Atlanta ngày 22 tháng 5, năm 2014
Thư gởi bạn hiền
Bạn thân mến,
Nhiều Giáo Phái Tin Lành cho rằng khi rửa tội thì phải dìm hết người dưới nước mới đúng, đổ nước lên đầu hay trên trán theo như nghi thức rửa tội của Giáo Hội Công Giáo là sai.
Những người anh em Tin Lành cử hành nghi thức rửa tội bằng cách dìm hết người xuống nước là dựa trên cách rửa tội của Thánh Gioan Tẩy Giả hay Thánh Gioan Tiền Hô, và nhất là vì chữ baptize theo tiếng Hylạp có nghĩa là dìm, là nhận xuống. Trong số những anh em Tin Lành này, lại có nhiều người cho rằng, chỉ cần chịu phép rửa theo nghi thức ‘dìm’ là được cứu rỗi vì chính Chúa Giêsu phán với Ông Ni-cô-đê-mô, Gioan 3:5, “Amen, Amen, ta nói cho ông biết, không ai có thể vào nước Thiên Chúa mà không phải sinh ra bởi nước và Thánh Thần.”
Vậy ai đúng, ai sai? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, bắt đầu bằng phép dìm của Thánh Gioan Tiền Hô.
Bạn biết, ngay từ thời Cựu Ước, Người Do Thái đã tin chỉ có Thiên Chúa là có quyền tha tội. Và đúng như vậy, nên khi Thánh Gioan cử hành phép dìm thì một số người Lê Vi (Levites) và các thầy cả (Priests) đến hỏi Thánh Gioan, ông là ai? Khi Thánh Gioan trả lời, tôi không phải là đấng cứu thế, không phải là Ê-ly-a (Elijah), cũng không phải là tiên tri thì họ bắt bẻ, vậy sao ông lại làm phép dìm? Xin xem Gioan 1:19-28. Họ bắt bẻ như vậy vì đối vói họ, khi cử hành phép dìm là Thánh Gioan tha tội cho những ai đón nhận phép dìm của ngài, thế nhưng chính Thánh Gioan Tẩy Giả thì nói, Mát-thê-ô 3:11, “Ta dìm các ngươi vào nước để chỉ lòng thống hối ăn năn, nhưng đấng đến sau ta là đấng quyền phép hơn ta. Ta chẳng đáng xách dép cho Ngài. Ngài sẽ dìm các ngươi vào Thánh Thần và lửa.” Như vậy, theo như chính Thánh Gioan Tiền Hô nói, thì phép dìm của ngài chỉ có giá trị là để chỉ lòng thống hối ăn năn chứ không tha tội được. Tại sao vậy? Tại sao người bị đóng đanh với Chúa Giêsu ăn năn thì được tha tội, mà người chịu phép dìm của Thánh Gioan, cũng là để chỉ lòng thống hối ăn năn thì không được tha? Thưa vì hai lý do. Thứ nhất, Isaiah 40:3, Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, là người dọn đường cho Chúa Giêsu mà thôi. Ngài không được sai đến để tha tội, mà ngài cũng không có quyền tha tội. Thứ hai, cũng là quan trọng hơn, đó là ngoài Chúa Giêsu thì không ai có quyền tha tội nếu không được Chúa Giêsu ban quyền hay cho phép; mà khi Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép dìm trong nước thì Chúa Giêsu chưa ban quyền tha tội cho ai. Mãi đến sau khi sống lại Chúa Giêsu mới ban quyền tha tội cho các tông đồ khi Người phán, Gioan 20:23, “Các con tha tội cho ai thì tội của người đó được tha, và các con cầm buộc tội ai thì tội của người đó bị cầm buộc.” Và như thế, những ai chỉ tin vào phép dìm trong nước của Thánh Gioan Tẩy Giả mà thôi thì tội của họ không được tha cho dù họ có ăn năn thống hối tội lỗi của họ. Phải tin vào Chúa Giêsu mới được.
Vậy còn những ai tin là họ chỉ cần chịu phép dìm là đủ để được cứu rỗi thì sao? Chính Chúa Giêsu đã phán với ông Ni-cô-đê-mô như vậy cơ mà? Thưa không phải như vậy, nhưng trước hết, thật là hiển nhiên, phép dìm của Thánh Gioan Tiền Hô không tha tội được thì cũng không cứu rỗi được. Còn về chuyện lời Chúa phán bảo Ông Ni-cô-đê-mô khi ông nói với Chúa Giêsu, Gioan 3:2, “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là bậc thầy từ Thiên Chúa mà đến; vì không ai có thể làm những việc mà thầy làm ngoại trừ là Thiên Chúa ở cùng người đó.” thì Chúa Giêsu trả lời, Gioan 3:3, “Amen, Amen, Ta nói cho ông biết, không ai có thể thấy được nước Thiên Chúa mà không phải tái sinh.” rồi vì ông Ni-cô-đê-mô không hiểu tái sinh là gì nên Chúa Giêsu mới cắt nghĩa, Gioan 3:5, “Amen, Amen, ta nói cho ông biết, không ai có thể vào nước Thiên Chúa mà không phải sinh ra bởi nước và Thánh Thần.” Như vậy, không ai có thể vào nước Thiên Chúa mà không phải sinh ra bởi nước và Thánh Thần; chứ không phải, không ai có thể vào nước Thiên Chúa mà không phải chịu phép dìm. Không! Hoàn toàn là không vì sinh ra bởi nước và Thánh Thần thì hoàn toàn khác với dìm trong nước. Thêm vào đó, Chúa Giêsu cũng không hề nói gì đến dìm với Ông Ni-cô-đê-mô. Nếu ai giải thích, khi nói sinh ra bởi nước là Chúa Giêsu có ý nói dìm trong nước thì đó là sự suy luận của người đó, chứ còn lời mà Chúa Giêsu nói ở đây là sinh ra bởi nước và Thánh Thần .
Vậy sinh ra bởi nước và Thánh Thần nghĩa là gì? Thưa, trước hết, nước và Thánh Thần phải đi đôi với nhau vì Chúa Giêsu dùng chữ VÀ, sinh ra bởi nước VÀ Thánh Thần. Kế đến, cũng là quan trọng hơn, nước mà Chúa Giêsu nói ở đây không phải là nước ở dòng sông Jordan, không phải là nước chúng ta uống, mà cũng không phải là nước mà chúng ta thấy bằng con mắt phàm trần. Nước mà Chúa Giêsu nói với Ông Ni-cô-đê-mô chính là nước mà Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaritan khi bà ta đến múc nước ở giếng Jacob, là nước ban sự sống đời đời, là chính Chúa Giêsu. Vì thế, để tránh hiểu lầm, Chúa Giêsu giải thích thêm cho Ông Ni-cô-đê-mô, Gioan 3:6, “Sự gì sinh ra bởi xác phàm thì thuộc về xác phàm và sự gì sinh ra bởi Thánh Thần thì thuộc về Thánh Thần.” Vậy thì, nước mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không thể là nước sinh ra bởi xác phàm được vì xác phàm thì không thể đi chung với Thánh Thần, mà cũng không thể thuộc về Thánh Thần được. Vì thế cho nên, sinh ra bởi nước và Thánh Thần có nghĩa là sinh ra bởi Chúa Giêsu và Thánh Thần mà cũng có nghĩa là thuộc về Chúa Giêsu và Thánh Thần. Ai tin là mình chỉ cần chịu phép dìm là đủ để được cứu rỗi thì thật là sai lầm. Hoàn toàn sai lầm!
Làm sao để chúng ta có thể thuộc về Chúa Giêsu và Thánh Thần? Thưa chúng ta phải trở thành tông đồ của Chúa hay trở thành một chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, mà nhiệm thể Chúa Kitô thì lại chính là Hội Thánh Công Giáo. Vì thế, ai muốn trở thành tông đồ hay trở thành một chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, thì người ấy chỉ cần gia nhập Hội Thánh Công Giáo bằng cách đón nhận Bí Tích Rửa Tội do chính Chúa Giêsu thiết lập.
Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Rửa Tội lúc nào? Thưa sau khi Người sống lại, lúc mà Người phán với các tông đồ, Mátthêô 28:19,20, (19) “Vậy các con hãy đi và hãy làm cho mọi dân mọi nước trở nên tông đồ, hãy dìm họ trong danh thánh (hay nhân danh) Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. (20) Hãy dạy cho họ biết tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và này, Thầy luôn ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.” Bạn thấy chưa, khi lập Bí Tích Rửa Tội thì Chúa Giêsu dùng chữ dìm, nhưng Người không bảo dìm vào nước mà bảo hãy dìm họ trong danh thánh hay nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Người không dùng chữ nước khi lập Bí Tích Rửa Tội vì Người là nước. Người không nhắc đến Chúa Cha với Ông Nicôđêmô vì Người với Cha là một, đúng như Người phán, “Ai thấy ta là thấy Cha ta.” Như vậy khi nói với Ông Ni-cô-đê-mô, “…sinh ra bởi nước và Thánh Thần.” thì cũng giống như khi Người nói với các tông đồ, “…, hãy dìm họ trong danh thánh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”
Bây giờ thì bạn đã công nhận là phép rửa của Hội Thánh Công Giáo là phép rửa làm đúng như lời Chúa dạy chưa? Chắc là chưa vì nhất định là có bạn sẽ hỏi, nếu Chúa Giêsu là nước thì tại sao Hội Thánh Công Giáo lại đổ nước? Thưa vì Chúa Giêsu phán, Mátthêô 5:17, “Ðừng tưởng ta đến là để hủy bỏ luật lệ hay các tiên tri. Ta đến không để hủy bỏ mà để làm cho nên trọn.” Ở đây Chúa làm cho phép dìm của Thánh Gioan Tiền Hô nên trọn; Người không bác bỏ phép dìm của Thánh Gioan, trái lại, chính Người đã đón nhận phép dìm này, mà theo Gioan 3:22 thì các tông đồ cũng làm phép dìm trong địa hạt Judea. Chúa Giêsu không bỏ thì Hội Thánh Công Giáo cũng không bỏ, nhưng Hội Thánh Công Giáo không dìm vì Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh một sứ mạng mới, sứ mạng tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu bằng cách làm cho mọi dân mọi nước trở nên tông đồ, sứ mạng rửa tội hay thánh hóa mọi người, sứ mạng giảng dạy cho muôn dân về Thiên Chúa. Mátthêô 28:19,20. Ðể thi hành sứ mạng này các tông đồ phải đi rao giảng ở khắp mọi nơi, ở những vùng xa xôi hẻo lánh, những nơi núi non trùng điệp, đất đai khô cằn; họ sẽ bị chống đối ngăn cản, sẽ bị bắt bớ tù đày, trong những hoàn cảnh như vậy, làm sao mà dìm? Trường hợp điển hình là người cai ngục trong Sứ Ðồ Công Vụ 16:33, Thánh Phao Lô và Silas làm phép rửa cho người cai ngục này và toàn thể gia đình của ông ta ngay trong đêm mà ngài và Silas bị giam cầm và bị đánh đập ở Philippi . Rửa tội trong tù vào ban đêm, lại rửa cách vội vã nữa thì làm sao mà dìm? Gần 2000 năm sau, con người tiến bộ, phương tiện để dìm dễ dàng, hoàn cảnh cho phép, lúc ấy mới có người đặt vấn đề dìm hay rửa. Ðây mới đúng là cách bắt bẻ của những kẻ không hiểu nhưng lại chú trọng đến hình thức bên ngoài mà không thấy ân sủng bên trong. Dù sao, trong tinh thần đại kết chứ không phải là sửa sai, ngày nay Hội Thánh Công Giáo cho phép dìm khi cử hành Bí Tích Rửa Tội, và có nhiều nơi đã làm như thế, nhưng dìm hay đổ nước chỉ là để ghi nhớ phép dìm của Thánh Gioan Tiền Hô; điều Chúa Giêsu truyền dạy khi Người lập Bí Tích Rửa Tội là phải dìm họ trong danh thánh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Phép rửa nào không cử hành trong danh thánh Thiên Chúa ba ngôi thì phép rửa đó là phép rửa không làm theo lời Chúa dạy.
Thánh Phaolô dạy thế nào về phép rửa? Thưa ngài không hề nói khi cử hành phép rửa thì phải dìm vào nước. Người dạy như thế này: Romans 6:1-4, “(1) Ta phải nói thế nào đây? Chẳng lẽ chúng ta cứ phạm tội để ơn Chúa được gia tăng hay sao? Dĩ nhiên là không! (2) Vì làm sao để chúng ta có thể chết cho tội lỗi mà lại sống trong tội lỗi? (3) Hay anh em không biết là những ai đã được dìm trong Ðức Giêsu Kitô thì họ cũng được dìm trong cái chết của Ngài? (4) Ðúng như thế, nhờ được dìm trong cái chết của Ngài chúng ta đã được an táng với Ngài trong sự chết, vì thế, Ðức Kitô đã sống lại trong vinh quang Chúa Cha như thế nào thì chúng ta cũng sống trong đời sống mới như vậy.” Rõ ràng là Thánh Phao Lô không hề nói gì đến dìm vào nước khi cử hành phép rửa. Thánh Phêrô cũng không nói phải dìm trong nước. Ngài nói trong Sứ Ðồ Công Vụ 2:38 như sau, “Hãy ăn năn hối cải và hãy lãnh nhận phép rửa (hay phép dìm) trong danh thánh Chúa Giêsu để được tha tội; và anh em sẽ được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.” Bạn thấy chưa, chỉ có Thánh Gioan Tẩy Giả là nói, “Ta dìm (baptize) các ngươi vào nước…” Tiếc thay, phép dìm của Thánh Gioan Tiền Hô không phải là để tha tội. Phép rửa do Chúa Giêsu thiết lập mới là để tha tội.
Phép rửa mà Chúa Giêsu thiết lập tha những tội nào? Thưa, tội tổ tông và tội chúng ta phạm.
Một số anh em Tin Lành không tin là có tội tổ tông. Những anh em này lấy Sách Tiên Tri Ezekiel làm căn bản cho lòng không tin của mình. Một cách ngắn gọn, Sách Ezekiel chương 18 có nói là tội ai nấy chịu, nhưng Tiên Tri Ezekiel nói về những tội mà mỗi một người chúng ta phạm chứ không nói về tôi tổ tông vì vậy nên ngài mới kể ra những tội như gian dâm, cướp của, giết người, thờ thần tượng không phải là Thiên Chúa, cho vay ăn lời thái quá, lấy vợ chồng người và nhiều tội khác; Tiên Tri Ezekiel không hề nêu ra tội tổ tông ở đây. Thêm vào đó, dân Do Thái thời Cựu Ước chưa hiểu tội tổ tông. Ðối với họ, tội là sự lỗi luật Moisen. Người tội lỗi hay người phạm luật là người bị trừng phạt ngay ở đời này vì thế người Do Thái đã luôn cố gắng giữ luật đúng theo những gì được ghi chép trong bộ luật Moisen. Sang thời tân ước, Thánh Phao Lô dạy về tội tổ tông như sau: Romans 5:12-14, (12) “Vậy, bởi một người mà tội đi vào thế gian, và vì tội mà có sự chết, thì vì thế mà sự chết đến với mọi người, giống như là mọi người đã phạm tội vậy. (13) Vì khi chưa có luật lệ thì tội lỗi đã có trong thế gian rồi; chỉ vì chưa có luật lệ mà tội lỗi không được ghi chép đó thôi. (14) Thế nhưng từ Adam cho đến Moisê, sự chết đã ngự trị trên tất cả mọi người, và ngay cả trên những ai không phạm tội theo như cách phạm tội của Adam, người là biểu hình đấng sẽ đến.” (Trong câu 14, Thánh Phaolô nói từ Adam cho đến Moisê vì trước Moisê thì Thiên Chúa chưa ban luật lệ gì cho dân Do Thái.)
Vậy theo Thánh Phaolô thì có tội tổ tông. Phép rửa mà Chúa Giêsu thiết lập tha tội tổ tông và mọi tội chúng ta phạm. Chỗ nào trong Kinh Thánh nói là phép rửa mà Chúa Giêsu thiết lập tha tội tổ tông và mọi tội chúng ta phạm? Xin bạn chờ. Tôi cần phải lưu ý bạn điều rất quan trọng này trước. Chúa Giêsu không thiết lập Phép Rửa Tội và Phép Giải Tội trước khi Người sống lại. Tại sao vậy, bạn có biết không? Thưa vì khi còn ở thế gian này trong thân xác con người thì Chúa Giêsu là đấng duy nhất có quyền tha bất cứ một tội nào. Vậy Người chính là Phép Rửa Tội, Người cũng là Phép Tha tội; vì thế mà mãi đến sau khi sống lại và trở về với Thiên Tính của mình, lúc ấy Người mới thiết lập hai phép bí tích này. Phép rửa, xin xem Mátthêô 28:19,20. Phép tha tội, xin xem Gioan 20:23.
Khi thiết lập Phép Tha Tội hay Bí Tích Giải Tội, Chúa Giêsu phán với các tông đồ, Gioan 20:23, “Các con tha tội cho ai thì tội của người đó được tha, và các con cầm buộc tội ai thì tội của người đó bị cầm buộc.” Người đầu tiên thực thi quyền tha tội này là Thánh Phêrô, đầu Hội Thánh, là vị Giáo Hoàng tiên khởi. Vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, được đầy ơn Chúa Thánh Thần, Thánh Phêrô đã không ngần ngại, cũng không lo sợ gì, người đứng lên rao giảng ngay tại Jerusalem . Khi nghe lời ngài, nhiều người được đánh động từ tận đáy tâm hồn, họ hỏi các tông đồ, “Thưa các anh em, chúng tôi phải làm gì?” Thánh Phêrô trả lời, Sứ Ðồ Công Vụ 2:38, “Hãy ăn năn hối cải và hãy lãnh nhận phép dìm (hay phép rửa) trong danh thánh Chúa Giêsu để được tha tội; và anh em sẽ được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.” Hôm đó có khoảng ba ngàn người chịu phép rửa, nhưng điều tôi muốn chia sẻ với bạn ở đây là ba điểm đặc biệt trong câu trả lời này của Thánh Phêrô.
1. Người bảo anh em hãy lãnh nhận phép dìm, nhưng ngài không bảo dìm vào nước mà dìm trong danh thánh Chúa Giêsu.
2. Dìm vào trong danh thánh Chúa Giêsu để làm gì? Thưa để được tha tội. Và
3. Ðể được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.
Tại sao tôi nêu ra ba điểm đặc biệt này? Thưa vì đây chính là những gì Giáo Hội Công Giáo làm khi ban Bí Tích Rửa Tội cho người trưởng thành. Người trưởng thành gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì họ được dìm trong danh thánh Chúa Giêsu, là họ nhận phép rửa; họ được tha tội, là họ nhận phép giải tội; họ được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, là họ được chịu phép thêm sức. Bạn thấy chưa? Nghi thức rửa tội của Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn đặt trên nền tảng Kinh Thánh. Ngay khi rửa tội cho trẻ sơ sinh cũng vậy, nhất định là trẻ sơ sinh thì không thể phạm bất cứ một tội riêng nào, nhưng tội tổ tông, như Thánh Phaolô cắt nghĩa ở trên, thì ai cũng phải mang, và Bí Tích Rửa Tội tẩy xóa tội này.
Nhiều anh em Tin Lành lại cho nghi thức rửa tội trong Ðạo Công Giáo là hình thức. Nhưng như tôi trưng dẫn ở trên, nghi thức rửa tội mà Giáo Hội Công Giáo cử hành là những gì viết trong Kinh Thánh. Linh mục hay người cử hành Bí Tích Rửa Tội trao cho cha mẹ em bé hay người tân tòng một cây nến vì Chúa Giêsu phán, Mátthêô 5:14, “Các con là ánh sáng cho thế gian.”, là lửa mà Thánh Gioan nói, “Ngài sẽ dìm các ngươi vào Thánh Thần và lửa.” Lửa này là lửa mến, là ánh sáng cho thế gian. Còn chiếc áo trắng? Người chịu phép rửa được nhận một áo trắng vì họ là người được dìm trong sự chết với Chúa Kitô, nên họ được nhận áo trắng đúng như được ghi trong Sách Khải Huyền 6:9-11 chứ không phải là hình thức. Ngay cả khi linh mục xức muối lên người tân tòng hay em bé cũng vậy; cũng là vì Chúa Giêsu phán, Mátthêô 5:13, “Con là muối cho đời.” Nhiều giám mục còn cho phép xức dầu lên em bé hay người tân tòng nữa. Việc xức dầu đã được cử hành ngay trong thời cựu ước làm dấu chỉ Chúa chọn một người nào đó làm vua. Người chịu phép rửa là người được liệt vào hàng tư tế vương giả nên được xức dầu. Sau cùng, người chịu phép rửa có cha mẹ đỡ đầu vì Hội Thánh Công Giáo là Hội Thánh thông công chứ không phải là hội thánh trong tinh thần ‘Hồn ai nấy giữ’. Tất cả những nghi thức này chứng tỏ phép rửa của Hội Thánh Công Giáo là phép rửa thật, là phép rửa vẹn toàn, là phép rửa được cử hành đúng theo lệnh Chúa Truyền. Ở những xứ nghèo, nghèo đến không có nổi một cây nến, một miếng vải trắng, không có dầu để xức khi rửa tội thì Hội Thánh không buộc phải có, nhưng lời Chúa nói với ông Nicôđêmô là phải sinh ra bởi nước và Thánh Thần cũng là lời Chúa phán khi lập bí tích rửa tội là hãy dìm họ trong danh thánh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần thì phải có và không thể thay đổi được.
Tóm lại, đổ nước lên đầu hay trên trán hay dìm trong nước khi cử hành nghi thức rửa tội đều đúng. Sự khác biệt là:
Người đón nhận phép rửa tội hay phép dìm theo nghi thức dìm của Thánh Gioan Tiền Hô thì chỉ là để chỉ lòng thống hối ăn năn đúng như Thánh Gioan Tiền Hô nói, Mát-thê-ô 3:11.
Người đón nhận phép rửa theo nghi thức Chúa Truyền, Mátthêô 28:19,20 thì được tha tội và được ơn Chúa Thánh Thần đúng như Thánh Phêrô dạy, Sứ Ðồ Công Vụ 2:38.
Xin Chúa chúc phúc cho bạn và mọi người trong gia đình bạn.
Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,
Giuse Phạm Văn Tuyến
Views: 0