Uncategorized

Nụ hồng hé nở đêm qua: Cảm nghiệm sau khóa 3 Nazareth

Mình đã có gia đình và 3 babies thật kháu khỉnh, dễ thương, thì đâu cần quan tâm đến khóa học, cái gọi là gia đình Nazareth gì gì đó?… Nhưng thiết nghĩ, mình đến đó là có thêm những kiến thức rất cần thiết và hữu ích cho những ai muốn có 1 cuộc hôn nhân bền vững.

Mình đã có gia đình và 3 babies thật kháu khỉnh, dễ thương, thì đâu cần quan tâm đến khóa học, cái gọi là gia đình Nazareth gì gì đó?… Nhưng thiết nghĩ, mình đến đó là có thêm những kiến thức rất cần thiết và hữu ích cho những ai muốn có 1 cuộc hôn nhân bền vững. Nghe nói nhiều về lớp học này, có người bảo: “học xong khóa này về, là sẽ yêu người vợ, người chồng mình hơn….” Và trên hết là học cách “biết yêu thương, tha thứ cho người quanh mình”.

 

Đối với mình, chưa bao giờ mình tin trên đời này có cái thứ xa xỉ, gọi là tình yêu bất diệt, có chăng chỉ có trong phim ảnh mà thôi. Cuộc đời có lên có xuống, thì đời sống hôn nhân cũng có lúc thăng, lúc trầm…..Đó cũng là điều dễ hiểu mà thôi.

 

Cuộc sống hôn nhân chưa bao giờ là đơn giản, nhìn xung quanh mình, từ bố mẹ, ông bà, các dì, các cậu, các bác, những người hàng xóm … tất cả họ đều đang sống trong hôn nhân, gia đình này thì hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười, gia đình khác thì mệt mỏi, vợ chồng cả ngày không nói với nhau câu nào, gia đình nọ thì một tuần chồng đập phá đồ đạc, nhiều khi còn la mắng vợ con, gia đình thì cô vợ, anh chồng suốt ngày cứ đi than phiền với hàng xóm, bạn bè, chê bai về người chồng , ng ười vợ mình không hiểu mình…

 

Có gia đình vì cơm áo gạo tiền đưa nhau ra tòa, kết thúc một mối quan hệ, còn có gia đình cô vợ bỏ về nhà ba mẹ ruột ở luôn… Nhưng cũng nhiều khi, có gia đình khác thì cứ mỗi cuối tuần là dắt nhau đi chơi …. Tại sao các gia đình đều bắt nguồn có nền tảng từ 1 cuộc hôn nhân lại khác nhau đến vậy???…..

 

Người lập gia đình xong, vỡ mộng ê chề, ôi sao cuộc đời không như là giấc mơ vậy? Sao không lãng mạng, sao không còn nồng cháy như ngày đầu… Rồi cắn lưỡi mà rằng: “đám cưới màu hồng của mình đâu? Sao chỉ toàn màu đen thế này”…

 

Vậy mà khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân ai nấy đều một lần mơ tưởng cuộc sống phía trước toàn hương, toàn hoa…..niềm hạnh phúc, vui vẻ bên vợ, bên chồng. Chắc hẳn sẽ rạng rỡ, thăng hoa lắm! Sau đó thì sao? Đằng sau nụ cười hạnh phúc đó là gì? Nụ cười sẽ ở mãi đến khi mình lìa đời không, sẽ luôn có nhau trọn đời….?.

 

Nói vậy chứ không phải vơ đũa cả nắm, nói gia đình nào cũng có vấn đề, nhiều khi nghĩ suy có vẻ hơi xa vời, nhưng thật sự, để giữ trọn hôn nhân, để hạnh phúc được mãi, cũng là cả một nghệ thuật.

 

Thôi thì cứ nghĩ đến cái lòng mà người mình gọi bằng “Mợ” khuyên nhủ. Mợ nói: Đi đi, hai vợ chồng cứ tham dự khóa này. Có nhiều kiến thức hay lắm. Mợ đã ghi danh, đóng tiền đầy đủ rồi, có hotel, chổ ăn uống ngon lành, giống như đi du lịch vậy.

 

Mình còn nói: Trời ơi!Nghe đồn khóa này, toàn là mấy cụ lớn tuổi không à! Đã vậy có người còn bảo: “chỉ có gia đình nào lục đục …..cần tháo gỡ mới đi đến đây cầu cứu….”

 

Thật ra mình đã được mời mọc tham dự từ hơn một năm trước rồi, nhưng nghĩ: “Hôn nhân mình ổn mà…” Nhưng đến giờ phút chót mình nói nhận lời tham dự, rồi đến trước ngày đi, mình gọi cho Mợ:

 

– Thôi con không đi đâu, kì lắm lắm, gặp toàn người lạ….và con cũng hiểu biết nhiều rồi.

 

Mợ giận và nói:

 

– Mấy đứa cứ đi xong, rồi muốn ra cơm, ra cháo gì thì tùy.

 

Lúc bấy giờ mình vẫn cương quyết nói không. Mợ nói thêm :

 

– Vậy mai mốt Mợ không quan tâm nữa.

 

Mình đã thấy rõ được cái lòng nhiệt tâm của người Mợ này, đơn giản vì Mợ muốn hai vợ chồng mình có cơ hội đi chơi, không có con cái đi cùng, để ôn lại cái ngày đầu đó mà….. Mình không phủ nhận mình rất phân vân về lớp học này, nếu ai đó đánh mất hạnh phúc thì sau khóa học, sẽ tìm đưọc hạnh phúc trở lại, hay ai đang hạnh phúc, sẽ hạnh phúc hơn. Mình thấy mơ hồ lắm.

 

Bởi 2 cách nhìn, nếu đang hạnh phúc, thì dĩ nhiên được vui vẻ rồi. Đâu cần phải học cách thăng hoa nữa làm gì? Và ngược lại, nếu hôn nhân trong thời gian dài chung sống, mà còn không thể hâm nóng, hàn gắn, mà chỉ có vài ba ngày sẽ làm quan hệ tươi đẹp. Quá vô lý, mà cũng chính cái vô lý này, đã dần thuyết phục mình tò mò, và muốn đi cho bằng được, coi thử sẽ học đuợc gì ở đây. Và coi đây như là tuần trăng mật vậy.

 

Cùng là học viên một lớp, mà mình phải trả học phí đắt hơn những người bạn cùng khóa. Một chuyến đi có 300 đô la, nhưng mình phải trả hơn 2000 đồng, mình phải nhờ Ông ngọai từ Việt Nam sang đây giữ 3 babies, thì mới đi được.Theo chương trình thì cuối tháng 8, ông cụ ở Việt Nam đưa bà cụ qua cùng, thế là chương trình thay đổi, ông cụ phải trở lại Mỹ từ đầu tháng, và đến cuối tháng lại phải bay về.

 

Nhưng dù sao, tham gia vào lớp học này mới thấy hết giá trị của bài giảng của quí Cha, ban giảng huấn, các anh chị tình nguyện viên, quá hay, quá sâu sắc, quá thực tế….Với một luợng kiến thức thu về sau chuyến đi này, mình tự nhận thấy quá rẻ so với số tiền mình đã bỏ ra.

 

Khi đến nơi hẹn, mọi thứ được ban tổ chức sắp xếp khá chu đáo. Từ cổng vào đã có người đưa đón, mang đồ dùng vào hotel, giữ hộ xe cho mình….Chỉ còn hai vợ chồng tay trong tay vào lớp. Trời cũng đã gần chiều, cái bụng đánh trống tùng tùng, vừa xuống cầu thang là ngửi được mùi vị thơm lừng của món ăn. Các anh chị đầu bếp ở đây đều là thiện nguyện viên của những khóa trước, không khí ở đây giống như gặp lại bạn bè thân hữu từ xa. Mọi người hàn thuyên, tâm sự như đã thân quen từ lâu.

 

Đâu có chuyện ở đây tòan là các cụ, người trẻ có, người thành đạt, cho tới các vị bác sỹ, họa sỹ, ca sỹ, diễn viên, bác phó ống nhòm….Đủ mọi thành phần tham dự khóa, tất cả mọi người thật gần gũi và thân thiện.

 

Những ngày học tiếp theo là vấn đề hôn nhân, sự khác biệt giữa vợ và chồng, quan hệ gia đình hai bên, chuyện con cái, và cách nhìn khách quan cho người thân quanh mình…

Cùng song hành với bài vở, là những vở kịch giữa đời thường, mà ban giảng huấn là những diễn viên bất đắc dĩ. Qua những vở bi, hài kịch, từ đó để mỗi học viên thấy được hình ảnh của mình trong đó.

 

Rồi đến việc kết hợp giữa đạo và đời, tất cả cùng nhau qùy xuống bên dòng suối Thánh Thể, cùng đồng hành với Chúa, cùng cầu nguyện, cùng dâng mọi nỗi niềm khó nói từ trong đáy lòng…Và cùng nhau xoa dịu những lỗi lầm trong nhau.

 

Giây phút ấy thật linh thiêng, mong sao sau khóa học này mỗi người trong chúng ta luôn là chứng nhân giữa đời, mai ngày trở nên viên gạch chắc, xây nên toà nhà hạnh phúc của một gia đình Kytô giáo giữa trần thế hôm nay.

 

Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm riết lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt người biết thứ tha gỉam triệu chứng stress ít hơn. Khi lỡ lầm lỗi đừng chờ đợi câu xin lỗi. Hầu hết mấy cô thường câu nệ rằng, mình sẽ không tha thứ chừng nào anh ấy chưa nói lời xin lỗi. Như thế, tức là mình để cho sự bình yên của mình nằm trong tay người khác. Thông cảm với người phạm lỗi. Đặt mình vào vị trí người có lỗi, có phải mình sẽ thật sự nhẹ nhõm khi mình được người thân yêu tha thứ?

 

Mình thử giơ cao một cục gạch và thả xuống khi mình sẵn sàng tha thứ, có phải, nhẹ nhàng hơn nhiều khi cứ khư khư ôm một tảng đá trên người?. Hoặc thắp một ngọn nến và hình dung nỗi giận cũng tan theo dòng sáp….Nhớ rằng mấy cô tha thứ chưa phải là đã lãng quên.

 

Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Bằng cách này hay cách khác cùng vượt qua sự hận thù sẽ làm mình thảnh thơi. Những ai tha thứ sẽ cảm thấy nỗi đau không còn nặng nề như trước. Tha thứ cho người khác cũng chính là tha thứ cho chính mình.Vậy làm sao để duy trì một mối quan hệ lâu dài, qua bài giảng đầy ý nghĩa, nghệ thuật sống trong gia đình quá khó, nếu không muốn gọi là phức tạp.

 

Hầu hết các cặp kết hôn xong, đều trải qua giai đọan đầu viên mãn, hạnh phúc. Theo thời gian, các cuộc hôn nhân cũng tiến triển dần, ảnh hưởng ít nhiều của hòan cảnh sống như sinh con, thăng tiến nghề nghiệp, nghỉ hưu, già đi… Cuộc hôn nhân theo thời gian có thêm nhiều thử thách, đe dọa, làm xói mòn mối quan hệ đã từng một thời say đắm.

 

Vì vậy yêu nhau không chỉ đơn giản cưới nhau và sống hạnh phúc trọn đời. Đâu phải cuộc sống về sau, chỉ có hai người, mà còn con cái, gia đình hai bên…bạn bè, người thân, xã hội…..Học cách hi sinh , để yêu nhau hơn. Nói dễ, làm mới thấy khó. Khó lắm. Nếu hiểu vấn đề thì dễ tha thứ cho nhau hơn.

 

Bài gỉảng cô chú Nhi-Nhuệ quá thuyết phục. Mở đầu cuộc sống hôn nhân bằng một giai đoạn hạnh phúc lãng mạn. Trong thời kỳ ngây ngất này, thường kéo dài trong khoảng vài năm đầu, những người mới cưới luôn nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Cuộc đời thật hoàn hảo. Tình yêu bất diệt. Người bạn đời của mình thật hoàn thiện. Toàn thấy ưu điểm,và không một vết khuyết nào. Thế là tìm lấy nhau, để tìm kiếm thêm sự mật thiết gắn bó từ hai ngýời xa lạ.

Khi được cùng nhau, là một thời kỳ thất vọng về nhau được mở ra. Người trong cuộc nhận ra cách ăn ở, cư xử của người kia đang làm mình khó chịu hoặc thậm chí bị tổn thương… Khỏang thời gian này nguy hiểm nhất trong hôn nhân. Mình thấy rất nhiều cuộc hôn nhân đã không qua được lúc này, và chấm dứt bằng một rạn nứt. Ly Hôn! Tại sao? Phải chăng do không biết cách chia sẻ cho nhau những cảm xúc tiêu cực của mình một cách hiệu quả? Không biết cách đối thoại, thuyết phục và giải quyết vấn đề? Và hoàn toàn không biết về nghệ thuật thương lượng và thỏa hiệp chăng!

Chính vì đã không thể làm gì hơn, ngoài việc nhận ra các khuyết điểm của nhau và trách móc lẫn nhau. Nếu vượt qua được giai đoạn này, tin chắc sẽ bước tiếp một bước kế tốt đẹp hõn. Còn không thì nỗi đau đớn dày vò vì bị xúc phạm và tổn thương mà người trong cuộc gánh chịu trong thời kỳ dữ dội này, có thể khiến nhiều cặp phải chia tay nhau. Thay vì thụ động chờ sự ngọt ngào của anh, của em, thì bây giờ mình thử chủ động tạo ra điều đó. Thay vì muốn nhận, thì mình hãy học cách cho đi.

 

Tại sao hiểu được như vậy người ta vẫn đưa nhau ra tòa li dị? Có phải những người trong cuộc lâm vào tình trạng vỡ mộng về tình yêu sau khi kết hôn. Hôn nhân không giống những gì mà họ hình dung ra và thế là họ thất vọng. Thách thức thật sự mà mọi cặp vợ chồng đều phải đương đầu không phải nhận ra điều mình mong đợi, mà cần có thái độ đúng đắn.

 

Đó là điều chỉnh và chấp nhận thực tế, tận tụy hơn,và phụ thuộc vì nhau nhiều nữa, bởi kỳ thực, người mà mình kết hôn sẽ không và có thể không bao giờ đáp ứng được mọi điều mình chờ mong. Đôi khi cần những khỏang lặng, cùng nhau suy ngẫm lại những chặng đường hai vợ chồng đã cùng nhau đi qua, có thăng trầm, có đau đớn, có nhiều tổn thương. Nhưng chắc hẳn suy xét, thông tường mọi vấn đề thì cuộc cuộc hành trình vừa qua, sẽ mở hướng về thời kỳ hạnh phúc phía trước không còn xa.

 

Ngoài ra qúi cha, Tiến sỹ Duyệt, thầy phó tế, anh chị, Mừng-Lan, Sơn-Phuợng, Hòa-Thi, còn đưa ra nhiều bằng chứng, nhân vật cụ thể để giúp mỗi người trong lớp học luôn có Chúa soi sáng, song hành với mình….và nhiều lời khuyên cho mối quan hệ gia đình, con cái…

 

Có phải Nhan sắc? Tiền bạc? Tình yêu? Tình dục? là nền tảng của một cuộc hôn nhân trường tồn?

 

Thực ra, đó là khả năng xây dựng mối quan hệ vợ chồng. Tốt hơn hết, các cặp vợ chồng cần phải biết làm thế nào để chế ngự những xung đột, học cách tranh luận trong lễ độ, thương lượng trong tôn trọng, giải quyết những bất đồng một cách êm thắm và tránh những gay gắt có thể khiến họ xa nhau. Khi có vấn đề, cả hai cần nhận thức vấn đề. Chú tâm vào vấn đề . Thực hiện bất cứ biện pháp nào cần thiết để tìm ra một giải pháp hợp tình hợp lý cho vấn đề được êm đẹp, và luôn có ý thức gìn giữ mối quan hệ vợ chồng bằng cách kiềm chế tính tự ái và cái tôi mỗi người. Ngòai ra, học cách nuôi dưỡng tình cảm và sự mật thiết theo thời gian. Đặc biệt, luôn nhớ đặt gia đình lên ưu tiên hàng đầu. Dành thời gian cho tình yêu và sự lãng mạn cho vợ chồng, và cùng một hướng giáo dục con cái cho nên người.

 

Và đừng quên rằng dù khó khăn nhất, bên mình còn có Ngài luôn là nơi tựa nương.

 

Thân mến!
BHvivi.

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.