Uncategorized

Nội dung và các mấu điểm thần học thư gửi tín hữu Galát

Có thể chia cấu trúc của thư thành các phần sau đây: Trước hết là phần giới thiệu (1,1-5),  lời dẫn nhập (1,6-10),  việc bênh vực Tin Mừng (,1,11-6,10). Nó gồm phần biện hộ cho sứ mệnh tông đồ của thánh nhân mang tính chất tiểu sử tự thuật (1,11-2,21),  bênh vực giáo thuyết (3,1-5,12),  các hậu qủa luân lý đạo đức (5,13-6,10) và sau cùng là phần kết luận (6,11-18).

 

Có thể chia cấu trúc của thư thành các phần sau đây: Trước hết là phần giới thiệu (1,1-5),  lời dẫn nhập (1,6-10),  việc bênh vực Tin Mừng (,1,11-6,10). Nó gồm phần biện hộ cho sứ mệnh tông đồ của thánh nhân mang tính chất tiểu sử tự thuật (1,11-2,21),  bênh vực giáo thuyết (3,1-5,12),  các hậu qủa luân lý đạo đức (5,13-6,10) và sau cùng là phần kết luận (6,11-18).

 

CHƯƠNG II
KẾT CẤU NỘI DUNG VÀ CÁC MẤU ĐIỂM THẦM HỌC THƯ GỬI TÍN HỮU GALÁT

THÁNH PHAOLÔ ĐÃ GIẢI QUYẾT CUỘC KHỦNG KHOẢNG CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN GALÁT NHƯ THẾ NÀO?

 

Vào giữa các năm 54-57 tín hữu các giáo đoàn vùng Galát gặp cơn khủng hoảng nặng. Có một nhóm thừa sai kitô gốc do thái đã lẻn tới đây xúi dục họ chịu phép cắt bì, tuân giữ Lề Luật Môsê và theo lịch phụng vụ do thái. Họ lại còn vu khống thánh Phaolô nhiều chuyện, nhằm mục đích hạ uy tín thánh nhân trước mặt tín hữu. Thánh Phaolô đã biết được các tin tức này một cách chi tiết và chính xác như vậy làm sao, khi nào và ở đâu, chúng ta không biết được. Chỉ biết rằng thư gửi tín hữu Galát trình bầy rất rõ phản ứng của thánh nhân. Ngài rất đỗi ngạc nhiên trước thái độ phản bội, trở mặt mau lẹ của tín hữu đối với Chúa Kitô như vậy (1,6), và lo sợ đã tốn công sức loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa cho họ một cách vô ích (4,11). Nhưng Phaolô không chịu thua. Mặc cho mọi sự đã xảy ra, ngài vẫn hy vọng còn có thể cứu các giáo đoàn vùng Galát khỏi tai họa, vì Ngài tin tưởng nơi sự trợ giúp của Chúa Giêsu Kitô (5,10a). Thánh nhân đã muốn hiện diện trong vùng Galát để nói chuyện mặt giáp mặt với tín hữu các cộng đoàn, hầu có thể giãi bầy mọi sự và thuyết phục họ một cách hữu hiệu hơn (4,20). Nhưng đường xá xa xôi cách trở, tình hình tại Galát lại qúa căng thẳng, và công việc tại Êphêxô cũng không phải là ít, nên thánh nhân đành phải biên thư cho họ.

Nhận định về thư gửi tín hữu Galát, học gỉa linh mục Lyonnet đã có lý khi khẳng định rằng: ”Đã không có bức thư nào của thánh Phaolô lại có tính cách thư tín, riêng tư, và bộc lộ tâm hồn của thánh nhân rõ ràng như thư gửi tín hữu Galát”. Nhưng không thể nói rằng đây chỉ là các trang tiểu sử riêng tư của cuộc đời thánh nhân. Dĩ nhiên, con người của ngài nổi bật trước mặt chúng ta, nhưng chỉ trong tư cách là tông đồ được Chúa Giêsu Kitô phục sinh và Thiên Chúa Cha sai đi (1,1) loan báo ”các sự thật Tin Mừng” cho các tín hữu (2,5.14), và đặc biệt như là ”tôi tớ của Đức Kitô” (1,10). Trọng tâm của thư là Tin Mừng mà Thiên Chúa đã mạc khải cho thánh nhân, Tin Mừng của Thiên Chúa chứ không phải của loài người (1,11-12.16). Vì vậy, thánh nhân có bổn phận bảo vệ Tin Mừng chống lại mọi tấn công xuyên tạc của những người đã xúi dục tín hữu Galát phản bội Tin Mừng. Trong hướng này chúng ta có thể định nghĩa thư gửi tín hữu Galát là một bức thư bênh vực Tin Mừng. Đàng khác, nó cũng là một bức thư luân lưu, vì được gửi cho các giáo hội vùng Galát (1,2).

Thánh Phaolô trực tiếp nói chuyện với tín hữu các giáo đoàn vùng này. Ngài muốn cứu họ khỏi nguy cơ rơi vào chủ trương vị luật lệ do thái. Nhóm thừa sai chống đối thánh nhân chỉ hiện diện trong hậu cảnh. Họ không được nêu danh tánh, và thánh Phaolô cố ý để họ trong tình trạng không xác định như vậy. Chỉ cần vài nét chấm phá là đã qúa đủ để tín hữu các giáo đoàn vùng Galát hiểu ngài đang muốn nói tới ai. Vì thế cho rằng thánh Phaolô cũng viết thư cho nhóm người chống đối này nữa là điều không đúng. Tuy nhiên, thư có tính cách tranh luận rõ ràng. Để chiếm lại tín hữu các giáo đoàn vùng Galát, thánh Phaolô đã phải trực tiếp đối đầu với nhóm người thù nghịch và vu khống ngài.

Tuy đều công nhận tính chất xác thực của thư, nghĩa là thư do chính thánh Phaolô viết, nhưng giới học giả lại không đồng ý với nhau về thời gian và nơi chốn biên soạn. Dầu vậy chúng ta có hai dữ kiện chắc chắn. Trước hết là công nghị Giêrusalem triệu tập vào cuối năm 48 đầu năm 49, như được nhắc tới trong chương 2,1-10 của thư. Thứ hai là việc viếng thăm các giáo đoàn vùng Galát trong chuyến truyền giáo thứ hai của thánh Phaolô, tức giữa các năm 50-52, như được nhắc tới trong chương 4,13 của thư và trong chương 18,23 sách Công Vụ. Bên cạnh đó là sự kiện tình hình các giáo đoàn vùng Galát tiến triển tốt đẹp cho tới khi thánh Phaolo viết bức thư này cho họ. Nghĩa là chúng ta đang sống trong thời gian thánh Phaolô dừng lại hơn hai năm trong giáo đoàn Êphêxô (Cv 19,1-20). Một cách sít sao hơn có thể nói rằng bức thư luân lưu gửi các giáo đoàn Galát không được biên soạn ra trước thư thứ I gửi tín hữu Côrintô. Thật vậy bởi vì trong chương 16 thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô thánh nhân báo cho tín hữu biết ngài đã phát động chiến dịch quyên góp trợ giúp Giáo Hội Mẹ Giêrusalem trong các giáo đoàn vùng Galát. Như thế chắc chắn khi đó cuộc khủng hoảng chưa bùng nổ trong các cộng đoàn vùng này. Bởi nếu không thánh Phaolô làm sao có thể phát động chiến dịch quyên góp trong một tình trạng đổ vỡ như vậy được. Học giả U. Borse cho rằng thánh Phaolô đã biên soạn thư Galát trong thời gian gần với lúc biên soạn các chương 10-13 thứ thứ II gửi tín hữu Côrintô, vì bối cảnh tranh luận của hai thư giống nhau. Và ông cho rằng thư gửi tín hữu các giáo đoàn vùng Galát đã được biên soạn ra trong thời gian giữa hai bức thư khác mà thánh Phaolô đã gửi cho tín hữu Côrintô, tức lá thư gồm các chương 1-9 và lá thư gồm các chương 10-13 trong văn bản thư thứ II gửi tín hữu Côrintô hiện nay. Nghĩa là có lẽ thánh Phaolô đã viết thư luân lưu cho tín hữu Galát trong khi ngài đang ở bên Macedonia hồi năm 57, ít lâu trước khi đi Côrintô. Dầu sao đi nữa chúng ta có thể lấy thư gửi giáo đoàn Roma làm mốc cuối cùng. Lý do là vì thánh Phaolô viết thư gửi giáo đoàn Roma trong mùa đông 57-58 tại Côrintô, và khai triển mọi đề tài thần học ngài đã phác họa trong thư luân lưu gửi tín hữu các giáo đoàn vùng Galát.

 

Lập luận trên đây chỉ có gía trị, nếu chúng ta theo giả thuyết vùng bắc Galát. Trong khi các học giả theo thuyết miền nam Galát, tức coi Galát bao gồm cả các vùng khác ở miền nam thuộc tỉnh Galát của đế quốc Roma, thì cho rằng bức thư luân lưu gửi các giáo đoàn vùng Galát là một trong các bức thư đầu tiên, nếu không nói là bức thư đầu tiên trong tất cả các thư thánh Phaolô đã viết (FF. Bruce, Galatian Problems,BJRL 55 (1973) 264).

Có thể chia cấu trúc của thư thành các phần sau đây: Trước hết là phần giới thiệu (1,1-5), rồi lời dẫn nhập (1,6-10), theo sau là việc bênh vực Tin Mừng (,1,11-6,10). Nó gồm phần biện hộ cho sứ mệnh tông đồ của thánh nhân mang tính chất tiểu sử tự thuật (1,11-2,21), rồi phần bênh vực giáo thuyết (3,1-5,12), tiếp đến là các hậu qủa luân lý đạo đức (5,13-6,10) và sau cùng là phần kết luận (6,11-18).

 

Đi vào chi tiết bố cục của thư, chúng ta có thể ghi nhận một số dữ kiện sau đây. Trước hết lược đồ phần mở đầu (1,1-5). Sau khi giới thiệu tên và tước hiệu của người gửi, phần này có thêm công thức tôn vinh Thiên Chúa ở cuối, với hai công thức truyền thống lòng tin xác định Thiên Chúa Cha là ”Đấng đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết (1,1), và Đức Giêsu Kitô, là Đấng đã ”tự hiến vì tội lỗi chúng ta”, để giật chúng ta thoát khỏi thế giới gian ác hiện nay, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa Cha” (1,4), ”Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời Amen!” (1,5). Khác với các thư còn lại, ở đây thánh Phaolô không nhập đề với lời cảm tạ, hay lời ca chúc tụng, mà với một lời kêu gọi: ”Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh chị em trở mặt mau lẹ như thế….”(1,6), kèm theo các lời nguyền rủa khai trừ khỏi Giáo Hội (1,8-9). Tiếp đến là một đoạn tiểu sử tự thuật (1,11-2,21), với giọng văn ở ngôi thứ nhất số ít, các thể động từ ở thì aorist, và các trạng từ chỉ thời gian, cùng với nhiều từ diễn tả nơi chốn, và sự hiện diện của nhiều nhân vật trong trình thuật. Có cả lời thề cam đoan những gì đã kể đều thật sự xảy ra như vậy (1,20). Tuy nhiên, văn bản 2,15-21 mang sắc thái giáo lý, nó vừa kết luận phần trình thuật vừa dẫn nhập phần diễn giải lý chứng giáo thuyết.

Các chương 3,1-5,12 bao gồm một chuỗi văn bản có kết cấu rất chặt chẽ. Trước hết là lời kêu gọi với 6 câu hỏi hùng biện, mở đầu với câu mắng rất nặng: ”Hỡi người Galát ngu đần!”. Trong 6 câu hỏi hùng biện này thánh Phaolô gợi lại kinh nghiệm lòng tin của các tín hữu (3,1-5). Tiếp đến là lý chứng kinh thánh đầu tiên liên quan tới lòng tin của tổ phụ Abraham và luật lệ Sinai (3,6-29). Trong đoạn này thánh Phaolô dùng các công thức như: ”Kinh thánh đã báo trước…”(3,8); ”Bởi vì như viết trong Kinh Thánh…”(3,10.13); ”Kinh Thánh không nói… mà chỉ nói…”(3,16), để dẫn nhập các lời trích Cựu Ước, với mục đích chứng minh cho lập luận của mình (3,6.11.12). Ở đây các động từ đều ở thì hiện tại, và có các khẳng định tổng quát liên quan tới các chủ từ đại đồng như ”các tín hữu” (3,7-9.22), ”các người ngoại giáo” (3,8.14), ”những ai thi hành các việc Luật dậy” (3,10), ”không ai” (3,11.15), ”tất cả mọi người” (3,22). Có một điểm khác đáng ghi nhận đó là sự hiện diện của các từ chuyên biệt diễn tả tiến trình luân lý. Liên quan tới các ý niệm thần học có một số phạm trù được lập đi lập lại trong hình thái danh từ và động từ ”lòng tin” và ”tin tưởng”, sự ”công chính” và ”công chính hóa”, con cái và dòng dõi Abraham, phước lành và được chúc lành, công việc của Luật Lệ và Lề Luật, lời hứa, di chúc, gia tài.

Chương 4,1-11 lập lại kết luận của phần trước và áp dụng vào lời khuyến khích tín hữu Galát. Đề tài tập trung vào chức làm con Thiên Chúa và sự tự do của cuộc sống làm con cái Chúa, mà tín hữu Galát đã nhận lãnh được qua lời rao giảng của thánh Phaolô. Thánh Phaolô đối chọi qúa khứ nô lệ với cuộc sống tự do, mà tín hữu đã có được sau khi gặp gỡ ngài và được ngài dẫn tới Chúa Kitô (4,12-20). Mối liên hệ thân tình giữa thánh nhân và tín hữu bắt đầu từ đó, nhưng giờ đây sự ”xa mặt” đang trở thành việc ”cách lòng” và đổ vỡ. Người bạn, mà họ sẵn sàng móc mắt để cho, giờ đây bị họ coi là thù địch (4,15-16). Các con cái thiêng liêng, mà thánh Phaolô đã đau đớn cho chào đời trong lòng tin, giờ đây đang bỏ ngài (4,19).

 

Chương 4 tiếp nối với các lý chứng kinh thánh tập trung trên gương mặt của hai phụ nữ có liên hệ với tổ phụ Abraham là Agar và Sarah cùng với hai con của các bà là Ismael và Igiaác. Qua các công thức trích dẫn kinh thánh (4,21.22.27.30), thánh Phaolô dùng kiểu chú giải ám tỷ, để kết luận đề tài tự do. Ngài khuyến khích tín hữu Galát đừng quay trở về kiếp sống nô lệ trước khi biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa.

Phần thứ ba của thư 5,13-6,10 gồm một chuỗi các lời nhắn nhủ có hình thái công thức dọn sẵn. Thánh Phaolô cố ý loại trừ mọi hiểu lầm có thể xảy ra liên quan tới ý niệm tự do kitô, và gắn liền tự do với bác ái yêu thương. Sống tự do là sống yêu mến tha nhân chứ không phải chiều theo tính ích kỷ xác thịt. Các câu khuyến dụ đều ở thể sai khiến và thánh Phaolô kê khai ra hai danh sách các hiệu qủa của hai cuộc sống khác nhau: cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo lòng tin và theo Thần Khí, kèm theo viễn tượng thưởng phạt của thời cánh chung (5,21b; 6,7-9).

Phần kết luận thư 6,11-18, khẳng định rằng chính tay thánh nhân viết cho họ, tóm tắt đề tài và kết thúc với lời chúc lành thường lệ.

 

Đức Ông Linh-Tiến-Khải

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.