Uncategorized

Ông lão, thằng nhỏ sống lâu

Một câu nói của ai đó mà khi nghe đến, nhiều người cũng phải dành cho nó đôi phút suy tư. Câu nói đại khái như thế này: “Ông lão bất quá cũng chỉ là thằng con nít sống lâu!”

 

Một câu nói của ai đó mà khi nghe đến, nhiều người cũng phải dành cho nó đôi phút suy tư. Câu nói đại khái như thế này: “Ông lão bất quá cũng chỉ là thằng con nít sống lâu!”

 

Chẳng biết xuất xứ câu nói này từ đâu và do ai nói đầu tiên, nhưng phần đông những ai đã bước qua tuổi 60 trở lên khi suy nghĩ về nó hầu như đều công nhận một sự thật hiển nhiên là, câu nói ấy lột tả được thực tế của đời người, ít nhất về phương diện thể lý và tâm lý.

 

Có thể một số người không đồng ý với câu nói này. Và cũng có thể có những người chỉ đồng ý một cách nào đó, nhưng sự thật vẫn là khi con người bước qua tuổi 60 thì cũng là lúc họ đang bước vào tuổi hoàng hôn của đời mình. Tuổi xuống núi. Tuổi về hưu. Nguyễn Công Trứ gọi thời gian này là lúc con người cần phải “xuất xử”. Thời điểm mà sự suy yếu về sức khỏe do bệnh tật, do những dồn nén và sức ép của công ăn việc làm, của thời gian đã bắt đầu xuất hiện. Nó từ từ ảnh hưởng và làm giảm thiểu khả năng sinh hoạt, đẩy con người vào cái thế bị động chẳng khác nào một đứa trẻ phải lệ thuộc vào sự săn sóc, lo lắng của cha mẹ ngay trong những nhu cầu cần thiết nhất, đơn giản nhất của cuộc sống như ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, và cả đến việc vệ sinh. Ta có thể thấy cũng như cảm nghiệm được điều này khi thăm một viện dưỡng lão. Hoặc không may điều bất hạnh ấy lại xảy ra cho chính mình khi bị một cơn tai biến mạch máu não khiến phải bán thân bất toại, hay liệt giường, liệt chiếu. Những lúc đó, ta còn tệ hơn một đứa trẻ, vì ít nhất đứa trẻ còn có thể chạy chơi một mình, tự mình xúc cơm mà ăn, cầm được ly nước mà uống, và có thể tự mình đi vào phòng tắm hay phòng vệ sinh mà không cần phải ai giúp đỡ.

 

Còn về tâm lý thì sao? Ca dao Việt Nam có câu rất hay diễn tả mối tương quan già, trẻ xét về mặt tâm lý: “Một già, một trẻ bằng nhau”. Qua đó, ta thấy phản ảnh tâm lý của tuổi trẻ cũng như tuổi già bằng những nét đặc thù như đơn sơ, thành thật, không tham lam, mưu mánh, khiêm tốn và hòa bình.

 

Đơn sơ: Một em bé không sống cầu kỳ, mầu mè hoa lá, không xe xua đỏm ráng. Có sao ăn vậy. Có gì mặc nấy. Ai khen thì vui. Ai chê cũng không buồn. Sống như không sống và không lệ thuộc vào những ràng buộc, những lối sống câu nệ hình thức.

 

Khi về già, con người trẻ ấy cũng sống bằng tâm lý sống tương tự. Cuộc đời trải dài với những thành công và thất bại, với những hạnh phúc và bất hạnh, với những giầu sang và nghèo hèn, với vinh và nhục. Có lẽ vì đã từng trải, từng “lên voi xuống chó” như vậy, nên khi về già đã trở nên thanh thản, đơn giản và có cái nhìn cởi mở hơn.

 

Thành thật: Ca dao tục ngữ Việt Nam đã có câu: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, để diễn tả cái tâm thật thà của một đứa trẻ cũng như một cụ già. Sự thành thật phát xuất từ bản chất của một con trẻ: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của môi trường, của xã hội, và với sức ép của bạn bè, theo tâm lý phát triển, một em bé 7 tuổi có thể có khả năng nói dối một cách chuyên nghiệp.

 

Con người trẻ ấy khi về già nếu có trở thành một người gian dối, lường gạt, và mưu mánh âu cũng là do những tháng năm cuộc đời với những hoàn cảnh éo le, với ảnh hưởng của môi trường và cuộc sống đã thúc đẩy mà tạo nên.

 

Không bon chen, tham lam, chộp giật: Đặc tính đơn sơ và thành thật đã đem đến lối sống công bằng, sòng phẳng của một đứa trẻ. Các em càng trẻ càng phô diễn đức tính này. Nhưng càng lớn và khi bị lôi cuốn vào những ham muốn của bản năng cùng với những đam mê, các em cũng đã trở nên tham lam, tranh dành, mánh mung và cạnh tranh. Những hành động này cũng có thể được coi như hậu quả của việc con người thiếu giáo dục, thiếu sự săn sóc và hướng dẫn từ khi còn thơ trẻ. 

 

Người già cả, khi trở về với thực tế của cuộc sống đã chứng tỏ được là họ cũng có cùng tâm lý sống “buông thả” như khi còn là một em nhỏ. Quan niệm “sắc sắc không không của Phật Giáo, và cái nhìn “phù vân nối tiếp phù vân, của đời hết thảy chỉ là phù vân” của Kitô Giáo đã đem lại cho người cao niên một cái nhìn không tham lam, không chộp giật. Cũng có thể vì ở tuổi ấy họ chẳng còn khả năng tranh giành, hoặc cũng có thể tư tưởng thong dong tự tại này đến từ ý nghĩ cho rằng có bon chen, tham lam thì mình cũng chẳng ăn được hay hưởng được gì vì đã già.

 

Khiêm nhường: Đối với người cao niên khiêm tốn đến từ cảm nhận rằng mình chẳng là gì cả. Và sự hiểu biết, tài trí của mình cũng chẳng bằng ai: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị!” Nhưng sự khiêm tốn của một đứa trẻ, ngược lại, đến từ cái không biết hay không có gì để nói tới. Một đàng không có gì để kiêu căng, tự phụ, một đàng thấy sự biết của mình chẳng là gì đáng để mà kiêu căng tự phụ.

 

       
Tóm lại, khi đến tuổi già, khi sức khỏe không cho phép ta làm chủ được cuộc sống thể lý của mình, ta sẽ thấy cuộc đời dừng lại. Khi sức khỏe bị đe dọa, lúc đó con người chỉ còn muốn xuôi tay, và chẳng còn thiết tha gì với những thứ mà khi còn trẻ trung vẫn thường đua đòi, tìm kiếm như quyền lực, sắc đẹp, tiền bạc, và ngay cả bằng cấp. Những lúc như vậy, người ta chỉ khao khát một điều tối thiểu là làm sao có thể tự mình đi đứng được, ăn một bát cơm mà thấy ngon miệng, uống một ly trà mà cảm nhận được cái hương vị và sự thích thú của nó. 

 

Nhưng nếu thể lý và tâm lý của ta có giới hạn hay bắt buộc phải giống như một trẻ nhỏ, thì thời gian từ một đứa trẻ dẫn đến một ông già là cái mà ta cần phải suy nghĩ. Cần một hướng đi của cuộc đời. Không phải chỉ một ngày, một tháng hay một năm, mà là 60, 70, 80 năm hay hơn nữa, một khoảng thời gian trong đó biến đổi một đứa bé khác với một ông già.

 

Mặc dù con người ấy vẫn có cùng một nguồn gốc, cá tính, và tâm linh ấy, nhưng thời gian đã biến đổi để trở thành tốt hơn, hoặc ngược lại, ra tồi tệ hơn. Trước những thay đổi ấy, người đời thường nói, đại khái: “Thằng đó còn bé cũng tầm thường vậy, nhưng bây giờ thì khác xa nhiều, tư cách trưởng thành, ăn nói đàng hoàng, lịch lãm, và học thức.” Hoặc: “Thằng đó ngày xưa coi dễ thương mà bây giờ lớn lên trở thành một thằng khốn nạn, lừa bịp, mánh mung, và xảo trá!” Đó là vì cái khoảng cách của thời gian. Cái khoảng cách từ một thằng nhỏ đến một ông già đã được sử dụng đúng mức hay đã không được sử dụng hoặc sử dụng sai lầm!

 

Triết lý già trẻ này đưa đến một kết luận cần thiết cho việc nhận định và giáo dục con cái. Nhiều phụ huynh không hề quan tâm, lo lắng cho con em mình khi chúng còn trẻ. Đợi đến khi chúng bước vào tuổi dậy thì, hoặc bước vào con đường sa đọa lúc đó mới than trời, trách đất. Và nó cũng là một nhắc nhở cho chính những người đang bước vào tuổi già để sống sao cho người đời, cho con cháu hãnh diện và kính nể. Hiện tượng “trâu già gặm cỏ non” tưởng đã không còn nữa, nhưng vẫn được nhiều người ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thòm thèm và bàn tán. Trường hợp này là từ một thằng nhỏ đến một lão già dịch. Cũng có thể kết luận là con đường đã qua của những người này đã không có những cố gắng và chuẩn bị cẩn thận. 
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.