Ngày nay, người trẻ dễ dàng tiếp cận và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin tràn lan, thiếu kiểm soát trên Internet và các ấn phẩm, đặc biệt là về vấn đề giới tính.
Điều mà các bậc phụ huynh và xã hội vô cùng lo lắng là các em bị sai lệch từ trong nhận thức, dẫn đến việc thực hiện suy nghĩ của mình bằng các hành vi có thể gây ra những thiệt hại đáng tiếc cho bản thân, và để lại những hậu quả lâu dài, đau lòng cho gia đình và xã hội.
Chiều ngày 02/10/2010, Chương Trình Chuyên Đề của Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Saigon, đã tổ chức buổi nói chuyện do bác sĩ Terexa Uông Thi Nhu Hương, giảng viên Trường Đại Học Y Dược phụ trách, với đề tài “NÓI VỚI CON VỀ GIỚI TÍNH”, trước cử toạ hơn 150 tham dự viên.
Trong nhiều năm trở lại đây, bác sĩ Nhu Hương được biết đến qua các hoạt động y tế bác ái xã hội, đặc biệt giành cho đối tượng nhiễm HIV. Là một bà mẹ Công giáo và với lòng yêu mến các bậc phụ huynh, bác Nhu Hương là một trong những người có nhiều trăn trở về việc truyền thông rộng rãi các kiến thức về giới tính, nhằm giúp các bậc làm cha mẹ có thể đồng hành sâu sát hơn với con cái mình.
Theo bác sĩ Nhu Hương, việc giáo dục giới tính cho con cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào độ tuổi, tính cách của trẻ cũng như nền tảng văn hoá của từng gia đình. Mỗi người làm mẹ làm cha đều phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và xã hội về việc họ giáo dục con cái. Do đó, các bậc phụ huynh phải trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết, để thông hiểu và hỗ trợ con trẻ.
Video Clip:
Mở đầu bài nói chuyện là một đoạn video clip, dài 7 phút, ghi nhận lại kết quả khảo sát về nhận thức vấn đề giới tính của 114 Thiếu Nhi Thánh Thể, tuổi từ 11 đến 15, thuộc 3 giáo xứ khác nhau và cách phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau của hai bậc huynh trước việc con cái xem những hình ảnh khá nhạy cảm trên tivi.
Tại sao nên nói chuyện giới tính cho con biết?
– Dù cha mẹ muốn hay không thì trẻ vẫn tò mò và học về tình dục.
– Giúp trẻ phát triển lành mạnh về giới tính, biết chịu tránh nhiệm về hành vi tình dục của bản thân.
– Cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết và chính xác nhất.
– Những nguồn thông tin khác có thể làm trẻ nhận thức và hành động sai lệch, để lại hậu quả đáng tiếc.
– Giúp trẻ hiểu đúng để biết bảo vệ mình và những giá trị đạo đức trong cuộc đời.
Sơ lược về giải phẫu sinh sản ở nam và nữ:
Có những hiểu biết căn bản về cấu trúc, chức năng và hoạt động của các bộ phận sinh dục, cha mẹ có thể giúp trẻ ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh thân thể, cũng như phát hiện kịp thời những bệnh tật hoặc những điều bất thường ở trẻ.
Ba bước dẫn đến quan hệ tình dục:
Hiểu được cơ chế này, người trẻ có thể né tránh ngay từ giai đoạn đầu để không dễ dàng bị cuốn vào quan hệ tình dục. Điều này cũng giúp cho người lớn thêm hiểu biết để tự chế hơn trong quan hệ vợ chồng và sinh con.
– Giai đoạn 1: Đối phương thường dùng những lời nói ngọt ngào, êm tai đánh vào tâm lý thích khen tặng của người nữ.
– Giai đoạn 2: Nắm tay một cách âu yếm, nhìn một cách trìu mến hoặc các hình thức khác như vuốt tóc, hôn lên má, lên mắt,… Vô tình hay cố ý, đối phương có sự đụng chạm vào những vùng nhạy cảm của người kia.
– Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn “chiếm đoạt”. Sau giai đoạn 2, người ta khó lòng thắng được ý muốn quan hệ tình dục.
Phương pháp tránh thai tự nhiên:
Bác sĩ Nhu Hương kết thúc bài nói bài nói chuyện việc giải đáp thắc mắc cho khán giả và trình bày về các phương pháp tránh thai.
Tránh thai tự nhiên là không sử dụng thuốc men hay bất cứ dụng cụ nào để ngừa việc mang thai. Hai phương pháp tránh thai tự nhiên được Giáo Hội cho phép, và khuyến khích các cặp vợ chồng sử dụng, nhằm bảo vệ sức khoẻ thể chất và các giá trị Kitô Giáo là:
– Phương pháp Byllings
– Phương pháp Ogyno Knaus
Sex là một khía cạnh quan trọng trong đời sống con người. Nó khởi đầu từ khi con người còn là một đứa trẻ, và có ảnh hưởng nhất định trong các giai đoạn khác nhau hoặc trong suốt chiều dài của đời sống con người. Cha mẹ hãy là người bạn tâm tình, đáng tin cậy, chia sẻ, trao đổi với con cái về những chuyện “khó nói”. Các bậc phụ huynh không nên e ngại mà cần nghiêm túc, thẳng thắn trao đổi với trẻ về các vấn đề liên quan đến giới tính, nhằm giúp chúng tự tin và có trách nhiệm trong các hoạt động tình dục của mình.
**************
Hiện nay, tại Việt Nam, việc giáo dục giới tính cho con cái vẫn còn là một đề tài mà các bậc phụ huynh lơ là hoặc né tránh, cho đến khi có những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Có 3 lý do dẫn đến việc chúng ta ngại nói với con cái về vấn đề tế nhị này:
– Những cản trở về tiềm thức và ý thức của bản thân. Có người cho rằng biết về tình dục sớm sẽ làm hoen ố sự ngây thơ của trẻ.
– Người lớn thiếu kế hoạch, kiến thức, những nội dung rõ ràng về những cái nên nói và nói như thế nào cho con. Sự thiếu chủ động này thường gây ra sự hoang mang và giấu giếm ở trẻ.
– Có sự nhập nhằng về những gì mà bản thân chúng ta tin về tình dục, và những điều mà chúng ta muốn con cái chúng ta tin.
Điều quan trọng nhất khi nói với con về giới tính là làm cho nó trở thành một chủ đề vui, hấp dẫn và khéo léo liên kết chủ đề với vấn đề tình yêu, hôn nhân gia đình trong một cách thức rõ ràng và tích cực. Đồng thời cũng làm cho trẻ hiểu được các cảm xúc và các vấn đề khác liên quan đến tình dục như bệnh tật, mang thai, nguy cơ nhiễm HIV,… trước khi chúng có sinh hoạt tình dục.
Mối quan tâm của trẻ về sex có thể thay đổi từ không có gì cho đến rất nhiều, dựa vào tuổi tác, tính cách và môi trường sống.
Nhiều người cho rằng nói với con về vấn đề giới tính có thể làm cho đôi bên trở nên không thoải mái và ngựng ngùng. Thực tế, nếu chúng ta làm điều này đúng thời điểm và đúng cách, thì hoàn toàn có thể xây dựng được mối quan hệ sâu, tin tưởng, tự nhiên với trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần trang bị kiến thức và tâm lý để có thể chắc chắn trả lời được tất cả những câu hỏi của con cái.
Khi nào và nên nói cái gì? Giáo dục đòi hỏi đúng thời điểm. Thời điểm mang tính quan trọng bởi vì nó là khởi đầu tốt để đạt đến mục tiêu của công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục về giới tính. Cần thiết cân nhắc thời điểm và mức độ khi nói với trẻ, không quá sớm để trẻ có thể lãnh hội được, và không quá muộn khi trẻ đã học hỏi những điều này một cách tiêu cực và sai lệch. Cha mẹ nên nói gì với con cái gì còn tuỳ thuộc vào bản thân họ; mức độ trưởng thành, tính cách của trẻ và môi trường chung quanh.
Cha mẹ nói với trẻ về thân thể, nhưng không nói về cảm giác. Giải thích, cung cấp thông tin rõ ràng, nhưng không khuyến khích trẻ thực hiện.
Trong cuốn sổ tay “ The Sex Ed Handbook – A Comprehensive guide for parents”, bác sĩ Laura Berman có khuyên các bậc phụ huynh nên nói với con về giới tính thật sớm, bằng cách không dùng ẩn từ mà phải gọi đúng tên những phần kín của cơ thể. Các thuật ngữ đúng sẽ giúp trẻ hiểu và nhìn nhận các bộ phận của chúng một cách không xấu hổ. Đây là bước khởi đầu tốt để về sau, các bậc phụ huynh dễ dàng giáo dục giới tính cho trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả. Đồng thời việc này còn giúp trẻ sử dụng đúng từ ngữ khi nói chuyện với bác sĩ.
Theo bác sĩ Nhu Hương, cha mẹ cần giúp con xác định giới của mình ngay từ rất sớm, qua cách gọi trìu mến như: “Con trai yêu quý của mẹ!” hay “Con gái bé bỏng của mẹ!”.
Từ 2-8 tuổi:
Đây là thời gian mà trẻ bắt đầu hỏi những câu về cơ thể mình và cơ thể người khác. Chúng để ý đến sự khác nhau giữa nam và nữ, đôi khi sử dụng như từ ngữ làm các bậc phụ huynh bối rối. Những đứa trẻ mới biết đi thường tự sờ mình, khi chúng trần truồng, như khi đi vệ sinh. Ở giai đoạn này, trẻ thích thú tìm hiểu cơ thể mình là điều hoàn toàn tự nhiên. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng và nên xem đó là chuyện bình thường. Đây là thời điểm thích hợp để cha mẹ dạy trẻ về những sờ chạm “được phép” và “không được phép”, nơi công cộng và nơi riêng tư, với bản thân mình và với người khác. Đồng thời để ngăn ngừa việc trẻ bị lạm dụng, cha mẹ nhất thiết phải dạy con biết những vùng cấm mà người khác không được sờ mó, và phải báo ngay cho người lớn biết khi có ai đó hành động như thế.
Lứa tuổi này, trẻ tò mò và đặt các câu hỏi về cơ thể của mình và của người khác, cũng như về việc thụ thai và sinh con. Cha mẹ cần trả lời cho con cái một cách tự nhiên, đơn giản và trung thực.
Ví dụ:
– “Em bé từ đâu ra?” – Từ một nơi đặc biệt bên trong cơ thể của người mẹ, được gọi là tử cung.
– “Làm thế nào mà em bé có ở đó?” – Người đàn ông có tinh trùng, người đàn bà có trứng. Khi họ yêu nhau và là vợ chồng thì trứng của người nữ gặp tinh trùng của người nam và em bé có ở đó.
Từ 9-11 tuổi: Đây là giai đoạn cơ thể trẻ chuẩn bị phát triển. Do đó, chúng cần có những thông tin về việc cơ thể sẽ thay đổi như thế nào. Một số bé gái dậy thì sớm, cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết về kinh nguyệt, sự phát triển cơ thể, hướng dẫn với trẻ cách vệ sinh thân thể. Cha mẹ cần nói cho bé trai biết về việc đôi khi quần bị ướt, khi ngủ dậy.
Từ 12-17 tuổi: Lứa tuổi này trẻ dậy thì và đã có những thay đổi về tâm sinh lý: Bé gái có kinh nguyệt, ngực phát triển; bé trai bắt đầu vỡ tiếng, lún phún râu và mặt có mụn trứng cá. Trẻ thích sự riêng tư, thích khám phá, thử nghiệm bản thân. Đây là thời gian mà cha mẹ cần phải trò chuyện nghiêm túc với con cái về các vấn đề như: cảm giác rung động đầu đời với người khác phái; việc quan hệ vợ chồng, các phương pháp tránh thai, tội ác của vấn nạn phá thai, khả năng mang thai và sinh nở. Việc đồng hành với con trong gia đoạn này vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần giúp con cái biết giữ gìn và bảo vệ cơ thể, tránh những thử nghiệm nguy hiểm, các bệnh lây lan qua đường tình dục, rủi ro từ việc chọn trang phục và thể hiện bản thân có liên quan tới sex và sự hãm hiếp, cưỡng bức.
Đối với trẻ lớn tuổi hơn, trong những hoàn cảnh thích hợp, các bậc phụ huynh nên chủ động hỏi để biết trẻ nghĩ gì về vấn đề này, đồng thời uốn nắn và cung cấp cho chúng những thông tin đúng và cần thiết.
Nên nói với con như thế nào?
Một trong những kỹ năng cần có để trò chuyện với con cái là cha mẹ phải biết lắng nghe, bày tỏ thái độ quan tâm đến vấn đề trẻ đề cập. Điều này quan trọng bởi nó giúp trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái khi trò chuyện với cha mẹ.
Các bậc phụ huynh thường cảm thấy khó khăn khi đề cập với con trẻ về sex và các vấn đề liên quan. Bản thân trẻ cũng không biết nên bắt đầu hỏi bố mẹ như thế nào và về cái gì. Do đó, cha mẹ nên chủ động tìm và nắm bắt mọi cơ hội có thể để lồng ghép vấn đề giới tính vào câu chuyện.
Làm thế nào cho dễ? Có một vài cách giúp các bậc phụ huynh trò chuyện về giới tính với con cái một cách dễ dàng hơn:
– Bắt đầu sớm: cha mẹ sẽ ít bối rối hơn khi giới thiệu vấn đề này với con, lúc chúng còn nhỏ.
– Trả lời các câu hỏi một cách đơn giản và nhã nhặn tuỳ theo độ của trẻ. Cha mẹ không cần thiết nói cho chúng nhiều hơn cái chúng hỏi. Khi muốn biết thêm, trẻ sẽ hỏi tiếp.
– Sử dụng những tình huống mỗi ngày để bắt đầu cuộc trò chuyện. Cha mẹ có thể nói với con khi đang rửa chén bát, hoặc khi đang cùng chúng xem những chương trình thích hợp trên tivi. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy sex là một phần bình thường của cuộc sống và không phải là một chủ đề đặc biệt. Trẻ thường lấy tay che mắt hay quay mặt đi, khi bắt gặp cảnh hai người nam nữ hôn nhau trên tivi, chúng ta có thể giải thích đơn giản với trẻ đó là chuyện hoàn toàn bình thường giữa người yêu nhau.
– Cho trẻ đọc hoặc đọc cùng trẻ những cuốn sách thích hợp. Ví dụ khi cùng trẻ đọc sách báo, tạp chí có những bức hình minh họa cho sự thay đổi cơ thể như sự phát triển của ngực, râu ria trên mặt… chúng ta có thể nhân cơ hội đó giải thích cho trẻ quá trình trưởng thành về thể chất..
– Đối với những câu hỏi khó, chúng ta có thể kéo dài thời gian để suy nghĩ bằng cách như là: “Đó là một câu hỏi hay. Chúng ta sẽ nói về điều này khi về nhà nhé!”.
– Hỏi con xem chúng nghĩ gì về những vấn đề này. Đó là cách để chúng ta biết chúng biết được những gì, cần gì, thiếu gì và điều chỉnh khi cần thiết.
– Trẻ thường để ý giọng nói của cha mẹ cùng với những gì họ nói. Giữ bình tĩnh và sự bình thản để trẻ không cảm thấy đề tài quá nặng nề, hay việc nói về sex là sai trái.
– Nếu người lớn không biết câu trả lời, có thể nói với chúng là sẽ trả lời sau.
Dạy trẻ cách tránh bị xâm hại:
Đây là những thông tin quan trọng và cần thiết nhằm giúp trẻ cảnh giác và biết cách bảo vệ mình. Theo một nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 20% nữ sinh trung học bị lạm dụng cơ thể và tình dục bởi đối tượng mà các em hẹn hò.
Cần nói cho trẻ biết những vấn đề như sau:
– Tránh những nơi vắng vẻ: Những cuộc gặp gỡ nên diễn ra ở nơi có người khác, an toàn và thoải mái. Không được hẹn hò ở nhà hoặc mời đối phương đến nhà của mình, khi người lớn đi vắng.
– Tin tưởng bản năng.
– Đừng ngại trở nên bất lịch sự trong những tình huống cảm thấy thiếu an toàn. Khi đó có thể lên tiếng ngay lập tức hoặc rời khỏi nơi đó càng sớm càng tốt.
– Tránh rượu và ma tuý.
Trước nguy cơ tội phạm ngày càng tăng, các bậc phụ huynh nên khuyên con cái tuân thủ theo các nguyên tắc phòng vệ sau:
– Không nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những người có mùi rượu bia và tránh nhanh sang nơi khác.
– Nên để cha mẹ biết trẻ đi đâu và làm thế nào để có thể liên lạc được, trước khi trẻ rời khỏi nhà.
– Khuyên trẻ nên về nhà sớm.
– Tránh đi một mình trên những con đường tối và khu vực thường có các tệ nạn xã hội.
Nói với con về giới tính chỉ là bước đầu trong quá trình giáo dục giới tính cho con cái, nhằm đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và giới tính vị thành niên, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc, lâu dài do hiếu kỳ hoặc thiếu hiểu biết. Để đảm bảo hiệu quả cho việc giáo dục giới tính cho trẻ, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bước đầu tiên là xã hội cần kiểm soát và ngăn chặn những nguồn thông tin và các ấn phẩm độc hại. Nhà trường dạy cho các em những hiểu biết cơ bản về giới tính và phải được thực hiện xuyên suốt từ lứa tuổi mầm non lên đến trung học.Cha và mẹ cần chung sức trong việc dạy con cái những giá trị đạo đức, cách ứng xử với người khác giới. Nói với con về giới tính cũng là biện pháp để bảo vệ và xây dựng tương lai hạnh phúc cho con cái, mà những người làm cha làm mẹ không thể bỏ qua hoặc thiếu quan tâm đúng mức.
Views: 0