Câu nói “tôi thế nào nó là như thế đó”, hoặc: “tôi như vậy, ai chịu thì chịu. Ai không chịu thì bỏ” chỉ là những câu nói che đậy sự thiếu trưởng thành tâm lý.
Trường hợp 1:
Ông Xuân năm nay hơn 60 tuổi, nhưng ông vẫn hành động một cách nóng nảy theo cảm tính. Tháng trước ông cũng vì nóng nảy đã tát vợ ông một cái trong lúc hai người lời qua tiếng lại, và hành động này đã làm ông liên lụy đến luật pháp. Ông phải đi trị liệu tại một văn phòng bác sĩ tâm lý và một số giờ hoạt động xã hội.
Tại văn phòng tâm lý, ông đã cho biết ông sinh ra trong một gia đình mà bố ông cũng nóng nảy và hành xử với mẹ ông và anh chị em ông như vậy. Cho đến khi ông lấy vợ và có con, bố ông vẫn thường xuyên đánh mẹ ông và chửi bới con cái trong nhà.
Ông cho rằng ông đã thừa hưởng cái di sản nóng nẩy ấy từ bố ông. Và hành động của ông cũng giống như bố ông. Theo ông, cả hơn hai năm rồi ông đã không đánh vợ ông, nhưng cái tính nóng thì ông vẫn chưa sao bỏ được.
Trường hợp 2:
Ông là một nha sĩ về hưu gần 70 tuổi. Ông nói năng từ tốn, điệu bộ trí thức, và hành xử một cách chuyên nghiệp trong những tương quan xã hội. Theo vợ ông, đó chỉ là cái vỏ bề ngoài che đậy con người thật của ông. Trong gia đình, ông là một bạo chúa. Chuyên quyền, độc tài, và hễ muốn gì thì phải được như vậy.
Gần đây ông còn hành động một cách quá đáng bằng cách lén lút bồ bịch và giao thiệp với những phụ nữ khác. Vợ ông, con ông, cháu ông đều buồn bực về hành động này của ông, nhưng không ai dám nói gì hoặc không muốn nói gì với ông. Con ông khuyên ông thì ông chửi: “Chúng mày là con. Là con thì không được quyền khuyên răn bố. Tao muốn làm gì thì tao làm, chúng mày đừng có hỗn láo!” Vợ ông khuyên ông, ông cũng chửi: “Bà đừng có ghen bóng, ghen gió. Tôi biết việc của tôi. Vả lại, tôi muốn liên lạc giao thiệp với ai là quyền của tôi. Tôi muốn vậy đó!”
Người vợ đau khổ này cho đến nay vẫn âm thầm chịu đựng cái tính cố chấp, độc đoán của chồng. Nhưng đã đến lúc bà không chịu được nữa, vì bà nghĩ rằng đứa con trai của bà cũng hành động y như ông đối với vợ con nó, và ngay cả đối với bà. Bà muốn tìm hiểu để giúp ông, nhưng ông từ chối đến với văn phòng tâm lý…
Thỉnh thoảng ta vẫn thường nghe người này, người nọ nói: “Tôi biết tôi là người rất nóng nảy. Hễ cái gì xảy ra không vừa ý là tôi nổi điên lên liền. Khổ nỗi tính tôi nó vẫn vậy!”. Hoặc những lời than thở tương tự: “Ông chồng tôi tính tình độc tài, độc đoán. Nhưng mỗi lần nghe tôi nhắc nhở, thì ông tỏ ra rất thô lỗ, cộc cằn với tôi. Ông nói: Tôi vậy đó, chịu không chịu thì bỏ!”
Theo tính tình học, những hành động, lời ăn tiếng nói mang dấu hiệu nóng nảy, cộc cằn, thô lỗ, hoặc độc tài, độc đoán và cố chấp được coi như những phản ảnh của cá tính mỗi người. Nó bị ảnh hưởng nhiều do ảnh hưởng gia đình, ảnh hưởng giáo dục, hoặc ảnh hưởng xã hội. Tuy đó chỉ là những phản ứng trong mỗi tính nết cá nhân, nhưng những điều này đã trở thành lý do gây phiền phức, đôi khi dẫn đến thất bại cho nhiều người trong đời sống tư, trong hôn nhân, và trong những giao tiếp xã hội.
Với cái nhìn tâm lý trị liệu, đối diện trực tiếp với mình, với những ưu và khuyết điểm của mình là điều kiện hết sức cần thiết cho việc sửa sai, và thăng hoa cuộc sống. Và dựa vào kết quả của ngành tâm lý trị liệu, thành phần trẻ, có học và hiểu biết đạt kết quả cao hơn và nhanh hơn khi trị liệu. Ngược lại với thành phần già nua, tuổi tác và ít kiến thức, việc chữa trị không những lâu la, tốn kém mà kết quả đạt được rất giới hạn. Lý do vì tính năng động, tâm trí cởi mở, dễ chấp nhận và hội nhập, là yếu tố cần thiết giúp lớp người trẻ dễ đối diện hơn với thực tế và chấp nhận thay đổi. Tuổi già ưa sống với quá khứ và bảo thủ nên sự thay đổi rất khó và hầu như khó chấp nhận thay đổi.
Bởi vậy, khi nghe một người nói “tính tôi vậy đó”. Hoặc: “Tôi đã quen như vậy rồi, tôi không muốn sửa đổi gì nữa”, thì đó là một cách diễn tả tâm lý già nua, bệnh hoạn, hoặc thiếu trưởng thành về mặt tâm lý.
Nhân lão, tâm bất lão:
Trong ca dao Việt Nam có câu rất hay khi diễn tả về tâm lý sống liên quan đến tuổi tác, đó là: “Nhân lão, tâm bất lão.” Quan niệm sống này cần thiết để thay đổi và thăng hoa cuộc sống con người. Ca dao tục ngữ Việt Nam khi đề cập đến vấn đề học hỏi, tìm hiểu cũng đã không đặt giới hạn của tuổi tác: “Ông bẩy mươi, học ông bẩy mốt.” Hay: “Học đến già cũng còn học”. Ðó là những kinh nghiệm mang ý nghĩa thực dụng rất hay và có giá trị.
“Nhân lão, tâm bất lão”. Thật ra, ngay cả những người cao tuổi cũng không ai muốn nhận mình là già. Nếu tuổi tác có làm họ già đi chăng nữa, ít nhất họ cũng muốn giữ cho mình cái tâm trẻ trung. Tại các nước Âu Mỹ, việc hỏi tuổi phái nữ là một trọng tội đối với quan niệm xã hội tại các quốc gia này. Phụ nữ ở các quốc gia này rất sợ già và sợ ai nói họ là già. Cũng chính vì vậy, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện những gương hiếu học của cụ bà 80, cụ ông 70, hay 90 tuổi tốt nghiệp trung học, cử nhân, cao học hay tiến sỹ. Theo các cụ này, vì khi còn trẻ hoặc là do gia cảnh nghèo khó, vướng mắc công ăn việc làm, hoặc phải lo lắng cho gia đình nên đã phải bỏ giở việc học, hay không có dịp cắp sách đến trường. Giờ đây, khi mọi vướng mắc, ràng buộc ấy không còn nữa, các cụ này đã trở lại trường để hoàn tất ước mơ thời xuân trẻ của mình. Học để tìm hiểu. Học để minh chứng cho con cháu và hậu thế biết cái học lúc nào cũng cần thiết và không bao giờ nói là mình già, biết hết mọi chuyện mà không cần phải học hỏi. Lúc còn là sinh viên theo học lớp Tâm Lý Người Cao Niên, có lẽ tôi là một trong số các sinh viên trẻ nhất – mới ngoài 30 tuổi, còn lại một số đã ngoài ngũ tuần, lục tuần, thất tuần. Do đó, chuyện bà ngoại ngồi chung với cháu ngoại, hay ông nội học chung với cháu trong cùng một lớp ở đại học là chuyện thường thấy tại các đại học bên Mỹ.
Ði vào thực tế với cá tính của mình, việc sửa đổi ở tuổi cao tuy có phần khó khăn, nhưng không phải vì thế mà không cần sửa chữa và thăng hoa. Câu “muốn là được một nửa” có thể không đúng ở nhiều trường hợp khác, nhưng với quan niệm về tâm lý trị liệu thì nếu muốn, người ta cũng đã được một nửa rồi vậy. Ðiều này áp dụng thực tế đối với các bệnh nhân tâm lý nếu họ có thiện chí và ước muốn cao. Thí dụ, tại các Chương Trình Cai Nghiện. Nếu một người, hay một em vị thành niên bị bắt đem ném vào trung tâm, thì kinh nghiệm cho biết, phần lớn những người này hoặc các trẻ em này sẽ vào lại. Từ ngữ trong nghề, chúng tôi thường gọi là những bệnh nhân “tái chế biến”. Ra rồi vào. Vào rồi ra bệnh viện như ăn cơm bữa. Lý do, những người này không “muốn” mình được khỏi. Chính vì vậy, sau khi trở lại cuộc sống thường ngày, với môi trường chung quanh quen thuộc, người đó, em đó sẽ dễ dàng “ngựa đi đường cũ”. Một người bạn của tôi đã có lần mời bạn bè đến ăn tiệc để gọi là mừng ngày “đốt điếu” sau khi hoàn tất chương trình cai nghiện tại một trung tâm cai nghiện thuốc. Trong bữa tiệc, anh hãnh diện tuyên bố là từ hôm nay, khi đã “đốt” điếu thuốc trước mặt mọi người, anh sẽ không bao giờ cầm lại điếu thuốc nữa. Anh đã đưa điếu thuốc lên cao đốt cháy trước tiếng vỗ tay của bạn bè. Một tháng sau, thấy anh hút thuốc lại, tôi đã hỏi đùa anh: “Bao giờ thì có tiệc mừng “đốt thuốc” nữa đây?”. Một người bạn khác khi thấy anh phì phào điếu thuốc tôi đã can anh, và được anh mạnh mẽ tuyên bố: “Tao hút thuốc cho vui thôi, nếu tao muốn bỏ lúc nào là tao bỏ. Mày biết tao là người có bản lãnh mà!” Nhưng cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm anh cầm điều thuốc, tôi vẫn chưa thấy anh “muốn bỏ”. Ngược lại, có nhiều trường hợp các con nghiện (nghiện rượu, nghiện xì ke, nghiện ma túy, nghiện tình dục, nghiện cờ bạc, nghiện nói láo), họ đã bỏ được những hội chứng nghiện ấy mà không cần phải vào những trung tâm cai nghiện, nhờ vào ý chí và “muốn” chừa bỏ của họ. Dĩ nhiên, những phương pháp tâm lý trị liệu, và các phương pháp trị liệu khác vẫn cần thiết cho việc trị liệu.
Tóm lại, tâm lý trẻ trung, yêu đời, và ước muốn mình được thăng tiến, là những động lực hết sức mạnh mẽ và quan trọng cho việc sửa đổi và chuyển hóa lối sống của mỗi người. Ý thức được tính nóng giận của ông Xuân và khả năng kiến thức của ông nha sĩ hồi hưu là những điểm tích cực có thể ứng dụng trong vấn đề trị liệu để kiềm chế tính nóng nảy cũng như thái độ cố chấp, độc đoán của họ nếu họ “muốn”.
Muốn là được một nửa:
Trong khoa tính tình học, Rose nhà phân tích tính tình người Pháp đã xếp loại tính tình con người dựa theo 3 yếu tố căn bản: Hoạt động tính, cảm xúc tính, và âm hưởng tính. Trong mỗi yếu tố này lại chia thành nhẹ và nặng, nhiều và ít. Yếu tố hoạt động, do đó, chia thành hướng ngoại và hướng nội. Cảm xúc tính chia thành giầu tình cảm, và ít biểu lột tình cảm. Và âm hưởng tính chia thành âm hưởng đệ nhất thời và âm hưởng đệ nhị thời. Cùng với ảnh hưởng của di truyền, ảnh hưởng gia đình, ảnh hưởng giáo dục học đường, ảnh hưởng bạn bè, ảnh hưởng môi trường xã hội, ảnh hưởng văn hóa, ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, và thực phẩm… tất cả đã làm nên một con người với cá tính riêng biệt và hầu như không ai giống ai. Và đó là lý do người ta ví mỗi người là một thế giới riêng biệt.
Khi nói tính tôi nó vậy, hay tính tôi nóng nảy, tính tôi bướng bỉnh không có nghĩa là tôi sinh ra đã là người nóng nảy và bướng bỉnh. Do đó, tuy có mang những ảnh hưởng khác nhau trong cá tính của mỗi người, nhưng nếu muốn, chúng ta vẫn có thể sửa đổi và hoán chuyển. Ðiều cần lưu ý ở đây, đó là, tôi không sửa đổi để nên giống anh, hoặc giống chị. Bởi vì tôi có cá tính của riêng tôi, có bản lãnh và có con người thật của tôi. Nhưng sự sửa đổi ở đây phải hiểu là những gì nơi cá tính của tôi ảnh hưởng không tốt cho đời sống và sinh hoạt của tôi, tôi cần lưu ý để hoán chuyển hay thay thế nó.
Với quan niệm hoán chuyển và sửa đổi này, không ai sợ mất đi con người thật của mình, và cũng không ai buộc phải nên giống như người này, người khác. Vì thế, nếu nói “tôi vẫn là tôi” cũng không sao, nhưng không có nghĩa là tôi cứ hành động nóng nảy hoặc cố chấp để ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái, ảnh hưởng đến việc chung. Vẻ đẹp khác biệt của Thượng Ðế khi cấu tạo và dựng nên tâm tính của mỗi người là ở điểm mỗi người đều có những nét đẹp của riêng mình. Do đó, dù nóng nảy hay không nóng nảy, dù cố chấp hay bướng bỉnh, một khi nhận ra con người thật của mình, và khám phá lý do đã ảnh hưởng trên cá tính ấy, ta vẫn hy vọng sửa đổi và thăng hoa.
Áp dụng vào trường hợp ông Xuân với những hành động nóng nảy, và trường hợp của ông nha sĩ với hành động cố chấp, độc đoán. Dưới cái nhìn của tâm lý phát triển và tâm lý trị liệu, dù nóng nảy hay cố chấp, cả hai đều có cùng một mẫu số chung là thiếu trưởng thành tâm lý. Sự thiếu trưởng thành này như vừa trình bày đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Và để sửa lại khuyết điểm này, ta cần phân tách và tìm hiểu xem nó được gây ra bởi những nguyên nhân nào? Do đó, việc sửa chữa những khuyết điểm ấy là điều vẫn có thể làm được với một điều kiện hai ông cần phải “muốn” được sửa đổi. Và để biểu lộ cái muốn ấy là phải qua một chương trình tâm lý trị liệu chuyên môn.
Kết luận:
Câu nói “tôi thế nào nó là như thế đó”, hoặc: “tôi như vậy, ai chịu thì chịu. Ai không chịu thì bỏ” chỉ là những câu nói che đậy sự thiếu trưởng thành tâm lý. Ðây là một vấn nạn rất lớn đối với việc giáo dục gia đình, mà phụ huynh cần thiết phải thấu đáo và áp dụng nghiêm túc. “Bé không vin, cả gẫy cành”. Tâm lý ứng dụng này rất thiết thực đối với trách nhiệm giáo dục của phụ huynh. Nhưng nếu việc giáo dục gia đình mà vì một lý do nào đó, ta bị thiếu sót thì khi trưởng thành, ý thức được những hành động tiêu cực của mình không đem lại cho mình và những người chung quanh mình hạnh phúc, vui vẻ, và hài hòa, thì việc sửa sai hoặc chữa trị là điều cần thiết. Không ai kính trọng một người lớn tuổi mà lại hành động như trẻ con. Cũng không ai muốn người khác coi thường, thiếu tôn trọng mình. Nhưng nếu có những điều cần phải sửa đổi cho tốt hơn mà không làm thì đó là một quan niệm và lối sống ấu trĩ, thiếu trưởng thành.
Views: 0