tông đồ xứng đáng, Phêrô thưa với Thầy mình là nếu ông tha thứ 7 lần cho một người đã làm ông phật ý là quá rộng rãi lắm rồi. Chúa Giêsu chẳng những không đồng ý với sự “rộng rãi” đó mà còn bảo phải nâng lên cấp cao hơn! Qua Dụ ngôn về hai người đầy tớ của một ông vua, Chúa Giêsu kêu mời những người nghe thời đó, và chúng ta thời nay cùng với Thánh Phêrô chấp nhận việc tha thứ và lòng thương xót từ Thiên Chúa. Thiên Chúa từ bi luôn sẵn lòng tha thứ cho chúng ta vì lòng thương xót của Ngài đối với tội lỗi mà chúng ta không ai có thể đền trả được. Trong Tin Mừng khi nói con số 10,000 nén bạc mà người đầy tớ nợ vua, các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng thời Chúa Giêsu một nén bạc tương đương với 10,000 ngày công cho một người đi làm thuê, vậy 10,000 nén tương đương với 150 năm làm việc của một người, nghĩa là số nợ quá lớn không ai có thể trả nổi cho một đời người, thế mà vua không ngần ngại “xí xóa” hết cho người đầy tớ. Nhưng anh ta đã không cảm nghiệm được ân huệ to lớn đó nên đã tàn nhẫn với người bạn của anh, khiến vua nổi giận vì sự bất công của anh. Anh ta không có lòng từ bi mà chỉ biết nhận.
Giống như người đầy tớ tàn nhẫn trong Tin Mừng, mỗi cá nhân chúng ta đều là tội nhân và cần đến sự tha thứ của Chúa để được cứu rỗi. Hãy hình tượng nếu Chúa đối xử thẳng thừng với cán cân công lý, chúng ta sẽ không có hy vọng gì ở đời sau. Nhưng Chúa thương xót chúng ta một cách nhưng không, không cần công nghiệp riêng của mỗi người. Do đó, lòng thương xót của Chúa sẽ phải là một mẫu gương để mỗi chúng ta bắt chước mà đối xử với nhau. Mẫu gương đó thức tỉnh chúng ta dậy như câu cuối cùng trong bài Tin Mừng: “Nếu không, Cha Ta trên trời cũng sẽ đối xử với các con như thế!” Thiên Chúa không thể tha cho ai nếu người đó không tha cho anh chị em mình.
Cuối cùng, sự liên đới của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã chết tren TG để TC tha thứ. Chúng ta cũng không thể nào làm khác hơn được. Như Thủ Tướng Ấn độ Gandhi, như Đức Chân Phước GH Gioan Phaolo II, và như Đức HY Thuận, chúng ta hãy tha thứ vô điều kiện từ tâm hồn, để được sống và sống bình an. Amen.
Views: 0