Uncategorized

Ơn Cứu Độ chính là lúc này đây

Ngày xưa còn nhỏ – thời thập niện 50 – Chúng ta thường đọc rang rang: Chúa Giêsu xuống thế làm người,  chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá để chuộc tội cho cả và thiên hạ – có nghĩa là Chúa ban ơn Cứu độ cho nhân loại để đời sau được hưởng mặt Chúa vui vẻ trên thiên đàng đời đời chẳng cùng Amen.

 

Ngày xưa còn nhỏ – thời thập niện 50 – Chúng ta thường đọc rang rang: Chúa Giêsu xuống thế làm người,  chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá để chuộc tội cho cả và thiên hạ – có nghĩa là Chúa ban ơn Cứu độ cho nhân loại để đời sau được hưởng mặt Chúa vui vẻ trên thiên đàng đời đời chẳng cùng Amen.

 

Giờ đây, nhân dịp lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên dành một chút thời gian để nhìn lại Ơn cứu độ của chính cuộc đời của mình. Một trong những đề tài nghe rất nhàm tai nhưng nếu nghiên cứu thật kỹ thì lại rất mới lạ và đầy hấp dẫn

 

I. Rất nhàm tai: ƠN CỨU ĐỘ Theo lối nhìn nhân loại.

 

Chúng ta đã từng nghe Giáo hội dạy rằng:

Muốn được ơn cứu rỗi hay thừa hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thì đòi hỏi phải có 2 điều kiện tối  cần thiết như sau:

 

Được tái sinh vào sự sống mới qua phép Rửa ( xem Jn 3:5)

 

Tin Chúa Kitô và thực hành giáo lý của Chúa đã được loan báo qua Tin Mừng (Mk 16:16).

 

Nghĩa là mến Chúa và yêu người như Chúa Giêsu đã dạy, cũng như từ bỏ mọi tội lỗi thì mới được ơn  cứu độ.

 

Đặc biệt, Thánh Lễ hay Hy Tế đền tội và tạ ơn (Eucharist) là phương tiện cao trọng nhất để áp dụng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu cho nhân loại cho đến thời gian cuối cùng, để ban ơn cứu độ cho những ai muốn lãnh nhận.

 

Khi chúng ta tham dự với lòng tin và ước muốn nhận lãnh ơn cứu chuộc thì sẽ nhận được đầy đủ và hữu hiệu như Chúa Giêsu đã ban cho những ai tin và thành tâm muốn lãnh nhận lần đầu tiên khi Người tế lễ Đức Chúa Cha trên Thánh giá năm xưa. (xem Hiến Chế Lumen Gentium, số 3).

 

Có lẽ đây là một quan niệm rất bài bản và truyền thống và rất thích hợp cho những ai muốn hy vọng hưởng ơn cứu độ.

 

Cụ thể là hy vọng đời sau được hưởng mặt Chúa trên thiên đàng – Hy vọng thôi nhé! Vấn đề hy vọng nhiều hay ít còn tuỳ thuộc mỗi cá nhân sống trên đời này ra sao.

 

Xin nhắc lại một lần nữa: Đời Sau, chứ không phải ngay tại đời này.

 

Nhưng ….

 

Nhưng … khi thực hành mới thấy chẳng dễ dàng chút nào. Có thể nói còn khó hơn mò kim đày biển.

 

Chúng ta, những người Kitô hữu, đã từng chịu phép rửa nhưng rõ ràng hầu hết chúng ta chưa thấy mình được tái sinh vào sự sống mới. Vẫn tiếp tục lê lết trong lối sống cũ – trong cơn ngủ mê dài, trong bóng tối sự chết. Ơn cứu độ vẫn còn xa xôi mịt mùng.

 

Còn việc thực hành giáo lý của Chúa nghĩa là mến Chúa và yêu người còn khó hơn bay lên trời dù là bay với cách chim đại bàng.

 

Mến Chúa hay yêu Chúa rất khó vì tôi tội lỗi cần phải nhờ Chúa cứu độ thì lập tức mối tương quan giữa Chúa và tôi trở nên nghìn trùng xa cách. Tôi chỉ có thể tôn thờ Chúa trong niềm kính sợ chứ không thể yêu thương thoải mái được.

 

Yêu người còn khó hơn nhiều vì ngay vợ chồng đầu ấp tay gối mà còn đụng chạm; anh em làm việc với nhau mà còn gây tổn thương cho nhau, huống gì đôi khi phải đối mặt thường xuyên với những người khó ưa, khó tính làm sao mà yêu cho nổi.

 

Việc yêu thương người như mình ta vậy Amen, đọc thuộc lòng như cháo mỗi ngày Chúa nhật, nhưng khi thực hiện quả là chua hơn dấm, không dễ chút nào cả.

 

Ngoài ra, nhiều khi mang tiếng là yêu người mà lại hoá ra yêu cái danh thơm tiếng tốt tiếng của cái tôi. Tôi ra sức làm việc tông đồ – bác ái càng nhiều càng tốt lúc đầu là vì đức ái Kitô giáo nhưng dần dần người ta âm thầm hoặc công khai khen ngợi tôi. Từ đó trở đi, tôi vẫn tiếp tục làm việc tông đồ – bác ái nhưng động lực đã từ từ chuyển biến sang bảo tồn danh dự cá nhân. Tôi càng lớn lên, còn Ngài càng nhỏ đi.

 

Còn chuyện từ bỏ tội lỗi quả là một chuyện dài nhiều tập kéo dài suốt cuộc đời. Vì vẫn tiếp tục trong lối sống cũ, nên chuyện từ bỏ mọi tội lỗi trở thành không tưởng.

 

Mới xưng tội xong, chỉ một tuần sau, thậm chí mới vài ngày sau lại đã tái phạm.

 

Con người bị sinh ra trong tội lỗi mà! Con người phàm hèn mà! Quyết tâm rất mạnh mẽ, nhưng lại sa ngã rất dễ dàng bởi vì cứ lấy sức mạnh ý chí của con người xác thịt vốn rất đỗi yếu đuối. thế thì mong gì nhận được Ơn cứu độ.

 

Cuối cùng, ta vẫn biết rằng Thánh Lễ hay Hy Tế đền tội và tạ ơn (Eucharist) là phương tiện cao trọng nhất để áp dụng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu cho nhân loại .

 

Nhưng kỳ lạ thay ta đã tham dự hàng ngàn thánh lễ, rước lễ cũng hàng ngàn lần. Lẽ ra ta phải gần Chúa hơn, trái lại càng lớn ta lại càng cảm thấy xa Chúa.

 

Tôi quả thực không hiểu Thánh lễ đã áp dụng ơn cứu chuộc như thế nào mà hơn 6000 lần tham dự thánh lễ, ơn cứu chuộc vẫn mịt mù xa xôi !!

 

Còn lời dạy Khi chúng ta tham dự với lòng tin và ước muốn nhận lãnh ơn cứu chuộc thì sẽ nhận được đầy đủ và hữu hiệu.

 

Thú thật tôi không tài nào cảm nhận được điều này.

 

Chúng ta ai lại chẳng tin Chúa ngự qua hình bánh ?! nhưng chuyện sẽ lãnh nhận được đầy đủ và hữu hiệu ơn cứu chuộc thì sao vẫn mơ hồ mông lung.

 

Có một hôm, chúng tôi đã nêu thắc mắc với một linh mục:

 

Chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ vào lúc nào?
Có phải ngay sau khi rước Chúa chăng?
Phải rước lễ bao nhiêu lần mới được lãnh nhận?
Hay là đợi đến khi chết đi, chúng ta mới được truy lãnh đầy đủ và hữu hiệu ơn cứu độ cùng một lúc cho tiện?

 

Vị linh mục đó trả lời:

 

Hiện nay chúng ta hãy cố gắng, cố gắng và chỉ còn biết hy vọng, hy vọng vào ơn cứu độ sẽ được Chúa ban sau khi chúng ta chết mà thôi!!! Không ai có thể vỗ ngực tuyên bố là mình đã được cứu độ ngay ở đời này!!!

 

Như vậy lý thuyết đã vẽ ra cả một tương lai rực sáng…. nhưng thực tế lại là một khu rừng âm u mờ tối dường như khó tìm ra lối thoát. Bởi lẽ theo ánh mắt nhân loại, chúng ta chỉ có thể cố gắng và cố gắng giữ những điều đã được dạy, rồi hy vọng và hy vọng…. ơn cứu độ đời sau mà thôi.

 

Xem tới đây, một số độc giả sẽ nêu ra một vấn nạn có vẻ hóc búa dựa vào tâm sự của thánh Phaolô:

 

Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7:19).

Và  Phaolô đã thét lên gần như tuyệt vọng: Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7:24).

 

Ngày xưa, chúng tôi cũng đã từng dựa vào lời này như một cánh phao cứu hộ để biện minh cho sự yếu đuối, vấp ngã của mình. Và lấy đó làm bình phong để an tâm ngủ yên trong con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. (Ep 4:22).

Chính tư tưởng này như viên thuốc độc tai hại đã tiêu diệt ý chí phấn đấu muốn vươn lên thoát khỏi ách nô lệ của bóng tối. Nhưng có một điều đáng tiếc là chúng tôi lại không chịu đọc ngay câu tiếp theo: Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! (Rm 7:25).

 

và đặc biệt là 2 câu đầu của chương 8 
Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su,
thì không còn bị lên án nữa.
Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su,
đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. (Rm 8:1-2).

 

Việc giải thoát khỏi luật của sự tội và sự chết – hình ảnh hoả ngục – chính là chìa khóa mở ra ơn cứu độ theo ánh mắt tâm linh.

 

II.Rất mới lạ và đầy hấp dẫn: ƠN CỨU ĐỘ Theo ánh mắt tâm linh.

 

Mang lối nhìn nhân loại, có người đã phải lần mò trong đêm tối hàng mấy chục năm. Làm sao tìm được ánh sáng cứu độ bây giờ ??

 

Có lẽ chúng ta thử thay đổi quan niệm xem sao.

 

Theo ánh mắt tâm linh: Ơn cứu độ mang lại cho ta sự sống đời đời. Điều kiện nghe cũng có vẻ đơn giản hơn:

Thật, tôi bảo thật các ông:
Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi,
thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử,
nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.
Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây – 
giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa;
ai nghe thì sẽ được sống.
Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào,
thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy (Ga 5:24-26)

 

Điều kiện: Lắng nghe Lời Chúa bằng cách cá nhân hoá và nội tâm hoá.

 

Ai nghe lời tôi (Đức Giêsu). Lời Đức Giêsu theo nghĩa hẹp là những lời được ghi chép trong Tin Mừng. Hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ Tân Cựu Ước. Nói cách khác đó là Lời Chúa. Lời Chúa trong Kinh Thánh thì mênh mông và có nhiều cách nghe như dụ ngôn Người Gieo Giống. Một trong những cách nghe sinh hoa kết quả đó là cá nhân hoá và nội tâm hoá.

 

Chúng ta đọc từ từ và dừng lại thật lâu lời nào khiến mình tâm đắc.

 

Tất nhiên là mỗi người sẽ tâm đắc và nếm cảm những Lời Chúa khác nhau. Nhưng chắc chắn một khi Lời Chúa thấm dần vào tâm hồn thì tất cả đều có thể đồng cảm với nhau một các dễ dàng vì lý do sau đây:

 

Trước kia, họ là những kẻ chết.

Kẻ chết ở đây biểu tượng cho tình trạng sống đạo theo thói quen, ai sao tôi vậy, họ sống mà như ngủ mê, vật vờ trong bóng tối sự chết.

 

Nay nhờ Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống đã giúp họ từ từ thức dậy sau bao ngày ngủ mê, giúp họ trỗi dậy từ cõi chết.

 

Lúc đó họ cảm nhận rất rõ Chúa đã chiếu ngời ánh vinh quang sự sống, tình yêu, sức mạnh của Chúa, không những trên đầu mà cả toàn thân – tâm của họ nữa. Và họ cũng vui mừng thấy mình quả thực đã từ cõi chết bước vào cõi sống.

 

Kể từ đây họ sống không còn là họ sống thuần túy sự sống của thân xác mà họ bắt đầu sống từ nguồn sống của Thần Khí Thiên Chúa đang tuôn trào trong tâm hồn lẫn thân xác của họ.

 

Nói tới cái chết, chúng ta thường nghĩ ngay cảnh nhắm mắt xuôi tay, yên nghỉ trong mộ, về cõi vĩnh hằng. Thực ra, theo ánh mắt tâm linh thì cái chết được hiểu trong tình trạng sống theo con người cũ, con người xác thịt, tất cả quy về mình.

 

Đây chính là tình trạng chết về phần tâm linh.

 

Thánh Phaolô đã chia sẻ:
Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết;
nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.(Rm 8:13).

 

Thêm vào đó, Ngài còn khuyên nhủ:
Anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về,
anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa,
và dùng chi thể của anh em như khí cụ
để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.(Rm 6:13).

 

Sống, chết ở đây chắc chắn phải hiểu theo ý nghĩa hoàn toàn tâm linh chứ không thể hiểu theo nghĩa xác thịt.

 

Rất có thể ta khỏe mạnh như một võ sĩ, nhưng theo ánh mắt tâm linh: ta lại như một tử thi biết đi.

 

Một vấn đề khá thú vị: đó là lúc nào thì ta biết được chắc chắn rằng ta là những người sống từ cõi chết trở về.

 

Chính Đức Giêsu đã trả lời: Giờ đã đến – và chính là lúc này đây.(Ga 5:25)

 

Chúng ta hiểu như thế nào?

 

Sau một thời gian thấm nhập Lời Chúa và thực tập sống theo những gì mình khám phá thì bỗng nhiên một ngày nào đó, quan niệm của ta hoàn toàn thay đổi, cái nhìn của ta cũng trở nên sâu thẳm hơn.

 

Thấy người ta đi lại, tranh giành.. mà ta tưởng như họ đang diễn tuồng. Thật đó, mà cũng giả đó.
Rõ ràng nhất là trước kia tôi chỉ thấy tôi ăn-uống-ngủ-nghỉ, vui-buồn-sướng-khổ,

 

Nay tôi đã dần dần nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa ngay trong cuộc đời thường ngày của mình.

 

Cho tới một hôm tôi cảm nghiệm thật mãnh liệt với một niềm xác tin sâu xa với tình trạng tình thức sáng ngời.

 

Đó chính là lúc tôi từ cõi chết bước vào cõi sống. 

 

Hay nói cách khác chính lúc đó tôi ý thức mình đã được cứu độ. 

 

Cái giây phút mà mỗi người Gặp gỡ Chúa ngay trong lòng mình không xảy ra cùng một lúc – kẻ trước người sau, nhưng chắc chắn nó xảy ra ngay tại đây, giữa chốn hồng trần đầy vinh hoa phù phiếm với những lời mời gọi cực kỳ quyến rũ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

 

Một khi đã từ cõi chết trở về, họ mới cảm nghiệm được tất cả hương vị sảng khoái của lời khẳng định của thánh Phaolô:

Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su,
thì không còn bị lên án nữa.
Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su,
đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết.(Rm 8:1-2).
Thánh Phêrô cũng đã hoan hỉ chia sẻ: 
Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối,
vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2:9)

 

Việc giải thoát khỏi luật của sự tội và sự chết để bay vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền là một minh chứng hùng hồn của ơn cứu rỗi.

 

Và Ơn cứu độ lúc này mang đặc tính quả là mới lạ và đầy hấp dẫn.

 

Nỗi sợ hãi ngày xưa đã tan biến nhường cho niềm hoan lạc và bình an trong Thần Khí Thiên Chúa.

 

Xin lưu ý quý vị 2 điều:

 

Điều thứ nhất: Nói như vậy thì ta gạt bỏ Thánh Lễ và Bí Tích sao?

 

Xin thưa rằng: Không, Không đời nào!

 

Vì từ khi cá nhân hoá lời Chúa, thì ta bắt đầu nhìn theo ánh mắt tâm linh. Tâm hồn ta thanh thoát vì đã được giải thoát vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. 

 

Từ đó, ta vui hưởng Bí tích một cách hân hoan, một cách ý thức và một cách chủ động;  chứ không phải chịu phép Bí Tích một cách vô ý thức hay làm cho xong một bổn phận kẻo phải mang tội.

 

Cụ thể là trong Thánh Lễ ta chăm chú nghe lời Chúa và bài giảng của chủ tế. Lòng ta ấm lên khi Lời Chúa thấm một chút vào tâm hồn.

 

Ta tích cực đối đáp và cùng hát với cộng đoàn: 

 

Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng, nhưng cũng cầu nguyện với trí khôn nữa.
Tôi sẽ ca hát với tấm lòng, nhưng cũng ca hát với trí khôn nữa ( 1Cr 14:15) 

 

Rồi trong phần hiệp lễ, ta vui vẻ mời gọi Chúa vào lòng mình để xác tín và sống trong tình yêu Chúa mạnh mẽ hơn, chứ không chỉ lên rước lễ như một tên ROBOT ngày xưa…

 

Điều thứ hai: Còn một điều dễ gây hiểu lầm: không phải là hiện nay, sau khi từ cõi chết bước vào cõi sống là ta lập tức trở thành thánh sống. Ta luôn sống như Chúa sống. Ta coi thế gian như rác.

 

Hoàn toàn không phải như vậy.

 

Thời gian đầu, ta thực tập sống kết hiệp với Chúa quả là cam go và chua chát như cảm nghiệm của cô con dâu cứng đầu “Lang Thang Chiều Tím” trong Maranatha số 36.

 

Chỉ vì tiếng nói xác thịt của con người cũ suốt mấy chục năm qua luôn luôn muốn giành quyền làm vua, làm chủ, luôn tìm cách khẳng định con người mình.

 

Do đó, mới đầu, mỗi ngày ta nhớ Chúa và tập sống với Chúa giỏi lắm chừng 10 phút là cùng. Nhưng như vậy còn hơn trước kia ta chẳng nhớ Chúa được 5 giây.

 

Rồi tháng năm trôi qua, thời gian ta sống với Chúa tăng lên và tình thân của ta với Chúa cũng nồng thắm hơn một cách tự nhiên và vững mạnh.

 

Tóm lại, Ơn Cứu độ quả là một đề tài thú vị và hấp dẫn. Vấn đề  còn lại là mỗi người trong chúng ta lên kế hoạch thực hiện cho riêng mình để chúng ta có thể vui hưởng ơn cứu độ ngay ở đời này.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.