Vâng, Càng đây. Nhưng tôi không có họ hàng gì với anh em của Hai Lúa, Tư Lượm hay Năm Được. Tôi cũng không phải là người đồng làng, đồng tỉnh với Ba Trà.
Tôi thuộc gốc Bắc Kỳ 54, có nghĩa là vào cái năm ấy, thầy mẹ tôi khăn gói quả mướp lên đường xuôi Nam tìm tự do thoát nạn Cộng Sản. Nhờ đó, tôi lớn lên và ảnh hưởng nhiều không khí văn hóa Niềm Nam; nhất là sau này tôi đã “quơ” một em Nam Kỳ Lục Tỉnh đặc sệt miệt Cái Bè. Văn chương rau muống trộn chung với giá sống nên lâu lâu lại có vấn đề chữ nghĩa. Chẳng hạn như tôi nói về quê thăm nhà, thì bà xã tôi nói về vườn. Chính vì thế mà văn chương tôi lắm lúc cũng “nửa nạc, nửa mỡ”. Nhưng dù văn chương có nửa nạc, nửa mỡ, nhưng cá tính của tôi thì vẫn một mực trước sau như một, có nghĩa là rất “ba càng”.
Tại sao lại gọi tôi là “ba càng”, xin thưa vì khi còn thời cắp sách đến trường tôi được cho là thằng bướng và ngang, hễ cãi nhau với bạn bè là phải cãi cho đến cùng dù kết quả sai hay đúng. Cãi không được thì dùng “lý sự cùn”. Bạn bè vì thế ngán cái thói ngang như cua bò ấy và định đặt cho cái tên cúng cơm “bát sách”, tức gàn bát sách để nhớ đời, nhưng vì trong nhóm có thằng Bát cũng tính tình tàng tàng nên đã được gọi là thằng “gàn bát sách” rồi. Vì trong nhóm có thằng “bát sách”, nên bọn chúng gọi tôi là thằng “Ba Càng”. Ngụ ý nói, tôi ngang như cua. Tôi thì thích cái tên bát sách hơn, vì ít nhiều gì nó cũng là một cái tên có liên hệ đến văn học. Truyện kể cụ Tú Xương một nhà nho có tài nhưng tính nết ngay thẳng, bất cần đời nên bị quan trên không ưa. Cuối cùng ông cũng đành phải tự diễu mình bằng câu rất để đời: “Mở miệng nói ra gàn bát sách”. Nhưng rồi bạn bè chúng nó cứ xúm lại gọi tôi là Ba Càng, nên cuối cùng thì tôi cũng được cái biệt danh ấy và nó theo tôi mãi đến bây giờ, mà cũng có lẽ là cho đến nấm mồ và không chừng qua cả bên kia thế giới. Vì sau này, sau khi tôi đã chết, biết đâu sẽ có thằng bạn nào đó kể lại chuyện cho con cháu nghe là ngày xưa nó quen và biết đến Ba Càng.
“Giang sơn dễ đổi, tâm tính khó chừa”. Không biết ngày mang tôi trong bụng mẹ tôi có ăn nhiều canh cua mồng tơi, canh cua rau đay không mà tôi ra đời mang cái tính kể ra thì dễ thương nhưng nhiều lúc cũng rất dễ ghét này. Tôi đã hỏi thầy tôi và mẹ tôi thì cả hai cứ đổ thừa cho nhau. Thầy tôi nói:
-Tại mẹ mày lúc có thai mày bà ấy thích ăn canh cua rau đay.
Còn mẹ tôi thì lại nói:
-Mày thấy thầy mày ngang cũng đâu thua gì cua. Cha nào, con nấy, còn hỏi han làm gì nữa?!
Mặc dù tôi cũng giống mẹ tôi là thích ăn canh cua rau đay. Mấy đứa em tôi biết khẩu vị của tôi, nên mỗi khi ghé thăm là chúng nó nấu canh cua cho ăn. Nhiều lần chúng nó nói: “Anh giống như mẹ vậy, ăn cái gì thì ăn vẫn không quên canh cua”. Nhưng nếu mẹ tôi ăn canh cua mà sinh ra tôi ngang tàng, bướng bỉnh thì tôi nghĩ là không đúng. Đúng hơn tôi giống tính ông bố. Ông cũng ngang không thua gì tôi. Như vậy là tôi giống tính bố. Giống bố thì tốt, chỉ sợ mình giống ông hàng xóm thì mới lắm chuyện lôi thôi.
Miên man mãi về quá khứ và gia phả, tôi quên béng không nói gì về cái tính ngang và lý sự cùn của mình. Xin nói lại, tôi rất hãnh diện, cũng như thầy tôi, và như ông Tú Xương đã hãnh diện về cái ngang của mình. Tôi ngang tàng, tôi “ba càng” nhưng không “ba phải”. Từ bé đến bây giờ, tôi rất ghét thứ người ba phải. Nhớ lại hôm đó, trong giờ Việt Văn khi nói về cái “gàn bát sách” của Tú Xương, thày Tô hỏi cả lớp:
-Gàn bát sách có giống ba phải không?
Trong khi cả lớp ngồi im lặng, tôi giơ tay và nói:
-Thưa thày gàn bát sách là ngang ngang thôi, nó không giống như ba phải ạ. Vì ba phải là cái gì cũng đúng, đúng cũng đúng mà sai cũng đúng, có khi vừa đúng vừa sai cũng đúng.
-Vậy phải đối đãi với người ba phải như thế nào?
-Thưa thày, nếu một thằng bạn con chẳng hạn nó bảo con, mày ăn cắp viên bi của tao, mày phải trả lại tao. Con sẽ trả lời nó, tao không lấy. Thưa thày đó là một phải. Nhưng nếu nói lại bảo con, mày lấy, mày phải trả lại bi cho tao, và con cũng nói với nó là tao đã bảo mày là tao không lấy. Thưa thày đó là hai phải ạ. Và cuối cùng, nó vẫn khăng khăng mà kết tội con ăn cắp viên bi và nói, này phải trả lại bi cho tao, lúc này là ba phải rồi thưa thày, và con sẽ nện nó vù mỏ.
Thế là cả lớp cười rộ lên trong khi thày Tô đứng ngơ ngác như trời trồng chưa biết phải xử trí thế nào với thằng học trò “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò này”. Rồi bọn chúng nói to:
-Thưa thày, nó là Ba Càng nên chúa ghét ba phải đó thày.
Trong đời tôi, tôi nghiệm ra điều này, nếu như ai đó ba phải, uốn mình, tâng bốc, lượn lẹo một chút thì “thăng quan tiến chức.” Nhiều người đã thành công nhờ xử dụng nhuần nhiễn cái tính “ba phải”. Chúng giầu có, nhà cao, cửa rộng, có chức, có quyền, ăn sung, mặc sướng. Nhưng nói chung thì đối với những con người cao thượng, những con người có liêm sỉ, có tư cách, có tự trọng thì ai cũng coi thường và xa lánh bọn này. Và như bọn này có lẽ cũng hiểu được điều ấy nên thường chỉ kheo của, kheo giàu, cậy ta, cậy tớ ăn hiếp những kẻ cô thân, cô thế chứ đối với những người trên chúng, thì chúng quỵ lụy, quì mọp như một lũ ăn mày coi rất đáng khinh bỉ.
Mải miết chuyện tên tuổi, bạn bè nhưng vẫn không quên cái tính ba càng của mình. Tôi nói đây là nói như Cao Bá Quát, như Trần Tế Xương, như Nguyễn Khuyến là chỉ để tự diễu mà thôi. Hy vọng những cái xấu của tôi cũng là bài học tốt cho bọn đàn em và hậu sinh. Mang mình ra mà chê, mà cười thì cũng hơi khó một chút, nhưng nghĩ cho cùng mình cũng gần “thất thập cổ lai hy” rồi để lại cho con cháu, cho đàn em cái gì thì nên để.
Cha ông mình ngày xưa nói: “Trâu chết để da, người chết để tiếng”. Tiếng đây là những điều tốt, nhưng tại sao tôi lại để điều xấu. Thì như vừa nói trên, mình hy sinh để lại cái xấu của mình như một tấm gương cho hậu sinh cũng là một thứ để. Đấy các cụ thấy tôi lại ngụy biện, và ba càng nữa rồi! Đúng là chứng chết không chừa!
Và bây giờ tôi muốn nói về “thằng tôi”. Thú thật, khi còn bé thì không sao, chứ lúc này tuổi đã gần đất xa trời rồi thấy mình mà ngang, bướng, lý sự cùn, và nóng nẩy thì thật khó coi. Biết vậy nhưng chừa vẫn khó. Lắm hôm sau khi ở với bạn bè về thấy mình cư xử, nói năng và có những hành động ngang mà xấu hổ. Tự nhủ với lòng mình, thôi lần sau nên “chín bỏ làm mười”. Anh em nên nhường nhịn cho vui vẻ, ấy vậy mà sao lần sau gặp chuyện lại rở cái thói ba càng ra. Thật là già mà không nên nết.
“Già mà không nên nết”, đây cũng là câu nói của bã xã tôi vẫn thường nói để khuyên tôi. Tôi phải phục cái tính hiền từ và tế nhị của bà ấy. Phần tôi thì không vậy. Biết là buông xả, là cho đi, là bỏ qua, là chậm lại thì tốt, ấy thế mà vẫn không làm được, hay có làm mà kết quả rất ít. Thế mới biết, sửa một tập quán xấu, một tính xấu, tập tành một điều tốt nó mới khó khăn làm sao. Nhưng không khó thì làm sao được gọi là “nhân đức”, và những người mang các nhân đức ấy được gọi là “thánh nhân” hay “thánh hiền”.
Vậy nên tôi cũng tự nhủ, từ nay sẽ cố gắng bớt dần, bớt dần, bớt dần mỗi ngày một tí cái nóng nảy, cái ngang bướng để sống vui vẻ, để hoà đồng với bạn bè, với vợ con, với cháu chắt. Gần đất xa trời mà còn hung hăng con bọ xít thì là điều không phải. Biết đâu sau này nhờ tập luyện mà lại chẳng trở thành một thánh nhân “Ông Thánh Ba Càng”, lúc đó từng đoàn lũ bò lổm ngổm như cua đến bái sư và nhận làm bổn mạng. Mong thay.
Đầu thu Cali.
Ba Càng
Views: 0